Vài nét về ý nghĩa kỷ niệm ngày vắng mặt của đức huỳnh giáo chủ pghh

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Ngoctruc, 28/7/16.

  1. Ngoctruc

    Ngoctruc Member

    VÀI NÉT VỀ Ý NGHĨA KỶ NIỆM NGÀY VẮNG MẶT CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PGHH (25/2 Âl, NHUẦN NĂM ĐINH HỢI (1947)

    --oOo--

    Kính thưa quí nhân sĩ,
    Kính thưa quí đồng đạo PGHH trong và ngoài nước kính mến,
    Thưa toàn thể quí vị,

    Hè mãn, Thu sang, Đông tàn, Xuân đáo… thời gian trầm lặng trôi đi. Bấm đốt tay tính lại thời gian đã trãi qua nhiều chục năm mai nỡ rồi tàn, cũng với những mùa xuân đau thương buồn thảm, đã bao lần biến cố thăng trầm, biết bao người trồi sụp tang thương! Biết bao nhiêu bãi bể hoá nương dâu, biết bao phen sao dời vật đổi. Nhưng những dấu ấn lịch sử đau thương vùng chiến khu Đồng Tháp năm nào…vẫn không thể xóa nhòa trong ký ức của những người con yêu Đạo, kính Thầy, với những nhớ nhung da diết của hằng triệu con tim tín đồ PHẬT GIÁO HOÀ HẢO cứ mỗi lần tiết xuân phân là mỗi lần tái hiện ánh chơn quang rực rỡ của đấng cứu thế nhân từ...và gợi lên trong chúng ta một hình dung cao cả của Nhà Chí Sĩ trì chí của phong trào giải phóng dân tộc. Đặc biệt nhứt là phong thái điềm tỉnh trang nghiêm ung dung tự tại của nhà cách mạng Ủy Viên Đặc Biệt Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ. Ngài đã biết rõ dã tâm và âm mưu gian trá của đối phương… song đây là trương hợp “chẳng đặng dừng” nên Ngài cất tiếng than rằng “sao mà khổ quá, nếu đi thì đồng bào chết ít, bằng không đi thì đồng bào chết nhiều!”. Nên Ngài sẳn sàng chấp nhận chuyến đi “Phó Hội” đầy gian lao nguy hiểm có dấu hiệu nguy cơ rất lớn, tai hoạ sát thân rất có khả năng! được tổ chức đơn sơ ngoại lệ trong vùng lầy lội hoang vu heo hút, chỉ còn nghe được tiếng gió rít lạnh lùng, cú kêu thảm não!
    Trên con thuyền bé bỏng giản đơn với đôi máy chèo nặng nề trình trịch đưa nhà cách mạng, cùng bốn cận vệ trung thành thui thủi tròng trành trên dòng chãy Ba Răng trong hoàng hôn ảm đạm!. Con thuyền định mệnh xé toét màn đêm. Vượt dòng phèn, tranh thủ đến nơi đúng hẹn… một sào huyệt được bày trí trên bờ kênh thâm u đầy ám khí, ở đây mọi tai hoạ sẳn sàng chực đón… Ngài và bốn môn đệ thân yêu đến long đàm hổ huyệt của đối phương khỏang 8 giờ 30 phút đêm…Vừa ngồi vào bàn hợp… bỗng biến cố kinh hoàng ập đến…ba phòng vệ ngã quị. Đức Thầy nhanh gọn thổi tắt ngọn đèn sau cơn hổn loạn. Rồi từ đó sự cố diển biến như thế nào không còn ai biết nữa? Chỉ còn manh mối duy nhất là một phòng vệ sống sót chạy về trong đêm trao thơ của Ngài cho hai tướng lãnh quận đội PGHH… đây là nguyên văn bài thánh thư “ÔNG NGUYỄN VĂN SOÁI VÀ NGUYỄN GIÁC NGỘ. TÔI VỪA HỢP VỚI ÔNG BỬU VINH BỔNG CÓ SỰ SỰ BIẾN CỐ TÔI VÀ ÔNG VINH SUÝT CHẾT.. CHƯA RỎ NGUYÊN NHÂN CÒN ĐIỀU TRA, TRONG MẤY ANH EM PHÒNG VỆ KHÔNG BIẾT CHẾT HAY CHẠY ĐI ĐÂU, NẾU CÓ AI CHẠY VỀ BÁO RẰNG TÔI BỊ BẮT HAY MƯU SÁT THÌ CÁC ÔNG ĐỪNG TIN VÀ ĐỪNG NÁO ĐỘNG, CẤM CHỈ ĐỒN ĐÃI, CẤM KÉO QUÂN ĐI TIẾP CỨU. HÃY ĐỐNG QUÂN Y TẠI CHỖ SÁNG NGÀY TÔI SẼ CÙNG ÔNG BỬU VINH ĐIỀU TRA KỶ LƯỠNG RỒI VỀ SAU.

    PHÃI TRIỆT ĐÊ TUÂN LỆNH
    9 giờ 15 phút đêm 16/4 /47

    Đọc khẩn thơ của Đức Tôn Sư. Luật Sư Mai Văn Dậu đổng lý văn phòng của Đức Thầy và mọi người nhận ra bút tích của chính Ngài. Biết rõ sự kiện kinh hoàng không ngoài âm mưu ám hại! Sự âm mưu ám hại nầy bắt đầu từ lòng ganh tị, từ định kiến thô thiển hẹp hòi và dụng tâm vô cùng bỉ ổi, gây thảm cảnh “nồi da xáo thịt” kéo dài và lớn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm. Tiết thay sau vụ án Đốc Vàng Hạ dẫn theo tiền đề chia rẽ dân tộc và vận hội thống nhất kháng chiến suy sụp nghiêm trọng không thể vãng hồi… sự đấu tranh giành độc lập bị phân hóa và tương lai thắng lợi ngoại xâm quá mịt mù xa thẳm! Than ôi! quân xâm lăng có thêm cơ hội tốt để giày xéo quê hương xứ sở! Máu tiếp tục đổ…đầu tiếp tục rơi! khắp miền châu thổ Cửu Long Giang ngã xuống một cách oan uổng đáng tiếc.

    Than ôi! cũng từ 25 tháng 2 âl, nhuần năm Đinh Hợi (16/4/47) tín đồ PGHH thiếu đi sự đùm bọc, chở che, thiếu sự dạy dổ, dắt dìu của Đấng Tôn Sư yêu kính! Cũng kể từ ấy non sông đành chia tay với một trang hào kiệt trẻ trung đầy trí dũng…và cũng kể từ đó nhà chí sĩ yêu nước không còn cơ hội “Đem sức ra nâng Lá Quốc kỳ” trong cơn sơn hà nguy biến, trong lúc tổ quốc suy vong. Người anh hùng đành phãi tạm cởi chiến bào, gác kiếm tùng nhung, âm thầm ngậm ngùi lui lại bước vào thời qui ẩn…để lại vô vàng tiếc thương cho triệu triệu con tim ái ưu, cố quốc. Trang sử nước nhà sẽ phãi ghi thêm một dòng bi sử đầy đau thương, hối tiêc!!! Kẻ dã tâm thì nô nức vui mừng chiến công thắng lợi, xem như đã tiêu trừ được mối hiểm hoạ lo âu. Nhưng nào ngờ đây là hành động bạo tàn làm bẩn đục dòng chảy lịch sử Việt Nam vốn dĩ trong sáng rạng ngời.

    Thưa nhân sĩ và chư đồng đồng đạo,
    Hôm nay 25 tháng 2 âl, năm Bính thân, kỷ niệm ngày Đức Thầy vắng mặt! Trước hoàn cảnh trớ trêu khi hiện tình tôn giáo còn trắc trở, lòng người nghi nan ngờ vực chưa nguôi…thêm mắc phải mất đi một nhà lãnh đạo tài tình, trí dũng, nghĩa cử huy nghiêm… Đất nước lại vướng phải cái “gút” lịch sử đau thương khó mở.
    Song với tinh thần kính Thầy, thương Đạo…bằng tất cả lòng ngưỡng vọng chân thành chúng ta nguyện cầu Ngọc thể Đức Tôn Sư luôn được an khang và sớm hồi hương hoàn thành sứ mạng thiêng liêng phổ tế chúng sanh qua bể khổ, cứu hộ môn đồ trong lúc cùng cực hiểm nguy! Chúng con kính dâng lên Đức Thầy tôn kính những đóa hoa tinh khiết xinh tươi, một niềm kính tin tuyệt đối kiên trinh như niềm tin của tôn giáo mà A Nan đối với Đức Phật “thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong - thước ca ra tâm vô động chuyễn” tạm dịch (tánh hư không dù cho tan biến - niềm tin nầy không thể chuyển lai) chúng con nguyện kiên trinh giữ đạo chờ Thầy!

    Thưa quí vị,
    Chúng ta khao khát nhớ ngày kỷ niệm ngày 25/2 âl không nhằm mục đích khêu gợi quá khứ đau thương, hằng sâu vết hận thù dĩ vãng hay cực đoan thách thức điều chi... cái mà chúng ta trân trọng thiết tha, chân thành nhiệt vọng làm tròn bổn phật môn đồ, tôn vinh thanh danh Đấng Giáo Chủ kính yêu tận tình vì quần sanh vạn loại như Ngài đã thố lộ “Dầu cho xoay chuyễn đất trời - Lòng ta chí dốc độ đời mà thôi” và tôn vinh cái tinh thần cách mạng đầy trí dũng vì dân tộc quê hương Ngài từng bảo:
    “Thấy dân thấy nước nghĩ càng đau,
    Quyết rứt cà sa khoát chiến bào.
    Đuổi bọn xâm lăng gìn đất nước,
    Ngọn cờ đọc lập phất phơ cao.”


    Thưa quí vị,
    Đã trãi qua bấy thời gian trầm mình trong suối đạo… chúng ta ai cũng hiểu Đức Thầy là Phật, là Tiên, là Thánh, là Thần, là triết gia của thời đại… đức độ dũng cảm và lòng từ bi chí cực của Ngài khắp địa xung thiên. Ngài đã được Đức Phật Tổ thọ ký sắc phong:
    “Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,
    Khắp hạ giái truyền khai đạo pháp.”

    Hay
    “Thừa vưng sắc lịnh của trời,
    Cùng ông phật tổ giáo đời khuyên dân.”

    Thế thì các chướng duyên do phàm tâm thế tục gây ra làm sao có khả năng tổn hại được thánh thể và đại trí huệ của đấng siêu phàm như ngài đã bảo:
    “Bước gai chông đường đủ sỏi sành
    Đành tách gót lìa quê hương dã
    Ta cũng chẳng lấy chi buồn bã
    Bởi sự thường của bậc siêu nhơn
    Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn
    Miễn sanh chúng thông đường giải thoát”

    Song việc xảy ra âu củng là tai kiếp của nhơn sanh trong thời cùng cơ tận pháp, ấy chẳng qua như áng mây mù nhứt thời khuất che vầng nhựt nguyệt. Ngài khẳng định rằng:
    “Thế gian hiếm kẻ thánh tài
    Ra đời phãi chịu ít ngày gian nan”

    Lần dở xem truyện sử chúng ta thấy Khương Tử Nha thời Chu, vâng lịnh Thầy thuận mệnh Trời để dựng bảng phong thần hưng Chu phạt Trụ, trải qua nhiều tai kiếp gian nan do lòng ganh tị, do sự dã tâm ám hại của triều đình Ân… điểm nầy Đức Thầy bảo:
    “Khương Tử Nha sông vị còn phiền
    Câu không nghạnh chờ non phụng gáy”

    Ấy thuộc về ngoại điển. Còn nội điển thì lịch sử Phật Giáo sử còn chép truyện lịch đại tổ sư rằng “Bồ Đề Đạt Ma tổ thứ 28 Phật giáo ấn độ, Ngài phụng hành sứ mạng sang đông độ truyền kinh… bị Lương Võ Đế hành hung, kế lưu chi tam tạng ám hại cuối cùng Ngài dùng thảo hài thế tử”
    “Chiếc giày đạt mạ xách về tây
    Thuốc độc yên chi quyết hại thầy
    Trách bấy đông lâm người thiếu phước
    Thảo hài thế tử để chôn thây”

    Đến lục Tổ Huệ Năng cũng bị Trương Hạnh Xương vâng lịnh của kẻ gian đến hành thích! Lục Tổ bảo “ta thiếu nợ vàng chớ không thiếu nợ mạng gươm phàm không giết được kẻ thánh ngươi chớ uổng công”
    Xuyên qua những mẫu chuyện trong lịch sử chúng ta có thể khẳng định rằng: Khương Tử Nha có sứ mạng dựng bảng phong thần, nên bị tai kiếp mà không chết. Đức Chúa Giê Su là ngôi hai có sứ mệnh cứu thế nên không chết! chẳng những thế mà còn trở thành đấng cứu thế. Đức Đạt Mạ Tổ Sư cũng “thảo hài thế tử” rồi tự tại châu du… Đức Lục Tổ Huệ Năng cũng an nhiên hành đạo. thế thì Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ với sứ mạng vô cùng quan trọng “Phật vương đà chỉ rỏ máy diệu huyền chuyễn lập hội Long Hoa chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các thiện căn để giáo truyền đại đạo định ngôi phân thứ gây cuộc hoà bình cho vạn quốc chư bang” một sứ mạng thiêng liêng cao cả dựng lập đạo đời như thế, làm sao Ngài có thể chết được! Chúng ta hãy vững một niềm tin rằng: không một bàn tay phàm phu tục tử nào làm tổn hại được Ngài. Ngài vẫn còn sống và trở về với nguyên hình thể củ! Song bởi tùy duyên hóa độ nên ngài phải:
    “Diệu pháp chuyễn thân vô sự thế,
    Huyền thông hóa kiếp chẳng lo toan.”

    Vì bởi
    “Lúc nầy chưa thể ngồi lâu,
    Tách rời chốn khác ngỏ hầu dạy răn.”

    Nên chi Ngài đản sanh vào đời cũng chọn ngày 25 và lúc chuyễn thân chốn khác cũng chọn ngày có mang con số ấy! Bởi số 25 theo phật học, kinh quán tam muội cho biết. Trong tam giới có 25 loài hửu tình, có nhân duyên với phật pháp nên Ngài từ cỏi phật đến để độ 25 loài chúng sinh và cũng vì 25 loài chúng sanh mà chuyễn thân chốn khác.
    Như đã nói trên như thế; thì sự vắng mặt của Đức Thầy chúng ta chỉ có đau thương nhưng không có thù hận…bởi Ngài không bị đối tượng ám hại! Thì chúng ta là phận môn đồ cũng không có đối tượng để thù hận, chúng ta đau thương vì:
    “Con lạc cha con hỡi u ơ,
    Thầy xa tớ ngẫn ngơ thương mến.”

    Chúng ta không thù hận vì vâng lời Thầy dạy “Đạo phật là đạo từ bi, bác ái dĩ đức háo sanh, khoan hồng đại độ, mặc dù tình thế có đổi thay chớ tấm lòng nhân chẳng đổi”
    Nói về oan khúc lịch sử thì dân tộc nào chẳng xãy ra đó là công lệ tự nhiên trong thường tình thế tục…hoặc do hổn loạn can qua hay do nhân tình thế thái, do lòng tham ích kỷ hoặc ngoại thù chi phối và có sự thử thách của đấng hóa công. Tuy nhiên thật đau lòng cho hoàn cảnh của Ngài lúc bấy giờ!
    “Mưu quốc hoá ra người phản quốc”
    Chịu nỗi oan tình nầy đành phải để cho
    “Oan nầy hận ấy sử ghi muôn đời”

    Song cũng đáng thương hại cho những kẻ ngông cuồng gây nên thảm kịch! Nhưng trong trang sử “nhơ hay sạch, đỏ hay đen, rồi cũng đi qua… chỉ để lại cho đời bài học đúng sai - thiện ác. Chánh nghĩa hay phi nghĩa, chân lý hay nguỵ lý

    Điều quan trọng là chúng ta phãi biết rút tỉa kinh nghiệm của lịch sử và tìm cách hóa giải nơi thế hệ kế thừa. Hảy nhìn nhận quá khứ theo tinh thần “dĩ ân báo oán, oán năng tiêu. Hay oan gia nghi giải bất nghi kết”… Hãy nhìn đời bằng lăng kính màu hồng cho xứng danh những vãn bối thông minh có bổn phận với các bậc tiền nhiệm, tiền nhân mà tìm cách đào hố chôn vùi quá khứ đau thương, sang bằng đi bức tường ngăn cách đây - kia và nhứt định xóa tan hết vết đen trên trang sử củ…viết thành trang sử mới đượm màu tươi thắm bác ái đại đồng.

    Hiện tình thế giới văn minh, tiến bộ không cho phép chúng ta chần chừ kéo dài tình trạng bất ổn, tinh thấn nghi kỵ lẫn nhau trong cơn sốt kinh tế khủng hoảng toàn cầu và đất nước cũng đang đứng trước nhiều thử thách cam go.

    Nếu kế sách hóa giải chậm trể sẽ mang lại kết quả không như sự mong muốn… sự bất ổn về tín ngưỡng là mối lo âu cho nhà hoạch định quốc gia dân tộc, chúng ta là nhà lãnh đạo cho tôn giáo cần xóa ngay định kiến ngờ vực và cả nghi hoặc những toan tính phòng ngừa không cần thiết, nhất là đừng can thiệp sâu quá mức cho phép…đừng để tình hình nhạy cảm đi đến ngõ bế tắt…chúng ta nên áp dụng cái chân Thật tình thương cho nhau “bởi” -Thật tình thương mà đặt giữa chiến trường, chiến trường ấy máu xương không còn đỗ, Thật tình thương đặt trước cơn gây gổ, gây gổ kia tức khắc trở nên hòa. Thật tình thương đặt trong tánh người ta, người ta ấy hóa ra Bồ tác Phật. Chúng ta nên trân trọng cái tình thương chân thật ấy! dù ở lãnh vực nào…
    Một giải pháp ôn hòa thích ứng cần xuất hiện đột phá để thoát khỏi tình trạng phức tạp và căng thẳng như hiện nay sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình đất nước đến đích dân chủ tự do và quang vinh giàu mạnh.

    Thưa quí vị,
    Nương theo tinh thần kỷ niệm 25/2 ngày Đức Thầy vắng mặt! Trong tâm người dân đạo luôn khoắc khoải ưu tư ngại e thảm hoạ chực chờ… thế nhưng chúng ta cứ vững một niềm tin rằng: đất nước không thể đi ngược được tráo lưu tiến hoá và nền kinh tế nước nhà không bước thoái thời kỳ…tinh thần tôn giáo và tinh thần dân tộc luôn tồn tại là một thực tế thống nhứt với cộng đồng PGHH cũng luôn tồn tại trong lòng dân tộc, bởi PGHH là một bộ phận của đất nước và dân tộc nhu các tôn giáo khác. Đức Thầy từng minh định rằng “đồng bào ta và ta cùng một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẽ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơn nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trên bước tiền đồ của giang san đất nước”… tinh thần tôn giáo gắn liền với tinh thần quốc gia dân tộc và nhân loại, thế ấy là chúng ta có thể khẳng định rằng: Giáo lý Học Phật Tu Nhân đạo đời của PGHH sẽ rạng khắp năm châu thế giới đúng với tâm nguyện của Đức Thầy là:
    “Mãng chờ trông bá tánh thảnh thơi,
    Khắp bốn biển liên giây hòa hảo.”

    Nói như thế không thể ước mơ suông mà có được, phải tận dụng hằng tâm, hằng sản và hằng lực của bổn phận môn đồ mới mong đáp ứng được chí nguyện vĩ đại của Đức Tôn Sư! như Đức Phật và chư đại đệ tử của Ngài, thời xưa là Đại Tổ Ca Diếp, A Nan, Xá Lợi Phất, Phú Lâu Na v.v.. đến lâu sau Ngài Bát Thích Mật Đế xẻ thịt bắp vế mà truyền kinh Thủ lăng nghiêm sang Trung hoa, nhờ sự hy sinh đó mà đạo Phật được truyền bá khắp thế giới. Nay muốn đạo mầu PGHH phát triển hầu thực hiện được đại nguyện của Đức Thầy chúng ta phãi gắng gổ huy sinh mới mong làm trọn.
    Trước Phật Đài hương trầm quyện tỏa với sự chứng minh của Chư Phật, của Đức Thầy và các đấng Thánh Thần chúng ta dâng trọn lòng trí lành để cúng dường các Ngài và phát nguyện khuôn phò nền đại đạo dù phãi xã thân… nếu có đủ nhân duyên xã thân cho đạo pháp, ấy là để nêu cao tinh thần sắc son trung hậu cho trọn đạo làm trò!
    Cũng nhân ngày nầy, chúng ta dâng lời cầu nguyện thế giới hòa bình quốc thới dân an…nguyện cầu đạo pháp hoằng khai, tự do tôn giáo, nhân quyền rộng khắp, công bằng nhân đạo tràng ngập non sông. Thánh danh Đức Tôn sư được trãi truyền khắp bàng nhân bá tánh, hạnh hỉ tiếp nghinh đồng tu đồng đắc…

    Kính chúc quí vị thân tâm thường lạc, bồ đề tâm tăng trưởng đạo hạnh chóng viên thành và thành tâm cầu nguyện thập phương tam thế Phật, oai linh Đức Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần…thường lai hộ trì và ban bố phước lành cho toàn cỏi nhân sanh và đồng đạo.

    Xin trân trọng kính đến quí vị lời chào thân ái và chúc cầu tốt đẹp nhất.

    NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT,
    NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI ĐẠI HẠNH ĐẠI NGUYỆN KIM SƠN PHẬT

    HH
     

Chia sẻ trang này