vu lan kính dâng cha mẹ

Thảo luận trong 'Văn-Tuyển' bắt đầu bởi huethopghh, 6/1/12.

  1. huethopghh

    huethopghh New Member

    VU LAN KÍNH DÂNG CHA MẸ

    Cứ mỗi độ thu sang, khi gió lạnh làm những chiếc lá vàng phải lìa cành. Ai cũng biết Thu đến. Gió Thu mang cái se lạnh về trên đất nước Việt Nam nói chung và đem những cơn mưa đầu mùa đến vùng đất tận cùng phía Nam đất nước – mũi Cà Mau nói riêng. Và năm nào cũng vậy, những cơn mưa báo hiệu mùa Vu Lan đã đến. Ngày mà những đóa hoa tươi thắm nở trên vai của những ai may mắn còn cha mẹ, và những cánh hoa trắng nhạt cũng nở trên vai của những người đã không còn cha mẹ trong cuộc đời.

    Hằng năm mỗi dịp vu lan là nhắc nhở người Phật Tử và tín đồ PGHH thêm một lần tạc dạ ghi lòng, một thành tựu công quả rất lớn lao trong lịch sử Phật Giáo, kết hợp giữa Thế Tôn- Đại Hiếu Mục Kiền Liên và Chư Tăng.

    Trong quá trình sanh tiền Phật Tử Thanh Đề vì phiền não tư kỷ đã phạm trọng tội khinh thường Tam Bảo, phỉ báng chư Tăng, tương đương với tội ngũ nghịch đại ác, khi lâm chung hồn bà đọa vào vô gián ngục.

    Sau khi chính mắt trông thấy hình phạt mà mẹ đang từng giờ phút gánh chịu chốn âm cung, Đệ Nhất Thần Thông Đại Đức Mục Kiền Liên cảm thấy oai đức của mình quá bé nhỏ trước đại hình của mẹ nên khẩn cầu sự cứu độ của Thế Tôn.

    Tuân thủ giáo án tuyệt vời của Đức Thích Ca, Ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên chọn ngày rằm tháng bảy thiết trai đàn nhờ chư Tăng trì tụng kinh siêu độ cho mẹ. Kết quả là hồn mẹ Ngài được thăng hóa lên cõi Trời Đao Lợi. Từ ấy, rằm tháng bảy được xem là ngày tự tứ, ngày xá tội vong nhân, ngày Vu Lan báo hiếu .v.v.

    Thành tựu Phật pháp vừa kể cho ta một khái niệm chuẩn xác nhất từ phương pháp của Thích Ca Mâu Ni, từ tấm lòng hiếu hạnh chân thành của Đại Đức Mục Kiền Liên, từ tâm đức thành khẩn của chư Tăng chú nguyện, và cũng phải từ sự giác tỉnh, gội rửa đúng lúc của bà Thanh Đề. Kế truyền phương pháp tuyệt vời ấy ta hãy lắng nghe Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy tín đồ phải biết làm gì để báo hiếu cho Cha Mẹ đã qua đời:

    “Muốn cho tội lỗi mòn tiêu,

    Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay.
    Mục- Liên cứu mẹ bằng nay
    Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ- bi’’


    Ngày nay vẫn vậy, mỗi khi Vu Lan về, Phật Tử trên toàn thế giới nói chung và người tín đồ PGHH nói riêng đều phát nguyện giữ chay giới, phóng sanh, bố thí, tạo tác phước duyên, tụng Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh và hồi hướng công đức cầu nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, cha mẹ như lời Đức Thầy dạy bảo:

    Lúc sanh tiền ..."Ráng cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh-hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh thoát đọa trầm- uân…’’

    Mùa Vu Lan 2010 năm nay, theo thư yêu cầu của ông Nguyễn Văn Mên – Chủ Tịch Hội Người Cao Tuổi và ông Lưu Văn Minh – Phó Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc thị trấn Cái Đôi Vàm – huyện Tân Phú – tỉnh Cà Mau, đến các tín đồ PGHH và đại diện là cư sĩ Huệ Thọ tại bế Đu Đủ - phường Phước Thới - Ômôn - (Cần Thơ). . Được xem quý cụ như cha mẹ, nhân mùa vu lan báo hiếu nguyện mang 500 chiếc áo ấm và quà vật kính tặng như một sự chăm sóc thân thương trong lúc cha mẹ còn sanh tiền, với lời cầu nguyện cho cha mẹ luôn sống đời với các con trong tinh thần phát tâm hành thiện.

    Địa danh 'Cái Đôi Vàm, - huyện Phú Tân cách trung tâm Cà Mau khoản 70km đúng nghĩa với cái vùng “nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá”. Cuộc sống của người dân quanh năm đầu tắt, mặt tối .. Nhưng vẫn không đủ cái ăn, cái mặc. Đất nước còn nghèo, người dân còn khó khăn. Phật đã dạy khi sinh ra trong cuộc đời này thì ai cũng phải khổ. Nhưng mỗi người có mỗi cái khổ và thiếu thốn khác nhau. Ai cũng nghèo, cũng khổ nhưng người người được gần gũi với đạo tràng của cư sĩ Huệ Thọ - Minh Thiện đều được thẩm thấu giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, đều biết học Phật, tu Nhân, đều biết nhìn lại sau lưng mình. Ngạn ngữ Phương đông có câu :

    “Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu”.

    Ngàn vàng cũng khó mua được một cái quay đầu nhìn lại.. Và chúng ta, Mỗi người Phật Tử nói chung, người con Việt Nam nói riêng đều cần một cái quay đầu nhìn về phía sau để thấy được cuộc đời là vô thường, Ta Bà là biển khổ, để sớm quay đầu tìm một sự giải thoát. Đó mới chính là mục tiêu và là mục đích mà bài viết này muốn nói lên, cũng như hành động mà cư sĩ Huệ Thọ cùng các tín đồ PGHH muốn mọi người thấu hiểu, không phải là giá trị của vật chất, mà là giá trị của những tâm hồn, của lòng từ bi hướng đến giải thoát.

    Những phần quà mang đền cho 500 cụ, dù là chẳng quen trước hoặc chẳng họ hàng thân thích, nhưng mọi người đã đến với nhau, cầm tay nhau và trao nhưng món quà như dâng lên cha mẹ của chính mình nhân mùa Vu Lan hiếu để. Tất cả đều là ông bà, cha mẹ, đều là thành viên trong một mái gia đình lớn. Dẹp bỏ đi hết cái tâm phân biệt để cùng nhau san sẻ cho vơi bớt cái khổ của cỏi Ta Bà!.

    Snáo nức chờ đợi để nhận được những phần quà từ người mặc dủ chẳng đáng là bao, nhưng ẩn bên trong đó là cả một khối tình thương đại đồng...Những người cha, người mẹ của xứ biển bộc lộ niềm hạnh phúc đến rơi nước mắt khi được những đứa con xa lạ trao cho chiếc áo ấm, chai dầu… Họ cảm nhận được không chỉ cái niềm vui vì ngày mai đây không còn lạnh run vì gió biển, mà còn vui và hạnh phúc vì năm nay được đón những đứa con xa lạ báo hiếu trong mùa Vu Lan. Phải chăng, hoa hồng hay hoa trắng đều chẳng còn quan trọng nữa. Vì tất cả chúng ta đều là một gia đình, đều là những đứa con lạc bước, lầm lỡ của chư Phật.

    Chúng tôi tin rằng, những người cha, người mẹ khi mặc được chiếc áo ấm này, không chỉ nhận được cái ấm ngoài da thịt, cái ấm trong lòng mà còn luôn được sống an lạc trong sự che chở, yêu thương và lòng từ bi bao la của chư Phật. Qua đó mà nhận rõ sự đau khổ, vô thường của cuộc đời để một lần nhìn lại, tìm về với Phật pháp, tìm về với Cực Lạc Thế Giới nơi mà đấng từ phụ A Di Đà Phật đang mong chờ.

    Cũng nhân mùa Vu Lan xin hướng về Tam Bảo, Cửu Huyền Thất Tổ và cha mẹ nguyện hồi hướng công đức trang nghiêm Phật Tịnh Độ. Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu ba đường khổ. Nguyện cho ai đọc, thấy, nghe, nhận đều hoan hỷ phát tâm Bồ Đề kiên cố và nguyện cho tận hư không biến pháp giới chúng sanh đồng sinh về Cực Lạc.

    Tuệ Đức
    Sài Gòn ngày 10-9 2010
     

Chia sẻ trang này