VẠCH TRẦN SAI TRÁI CỦA “THAIMATUNG” MỘT “THẾ THÂN” MẠO NHẬN ***Kính mời quí độc giả hãy làm trọng tài cho cuộc tranh luận giữa chúng tôi với “thai ma tung” một cư dân mạng, mạo danh là tín đồ PGHH cùng bàn về đĩa ”Vấn đáp” của Thích Phước Tiến. Thưa quí vị, - Mục đích của Đạo Phật là đạt Từ Bi và Trí Huệ. - Nghĩa vụ của người tu Phật là “Khử tà hưng chánh” - Bổn phận của nhà tu là hành xử thật thà, ngay chánh. Và: - Mục đích của Đạo Nhân là đạt Hiền Đức, Hiếu Trung. - Nghĩa vụ của môn đồ Khổng Tử là “Chánh kỷ hóa nhân”. - Bổn phận của Nho sinh từng bước trải qua 5 nấc thang: Chánh tâm; Tu thân; Tề gia; Trị quốc; Bình thiên hạ. - Vậy Đạo Phật và Đạo Nhân đều lấy việc phục hồi cái tâm “Thật thà ngay chánh” làm sự khởi đầu nhập môn… Bất kỳ kẻ nào có biểu hiện “không thật” được xem là hạng ngoài tín ngưỡng chân chánh, dù kẻ ấy có tự xưng là tín đồ của Tông phái nào. Trong việc tranh luận về Tôn giáo, qui luật lại càng khắt khe hơn, vì nó rất ảnh hưởng đến công chúng về tư duy và chánh kiến. Gần đây, tôi nhận được một bài viết của người tự xưng“tín đồ HH” có tên email là “thaimatung”. Nội dung biểu hiện sự đồng quan điểm với TPT trong “kỳ Phật pháp vấn đáp 25”(2014) và trá hình chống báng đạo PGHH. Đây là sự kiện lạ “đột phá” chưa từng diễn ra trong cộng đồng PGHH. Vì vậy việc xác định thành phần xuất xứ của kẻ nầy thật giả ra sao, là việc không thể thiếu. 1. Nếu tác giả “thaimatung” là tín đồ PGHH thật, thì hắn thuộc hạng “Bội sư, phản giáo” độc nhất. Vì là đồng đạo mà anh ta giầy bừa những người đang tích cực thực hiện điều chính nghĩa, những người đang nỗ lực gia cố sự ổn định tình đoàn kết trong cộng đồng tín ngưỡng trong và ngoài nước. Còn dùng cách chơi chữ rất trịch thượng, dám phỉ báng tôn danh PGHH. Hắn sửa từ “Hòa Hảo” thành Hòa “Hỏa” đến 13 lần và 4 lần viết từ tôn xưng Đức Thầy bằng chữ viết thường “đức thầy”. Còn tố cáo “Đoàn thể chúng ta gây biết bao tang thương cho Phật Giáo” (trích nguyên văn). 2. Giả thuyết thứ 2 đáng tin cậy hơn, có đủ chứng cứ kết luận “thaimatung” là kẻ ngoại đạo mạo danh. Là một “thế thân” tự nguyện nhảy vào giả vờ tín đồ PGHH để tạo xung đột nội bộ, rõ nét từ câu đầu đến câu cuối có nhiều biểu hiện bất chánh. Mở đầu cách tự xưng lấy cớ “Mặc dù tôi cũng là tín đồ HH” và bút hiệu sau cùng mạo xưng là “Một tín đồ trung thành Đạo Hòa Hỏa”.Còn về nội dung thì vô cùng gian trá đầy thủ thuật. Chúng ta sẽ từ từ vạch trần chi tiết theo sau. Đúng ra tay này không xứng để ta tranh luận. Nhưng dù sao cũng bổ ích ở chỗ có dịp để chúng ta đào sâu về mục “vấn đáp kỳ 25” hấp dẫn hơn do cách “làm bàn” của “thaimatung”. Chỉ tội nghiệp cho nhà sư TPT lại rơi vào hội chứng “Họa vô đơn chí”. Nhà cháy mà có người thân lại cứ đổ thêm dầu. Chắc ngài “pháp sư” phải “kêu Trời như bọng” bởi tác động sóng ngầm. Vì hiện tượng “chọi đá” đâu phải chỉ vài người hay một ngày một bửa mà là hàng loạt và hằng tháng hằng năm, hiện có biết bao đồng đạo đang bức xúc “dộm dộm” muốn nhảy vào. E rằng phen này không đủ “đá” để tạm ứng. Mở đầu tựa đề tác giả xưng hô sai tôn danh “Hòa hỏa” lại còn áp đặt việc “Thích Phước Tiến bị xúc phạm”. Ai xúc phạm ai, công luận đã rõ không cần ngụy biện. Đạo PGHH và PGVN tuy cùng tông phái Đạo Phật nhưng từ lâu “Nước sông không phạm nước giếng”. Người tín đồ PGHH có số ít người cũng từng âm thầm xem đĩa nhà sư Thích Phước Tiến cách đây vài năm (2012), ông ta thuyết giảng có lúc cũng “bộc đít” Đạo PGHH, đôi khi có nói “Thiên cơ” (Hãy tìm đĩa “Đi tìm chốn bình an TPT, 2012 nghe thử). Có lẽ ông ta muốn “câu khách” chăng? Nhưng nay bỗng không lại xuyên tạc lịch sử đạo PGHH và đạo Cao Đài vô cớ. Thật là lòng người khó đoán! Làm sao không khiến người tín đồ PGHH phải phẫn nộ, đó là phản ứng hết sức tự nhiên. Tuy có nặng lời do thái độ quá khích của nhà sư.Tất nhiên sức dội của nhân quả phải đối trọng cho tương xứng thích nghi chứ. Đó là loại “văn hóa phản biện” chứ không phải xúc phạm. Có xúc phạm chăng là nhà sư đã phạmThánh đối với hai vị Giáo chủ PGHH và Đạo Cao Đài. - Tiếp theo “thaimatung” kết tội rằng: “một số tín đồ Đạo Hòa Hảo đã có lời lẽ lăng mạ, sỉ nhục nhà sư Phật Giáo”. Xin thưa “Lăng mạ, sỉ nhục” trường hợp này, tác giả đã dùng sai đối tượng và ngữ nghĩa. Khi nào vô cớ chỉ trích, bêu xấu tôn giáo khác, Giáo chủ khác, tín đồ đạo khác… mới đúng nghĩa là “lăng mạ, sỉ nhục”. Còn phản ứng đòi công đạo khi bị nhà sư công khai kiếm chuyện ngang xương phỉ báng Đạo mình. Đó là cách đối phó hợp pháp và hợp đạo lý, là việc kẻ biết lý lẽ nên làm. Tuy nhiên sự biểu hiện có nặng nhẹ tùy cá tính và văn cảnh đối đãi của từng người. - Tác giả viết “Mặc dù tôi là tín đồ HH… nhưng tôi cũng có nhiều điểm đồng tình mà không có cách nghĩ như một số bạn đồng đạo”. Câu nầy thật trái ngang cho nhân tình thế thái. Thuở đời, bị nhà sư bôi bác Tôn giáo mình, mà đồng tình với nhà sư, thì nhân cách ra sao? Nếu không phải là “Bội sư phản giáo”. Còn nữa ông bạn viết: “Đã gọi là Đạo nhưng chúng ta sống không có Đạo là điều sai lầm trầm trọng, mượn đạo để nói thị phi là phi đạo”. Chắc ông bạn đá lộn sân rồi, đoạn nầy ông bạn đã chỉ trích thẳng thái độ và ngôn từ của nhà sư TPT qua đĩa vấn đáp kỳ 25. Do ông sư ấy nói chuyện thị phi vô lối mới bị “chọi đá”, sao thiếu gì sư sãi khác không bị tấn công mà chỉ có Phước Tiến, Thiện Huệ và một số ít khác lại bị phản pháo? - Ông bạn viết tiếp: “Chúng ta nhơn danh đạo “Hòa Hảo” mà không hòa thì làm gì có hảo” Chỗ nầy cần giải thích 2 từ Hảo Hòa cho sát nghĩa. Hòa: là hài hòa, hòa hợp, hòa ái tương thân trên lẽ chánh… Hảo: là tốt đẹp, chín chắn, công bằng, nghĩa hiệp, vô ác, tận thiện, không tổn hại tha nhân…đúng tinh thần tự giác, giác tha. Đó là một phần rất nhỏ của nghĩa Hảo Hòa tích cực phù hợp đạo lý. Còn cái nghĩa Hòa Hảo là: là bạc nhược, yếu hèn để cho kẻ khác ỷ mạnh đè đầu cưỡi cổ, sỉ vả kiểu nào cũng kệ, bất phân tà chánh đúng sai, bất tri thiện ác lợi hại, bất kể nhục vinh của đoàn thể, là Hòa Hảo giả danh. Người tín đồ chơn chánh không có khái niệm tiêu cực đó.Sự phản biện của cộng đồng PGHH gần đây đã thể hiện đúng nghĩa Hòa Hảo theo lời dạy của Chơn sư: “Tánh ngay thẳng ta không dời đổi Dầu tan xương nát thịt chẳng màng.” Hoặc : “Khiếp nhược là cái cớ vong gia” Làm “dậy trời, dậy đất” như vậy mà còn không đủ sức ngăn chận luồng tà khí xâm hại của ngoại đạo, ngoại nhân. Còn chưa dứt tuyệt cái cảnh: Nay sư nầy phỉ báng, mai sãi nọ rếu bêu, rồi các thứ ác của ngoại nhân, cứ luân phiên chỉ trích xuyên tạc không ngừng, khiến cho đảo điên những người mới tỉnh, cho lớp trẻ sợ hãi, đâm ra nghi ngờ truyền thống tín ngưỡng ông cha. Cái kiểu “Tàm thực tín ngưỡng” nguy hại này thật đáng lo ngại! - Đoạn ác ý tiếp theo “thaimatung” lại tung ra cái chiêu trò vừa ru ngủ, vừa tố cáo đe dọa thật hết sức độc hại: “Vì chúng ta còn hiếu chiến, thích tranh cãi, chúng ta chưa phản ảnh đúng tông chỉ của đạo chúng ta là phụ lòng đức thầy…” Cách giả danh “ấu trĩ” này thật quá lạc hậu! Thế nào là hiếu chiến: là kẻ ỷ mạnh, ỷ đông với tham vọng độc quyền bá chủ Tôn giáo, thường mưu đồ gây hấn nhạo báng khinh thường các tôn giáo khác, mới thật là kẻ hiếu chiến. Đạo PGHH suốt chặng đường lịch sử, chỉ có mỗi một phản ứng tự vệ cho khỏi bị diệt vong mà còn trở tay không kịp. Còn năng lượng nào đủ mạnh đủ sức để đi “hiếu chiến’ với ai. Không thể dùng từ hiếu chiến đối với PGHH được. Một Tôn giáo tuy rất chánh chơn, nhưng nổi tiếng “bị đì” vì bản chất trong sạch thẳng ngay, không xu phụng bất cứ quyền lực thế gian nào. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã biết trước và dặn dò phải nỗ lực: “Dầu cho lăng lóc rán kiên trinh” Còn việc “Thích tranh cãi” ôi chán ngấy! Tranh cãi sướng lắm sao mà thích! Bất đắc dĩ phải cất lên tiếng “gào thét” như tiếng vọng giữa rừng hoang,“la làng” còn chưa thấu đếnTrời cao. Có ai chịu lắng nghe đâu mà tranh với cãi. Mới viết đơn kiện ông sư nầy chưa ráo mực, thì ông sãi nọ nổi lên khiêu khích; nhà văn nầy vừa đào tẩu, thì bồi bút nọ quấy rối. Hết trong nước tả tơi, còn lấn chiếm “thị phần” nơi hải ngoại, từ Á sang Âu, từ Phi sang Mỹ… nơi nào cũng có sẵn những kẻ lung lăng theo chọc rối Đạo PGHH tơi bời. - Thaimatung cho rằng TPT trả lời: “Về nội dung không có gì để gây chuyện om xòm như thế, vì đó là cách nhìn khách quan của người ngoại đạo mà thôi, rất có thể chúng ta là người “có tật thì hay giật mình” Mạo danh là tín đồ PGHH, khi nghe nhà sư công khai miệt thị Giáo chủ của mình, họ còn xem sự nghiệp Đạo mình như một sư lượm lặt lấp ghép do “một người nào đó đứng ra tổ chức… Nó thuộc về cái dạng tổng hợp…Thật sự nói mới mà không mới gì cả… Họ là những cái tập hợp nhất thời trong một cái để rồi gắn một cái tên mới mà thôi”. Vậy mà “thaimatung” cho rằng không đáng để phản ứng om xòm! Ngoài ra TPT còn “Dùng đèn dầu chống lại thái dương” đem cái biết “lập lòe đôm đốm” của kẻ phàm tăng tật đố để chê Phật, khinh Thần, bằng cái kiểu bài bác trịch thượng về sự kiện Hội Long Hoa, và xúc phạm nghiêm trọng đến các vị chủ xướng về thuyết Hội Long Hoa là “lợi dụng từ ngữ để mê hoặc”. Đúng danh nghĩa Hội Long Hoa là một cảnh giới Bồng Lai tại thế vô cùng thanh thao, tú lịch mà cả hệ phái BSKH và Cao Đài Giáo có sứ mạng truyền Thông điệp gấp rút đến nhân loại trong thời Mạt pháp. Các vị Giáo chủ và cộng đồng Tam giáo từ lâu đã đồng loạt lâm phàm, nỗ lực bằng nhiều phương tiện hóa chúng, nhằm đào tạo người Hiền Đức, Hiếu Trung đủ điều kiện tham dự Đại hội Phật Tiên, sau cuộc đại biến thiên toàn diện bề mặt Địa cầu, đã quá cằn cỗi ô nhiễm như nay, do “Lòng người quá xấu, địa hình quá dơ. Nay nhằm lúc ban sơ lập lại. Khó tránh ngày có đại biến di.” Đúng ra khuôn khổ bài phản biện này tự nó đã quá tải, không cho phép lấn sang lý giải về Hội Long Hoa. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ tạm đặt vấn đề xuất xứ bộ kinh Di Lặc mà “thiền sư” TPT dựa vào để bài bác hai vị chủ xướng của tôn giáo Cao Đài và PGHH về khái niệm Hội Long Hoa: Thứ nhứt: Bộ kinh này có nguyên bản từ Ấn Độ hay từ Trung Quốc và bản dịch tiếng Việt do vị sư hay học giả nào đã chuyển ngữ? bộ kinh ấy đã có mặt tại Việt Nam thời điểm nào? Thứ hai:Theo chúng tôi được biết Ngài Bồ Tát Di Lặc là đại đệ tử cùng thời với Ngài Ma Ha Ca Diếp, Ngài Mục Kiền Liên…của Đức Phật Thich Ca. Lúc bấy giờ Ngài Di Lặc có luận bộ Duy Thức Luận... Nhưng không có viết bộ Di Lặc thượng hạ sanh. Vậy bộ Di Lặc chắc chắn xuất hiện ở Trung Hoa sau thời kỳ Đức Di Lặc tịch diệt hơn ngàn năm, sau thời điểm Ngài Trần Huyền Trang (đời Đường) sang Ấn Độ nghiên cứu kinh Duy Thức. Tôi còn nghe thêm một truyền thuyết nữa là bộ Di Lặc xuất hiện từ “một tiếng nổ lớn giữa không trung rơi xuống trên Hoa Lục”, nên xuất xứ hoàn toàn bí mật. Thứ ba: Nếu đem so sự xuất hiện bộ kinh Di Lặc do truyền thuyết kể lại, với bộ Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH có lai lịch từ 1939. Và bộ Đại thừa Chơn giáo, Thánh ngôn Hiệp Tuyển và các kinh khác trong Pháp Chánh Truyền của Đức Hộ Pháp đạo Cao Đài hồi 1926. Hai bộ sấm kinh của PGHH và đạo Cao Đài đều luận tương tự nhau về cơ tận thế và Hội Long Hoa vô cùng gấp rút theo biến chuyển cục diện thế giới trong ngày một ngày hai. Khác xa những tiên đoán trong kinh Di Lặc bên Trung Quốc. Vậy nếu phải chọn một trong hai nguồn kinh điển thì chúng ta tin vào cơ sở nào chắc chắn có tính thuyết phục hơn? (Hẹn kỳ sau sẽ luận giải chi tiết). Nếu mọi kiến thức có liên quan đến Hội Long Hoa, mà những người “mù rờ voi” chưa kiến hòa đồng giải được thì đường ai nấy đi. Cớ gì ông Tiến lại lớn giọng chủ quan phát ngôn bừa bãi xâm hại tín ngưỡng tôn giáo người ta. Đương nhiên phải bị phản ứng mạnh là lý do chánh đáng rồi, sao bạn “thaimatung gọi là“ om xòm”? Ý câu “có tật hay giật mình” là bạn ám chỉ kẻ nào. Chứ chúng tôi chẳng những không giựt mình mà còn tỏ ra bản lĩnh liền “tra vấn nhà sư” và công khai vạch mặt kẻ mạo danh “tín đồ HH” nhào vô bênh vực cái sai lầm, gây nhiễu loạn nội bộ mới đúng là kẻ “khuyết tật vong sư” giựt mình sợ hãi, chính là bạn đấy! Còn nền Đạo PGHH thì tất nhiên là toàn hảo từ lúc mới khai sáng cho đến bây giờ. - Thaimatung cho rằng “Nhà sư kia không có dùng lời lẽ thô tục, chỉ có ngôn từ cứng cỏi một chút”. Nhà sư trên diễn đàn múa men la lối, miệt thị Tôn giáo người khác cẩu thả như vậy mà không thô tục, thì phải đến “mửng” nào mới gọi là thô tục, “chửi thề” chăng? Nói ẩu, nói càn, nói sân nộ, tà kiến…mà cho rằng cứng cỏi. Bị bắt lỗi cứng mồm thì có!. Nếu nói sự phản ứng mạnh mẽ của tín đồ PGHH có ngay thẳng cứng rắn thì còn có chỗ dễ nghe hơn, không có gì gọi là chửi bới cả. Tâm tánh biết ưa cái thiện ghét cái ác, khử cái sai bênh vực cái đúng là biết học theo nết hạnh Thánh Hiền, đó là thói quen rất tốt khó rèn tập của kẻ tu hành chơn chánh. Dùng văn bản phản biện bằng cách giải thích, lý luận, chứng minh dựa vào kinh giảng và thực tế khách quan, khiến kẻ sai lầm không thể biện minh chối cãi được, chính là thủ thuật phản ứng rất khoa học và bài bản. Tại sao gọi là “phản ứng càn”. Ngược lại “thai ma tung” nhào vô làm càn cho nhà sư thêm một lần nữa gặp tai họa mới đáng gọi là kẻ cuồng tín, mù quáng “viết càn” cho thành thảm họa kép. Nếu nhà sư bị xúc phạm oan ức, vẫn còn cơ hội biện minh để đòi lại công lý, mới thật sự “quang minh chánh đại”. Đâu đến lượt “thai ma tung” phải nhảy vô làm “vật tế thần” cho oan uổng thế này!. Nói về lãnh vực nghiên cứu, gần 80 năm qua không có Học giả, nhà nghiên cứu nào chơn chánh mà không thán phục và ca ngợi Đức Huỳnh Giáo Chủ và triết lý PGHH. Một chứng minh hùng hồn là bộ Tự Điển Bách Khoa Anh Quốc Encyclopaedia Britanica đã ca tụng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một “Triết gia Việt Nam là vị Giáo Chủ 20 tuổi trẻ nhất thế giới”. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, Việt Nam có hàng vạn tăng sư có vị nào được lọt vào topten danh giá bậc nhất ấy chưa? Bất kỳ nhà nghiên cứu nào chỉ trích Đức Huỳnh Giáo Chủ và PGHH đều là kẻ lạc lõng, lội ngược dòng chống lại tinh hoa nhân loại. Sau đây, chính là phần trọng tâm 4 điểm lộ rõ bản chất thật của “thaimatung”: 1/. Thaimatung viết “Nhà sư kia khẳng định đạo Hòa Hảo không phải Phật Giáo, nhất là Phật Giáo VN. Theo tôi được hiểu là, sở dĩ nhà sư kia nói không phải Phật giáo, vì chúng ta chưa từng gia nhập hội Phật Giáo Việt Nam, cũng chưa được công nhận là Phật Giáo VN. Vả lại chúng ta không thờ Phật, không có tăng bảo thì làm sao đủ những điều kiện cần và đủ để gọi là Đạo Phật”. Rất tiếc đây là cách viết của kẻ nặc danh, không căn cước lý lịch. Nếu thật sự nhà sưTPT phát biểu kiểu nầy thì danh sách phản biện sẽ được nối dài còn hơn “sớ Táo quân”. Này “thaimatung”! suy nghĩ của ông bạn là một sáng kiến ngược ngạo rất đột phá đấy! Ai đời! Một Tôn phái Phật Giáo có pháp nhân đầy đủ như PGHH lại phải gia nhập với PGVN ngang hàng không hơn không kém về tư cách. Giống kiểu tái cơ cấu sáp nhập giữa 2 tập đoàn kinh tế do làm ăn thua lỗ. Nếu ông quá mong muốn, tôi sẽ đưa ra một luật lệ công bằng trong hợp tác. Tôn phái nào hội đủ điều kiện cao nhất sẽ làm “chủ tịch tập đoàn”. Ví dụ: Phật Giáo Hòa Hảo hội đủ 8 điều kiện như đã nêu trong bài “Nộ khí nhà sư…” Vậy PGVN có đạt đủ 8 tiêu chuẩn đó không? Chẳng hạn PGHH có Giáo chủ khai sáng Đạo tại Việt Nam hồi 1939. Tôn giáo nào cũng phải có giáo chủ cả. Vậy Giáo chủ sáng lập ra PGVN là đấng cứu thế nào? Đừng trả lời là Đức Phật Thích Ca nhe! Vì Ngài là Giáo Chủ Ta Bà. Nếu như không có Giáo chủ, có thể giới thiệu vị Tổ sư đắc đạo, được truyền thừa y bát cũng được, đó là bậc Thánh Tổ nào? Ngày tháng năm khai sáng và Tổ đình nơi khai cơ lập giáo, là Thánh địa PGVN ở Tỉnh, TP, vùng miền nào trên lãnh thổ VN? Rồi nghi thức thờ phượng bài nguyện và sự cúng lạy dành cho Phật tử tại gia có ghi rõ ràng trong Tông chỉ bài bản như của đạo PGHH? Nếu PGVN không đủ những yếu tố căn bản nêu trên, thì khi sáp nhập chung, nhất định PGHH phải là “chủ tịch tập đoàn” lãnh đạo điều hành PGVN theo lẽ công bằng. Liệu “thaimatung” có thể thuyết phục PGVN nhận chịu không? PGHH sao lại cần được công nhận là PGVN lảng nhách vậy? Có điều cần chú ý để phân biệt rõ nét là PGHH được khai sáng tại Việt Nam. Còn PGVN không biết được khai sáng ở nước nào đó thôi! Riêng việc Thờ Tam Bảo tôi đã có trình bày cụ thể trong bài “Nộ khí của nhà sư…” bạn đã có đọc rồi. Chỉ bàn bổ sung thêm vụ “Tăng bảo” cho rõ. PGHH đã có thờ bức Trần Dà tượng trưng ngôi Tam Bảo, tức đã có Tăng bảo (Thánh Tăng). Cần phân biệt rõ: Tăng Bảo là những vị Thánh tăng đã chứng từ A La Hán trở lên, mới đủ đức hạnh cùng an vị với Phật, Pháp nơi ngôi TAM BẢO. Không nên hiểu lẫn lộn với phàm tăng, chơn tăng chỉ là hạng tín đồ tu chùa về hình tướng, chứ thực chất không hẳn đã đủ điều kiện đức hạnh như Tăng sư thời chánh pháp. Vì vậy, nếu tín đồ PGHH có tuân thủ nghiêm giới luật trong sạch và hành trì tin tấn có khác gì chơn tăng xuất gia. Ngày nay nhiều kẻ “tay ngang” cạo đầu mặc áo cà sa không ít. Tín đồ PGHH cũng được quyền mặc áo vạc miễn. Có thể dựa vào áo để gọi là tăng bảo được sao? Còn sở dĩ Đức Huỳnh Giáo Chủ không cho đệ tử xuất gia, vì hiện nay tu chùa rất khó tránh mắc nợ Đàn Na, vả lại ở chùa sẽ không có cơ hội hành sử Tứ Ân trọn vẹn. Trong Đạo PGHH, trừ tôi ra đã có rất nhiều tín đồ chơn tu giới hạnh tự giác, giác tha rất thanh tịnh kiên trì, song toàn phước huệ không thua gì tăng sư tu hành chân chánh thời trước. Vậy hiện nay về mặt tinh thần thì tại gia hay xuất gia đều có giá trị ngang nhau ở chỗ có “chánh kiến và quyết rửa lòng trong sạch” hay không? Tóm lại, thờ Tam Bảo không riêng chỉ có thờ tượng cốt; tăng đúng nghĩa không phải chỉ có kẻ mặc áo cà sa; Tu Phật không riêng là người ở Chùa . Vì ai cũng có tâm Phật “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Vậy kẻ biết làm theo lời Phật dạy, lời Thầy cảnh tỉnh giác ngộ và biết tìm kiếm chân tánh của mình một cách chân thành, đều là tín đồ nhà Phật, dù ở bất cứ Tông phái Phật giáo nào. Xuất gia hay tại gia đều được đánh giá nơi đức hạnh và giới luật. “Tu trong bụng đừng tu ngoài áo. Đạo tại tâm chớ đạo tại mồm” 2/. Đến câu hai sẽ có đáp án gọn hơn, chỉ cần bàn kỹ vấn đề “tỉnh lược trong văn nói” là xong. Bạn “thaimatung” cũng siêng so sánh chứng minh đấy! Bạn chớ lắm lời, lát sau sẽ hay. Phép giản lược trong văn nói hay văn viết đều có tính ngoại lệ, nhưng căn bản là phải tùy thái độ lúc phát ngôn lúc viết. Tỉnh lược là trạng thái chọn lọc có sự tham gia của lý trí chứ không do cảm tính. Cổ nhân nói “giận mất khôn” thế nên “tỉnh lược” lúc mất khôn là biểu hiện thái độ miệt thị, hủy báng…rất cộc lốc khó nghe. Chỗ chúng tôi bắt lỗi nhà sư là chỗ đó. Chứ không phải nhỏ mọn, hay không hiểu. Ông sư lúc phát ra danh từ “Hòa Hảo” bằng động thái múa men, trợn trừng, lớn tiếng là đã thiếu vắng sự giám sát của lý trí và nhẫn nhục. Lúc đó nếu ổng đừng tỉnh lược âm thanh 4 chữ thành 2 chữ sẽ hạn chế sự cộc cằn, ít lộ chân tướng khó coi. Ví dụ: Danh từ Đức Phật, Đức Ngọc Đế, khi tối lược chỉ còn mỗi vị một chữ Trời và Phật. Lúc thành khẩn họ vái Trời, Phật hộ độ cho con, nghe rất dễ thương. Nhưng rồi cũng với 2 danh từ đó, phát lên lúc sân si sẽ trở thành tội lỗi nặng nề như câu: “Trời Phật ngó xuống mà coi!”. Ví dụ tiếp trường hợp ông sư: đều dùng 2 từ đã giản lược “Hòa Hảo”. Nhưng khi nói lúc tỉnh táo và lúc sân si liền sinh ra hai thứ tội phước khác nhau: -Lúc tỉnh táo ông nói: “Hòa Hảo và Phật Giáo rất có liên quan” -Lúc ông sân : “Hòa Hảo là Hòa Hảo, Phật Giáo là Phật Giáo”. Lập lại hai ba lần tỉnh lược như thế mà trớt quớt do sân nộ gây ra. Chính chúng tôi là tín đồ PGHH, cũng có dùng phép giản lược ngoại lệ còn ngắn hơn nữa như: Đạo Nhà hay Đạo Lành. Nhưng không bao giờ sinh tội lỗi, vì lòng chúng tôi lúc nào cũng tôn kính Đức Thầy và nền Đạo. Đối với PGVN chúng tôi đôi khi cũng gọi Đạo Thiền Lâm, Đạo Phật. Đó là sự thường khi nói tắt nói gọn. Sở dĩ chúng tôi không cho gọi “Hòa Hảo này Hòa Hảo nọ” để giúp các ông nhớ chừng khi nói trước công chúng, nhằm lúc nộ khí đang dâng cao.Trong lòng các ông có xem Đạo PGHH thế nào là tùy, nhưng khi phát ngôn phải lịch sự nghiêm túc nhất là lúc đứng trước màn hình. Hoặc khi viết đừng “tỉnh lược tà tâm” sửa Hòa Hảo thành Hòa “Hỏa”. Bàn thêm với ông chút nữa về sự giản lược. Ông ví dụ câu: “Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Đương nhiên đây là cách gọi tôn xưng khi ngoại giao với Quốc tế. Đích thực là tên của thể chế chính trị của nước Việt Nam, là ngôn ngữ ngoại giao. Còn xưng hô thông dụng là “Nước Việt Nam” có thể gọi là Việt Nam, hay nước Việt, nước Nam, tùy văn cảnh mà gọi đều không sai. Ông không cần ví dụ thừa vì đấy là việc rất phổ cập. Có điều này thuộc sở hữu trách nhiệm của ông. Tôi đề nghị ông giải thích cho minh bạch là: Trong bài “Thân gửi…” ông viết đến 13 lần danh từ “Hòa Hỏa” chứ không phải Hòa Hảo. Điều sai trái nghiêm trọng này do bàn phím của ông bị hư chức năng, hay do tâm ý của ông bị điên đảo hận thù, nếu ông gõ sai 3 lần trở lại dù cố ý tôi cũng châm chế. Nhưng tới 13 lần, chứng tỏ ông thù hận thấu xương đạo chúng tôi có phải không? Hay đây là cách tỉnh lược “Chiêu trò miệt thị” thái độ này mà ông còn đủ tư cách bàn việc đạo lý đúng sai với công luận sao? Đó là chính ông đang làm chuyện “ruồi bu kiến đậu” chứ không ai khác. Ông nên nhớ: “Muốn người khác không biết trừ phi mình đừng làm”. Còn ông đem tôn danh PGHH ra để phân tích từ nào chánh từ nào phụ là phạm thượng vô lễ. Bốn từ ấy đều có giá trị tuyệt đối cao quí, không thể phân tích tào lao như ông được. 3/. Câu 3 nầy cũng không cần trích dẫn mất công dài dòng, chỉ trích gọn một câu là đủ bàn rõ việc: “Vay mượn là cách nói cho việc kế thừa tư tưởng, mượn ý tưởng nhưng có tính sáng tạo, khác với từ đạo văn được gán ghép đầy mưu mô của đồng đạo Châu Lang”. Ông gọi tôi là đồng đạo, ông không thấy thẹn với sách đèn sao? Ông có đạo hay vô đạo có Trời mà biết. Người ta nói “Điếc hay ngóng, ngọng hay nói” không phải chê người khuyết tật, mà nhắc nhở người hay xen vào những việc mình nghe không rõ và nói không rành mà hay làm tài khôn. Ai đồng ý với ông câu “vay mượn là sự kế thừa có sáng tạo khác với đạo văn”. Thật ra ba cặp từ trên không dính líu gì nhau cả. - Vay mượn: là sự thỏa thuận chuyển giao sở hữu tạm thời giữa chủ và khách, đến đáo hạn phải trả lại. Nghĩa bóng là tạm dùng những ý tưởng của người khác trong nhất thời rồi tự mất giá trị (băng hoại). - Kế thừa: là được chuyển giao quyền sở hữu vĩnh viễn những vật chất, hay sự nghiệp tinh thần có hệ thống cấu trúc hoàn chỉnh, người thừa kế có nhiệm vụ duy trì và sử dụng, không yêu cầu sáng tạo. - Đạo văn: là hình thức tự ý trộm cắp thơ văn, hay giáo lý nguyên bản của người khác gắn tên mình công khai. Đức Huỳnh Giáo Chủ không rơi vào 3 trường hợp trên, mà Ngài chính danh có sứ mạng chấn hưng nền Phật Giáo. - Chấn hưng: có nghĩa là khôi phục lại cái đã mất gốc, thất chân truyền. Không vay mượn tạm thời hay thừa kế nguyên xi cái có sẵn và cũng không tự ý sao y bản chánh. Mà hoàn toàn sáng tạo phương tiện mới mẻ thích hợp, khế cơ, khế lý. Không mắc phải 2 khuyết tật “Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan hay ly kinh nhứt tự đồng ma thuyết”. Sự tuyệt vời nầy chỉ có bậc đắc đạo mới đủ Phật trí diệu dụng thích đương. Quyển Sấm Giảng Thi Văn là bộ kinh đặc sắc do Đức Thầy lược tả, là một chứng minh: về hình thức không giống kinh nào, nhưng nội dung gồm đủ tính ba Tam Giáo. Do mất chánh kiến mà cả hai thầy trò TPT và thaimatung đều đánh giá trớt quớt cả, còn bày đặt tài khôn vu oan, giéo họa cho Đức Huỳnh Giáo Chủ “nào vay mượn, nào lấy, nào tập hợp nhất thời, rồi gắn tên mới, hoặc thừa kế…” đủ thứ. Cách phản biện của chúng tôi là lý luận chứng minh rất minh bạch, lô gíc nhằm lý giải sự hiểu lầm của nhà sư. Mà thaimatung cho rằng tôi “gắn ghép mưu mô” còn chụp mũ “háo chiến”, phải chăng bạn là hạng không biết lý lẽ đạo lý. Thiệt thòi cho riêng tôi vẫn không sao. Thaimatung còn mắng lây cộng đồng là “nhẹ dạ, quá khích, tạo hiệu ứng số đông ảo”, xin lỗi, số đông này không ảo đâu. Nếu TPT rêu rao phỉ báng PGHH khắp toàn cầu, thì những bài phản biện cũng lần theo dấu vết ấy mà sửa sai cho ông ta, cũng lan tỏa vòng quanh trái đất không sai địa chỉ. Cái khẩu nghiệp nặng nề của thaimatung là miệt thị những ngòi bút phản biện và độc giả đồng tình là “mơ hồ, mê tín, nô lệ niềm tin thời tiền sử” Giọng điệu nầy quá hung hãn, mê tối và bất lương tri của “Kẻ gian ác khinh người nhân đức” 4/. Đến đoạn cuối cùng “sắc cốt” thaimatung hiện nguyên hình một tay “phản phúc’ đứng hẳn về phía nhà sư, còn quay lại cắn xé Đạo PGHH và đổ tội rằng: “kể cả đạo chúng ta gây biết bao điều tang thương cho Phật Giáo, nhưng không vì điều đó mà họ hành xử theo ơn đền oán trả, trái lại Phật Giáo luôn hóa giải hận thù…nhìn nhau trong ánh mắt thân thiện, hòa hợp, cởi mở, bao dung”. Ối chà! PGVN khéo tạo ra con robot rất có tài quảng cáo ba hoa, tuy rẻ tiền nhưng khá được việc. Thích PhướcTiến đã không tôn trọng Giáo Chủ PGHH mà chỉ hoang hoang gọi trỏng là “một người nào đó”, còn sỉ vả nặng lời với lũ trẻ thơ mới tập tành học nói đạo, và lớn lối với thính chúng hiền lành, mà bạn cho rằng sư nói “thẳng thắn”. Trong khi những người phản biện chánh đáng, dẫu có nặng lời với ông sư ấy cũng chỉ va chạm có lý do giữa phàm tục với nhau mà bạn cho rằng “xúc phạm”. Riêng có điều tôi không sao hiểu về việc “Đạo chúng ta gây biết bao tang thương cho Phật Giáo” đã xảy ra ở đâu và vào tháng năm nào. Bạn dùng từ “tang thương” nghe ghê gớm quá. Lần sau nếu có dịp, bạn nhớ ghi cho tôi bản “thống kê tang thương” cho đầy đủ nhé! Nếu thật sự PGHH đã gây quá thiệt thòi cho PGVN thì chúng ta cũng nên tìm cách bù đắp để khắc phục hậu quả. Đó là việc nên làm mà. Còn về các tàng dư “thân thiện, bao dung, hòa hợp” của PGVN được lược kể dưới đây là biểu hiện gì? như kiêu sinh Thích Thiện Huệ viết luận văn “phạm Thánh” dầy 57 trang, phỉ báng nặng nề PGHH. Chúng tôi yêu cầu xử lý gần 3 năm trời vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Cuốn tự điển Phật Học, viện trưởng Thích Minh Châu viết sai về PGHH rất nghiêm trọng, đến nay vẫn lưu hành không chỉnh sửa, Thích Trí Huệ lên Chùa Vạn Linh núi Cấm xuyên tạc hệ phái BSKH. Thích Phước Tiến bôi nhọ PGHH khắp hoàn cầu…có phải đó là hành vi “tu tâm, dưỡng tánh vì Đạo Phật vốn từ bi, tha thứ bao dung” như thaimatung đã hô hào chăng? Không biết sắp tới PGVN có tiếp tục tặng thêm “ân huệ” lớn lao gì nữa không, để chúng tôi kịp thời chuẩn bị ra “văn bản cảm tạ” mà tri ân cho xứng tầm các nhà sư có công đầu tiêu biểu. Phần cuối bài viết, ông bạn khuyên chúng tôi nên “Chứng minh tính “Hòa Hỏa”. Vâng! Chúng tôi sẽ “hòa ngọn lửa tẩy trần” này để soi sáng cho thế giới âm u của bọn tà ma phá đạo. Nhưng bạn khuyên “đừng vạch lá tìm sâu” thì chắc là không thể, vì sâu rầy mà không bắt, nó sẽ phá nát “vườn hoa đạo” chúng tôi thì khổ lắm. Riêng việc bạn cho hay rằng “Có nhiều người muốn nghiên cứu về đạo chúng ta”. Nghe khủng khiếp quá, nhờ bạn từ chối dùm, bảo mấy cha đi nghiên cứu các đạo khác đi. Chúng tôi sợ lắm cái tầm nhìn của “mấy chả” theo kiểu chá là mắt ếch, “nhìn Phật tưởng Ma, nhìn Ma hóa ra Phật”. Xin cám ơn ý tốt của bạn. Vái Trời cho hai chúng ta đừng đứa nào chết “bất đắc kỳ tử” để còn tiếp tục cuộc tranh luận sôi nổi về vụ Thích Phước Tiến cho ra lẽ chánh tà! Chúc bạn luôn được bình an, để rảnh rang đi vu oan cho Đạo chánh của mình! Đồng Tháp, ngày 01/12/2015 Châu Lang