Tu Sĩ Và Thi - Văn của Cư sĩ Nguyễn Văn Đon

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Ngoctruc, 5/2/17.

  1. Ngoctruc

    Ngoctruc Member


    Tu Sĩ và Thi - Văn

    KHẢI NGÔN

    --oOo--
    Hồi còn nhỏ tôi rất thích Thi Văn nên nhờ một vài Huynh trưởng và chú Giáo Tuấn chỉ dạy. Ngày nọ khoảng thời gian vào mùa thu năm 1954: Trên đường đi từ chợ Tri Tôn về núi Cấm tôi cùng ông Chín Rẫy đang bàn luận về vấn đề "Thi văn".Ông Chín nói:
    - Thi Văn là thứ gợi cảm, tuổi còn nhỏ như cháu, tu thì lo tu, đừng luyện tập thi văn sẽ dễ bị rơi rớt, tai hại lắm!
    Thuở đó, tôi vừa mười sáu, mười bảy tuổi. Nào có biết chi đâu! Nghĩ ông Chín là bậc cao niên kỷ, nhiều người theo, chắc ông có kinh nghiệm đầy đủ về vấn đề nầy, nên tôi nghe lời, dẹp bỏ việc luyện tập Thi Văn suốt mấy năm trường.
    Nhưng sống mỗi ngày qua, mắt tôi chứng kiến nhiều trường hợp và có kinh nghiệm thêm: giới Tu Sĩ bị rơi rớt nó tại một cái gì kỳ cục lắm... không thể dùng văn từ diễn tả hết được, chớ nào phải tại giỏi Thi Văn !
    Vả lại, tu sĩ mà dốt nát, đôi khi cũng là "Rùa cắn cụt, trời gầm không nhả!" Chính mấy cô mấy chú còn phải than: "Cái thứ lù khù coi chừng nó vác cái lu chạy mất"!
    Từ độ đó, tôi mới ngồi suy nghĩ lại ý nghĩa của Thi Văn và viết ra quyển sách nầy.
    An Giang, mùa xuân năm Quí Sửu (1973)
    Nguyễn Văn Ðon
    TU SĨ VÀ THI VĂN
    I- ÐỊNH NGHĨA TU SĨ VÀ THI VĂN.

    * Tu sĩ: Người tu học thông hiểu giáo lý của một tôn giáo.
    Cách đây(1973) hằng thế kỉ trở về trước, Tu sĩ là những người tu theo thiên chúa giáo ; đời sống độc thân, nương mình các nơi Viện Sở, hằng ngày chuyên lo làm điều bác ái .
    Hiện nay, tu sĩ là danh từ chỉ chung cho những người cốt cán của tôn giáo . Phải hội đủ ba yếu tố căn bản:
    1) Ðức độ;
    2) Khả năng;
    3 ) Thiện chí.
    Tuy nhiên, tôn giáo được tự tồn, hay suy thoái, phần lớn do số người này. Số chân chính họ chỉ biết hoàn thành theo lý tưởng thiêng liêng cao quí của họ thôi . Vấn đề danh dự lợi quyền đối với họ, không có ý nghĩa gì cả.
    * Thi: Cũng gọi là Thơ, một bài văn ít hoặc nhiều câu do cảm hứng đặt ra, có âm điệu rõ ràng và gợi cảm người nghe, người đọc.
    * Văn: Là điều diễn tả bằng câu thành bài, ghi rõ sự việc đã xảy ra, hoặc do trí tưởng tượng. Văn có văn vần và văn xuôi.
    Văn vần: là những loại văn bắt buộc có vần như Thi, Phú, Ca dao...
    Văn xuôi: cũng gọi là Văn Tản, là văn viết như nói chuyện thường, không bắt buộc theo âm điệu.

    THI VĂN là nói chung về văn chương chữ nghĩa.
    1) Ðây chúng ta thử thưởng thức bài văn vần của ông Thanh Sĩ diễn tả lòng tham ác của con người:
    "...Tuy nhiên cũng không sao hết việc,
    Còn có nhiều yêu nghiệt khác hơn;
    Khắp trong thành thị thôn lân,
    Tham vô tận quái chúng từng tới lui.
    Từ hạng tuổi nên mười nên bảy
    Ðến cấp người thành đại thành gia;
    Nó thường dùng lấy phép tà,
    Làm cho phút chốc mắt lòa như sương.
    Nó lừa phỉnh vào đường uế trược,
    Mê hồn như bị thuật thôi miên;
    Tay luôn ham nắm lấy tiền,
    Sát nhơn bội ước không kiêng món gì!
    Hạng bần tiện thường khi đạo tặc,
    Kẻ phú hào chẳng ngớt tham lam;
    Tham vô tận quái khéo làm,
    Người đời như kẻ tục phàm đăng tiên.
    Từ tim não đến bên tai mắt,
    Nó thường hay kiếm các cuộc vui;
    Kẻ buồn nó muốn cho nguôi,
    Bày tuồng đổ bác với mùi tửu hoa.
    Câu thắng bại khi lòe mắt tục,
    Tự tay mình khuấy đục giá danh;
    Gái không còn trọng tiết trinh,
    Ném xuân đổi bạc, gieo tình lấy ngân!
    Kể gì lẽ vạn ân nhứt nhựt,
    Chỉ biết câu bán tịch thiên kim;
    Nó xui những kẻ hữu quyền,
    Ðạt ngôi cướp nước mưu riêng cho mình!
    Khiến cho cả sanh linh đồ thán,
    Làm thần sầu người oán khắp nơi;
    Nó xui người nỡ giết người,
    Ðể mưu lấy của hoặc lời tặng khen!
    Xúi nghèo khó lòng ghen phú hiển
    Mưu hại lừa để chiếm cao sang;
    Gớm ghê tên quái tham-tàn,
    Khéo làm những thuật mù loàn nhân sanh!
    (Lời Vàng Trong Mộng)

    2) Chúng ta lắng nghe bài văn xuôi của Ðức Giáo Chủ PGHH nhận xét về thuyết Bình đẳng của Nhà Phật.
    ..."Theo nhận xét của tôi về giáo lý nhà Phật do nơi Ðức Thích Ca Mâu Ni khai sáng lấy chủ nghĩa từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nòng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng; Vì những câu: "Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh" và "Phật cũng đồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh". Ðã có những sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Ðức Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhơn gian nầy còn có chúng sanh tiềân tiến áp bức những chúng sanh lạc hậu, thì là một việc trái hẳn với những giáo lý chơn chánh ấy. Giáo lý đó, Ðức Thích Ca Mâu Ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã hội của Ấn Ðộ xưa không thuận tiện. Thế nên Ngài chỉ phát dương cái tinh thần đó mà thôi. Ngày nay, trình độ tiến hóa của nhân loại đã tới một mực khả quan, đồng thời với tiến bộ về khoa học thì ta có thể thực hành giáo lý ấy để thực hiện một xã hội công bằng và nhân đạo. Thế nên với cái tâm hồn bác ái, từ bi mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới, để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhân loại".
    (Trích lục Báo Nam Kỳ ngày 29-11-1946)

    II- TÁC DỤNG CỦA THI VĂN:

    Thi Văn có tác dụng mãnh liệt về mặt tinh thần của con người. Nó là một thứ lợi khí mà các nhà lập quốc và truyền giáo xưa nay không thể thiếu nó được. Phan Kế Bính nói: "Khoa văn chương là khoa tối cao, tài văn chương là tài hiếm có". Bởi nó tối cao nên mới có một tác dụng rất mãnh liệt, và bởi nó hiếm có nên mới rất quí giá hơn các Khoa.
    - Cho nên:
    - Một Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Ðạo, có muôn ngàn thanh niên, mạnh dạn lên đường tòng quân diệt giặc để bảo vệ Tổ- Quốc thân yêu.
    - Một "Bình Ngô Ðại Cáo" của Nguyễn Trãi khiến tướng sĩ và muôn dân reo hò mừng ngày đắc thắng dưới lá Quốc Kỳ độc lập hiên ngang tung bay trên khắp sơn hà Ðại Việt.
    Và chỉ một bài thơ ngắn của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, từ chiến bại, trở thành chiến thắng đối với muôn vạn hùng binh địch thủ Trung Hoa...

    1) Dưới đây chúng ta thưởng thức bài thơ kiệt tác của Ðức Huỳnh Giáo Chủ PGHH, khuyên anh em chiến sĩ của Ngài trước tình cảnh xô xát năm 1945:
    "Hãy tỉnh giấc hỡi muôn ngàn chiến sĩ,
    Mở lòng ra thương nghĩ sanh linh.
    Ðồng bào ai nỡ dứt tình,
    Mà đem chém giết để mình an vui.
    Dù lúc trước nếm mùi cay đắng,
    Kẻ độc tài đem tặng cho ta;
    Sau này tòa án nước nhà,
    Sẽ đem kẻ ấy mà gia tội hình.
    Lúc bấy giờ muôn binh xâm lược,
    Ðang xéo giày non nước Việt Nam.
    Thù riêng muôn vạn cho cam,
    Cũng nên gát bỏ để làm nghĩa công.
    Khắp Bắc, Nam Lạc Hồng một giống,
    Tha thứ nhau để sống cùng nhau.
    Quý nhau từng giọt máu đào,
    Ðể đem máu ấy tưới vào địch quân.
    Ðấùng anh hùng vang lừng bốn bể,
    Các sắc dân đều nể, đều vì;
    Ðồng bào nỡ giết nhau chi,
    Bạng duật tương trì lợi lũ ngư ông.
    Hỡi những kẻ có lòng yêu nước,
    Nghe lời khuyên tỉnh được giấc mê.
    Anh em lớn nhỏ quày về,
    Hiệp nhau một khối chớ hề phân ly.
    Ðả đảo bọn Nam kỳ nô lệ,
    Kiếp cúi lòn thế hệ qua rồi.
    Lời vàng kêu gọi khắp nơi,
    Anh em chiến sĩ nhớ lời ta khuyên".
    (Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh)

    Phụ Bình:
    Ở đây chúng ta không đặt mình trong lãnh vực Thầy trò, e chủ quan thiên lệch. Chúng ta chỉ đặt mình vào cương vị khách quan để nhận xét một vài đường nét chính yếu trong những câu thơ trên.
    Trước tình thế khẩn trương của đất nước (1945) khiến đôi bên đảng cùng một lý tưởng giải phóng quốc gia khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, lại phải xảy ra những vụ xô xát lẫn nhau. Vị lãnh đạo chính nghĩa kia - mới vừa 26 tuổi - nhưng với tài năng và đức độ siêu việt hơn người. Thay vì phất cờ chỉ huy, ban hành quân kỷ để củng cố trật tự quân đội của mình. Ở đây nhà lãnh đạo tài đức kia chỉ gởi một vần thơ ngắn, hàm dung đức độ quân tử, xóa bỏ hận thù, không phân chia Nam Bắc, hãy đoàn kết cùng nhau thành một chủ lực hùng mạnh, chống xâm lăng, dành độc lập cho quốc gia. Vị lãnh đạo kia còn cho các chiến sĩ của Ngài biết rằng: việc sát hại lẫn nhau sẽ có lợi cho địch quân. Người anh hùng phải làm gì, ích lợi nước dân, đem tài trí kinh bang tế thế cho quốc gia mình giàu mạnh, và các lân bang kiêng nể, chớ không thể vì thù riêng mà hành động sát hại đồøng bào bằng cách hèn hạ, tiểu nhân.
    Từ địa vị một nhà lãnh đạo tối cao vạch rõ đường lối sáng suốt có lợi ích quốc gia, những lời khiêm nhượng gọi các chiến sĩ của mình bằng anh em... Bao nhiêu lời dịu ngọt và tình nghĩa đối với kẻ dưới tay mình.
    Ôi! Với đức độ quân tử, với tài đức siêu quần, với tình thương đồng bào của vị lãnh đạo tài đức kia, rộng lớn như đại dương và hồn thơ siêu vượt tột đỉnh núi cao, thì bảo làm sao các chiến sĩ của Ngài chẳng hết dạ trung thành và chẳng cúi đầu tuân theo quân lệnh!
    2) Chúng ta thưởng thức một đoạn thơ trong bài Ðức Huỳnh Giáo Chủ tặng Thi Sĩ Việt Châu hồi mùa Hè năm 1945:
    "Tăng Sĩ quyết chùa am bế cửa,
    Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha;
    Ðền xong nợ nước thù nhà,
    Thiền môn trở gót Phật đà Nam Mô.
    Chừng ấy mới tịnh vô nhứt vật,
    Bụi hồng trần rứt sạch cửa không
    Chuông linh ngân tiếng đại đồng,
    Ta Bà thế giới sắc không một màu...".

    Phụ Bình:
    Sau khi nhận thức được ý nghĩa lời thơ sâu xa thấm thía như trên, chúng ta đứng vào lãnh vực ngoại nhân hình dung lại cuối thời Ðệ Nhị Thế Chiến, có vị đại sư trẻ tuổi đủ tài đức, đang dung mình trong một ngôi chùa cổ vui việc kệ kinh. Nhưng khi nhìn lại cảnh xâm lăng đánh chiếm đất nước và sát hại đồng bào của Ngài. Khiến Ngài phải đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, nên đành bế cửa thiền môn, mặc nhung y, tuốt gươm vàng, lên lưng chiến mã, phất cờ chính nghĩa tiến thẳng vào vòng quân giặc mạnh, tả đột hữu xông, qua những trận đại chiến thư hùng quyết liệt, đánh lui quân giặc ra khỏi biên cương... Củng cố lại nền độc lập cho đất nước xong, vị Ðại Sư kia không ý đồ vương bá, chẳng bận lợi danh trở về nương mình nơi am tự, tâm vô nhứt vật và quyết đánh lên tiếng chuông Phật giáo cứu vớt chúng sanh đang lặn hụp trong bể luân hồi.
    Ðây có phải chăng là tùy duyên, tùy cảnh hành động với dụng ý vị tha là lẽ đương nhiên theo lý sắc không, không sắc của nhà Phật mà các đại sư trong lịch sử Phật Giáo vẫn tùy nghi thi thiết trong quãng đời hành Ðạo của các Ngài.Và chỉ trong một vần thơ kiệt tác như trên, đủ nói lên ý nghĩa "Phật Giáo vị Nhân Sinh" mà Ðức giáo chủ PGHH thu phục được một thi nhân; một đóa hoa đã bừng hương sắc ở Sài Gòn thời ấy.

    III.THI VĂN ÐỜI VÀ ÐẠO Ý NGHĨA KHÁC NHAU:

    Như chúng ta đã biết, thi văn là sự diễn tả tâm sự và tư tưởng của mình qua lời thơ với âm điệu nhẹ nhàng truyền cảm. Nhưng Thi văn của nhà đạo khác hơn thi văn của Thi sĩ ngoài đời ở chỗ: Thi văn nhà Ðạo thì diễn tả tâm sự và tư tưởng của mình qua những lời thơ chứa chan lòng từ bi, tưởng nghĩ chân chánh và tinh thần cao siêu giải thoát. Còn Thi văn của thi sĩ đời thì diễn tả tâm sự u buồn và tình cảm vấn vương tha thiết trong lãnh vực cá nhân trói buộc.

    1) Ðây chúng ta thử thưởng thức vần thơ của thi sĩ đời - Hàn Mặc Tử:
    Từ gió xuân đi, gió hạ về,
    Anh thường gởi gắm mối tình quê
    Bên em thưởng thức trên đường cái
    Hóng mát cho lòng được hả hê.

    * * *
    Em có ngờ đâu trong những đêm
    Trăng ngà giải bóng mặt hồ êm
    Anh đi thơ thẩn như ngây dại
    Hứng lấy hương nồng trong áo em.

    * * *
    Bên khóm thùy dương em thiết tha,
    Bên nầy bờ biển anh trông qua.
    Say mơ vướng phải mùi hương ướp
    Yêu cái môi hường chẳng nói ra.

    * * *
    Ðộ ấy xuân về em lớn lên,
    Thấy em, anh đã biết là duyên
    Nhưng thời gian cứ trôi đi mãi
    Yêu dấu lòng anh ôm hận riêng.
    (Gái Quê)

    2) Ðây chúng ta thử thưởng thức vần thơ của ông Thanh Sĩ, cũng tha thiết mong ước nhưng chỗ thiết tha mong ước, với một ý nghĩa cao thượng khác hơn thơ văn của thi sĩ đời:
    "Chớ ôm ấp tấm lòng ích kỷ,
    Ðừng đeo mang ý chí hẹp hòi;
    Phải yêu tất cả giống nòi,
    Phải tu cho tất cả người năm châu.
    Nước của cả đồng bào dân tộc,
    Ðạo của chung vạn vật sanh linh.;
    Nước đâu phải của riêng mình,
    Ðạo đâu phải của riêng sanh chúng nào.
    Nước chớ lấy đặt vào một kẻ,
    Ðạo chớ nên tô vẽ một người;
    Thế là nước được yên vui,
    Thế là Ðạo được khắp trời chói chang.
    Cá nhân mất Quốc dân không mất,
    Cá nhân tiêu Ðạo pháp không tiêu;
    Phải nên suy xét thật nhiều,
    Ðạo cùng việc nước tránh điều lầm sai.
    Lầm sai nhỏ thì tai hại nhỏ,
    Lầm sai to thì khổ ách to;
    Mình lầm mình chịu đành cho,
    Mình lầm kẻ khác chịu vô đáng buồn.
    Nước hư hỏng thì muôn dân khổ
    Ðạo sai lầm vô số người nguy;
    Chớ nên khinh suất hành vi,
    Mà là mọi việc phải suy xét rành.
    Nước phải giúp no lành dân chúng,
    Ðạo phải lo tỉnh mộng nhơn sanh;
    Ấy là công việc thường hành,
    Của nhà ái quốc của nhà chân tu.
    Ðối với kẻ mặc dù thiếu học,
    Ðối với người chưa đọc giảng kinh;
    Xét suy với tánh thường tình,
    Việc lành dữ cũng tự mình hiểu ngay.
    Ðiều phước đức ai ai cũng biết,
    Không chịu làm bởi tiếc của riêng;
    Mồi danh bã lợi đã ghiền,
    Nhục vinh cũng mặc, hung hiền cũng thây!
    Ðến khi đụng phải ngày trả báo,
    Mới hay rằng máy tạo công minh;
    Bôn ba cầu Phật độ mình,
    Phật không thể độ, dù tình Phật thương.
    Cơ mầu nhiệm khó lường tính kịp,
    Người chớ nên tạo nghiệp bất lành;
    Cách ăn thói ở cho thanh,
    Ðể cho khỏi bị hoành hành oan gia.
    Mình được khỏi hành hà nghiệp báo,
    Người cũng không khổ não vì mình;
    Mình cùng người được an ninh,
    Ðời không ai oán, đạo gìn chánh chơn.
    Ðược thành Phật thành thần do đó,
    Ðược nên văn, nên võ đấy ra;
    Khuyên anh em ở quê nhà,
    Những điều ấy nhớ đem ra thực hành.
    Cho nên Ðạo quang minh trở lại,
    Cho quốc gia thạnh thái phú cường;
    Là điều ở chốn tha phương,
    Lúc nào Thanh Sĩ cũng thường ước mong."
    (Hỡi Anh Em Nơi Quê Nội)

    Phụ Bình:
    Ðọc lại chầm chậm vần thơ ông Thanh Sĩ như trên, chúng ta gạt bỏ tình cảm cá nhân để suy xét kỹ lại lời thơ của ông rất đúng chân lý. Chúng ta có thể lấy đó dò lại bức dư đồ Thầy, Tổ đã vạch. Nó rất rõ ràng trên bước đường tu đức và giải thoát tâm linh. Và hồn thơ của ông nhẹ nhàng êm dịu, đọc qua rồi dư âm còn phảng phất trong đầu óc chúng ta như luồng gió mát, giúp chúng ta thư thái tinh thần trong cơn nóng bức.
    Và nếu đem so với thơ văn của thi sĩ đời. Chúng ta thấy nó khác nhau như hai thái cực; khác nào tiết đông thiên xác xơ cằn cỗi... Còn xuân về thì đem lại cảnh đầm ấm tốt tươi cho vạn loại hoa màu mà dù cho ai cũng phải vui vẻ công nhận điều nầy.

    IV. TAI HẠI CỦA NHÀ ÐẠO KÉM THƠ VĂN

    1.Trở ngại vấn đề truyền giáo

    Nhà truyền giáo tức là những tu sĩ đi giảng đạo mà kém thi văn là một điều thiếu sót lớn. Phi trừ những bậc Tổ, những bậc hoạt Phật, đôi khi vấn đề thi văn không cần thiết lắm. Ngoài ra, chư Tăng, Ni, tu sĩ trong thời đại nầy nếu kém thi văn thì không đủ phương tiện để hoàn thành trách nhiệm trên vấn đề truyền giáo.
    Là tu sĩ, chúng ta không cao vọng nhìn lên địa vị những bậc giáo chủ, những bậc tăng tài. Nhưng ít nữa chúng ta cũng phải có một số vốn thi văn trong khi chúng ta đóng góp công quả trong địa bàn hưng truyền Phật pháp. Thế mới không bị lạc hậu và không bị sa thải bởi sự tiến bộ của khoa học hiện nay.
    Dưới đây ta thử suy xét một vài trường hợp.

    a) Tài non kém thơ văn của ông đạo Mười

    Nhớ lại thời gian khá lâu, tôi cùng Anh Xinh, một thân hữu đi viếng vài nơi trong vùng núi Cấm. Ðến sân Tiên, gặp ông đạo sĩ, có đệ tử khá đông. Ðạo sĩ tặng cho tôi một bài thơ tâm lý... đọc xong tôi thấy bài thơ chẳng hay. Nhưng tôi không dám nói ra, và trao cho Xinh. Xem xong Xinh trao lại cho tôi và từ giã lên đường.
    Lúc đi đường tôi hỏi Xinh:
    - Thân Huynh nhận xét bài thơ ông Ðạo ấy như thế nào? Xinh nghiêm nghị nói:
    -Nội dung của bài thơ mâu thuẫn nhau là kém trí, hồn thơ yếu ớt, là một tâm hồn không tự chủ; dụng văn cẩu thả, là tinh thần phức tạp. Sự lý sai lầm, là Phật học chưa uyên thâm, không lượng biết sức mình, sức người lại đi trao tặng khoe khoang; là một con tim non nớt, háo thắng. Thi văn nuôi trí, lễ độ nuôi đức... mà trí đức của ông ấy quá tầm thường thì có chi đáng kính, đáng theo?
    Nghe Xinh nói, tôi lẹ miệng hỏi:
    -Vẫn biết tài đức ông ấy kém, nên lúc nãy tiểu đệ yêu cầu thân huynh xướng họa thi văn với ông. Ðể cảnh tỉnh ông. Nhưng sao thân huynh không chấp thuận? Xinh đáp:
    - Một con người khi họ đã mang cặp kính màu rồi, thì không thể bảo họ nhìn thấy khác hơn nữa được. Hơn nữa, nhà Ðạo dùng lời nói và thi văn của mình, cũng như xài tiền bạc, phải biết tiết kiệm và xài đúng chỗ đúng nơi, chớ không phải gặp đâu cũng hoang phí cả. Vả lại, chúng ta cho ông ấy là non nớt, háo thắng, còn chúng ta gặp chuyện nhỏ nhặt, không cần thiết, lại đi trổ tài xướng họa, hơn thua, thì chúng ta có già giặn và bình tĩnh chi đâu!
    Chưa chịu thôi, tôi hỏi tiếp:
    - Như vậy, tại sao người ta theo ông Ðạo ấy đông đảo?
    Xinh ôn tồn đáp:
    -Tuồng đời phức tạp, tâm ý con người khó lường...Một số người có kiến thức họ theo, không phải là họ dốc chí tu hành và hoàn toàn kính mến ông ấy đâu. Ðôi khi, họ có ý đồ chi đó cũng không chừng! Còn số người kém trí theo đông đảo là chỉ vì sự mê tín nhứt thời. Ðây là cái thông lệ thường nhiên mà thời đại nào cũng vậy.

    b) Trường hợp ông Sư kém Thi-Văn:

    Khoảng năm 1963, ở Cần Thơ có một lão bà tuổi quá lục tuần; bà thường tới lui tịnh xá lễ Phật và nghe Sư giảng Ðạo.
    Một hôm nhân dịp cậu con trai bà đi học phương xa về nhà nghỉ hè, bà dắt cậu đi Tịnh xá. Ý muốn cậu nầy kính sư và nghe giảng đạo như Bà. Khi đến tịnh xá, bà vào lễ sư với lòng thành kính, còn cậu con trai bà thì không chịu ra mắt lễ Sư sớm. Cậu cứ đi chỗ nầy, bàn nọ, đọc những nội qui và thi văn của ông Sư trang trí bên tường... xong rồi cậu mới vào ra mắt Sư. Nhưng cậu lễ Sư cho có lễ, chớ không thành kính như mẹ cậu mặc dù bà đã bao lần dạy cậu lễ kính Sư.
    Sau khi về nhà, bà giận cậu con trai bà, nên bà la ó suốt buổi và bỏ ăn luôn.
    Trước tình cảnh nầy cậu kia không biết sao hơn, nên lạy mẹ và thưa rằng:
    - Thưa mẹ, công ân mẹ mua bán tảo tần, lo kiếm từ đồng bạc nuôi cho con ăn học đến ngày hôm nay (Ðại học Văn khoa), con đâu dám ngỗ nghịch làm cho mẹ phải buồn! Sở dĩ đến tịnh xá, con chưa vội lễ Sư, là vì con còn phải tiếp chuyện với vài tăng chúng để biết được nếp sinh hoạt của các ông và xem qua những bản nội quy, những câu thơ ghi trên tường vách để hiểu rõ trình độ tu học của tăng sư. Nhưng mẹ ơi! Con lấy làm không vui, khi chứng kiến cảnh mẹ già phải quỳ lạy ông Sư tuổi đáng cháu, con mà ông vẫn ngang nhiên chẳng chút khiêm nhường. Mẹ bảo rằng: lễ kính sắc áo nhà Phật. Song mẹ nên xét: Sắc áo đâu có làm nên ý nghĩa nhà tu!Những hành động xu phụng kẻ giàu sang phụ người nghèo khó, trọng đẹp, khinh thô của ông Sư kia mà con đã chứng kiến, nó vẫn còn hủ bại và trái với giáo thuyết Ðức Phật đề ra. Thực dân Pháp dùng chánh sách ngu dân để trị, ông Sư nọ dụng kế hoạch ngu đoà để sống. Và trình độ tu học của ông lại quá thô sơ qua những câu thi của ông đã ghi trên tường vách.
    Con lúc nào cũng trọng Phật, bởi Ngài là đấng tối cao, lịch sử Ngài đã hy sinh đời mình đổi lấy công thức giải thoát chúng sanh. Con lúc nào cũng kính tăng, vì các Ngài phải dãi dầu sương gió để duy trì cơ nghiệp từ bi, và con lúc nào cũng mến người đạo đức, vì họ đã phải chịu thua, thiếu trên đường danh lợi và khép mình trong lẽ sống công bằng trật tự của xã hội... Họ là những con người đáng mến, đã đóng vai trò quan trọng đối với tiền đồ Tổ quốc và hỗ trợ Phật Tông mà chúng ta đã thấy trên lịch sử; mặc dù đôi khi cũng có người chất phác tài kém hơn con. Nhưng phải là chơn tu, chánh tín đó mẹ à!
    - Bà lão nói:
    - Con người ta cũng có hằng muôn ngàn người ăn học cao, sao họ không nói như mi? Chỉ có mi mới là đứa cứng đầu, mất giáo đó!
    Cậu con trai bà nói:
    Phần nhiều người ta đi học với mục đích của họ là mong sao cho họ được quyền thế, giàu sang để cho cá nhân họ được sung sướng thôi. Cho nên họ vẫn vui sống cúi lòn, bái lạy ai cũng được, miễn toại lòng tham vọng của họ là đủ.
    Còn con thì khác hẳn, con học cho có tài năng, trí óc sáng suốt, phân tách được chỗ lợi hại, ngụy chơn. Ðối với mọi người con vẫn giữ lễ độ một con người có giáo dục, chớ không thể hèn hạ chịu lòn theo danh lợi và cúi đầu lạy lục bất cứ một ai, chưa phải là bậc đáng lạy.
    Hơn nữa, con mong sau khi thành tài, ngoài công việc lo cho mẹ già được cơm no ấm áo, con còn phải có bổn phận bảo vệ nền độc lập quốc gia cường thạnh, xây đắp văn hóa lành mạnh, đưa trình độ dân trí tiến kịp với các quốc gia tiềân tiến trên thế giới. Thế mới chẳng uổng công mẹ cực khổ nuôi con ăn học đó mẹ à!
    Nghe những lời hữu lý và biết được ý chí cậu con trai bà, khiến bà thương con tuôn tràn nước mắt, vuốt nhẹ vai con và hết giận.

    Nhận xét:
    Câu chuyện ông Ðạo Mười và ông Sư kể trên, chứng tỏ rằng: Tu sĩ đi giảng đạo mà kém thi văn (văn chương), chỉ mê hoặc một số người dốt nát, chớ không thể thu phục được
    hạng người trí thức, đôi khi còn làm cho họ đánh giá miệt khinh chung cả tông phái của mình.
    Tuy nhiên, có nhiều tu sĩ bình thường hoặc bất đồng ý kiến, hoặc nệ khó, hoặc biếng nhác trau luyện thi văn kinh điển, đến lúc có việc cần dùng lại đi cầu cạnh người khác làm giùm và đôi khi còn trộm văn nữa.
    Chúng ta nên lượng biết sức mình, muốn làm một viên thuyền trưởûng, hay một phụ tá chuyên nghiệp, phải am hiểu thời tiết, la bàn, rành rõ máy móc, lèo lái vững vàng... Ðừng đợi đến việc mới cuống cuồng nhìn nhau bỡ ngỡ. Ðây có phải là một điều thiếu xót lớn trên vấn đề hoằng pháp hay chăng?
    Nghĩ cũng rất đau lòng.

    2. Mê tín theo tà đạo:

    Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta biết rằng: Số người mê tín theo tà đạo, phần nhiều là những người kém trí thức, thi văn, dù trước kia họ theo chánh đạo. Nhưng trình độ của họ kém, không lãnh hội được tông chỉ của chánh đạo, nên thấy chỗ nào đông đảo, linh nghiệm, ưu đãi, thì họ chạy theo.
    Tai hại nầy rất nhiều, nhưng ở đây chúng tôi chỉ nhắc lại một vài trường hợp:

    a) Số người Mê Tín theo ông Phước Sơn
    Khoảng 1940, ở Núi Cấm có vị đạo sĩ tên Phước Sơn, tiếng là tu Phật, nhưng việc hành đạo của ông vẫn đi xa với chánh đạo. Về hạnh đức vàø tài năng ông, đối với tầm mắt người trí thức, không có chi đáng kể. Song ông rất đẹp trai, tính liều lĩnh, hoạt bát và tâm lý giỏi.
    Ông cho đệ tử biết, là thường đêm ông xuất hồn đi hội với chư Tiên, Phật, và ông có giữ một số kỷ vật của vua Minh Mạng v.v... Do đó người ta tin tưởng ông là Thần Tiên và ông sẽ được nối dòng vua chúa sau nầy, nên họ dâng cúng tài vật cho ông rất đầy đủ, có thể nói, ông sống với cuộc đời cao sang vương bá.
    Ông dám làm nhiều việc càng bướng, lừa bịp mọi người mà tôi rất khó kể hết được. Dưới đây chúng ta thử đọc lại bài thơ của ông:
    Nắm được mối dây giữa rúng trời
    Dìu đàn hậu tấn đến cùng nơi
    Ngày thì để bước nơi trần tục
    Tối lại nghêu ngao khắp cả trời.

    Chúng ta có thể nói: Ông chỉ biết ngày ăn đêm ngủ, chớ làm gì có được phép thần thông mà nghêu nghao khắp bầu trời rộng?
    Và trên bình diện lãnh đạo quốc gia, một con người tài đức tầm thường như ông làm sao cáng đáng nổi trách nhiệm một vị Nguyên Thủ một nước có trên bốn ngàn năm văn hiến ?
    Ông chủ trương tiêu cực, làm hoen ố cửa từ bi, và thương tổn nguồn sanh lực cường thạnh của quốc gia. Những hành vi đen tối của ông, dù luật Ðạo hay luật Ðời không thể dung tha được!
    Sau nầy ông về cư ngụ ở Hòn Ðất, có vợ con, thịt rượu không kiêng và chết luôn nơi đó.

    Nhận xét:
    Nhắc đến chuyện ông Phước Sơn, chúng ta rất đau lòng thương tiếc cho số người giàu tâm đạo mà kém trí đạo, nghĩa là kém sự hiểu biết thi văn, kinh điển v.v..., mà nhứt là số phụ nữ nhẹ dạ, dễ tin. Nhận xét của họ ngược với chiều hướng khoa học và giáo lý chân chính nhà Phật.
    Thích đâu họ theo đó, chớ không làm chủ được tâm mình trong chỗ: buồn, vui, thương, ghét, chán, ham... Họ chỉ mong tìm cho được ông Phật (Phật ngoài tâm) rồi nằm vạ với ông Phật, sanh nạnh ông Phật lo liệu cho họ được đắc đạo chớ họ không chịu tự mình lo liệu cho mình, thì bảo sao khỏi phải bị người lợi dụng và lạc lầm tà giáo?

    2-b) Số người mê tín theo cô Liên Hoa:

    Ở Núi Cấm có cô Liên Hoa, tu pháp "vô úy" (uống nước không ăn cơm). Cô có tướng mạo rất quang minh, nên người ta tưởng cô là Phật Bà Quan Âm hóa hiện độ đời.
    Nhờ vậy mà số đệ tử theo cô khá đông và đời sống của cô chẳng khác nào vị công chúa. Hằng ngày cô cấm các đệ tử không được tập làm thi văn và không được đọc kinh sách nào ngoài cô sáng tác. Bởi chủ ý của cô là không muốn cho đệ tử tiến bộ hơn cô làm cho uy tín cô bị giảm sút đi. Riêng chúng tôi thường gặp gỡ cô và giữ lễ độ hòa nhã, chớ không có chi đáng kính lắm. Vì thấy cô hành pháp "vô úy" sai với đường Trung Ðạo của Phật. Về đức hạnh và thi văn cũng không đáng nói. Và cô có một tâm hồn hướng ngoại thích sống hoa mỹ, bày vẽ bề ngoài. Ðiều ấy chứng tỏ con người kém nghị lực, tâm chưa làm chủ được ngoại cảnh, và không có ý chí lớn.
    Ngày nọ, không biết thầy trò cô bất đồng ý kiến chi đó, cô Liên Hoa tát cho đệ tử một bạt tai té nhào xuống giếng nước. Từ độ ấy nội bộ của cô luôn có việc xáo trộn không yên, trò bất mãn Thầy, một số bỏ đi, còn một số ở lại vì nghe theo lời cô Liên Hoa là hành động Thầy thử đệ tử đó thôi.
    Cách ít ngày sau, có hai vị nữ đệ tử của cô đến từ giã tôi để đi nơi khác, và cho biết cô Liên Hoa vẫn ăn uống như thường. Nhưng bằng cách kín đáo.
    Lúc ấy có chú hai Bảo Thể (trước là võ sĩ) tánh người quân tử, cương trực... Chú hai nói:
    - Chỉ có mấy cô không biết, nên bị người dụng đòn tâm lý mới theo cô Liên Hoa, chớ chúng tôi đã chán biết lâu rồi! Cái máy phải có xăng dầu mới chạy, người ta phải có ăn uống mới có sống... Cô giỏi qua đây cam kết với tôi là không ăn, tối ra ngoài trời nằm le lưỡi hứùng sương như con ốc mà sống được, thì tôi theo làm đệ tử. Bằng nằm ngam ngáp, hoặc chết thì tôi xách vụt ra ngoài rừng cho cọp ăn nghe! Thật là giả dối... phi lý... quanh năm chỉ mượn tiếng tu hành, lợi dụng kẻ ngu khờ để sống. Nói tới tà đạo, sống bằng giọt mồ hôi nước mắt của đồng bào, tôi nóng lắm à!
    Tuy nói vậy, chớ chú Hai cũng xót thương, móc tiền trong túi ra cho hai cô và nói:
    - Thố Tử hồ bi, thấy hoàn cảnh hai cô, tôi cũng đau lòng. Nhưng hai cô có đi hay ở thì tùy ý. Chớ cô Liên Hoa nghe tôi cho tiền hai cô đi, thì cổ chưởi tôi, chừng đó có chuyện lớn nữa!
    Chú Hai xăn tay áo nói tiếp:
    - Nói thật, tôi mà nổi lôi đình lên rồi, thì cái mỏ ông két, tôi cũng vặn đứt ngang vụt tuốt ra ngoài biển đó nghe.
    Thấy chú Hai nóng quá, tôi liền lại gần vuốt ngực và khuyên chú:
    - Thôi chú Hai, đừng nói nữa, mích lòng lắm. Vả lại, mình là người tu hành nóng quá cũng không hay!
    Chú hai trợn mắt nhìn tôi và nói:
    -Ðã nổi nóng lên rồi, còn cái gì là hay dở nữa? Mà đệ thấy tôi nóng vì thương người dại khờ, cô thế, hay vì chuyện cá nhân tôi?
    Mọi lần tôi khuyên nhắc điều chi, chú hai nghe liền; lần nầy tôi nói nhiều lắm chú hai mới chịu nghe. Còn hai cô kia thấy vậy thì thất kinh, trả tiền lại và xin lui.
    Chú Hai trợn mắt nói:
    - Không tiền đi xe để tẩu thoát, tôi cho thì cứ nhận. Hay là chưa chịu đi, muốn ở lại nhập phe cho đông để gạt lừa bá tánh nữa hay sao?
    Hai cô hoảng hồn dạ dạ, bỏ tiền vào túi, day lại xá chú hai lia lịa rồi đi mất.

    Nhận xét:
    Chuyện Thầy Trò cô Liên Hoa vừa kể, chúng ta thấy số người nhận xét sai lầm rằng: vào non ngồi thiền, ăn rau, ăn ngọ, uống nước, ép xác hành thân và bày vẽ đạo mạo bề ngoài... mới gọi là tu. Chớ người ta không chịu hiểu rằng: người tu lúc nào cũng lo hồi quang phản chiếu vào trong tâm mình. Gạn bỏ những tư tưởng tham lam, ích kỷ, hèn kém, và lo sửa chữa lại: cách ăn, nết ở, lời nói, việc làm của mình cho hợp lẽ công bằng, đạo đức. Thế mới thật là tu.
    Bởi nhận xét sai lầm như vậy, nên chạy theo chỗ hào nhoáng bề ngoài, ông nầy bà nọ rồi xa dần chánh đạo. Tựu trung cũng đều do sự thiếu trí, thiếu hiểu biết thi văn kinh điển mà ra.

    c) Số người mê tín theo ông đạo Ðanh:

    Khoảng năm 1960, không biết một số người và một ông Ðạo tên chi và từ đâu đến ở Ðiện Rau Cần (núi Cấm). Bởi đầu Ðanh nên ông mới có tên là đạo Ðanh.
    Hằng ngày vào buổi tối, đệ tử ông ngồi xếp hàng nghe ông giảng đạo. Ông ngâm thơ bắt vần, không đúng niêm luật. Ông sáng tác văn thơ cho đệ tử ông học. Nhưng văn thơ của ông rất dởû. Về tông chỉ hành đạo, không có chi rõ ràng chơn lý. Song người ta đồn rằng ông có biệt tài "Soi căn" biết tiền kiếp và ông uống nước "cường toan" mà không chết v.v…
    Một hôm gần ngày Tết, như thường lệ những người ở núi phần nhiều là trở về quê ăn Tết, chỉ còn ở lại một số ít thôi. Núi non lúc nầy rất ít người ở, rừng núi mênh mông và có nhiều thú dữ.
    Khoảng mười giờ đêm, nghe tiếng huynh Hiển kêu cửa, tôi và Xinh vội ra mở cửa và hỏi có việc chi?
    Hiển nói:
    - Hai đệ có nghe gì không? Hướng Tây Nam văng vẳng nghe có tiếng người phụ nữ kêu cầu cứu. Nảy giờ hơn 10 phút vẫn còn la… hai đệ yên lặng lóng nghe coi…
    Chúng tôi lóng nghe, quả thật có tiếng người phụ nữ kêu la.
    Hiển hỏi:
    - Hai đệ tính sao, có nên đi tiếp cứu người hay không?
    Yên lặng một phút, chúng tôi cùng nhất quyết bất cứ giá nào cũng phải đi cứu người lâm nạn.
    Hiển nói:
    - Như vậy chúng ta nhanh lên!
    Xinh nói:
    - Chúng ta là kẻ tu hành, đây là việc bất đắc dĩ bắt buộc chúng ta phải làm. Chưa biết đi đây phải xảy ra chuyện lành dữ thế nào? Vậy ba anh em ta phải quan tâm 2 điều:
    1) Chúng ta phải luôn luôn dụng văn, cùng cực lắm mới dụng võ.
    2) Khi đi đường, nhất là khi đương đầu với đối phương,đôi mắt ta phải sáng quắc lên, không rời nhau một tích tắc, để hội ý được mật hiệu hầu đối phó với đối phương trong mọi trường hợp chớp nhoáng.
    Chúng tôi đưa tay đồng ý và vội vã ra đi. Tiện ghé cốc ông Chín, bày tỏ mọi việc…
    Ông Chín nói:
    - Vẫn biết đây là việc nghĩa. Nhưng các cháu không nên đi, vì đêm hôm vắng vẻ giữa chốn núi rừng, nào thú dữ, côn đồ giết người… Các cháu hành động như vầy rất nguy hại tánh mạng các cháu.
    Chúng tôi cương quyết đi! Ông Chín kéo áo chúng tôi lại…
    Xinh nói:
    - Ông Chín có lòng thương, các cháu xin ghi ơn. Nhưng quả tim các cháu không cho phép các cháu làm ngơ trước tiếng kêu la thảm thiết của đồng loại. Dù có hy sinh thân nầy, các cháu cũng vẫn vui lòng! Xin ông Chín an tâm!
    Ông Chín nghẹn ngào, nhìn chúng tôi tuôn tràn nước mắt và nói:
    - Quả vị Phật, Thần không dành cho những kẻ quanh năm chỉ biết sống ích kỷ, hèn nhát… Thôi các cháu có đi, phải hết lòng cẩn thận!
    Chúng tôi từ giã ông Chín, cấp tốc lên đường tiến nhanh theo hướng người phụ nữ kêu cầu cứu.
    Trời tối như mực, chúng tôi lần theo con đường mòn chật hẹp, khi phải núp bóng trong bụi rậm, khi phải leo qua vồ đá để quan sát tình hình.
    Thỉnh thoảng nghe trên cành cây cổ thụ có tiếng vượn hú, và dưới suối có tiếng cọp kêu. Ba anh em chúng tôi tai giảu lên lóng nghe khắp chỗ, mắt mở to quan sát từ gốc cây gộp đá để tự vệ cho nhau!
    Ði được một đổi xa xa, bỗng nghe phía trước có tiếng động, chúng tôi dừng lại núp vào vồ đá để chờ coi chuyện gì?
    Xinh nói nhỏ:
    - Heo rừng! Heo rừng! Chúng ta phải lên vồ đá, nhanh lên!
    Chúng tôi vừa leo lên vồ đá xong, thì con heo rừng rất lớn hiện đến. Nó chồm lên nhưng chúng tôi phản công rất mãnh liệt, nó phải thối lui ! Cầm cự độ 10 phút, chúng tôi yên lặng nằm sát xuống, không cho nó thấy bóng nó mới chịu bỏ đi. Thấy yên lặng, chúng tôi tuột xuống, nhắm hướng tiến nhanh đến điện Rau Cần.
    Ðộ non nửa tiếng đồng hồ chúng tôi đến tận địa điểm, nghe ngóng kỹ càng. Thấy một phụ nữ đứng ngoài cửa điện vừa khóc vừa la… Chúng tôi rọi đèn xông vào điện, gặp một đạo sĩ khoảng 50 tuổi, nằm oằn oại dưới vũng máu, ruột bên hông lòi ra, nhưng can nhân vẫn còn sống. Chúng tôi hỏi nguyên nhân nội vụ, đạo sĩ nín lặng, không trả lời. Chỉ có cô kia tự khai.
    Cô tên Tâm 25 tuổi, quê ở Sóc Trăng, đạo sĩ đó là thầy của cô. Cũng như bao nhiêu nam nữ đệ tử khác, cô theo thầy về ở đây tu hơn một tháng. Nay gần ngày Tết, đồng đạo của cô về nhà ăn Tết, chỉ còn cô và hai vị nữ nữa ở lại ăn Tết với thầy. Nhưng hồi sớm mai nầy, một vị bị bịnh, một vị đưa đi hốt thuốc ở Xà-Tón hẹn chiều về. Song tới tối chưa thấy về... Khoảng 10 giờ đêm nay, Thầy cô giở trò không tốt nên cô phải cầm mác tự vệ, rủi trúng vào hông Thầy trọng thương v.v…
    Khai xong mọi việc cô lạy chúng tôi và yêu cầu giải cứu...Trong khi cô đang cầu xin cứu mạng, thì chúng tôi nghe tiếng động bên ngoài, không biết là người hay thú rừng. Còn can nhân kia nhìn chúng tôi với cặp mắt lườm lườm, thấy cũng ớn! Xinh nói:
    Trước sự việc đã xảy ra, chúng tôi xin phép lập biên bản, mọi đương sự liên quan nội vụ đồng ý ký tên vào đó, để chúng tôi nắm giữ, rồi chúng tôi tìm cách đưa can nhân vào nhà thương cứu chữa.
    Xinh bảo tôi lấy viết mực lập ngay biên bản, và đứng gần bên tôi phòng khi bất trắc...Tôi liền lập biên bản nhanh, xong đọc cho mọi người nghe và đồng ý ký tên, chỉ có can nhân không đồng ý, còn dụng lời thô lỗ với chúng tôi!
    - Mấy chú là chánh quyền, hay dân sự? Nếu chánh quyền thì xuất trình giấy tờ cho tôi coi, còn dân sự thì mấy chú cũng như tôi, có quyền gì lập biên bản, ép buộc tôi phải ký ?
    Chúng tôi dùng lời lẽ thiệt hơn lễ độ… sau cùng can nhân yêu cầu chúng tôi lập biên bản là ông cầm mác đi làm công việc, rủi té bị trọng thương...v.v...
    Nhận thấy không giải quyết bằng biện pháp ổn thỏa được, huynh đệ chúng tôi phải lui ra ngoài bàn kín công việc.
    Xinh nói:
    - Chúng ta là kẻ tu hành, lúc nào cũng xử sự cho hợp lẽ từ bi. Song chúng ta lập biên bản y lời can nhân yêu cầu là dung dưỡng và đồng lõa với kẻ tà đạo, nhiễu hại lương dân, làm thương tổn tiềm lực quốc gia và Phật Giáo. Cái từ bi đặt không đúng chỗ, chúng ta không nên làm. Nhưng được, chúng ta vào trong tùy tiện nói chuyện với lão.
    Xinh nhìn mặt can nhân và nghiêm nghị nói:
    Ông kia, lóng nghe chúng tôi nói: Mục đích chúng tôi đến đây chỉ là vì lòng nhân đạo giúp kẻ tai nàn, cứu mạng sống cho ông. Nhưng nay ông không chịu ký vào biên bản và còn chống báng chúng tôi. Ông tưởng rằng chúng tôi sợ ông, và không có biện pháp nào giải quyết được nội vụ hay sao? Ông nên biết: Một quốc gia có tổ chức chánh quyền, có pháp luật rõ ràng, chúng tôi là thanh niên của một nước có pháp luật, vẫn được phép áp dụng quyền công dân để tạm giải quyết mọi trường hợp bất trắc đã xảy ra. Nhằm mục đích duy trì an ninh trật tự cho thôn xóm, trong khi nhà chức trách chưa kịp thời kiểm soát. Miễn là việc làm chúng tôi có lợi cho nhân dân và không trái với luật pháp hiện hành là đủ!
    Xin ông vui lòng ký tên vào biên bản để chúng tôi lo băng bó vết thương cho ông và đưa ông đến nhà thương cứu chữa. Chúng tôi hứa danh dự với ông khi đến nhà thương sẽ khai báo rằng ông bị rủi ro tai nạn theo như lời ông đã yêu cầu… Nếu ông vẫn khư khư, không chịu ký tên vào biên bản, buộc lòng chúng tôi phải lập biên bản khác và bắt ông giải đến cơ quan chánh quyền lập tức. Ðồng thời, thông báo cho các đệ tử ông hay biết về hành vi chẳng tốt của ông.
    Hiển nói:
    - Ðứng nam nhi nói phải làm, vả lại, tình trạng khẩn cấp, không thể chần chờ được nữa phải lập biên bản nhanh lên, để tôi trói lão giải đi lập tức!
    Ðến đây can nhân mới chịu ký tên vào biên bản và một lần nữa, can nhân yêu cầu chúng tôi khai báo với mọi người rằng ông bị sự rủi ro tai nạn.
    Tiếp theo, chúng tôi lo băng bó vết thương cho can nhân và tổ chức đưa đến nhà thương Châu Ðốc chữa trị ngay trong đêm đó [SUP](1)[/SUP] và tiễn cô Tâm lên đường về quê trong một sáng sớm ngày mai.
    Trước khi lên đường về quê, cô Tâm hết lời cảm ơn chúng tôi đã cứu mạng sống của cô.
    Xinh ôn tồn nói:
    - Cô Tâm, không riêng gì cô, mà bất cứ người nào, khi thấy họ lâm nạn, chúng tôi cũng sẵn sàng tùy khả năng mình giải cứu ngay. Cô không cần biết tên tuổi và địa chỉ chúng tôi cùng việc đáp ân nghĩa chi cả. Bởi: "Nhạn bay qua lưng trời, ảnh hiện trong hồ nước; nhạn không quan tâm bóng hình, nước không lưu giữ bóng nhạn". Ðây chỉ là việc làm theo lương tâm của chúng tôi đó thôi!
    Có điều, trước khi cô rời cảnh núi non, tôi xin nhắc nhở cô: Cô đã học được mộtï bài học rất đắt giá, và bài học này cũng để cho những người kém trí, dễ tin, dễ theo, nhất là những phụ nữ có ít nhiều nhan sắc và liều lĩnh như cô!
    Cô nên biết: Những kẻ thích đi nhiều, xã giao rộng, lại không biết mình, biết người, không thấy bằng tâm, chỉ thấy bằng mắt, không nghe bằng tâm, chỉ nghe bằng tai, thì tránh sao cho khỏi những điều nguy hại.
    (1): Nghe đâu ông đạo Danh đã chết tại nhà thương Châu Ðốc trong ít ngày sau, vì vết thương đã nặng mà sự băng bó có phần chậm trễ.
    Việc tu hành cốt ở chỗ giữ gìn giới luật, trau sửa thân tâm, am tường giáo lý nhà Phật, như: Luật Nhân quả, Lý Luân hồi, Tứ khổ, Thập ác, và Bát Chánh đạo v.v… Người tu hành sao không siêng năng học hành theo đó để tiến lên đường giải thoát. Không tu được nhiều, mà tu sửa cái ý tham lam, ích kỷ, keo bón, sanh nạnh, dời đổi, và cái mồm nặng nghiệp của ta cũng quý lắm rồi. Ông Phật toàn minh, toàn thiện trong tâm mình sao không tìm? Cứ mãi chạy theo ông này, bà nọ, tìm Phật trên núi, trong chùa… chừng khi biết hối hận thì việc đã muộn rồi!
    Nói thế, không phải tôi có ý khinh trách những người kém trí mê lầm. Tôi rất thông cảm thương lo cho số người ấy, cũng như thương lo cho em cháu chúng tôi! Có đứa cũng cố gắng lắm, có đứa cứ mãi quây quần theo những việc không đâu! Chẳng dừng cái tâm ham muốn mình lại, không chuyên tâm Niệm phật, làm việc phước nhân và lo trau dồi kinh điển mỗi ngày cho mở mang trí huệ hầu thấy được kho tàng quí giá vô lượng trong bản tâm diệu minh của mình. Tôi cũng tự trách mình không đủ tài đức, nhân duyên để hóa độ những kẻ mê lầm, kém phần văn hóa như ông Chareales Baudoir đã nói: " Từ sự không có văn hóa đến lòng thiên chấp mê tín, chỉ có một bước thôi". Thời gian không cho phép tôi nói nhiều thôi cô hãy lãng quên mau lên đường về cố quán.

    V. SỰ ÍCH LỢI VỀ VIỆC TRAU LUYỆN THI VĂN

    Vừa qua, nói về tai hại của việc kém thi văn. Tiếp theo xin bàn thêm phần: "Ích lợi về việc trau luyện thi văn" để chúng ta khỏi phải mơ hồ với phương án của mình.
    Trong tác phẩm này tôi chứng minh phần lợi ích về thi văn khá nhiều. Ở đây xin luận thêm một ít.
    Như chúng ta đã biết: Thi văn của các thi sĩ đời thì ẩn khúc những âm điệu u buồn não nuột, mơ mộng theo tình tứ đau thương.. Còn thi văn của nhà đạo, thì hàm dung giáo pháp từ bi, cao siêu giải thoát…
    Muốn đạt được ý nghĩa cao siêu ấy, nhà đạo phải năng tra cứu, học đọc thi văn kinh, giảng lâu ngày mới thâm nhập giáo lý.
    Khi đã thâm nhập giáo lý rồi, thì hồn thơ của nhà đạo mới được cao quý trong khi mình đã viết ra.
    Và trong những giờ phút trau luyện thi văn đó, cũng là những giờ phút tư duy chân chánh để diệt vọng tâm cho lòng mình bớt đi tư tưởng vạy tà hầu tiến thẳng đến chỗ nhiệm mầu của đạo.
    Thế nên, công phu trau luyện thi văn của người tu sĩ, nó không mất, vì nó đã tích trữ trong tàng thức A-lại-da. Nếu kiếp nầy họ tiến suôn sẻ trên đường giác ngộ họ sẽ được đắc quả ngay. Bằng chưa được vậy thì hạt giống quý giá kia của họ vẫn còn, khi hạp thời tiết sẽ đâm chồi nảy tược!
    Và kinh nghiệm cho biết: phần nhiều những người am hiểu thi văn, kinh pháp, dù bước chân của họ có vấp phải chăng nữa, họ cũng sớm vùng vãy tiến lên con đường mà trước kia họ đã đi. Và họ có lập gia đình, lo làm ăn sinh sống như mọi người nhưng đời sống của họ vẫn có một ý nghĩa cao đẹp hơn những kẻ dại khờ vô đạo. Chúng ta nên xác nhận thực tế: Thi văn là một trong những yếu tố cần thiết, học được phần nào tốt phần nấy. Vì đây là cái lý đương nhiên của sự tiến bộ, dù khoa học hay Phật học cũng phải công nhận thế thôi.
    Ðiều nầy, được chứng minh qua câu chuyện Giả -Can (A Dật Ða) do Ðức Phật giảng trong bộ kinh "Vị Tằng Hữu Thuyết nhân duyên" cho vua Ba-Tư-Nặc nghe.
    -Kinh nói: Ðời thượng cổ Nước Ba La Nại có tên A Dật Ða, con nhà nghèo, nhưng rất hiếu học. Năm 12 tuổi, A Dật Ða học đạo với một minh sư, tính rất siêng năng, học tinh thông: Kinh, thơ, Ky luận… A Dật Ða trở thành một bậc tài ba xuất chúng, và đã được lên ngôi Hoàng Ðế, tột đỉnh quyền uy. Nhưng vì sự chinh phạt sát hại sanh linh, say mê tửu sắc, nên khi chết A Dật Ða phải đọa vào Ðịa Ngục. Song nhờ có số vốn thông hiểu kinh điển Phật Pháp nên A Dật Ða chuyển dần lên thân giả Can (Súc sanh) và khi bỏ kiếp Giả-can sẽ được tiến lên cõi Trời Ðâu Suất, cùng chư Bồ Tát giáo hóa chúng sanh nơi cõi nầy.

    VI. CÁCH SỬ DỤNG THI VĂN:

    Những bậc Thánh Ðức siêu nhân, các Ngài đã hoàn toàn sáng suốt, nên việc sử dụng thi văn của các Ngài đều có phước lợi cả. Ngược lại, hạng tu sĩ như chúng ta đây dù thi văn của mình có hay giỏi đến đâu chăng nữa, nó cũng ở trong phạm vi thường nhân thôi. Cho nên việc sử dụng thi văn chúng ta phải cẩn thận. Nếu sử dụng đúng chỗ có phước lợi, sử dụng sai lầm có tai hại.

    1.Cách sử dụng thi văn đúng chỗ, có phước lợi:

    a) Dưới đây chúng ta thưởng thức bài thơ của Ðức Huỳnh Giáo Chủ sáng tác năm 1946.
    Ðại để cốt truyện:
    Lúc Ðức Huỳnh Giáo Chủ ở Sài Gòn, có một thiếu nữ thầm yêu Giáo Chủ, nên Ngài mới sáng tác bài thơ dưới đây để cảnh tỉnh cô ấy:
    Ta có tình yêu rất đượm nồng,
    Yêu đời, yêu lẫn cả non sông;
    Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,
    Không thể yêu riêng khách má hồng.

    ***
    Nếu khách má hồng muốn được yêu,
    Thì trong tâm chí phải xoay chiều;
    Hướng về phụng sự cho nhơn loại,
    Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.

    ***
    Ta đã đa mang một khối tình,
    Dường như thệ hải với sơn minh;
    Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
    Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.
    (Tình Yêu)

    Phụ Bình:
    Khi vần thơ của Ðức Huỳnh Giáo Chủ đến với thiếu nữ, khiến cho bao nhiêu mộng đẹp cá nhân cô như mây đùn trong lúc hoàng hôn gặp cơn gió mạnh phải tan dần, nhường lại cho bóng trăng thinh soi trên vạn nẻo.
    b) Dưới đây chúng ta thưởng thức thêm vần thơ xuân của ông Thanh Sĩ sáng tác năm Nhâm Tý (1972):
    "Mỗi xuân về dân lo đón tiếp
    Lòng người dân xuân biết cho chăng?
    Bao xuân qua vẫn khốn nàn,
    Chưa xuân nào đúng lời nguyền của dân.
    Dân muốn an mà xuân cứ loạn,
    Nước muốn bình xuân chẳng hòa theo;
    Xuân ơi! nên để dân yêu,
    Ðừng làm dân chán như nhiều năm qua!
    Xuân về xin cho Hòa cho Hảo,
    Xuân về đừng gây bạo gây hung;
    Xuân nên cho cảnh ấm nồng,
    Xuân đừng cho cảnh lạnh lùng tái tê.
    Xuân nên làm chợ quê vui vẻ,
    Xuân chớ làm buồn tẻ nước nhà;
    Ðồng bào cùng một ông cha,
    Dầu Nam hay Bắc cũng là Việt Nam.
    Hãy thương nhau chớ nên tang tóc,
    Cho tự do thống nhứt hòa bình;
    Bao nhiêu tư tưởng riêng mình,
    Nên đem cống hiến cho tình nước chung
    Xứng đáng tên con hồng cháu Lạc,
    Không thẹn cùng dân tộc gần xa;
    Năm nầy xuân đến nước ta,
    Xin cho quốc định, gia hòa, dân an.
    (Chào Xuân Nhâm Tý)

    Phụ Bình:
    Theo luật tuần hoàn của vũ trụ, thì đông mãn xuân sang, thay lại cảnh tươi nhuần cho vạn loại. Ông Thanh Sĩ dùng thi văn kỳ diệu phô diễn xuân Thiên nhiên như trên, để chỉ cho xuân nhân tạo của đất nước Việt Nam và dân tộc ta phải chịu biết bao lần xác xơ khuynh đảo!
    c) Chúng ta thử thưởng thức vần thơ của Xinh - một người trên đời ít có:
    Xinh là một nhân vật tài hoa, nhưng bạc mệnh và có thiện chí quốc gia đáng mến. Xinh chán nản đường hoạn lộ, quyết trở lại thiền môn lo bề giải thoát. Xinh và tôi là bạn tâm đầu ý hợp, Xinh lớn tuổi hơn, nên tôi gọi Xinh bằng thân huynh và tự xưng mình tiểu đệ. Xinh hết lòng giúp đỡ tôi về mặt tinh thần hướng thượng và nhứt là việc trau luyện thi văn… Nhưng một hôm con tạo trớ trêu, bể dâu biến đổi. Xinh và tôi phải chia ly mỗi người mỗi ngả. Xinh trao cho tôi vần thơ gói trọn lòng mình trước phút xa nhau:
    Dưới mái chùa xưa đã vắng rồi,
    Nghĩa tình huynh đệ cách đôi nơi;
    Từ đây biền biệt ngàn sương gió,
    Còn lại những gì kỷ niệm thôi!

    * * *
    Thôi hãy yên lòng để lập thân,
    Dù cho lăn lóc lắm phong trần;
    Con tim một sắc nguyền không đổi,
    Hẹn gặp trong tình yêu quốc dân!

    * * *
    Thôi hãy yên lòng với kệ kinh,
    Hồi quang kỹ lại bản thân mình.
    Trời xanh tim đỏ lời xin hẹn,
    Gặp lại trong tình yêu chúng sinh!

    Hôm nay tôi và Xinh vĩnh viễn xa nhau, hình bóng Xinh trong kiếp nầy tôi không còn gặp lại nữa, vì Xinh đã vùi thân nơi lòng đất lạnh lâu rồi! Nhưng trên quãng đường tu tỉnh của tôi trong độ tuổi xuân thời, có những lúc thăng trầm, lợi danh cám dỗ. Ngoài công ân Thầy, Tổ và cha mẹ ra, tôi luôn luôn nhớ Xinh với câu dạy bảo:
    "Hồi quang kỹ lại bản tâm mình"
    Cùng bao lời dặn dò:
    "Con tim một sắc nguyền không đổi"
    Và lòng thiết tha:
    "Hẹn gặp trong tình yêu chúng sinh…"
    Mỗi lần nhớ lại vần thơ của Xinh thì bầu nhiệt quyết của tôi tràn đầy, mắt tôi sáng thêm và đôi chân tôi mạnh mẽ, quyết tiến lên cho nốt đoạn đường giải thoát, và đi cho đúng bản đồ "yêu vạn loại chúng sinh" để chẳng phụ lòng người thân hữu của tôi nơi phương trời xa xôi tĩnh mịch.

    Nhận xét:
    Câu chuyện kể trên, chứng tỏ rằng: Thi văn là một sức mạnh truyền cảm cho người đọc và người nghe, dễ dẫn dắt họ trở về đường chánh đạo mà các bậc siêu nhân trong cửa Phật, không quên lấy đó làm phương tiện cho vấn đề truyền giáo của mình.

    2. Cách sử dụng thi văn không đúng chỗ có tai hại:

    Phần trước chúng ta đã biết qua cách sử dụng thi văn đúng chỗ, có phước lợi. Tiếp theo chúng ta bàn đến cách sử dụng thi văn không đúng chỗ, có tai hại:
    a) Dưới đây chúng ta thử thưởng thức vần thơ bỏ thuốc lá chưa quyết tâm:
    Ðại để cốt truyện:
    Khoảng cuối năm 1960, có ông Sáu Lực, ông như bao nhiêu người khác, lánh chốn phồn hoa danh lợi, tìm về cảnh núi non (núi Cấm) thanh tịnh tu hành. Ông Sáu có bệnh ghiền thuốc lá, chúng tôi khuyên ông bỏ thuốc.
    Ông Sáu biện hộ là trong giới luật nhà Phật, không có chỗ nào là cấm việc nầy. Chúng tôi nói: Trong những khi vắng thuốc ông Sáu có buồn và ray rứt trong lòng chăng? Chắc phải có! Nếu thế, ông Sáu đã bị ràng buộc nghiện ngập rồi! Những cái gì ràng buộc nghiện ngập làm cho tâm hồn ta không tự do giải thoát, tức trái với luật đạo, chúng ta không nên vi phạm.
    Giả sử, ở núi nầy có người ăn nhằm nấm độc phải chết, uống nước không đề phòng kỹ nhằm con Sam cũng hại. Những tai hại nầy ông Sáu có cấm con, cháu ông không ? Chắc không. Song những cái gì làm tai hại cho sinh mạng chúng, tức ông Sáu không muốn nên dù không có chỉ thị rõ ràng trong văn tự để cấm, mà vẫn được coi như ông Sáu đã cấm! Bởi đó là điều tai hại!
    Ðối với vấn đề thuốc lá cũng vậy. Dù trong giới luật nhà Phật không thấy chỗ nào cấm. Nhưng nó thuộc về chướng nghiệp ngăn trở tinh thần giải thoát, và làm thương tổn huệ mạng nhà tu, thì vẫn được coi như điều mà Phật đã cấm ngặt rồi!
    Ông Sáu cho đây là chuyện nhỏ nhặt không đáng kể. Chúng tôi khuyên ông. Những thứ nào ràng buộc nghiện ngập, dù lớn hay nhỏ cũng gọi là chướng nghiệp, làm trở ngại bước đường giải thoát, thì đối với nhà tu không thể cho đây là chuyện nhỏ nhặt được!
    Ví như một chiếc xe tải, bánh xe thủng bằng một dấu chấm, một chiếc mẫu hạm xì nước vô bằng ngón tay cũng là chuyện quan trọng cả. Vả lại, việc nhỏ nhặt không cần thiết, sao ta chưa chịu bỏ nó cho rồi, còn bận tâm đến nó làm chi? Nghe lời chúng tôi khuyên ông Sáu hứa sẽ bỏ thuốc.Ðược vài ngày sau, mỗi buổi chiều, ông Sáu lên ngồi trên vồ đá nhớ thuốc, ông lộ vẻ buồn! Thấy thế chúng tôi yêu cầu ông làm thơ, với đề tài "Bỏ thuốc lá".
    Ông Sáu nặn nọt suốt giờ được một bài thơ như dưới đây:
    Dạo chơi bàn thạch thanh nhàn,
    Mai ra có gặp thuốc tàn hút chơi
    Phì phà nhả khói vài hơi,
    Trên kia có lẽ ông Trời cũng tha!
    Mười phần giữ bảy, còn ba,
    Từ từ cũng được như là anh em.
    Chiều chiều thì nó bắt thèm,
    Kệ kinh cũng khó mà đem vào lòng
    Ước gì đây có thần thông,
    Ðằng vân mua thuốc vài đồng hút chơi!
    Ðệ huynh chớ có cười tôi,
    Tập thì rất dễ, bỏ thôi dễ nào!
    Nó hành miệng đắng răng đau,
    Ban đêm thức trắng chớ nào ngủ đâu!
    Gặp ai cũng muốn câu mâu,
    Niệm Phật chẳng đặng biết sao bây giờ.
    Ngồi buồn cất bút đề thơ,
    Cái hại thuốc lá mà ngơ ngẩn lòng!

    Cũng vì bài thơ thèm thuốc lá nầy, người ta chuyền đến tay bà Sáu. Sẵn nhớ ông Sáu lại gặp được bài thơ, bà Sáu đau lòng khóc sướt mướt, và bà lo mua sắm đồ ăn, thuốc hút đem lên thường cho ông Sáu. Rốt lại, bà buộc sợi dây tơ hồng già vào buồng tim ông Sáu và dắt ông Sáu về nhà sống với chuỗi ngày tàn, mòn hơi, kiệt sức.
    Rồi một hôm, ông Sáu đành bỏ bà Sáu ra đi biền biệt về bên kia thế giới. Bà nhờ xóm giềng dồn ông vào quan tài, khiêng ra đồøng lấp đất lại, và khóc thương thảm thiết trước cảnh chia ly.
    Thế là xong cuộc đời ông Sáu!

    Nhận xét:
    Kinh nghiệm cho biết: một lỗ thủng nhỏ, nếu không sớm hom trét, sẽ nhận chìm chiếc thuyền to, một chướng nghiệp nhỏ, nếu không sớm diệït trừ sẽ thiệt hại đến đức lớn.
    Ôn lại tấm gương ông Sáu Lực chúng ta để ý hai phần:
    1) Thuốc lá dù chướng nghiệp nhỏ, nhưng ông không ý thức được tai hại, không sớm diệt trừ nó sẽ dẫn từ nghiệp nầy sang nghiệp khác, như cơn bịnh biến chứng dồn dập, phải hủy diệt thân luôn!
    2) Thi văn được biểu lộ tư tưởng, ý chí con người, hồn thơ, ông Sáu quá nhu nhược, lui tới không quyết định, trí, dũng không thắng nổi ma lòng, và sự quyến rũ của bao nhiêu ngụy lý, ảo vọng bên ngoài, thì làm sao có đủ điều kiện tiến xa lên đường giải thoát.
    Người tu hành, dù già hay trẻ mới tu hay thâm niên, đừng thờ ơ với những chướng nghiệp nhỏ.
    Mà phải:
    Càng có đức càng cần tu kỹ,
    Càng thông minh càng tự sửa mình
    Và chúng ta nên quan tâm các phiên toà tuyên án: Tử hình hoặc khổ sai chung thân … phần nhiều trước tiên do vi phạm tội nhỏ mà ra.
    b) Ðây chúng ta thưởng thức vần thơ thất vọng của anh Nhân ở Cần Thơ, khoảng năm 1959.
    Ðại để cốt truyện:
    Anh Nhân một thanh niên có số vốn học thức, bởi thất vọng trường đời, anh nương thân vào cửa thiền môn cho phai mùi tục lụy. Thay vì người tu hành nên dùng thi văn khơi sáng ngọn đuốc từ bi cho tất cả chúng sinh trở
    về đường giải thoát. Ngược lại anh thường làm thơ trữ tình trắc ẩn nhiều tâm sự. Thời gian qua anh bị «khổn tiên thằng» ràng rịt anh với một thiếu nữ thường lui tới hành hương. Nhưng câu chuyện tình duyên của hai người bị trắc trở, bởi bức tường giai cấp ngăn che. Không còn cách nào hơn là anh phải theo bạn nhập ngũ binh chủng Hải quân. Trước khi đi, anh gởi cho chị Muội (người yêu) một vần thơ như dưới đây:
    Vĩnh Long ơi! Hỡi Vĩnh Long!
    Bao nhiêu năm tháng hoài công đợi chờ!
    Tôi còn thực, hay tôi mơ?
    Xác nơi am tựï, hồn chờ bên sông!
    Từ khi buộc chặt chỉ hồng,
    Bức tường giai cấp mà lòng xót đau!
    Tường thành càng lúc càng cao,
    Thôi đành hẹn lại kiếp nào em ơi!
    Anh đi ở tận chân trời,
    Lênh đênh sóng gió cho vơi não nùng!
    Khối tình trong nước thủy chung,
    Cầu ô lỗi nhịp, xin đừng chờ trông!

    *Vỉnh long là quê chị muội: nĩi đến vĩnh long tức là ám chỉ cho chị muội.

    Anh Nhân những tưởng sống với cảnh trời nước bao la cho vơi bớt nỗi khổ tâm. Nhưng "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?" Nỗi đau thương của anh càng ngày thêm dồn dập… Anh kiệt sức quá, đồng đội thương tình đưa anh về Quân Y viện (Cần Thơ) chữa trị…
    Còn chị Muội, thì từ khi nhận được thơ của anh Nhân, chị bỏ ăn, mất ngủ thân xác võ vàng nằm trong phòng như người sắp chết. Chị Muội là con nhà giàu có. Cha mẹ thấy chị bệnh nặng lo chữa trị đủ phương. Nhưng bệnh chị càng ngày càng tăng, nên gia đình phải đưa chị vào Dân Y viện (Cần Thơ) chữa trị. Song bệnh tình của chị chỉ có linh dược thần tiên mới mong hy vọng, chớ lương y phàm tục làm sao chữa được! Gia đình chị đến đây đã cùng phương chưa biết giải quyết sao?
    Ðang cơn bối rối, bỗng nhiên trong thân nhân chị Muội có người được tin anh Nhân cũng đang trọng bệnh và nằm ở Quân Y viện gần đó. Lui tới không đường, nên cha mẹ chị Muội đành phải chấp thuận cho hai người được tác hợp với điều kiện: Sau khi cả hai đều được mạnh lành …
    Nỗi vui mừng của chị Muội và anh Nhân không sao kể xiết. Hai người liền hết bịnh và gặp nhau nửa khóc, nửa mừng!...Trong khi chờ đợi ngày lễ thành hôn, hai người mới xin phép cha mẹ về quê. Lúc ấy là mùa nước nổi, hai người cùng bơi thuyền ra đồng ngắm cảnh, hái sen, vui chơi để bù lại những ngày sống trong đau khổ! Nhưng, than ơi ! "Phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí"… Chị Muội vừa mới vói tay hái thêm một hoa sen đẹp, thì bỗng nhiên con rắn hổ ác nghiệp núp trong bụi sen cắn ngay khẩu tay chị Muội, chị ngã trong thuyền và chỉ trong tám tiếng đồng hồ sau chị đã chết. Còn anh Nhân thì cuồng loạn lên, thời gian không đầy một tháng, anh cũng trút hơi thở cuối cùng trong cảnh đau thương cực độ!!!

    Nhận xét:
    Người ta ví thi văn cũng như vũ khí để thích vào hông giặc, mà hông giặc ta không thích, trở lại thích vào bụng mình cho ngã gục bên đường, thì thôi, hết nói rồi! Nhưng không lẻ thấy tướng kia như vậy, rồi tướng khác ra trận không mang vũ khí, hoặc gặp giặc đến lại rủ nhau cùng hè chạy trốn hết hay sao?
    Ôi ! Rất tiếc thương và ngán sợ thay cho nghiệp lực chúng sinh ! Vẫn biết rằng: Thi văn sử dụng không đúng chỗ nó là điều tai hại. Nhưng nói gần hơn và thực tế hơn, cũng do ở chỗ: "Thuyền tình cảm, chở vật ân nghĩa, thả trôi theo dòng sông bất chấp, nhất định phải đi đến bể ái không sai!"

    VII. TÁNH KIÊU CĂNG TỰ THỊ:

    Khi con người có tài nghệ thường sinh ra kiêu căng tự thị. Nghĩa là tự cho mình hay giỏi, khinh thị kẻ khác không bằng mình.
    Trên đời chúng ta thường thấy những bậc siêu nhân, đứng trước mọi sự việc hơn thua, cao thấp, các Ngài thản nhiên vì khí huyết của các Ngài đã bình, nên tuỳ nghi theo hoàn cảnh ứng dụng, không háo thắng, tự đắc, khoe khoang… Còn hạng thường nhân thì ngược lại.
    Chúng ta nên biết: Cái thể ánh sáng của Nhật Nguyệt và Khí thiêng liêng sông núi nhiệm mầu không hun đúc riêng cho một cá nhân nào mà vẫn dành chung cho cuộc tiến hoá của vạn loại chúng sinh. Cho nên, dù ta có tài giỏi đến đâu đi nữa, cũng còn có người tài giỏi hơn ta. Ta đừng nên kiêu căng tự thị mà rước lấy tai vạ và làm trò cười cho bậc "Thượng sĩ vô tranh".
    Dưới đây xin đơn cử một vài trường hợp:

    1. Câu chuyện giữa Vương An Thạch và Tô Ðông Pha:

    Hồi đời nhà Tống, Vương An Thạch và Tô Ðông Pha là hai văn hào nổi tiếng ở Trung Hoa. Một hôm Ðông Pha đến nhà An Thạch chơi. Không có An Thạch ở nhà, Ðông Pha thấy trên bàn của An Thạch có hai câu thơ:
    "Minh Nguyệt Sơn đầu khiếu
    Huỳnh Cẩu ngọa hoa tâm"
    Ðông Pha nói: - Cái gì lạ vậy? Minh Nguyệt là trăng sáng; Sơn đầu khiếu là kêu trên chót núi. Tại sao trăng sáng lại kêu trên chót núi? Huỳnh Cẩu là chó vàng; ngoạ hoa tâm là nằm trong lòng hoa. Tại sao con chó vàng lại nằm trong lòng hoa? Cái hoa bao lớn mà con chó nằm trong đó được? Thật vô lý…
    Ðông Pha lấy viết sửa lại như vầy:
    "Minh Nguyệt Sơn đầu chiếu
    Huỳnh Cẩu ngoạ hoa âm".

    Có nghĩa: Bóng trăng sáng soi trên chót núi; con chó vàng nằm dưới bóng hoa. Thế mới đúng chớ ! Như vậy quả An Thạch người hữu danh vô thực. Và kiếu ra về.
    Khi Vương An Thạch đi xóm trở về nhà. Thấy hai câu thơ của mình có người sửa lại, hỏi ra mới biết người sửa đó là Tô Ðông Pha. An Thạch nói:
    - Ðược, ta sẽ cho Ðông Pha một bài học đích đáng.
    Sau ngày Vương An Thạch lên nắm quyền Tể Tướng, liền chỉ thị cho Ðông Pha đi trấn nhậm một xứ xa xôi nơi biên địa. Chỗ này thường đêm có tiếng chim kêu thảm não, làm cho khách tha phương nhớ nhà vô hạn !
    Sáng ngày, Ðông Pha cho lính vào xóm mời một số kỳ lão trong làng đến hỏi duyên cớ!
    Các Kỳ lão thưa:
    - Ở đây thường đêm có loài chim tên Minh Nguyệt bay đi kiếm loại sâu Huỳnh Cẩu để ăn. Mỗi lần chim Minh Nguyệt kêu lên thì sâu Huỳnh Cẩu ẩn trốn
    vào lòng một thứ hoa rừng để chim không bắt ăn thịt được.
    Vỡ lẽ ra, Ðông Pha mới biết: Minh Nguyệt tức loại chim Minh Nguyệt, chớ không phải bóng trăng sáng, Huỳnh Cẩu loại sâu Huỳnh Cẩu, chớ không phải con chó vàng vv…
    Ðến đây Tô Ðông Pha mới chợt tỉnh, học thêm bài học tai hại về tánh kiêu căng tự thị của mình.

    2. Câu chuyện một Ðại đức chỉ trích văn thơ của Ðức Huỳnh Giáo Chủ:

    Nhớ lại mùa nước nổi năm 1965 tôi trốn quân dịch ở chùa Quảng Tế (Long Xuyên). Bữa nọ, có một đại đức đang giảng đạo pháp với số phật tử trên mười người mà trong đó có tôi.
    Không biết đại đức vô tình hay cố ý nói:
    - Hàn Tín một con người kiêu căng, mưu xảo mà trong thơ ông Tư H.H lại khen Tín. Thật là lầm.
    Ðại đức nói rồi nhìn tôi với một cử chỉ mất cảm tình. Tôi bình tĩnh suy nghĩ một lát, rồi đưa tay xin phép có ý kiến. Ðại Ðức nói: Phật tử có ý kiến chi?
    Tôi lễ phép thưa:
    - Thưa Ðại đức, Ðại đức chưa hiểu được ý nghĩa trong mấy câu thơ của Ðức Huỳnh Giáo Chủ. Xin Ðại đức lóng tai nghe tôi đọc lại:
    "Chuyện nầy cũng lắm tuyệt vời.
    Giả như Hàn Tín đợi thời lòn trôn.
    Ðến sau danh nổi như cồn,
    Làm cho Hạng Võ mất hồn mấy khi.
    Chuyện xưa thanh sử còn ghi,
    Khen anh Hàn Tín vậy thì mưu cao…"

    Vừa qua, Ðại Ðức nói: Hàn Tín là một con người kiêu căng, mưu xảo… Ðại Ðức nói đó thuộc về đức độ. Còn ở đây, căn cứ vào những câu thơ như tôi đã đọc, thì Ðức Huỳnh Giáo Chủ khen Hàn Tín ở chỗ mưu lược đánh bại Hạng Võ mà thôi. Thật vậy, Hàn Tín là viên Ðại tướng, có đủ mưu lược chiến thắng muôn vạn hùng binh của Hạng Võ mà Trương Lương một nhân tài xuất chúng đương thời còn phải khen và trọng dụng tài năng của Tín. Như thế, trong thơ của Ðức Huỳnh Giáo Chủ về ý và lời rất chính xác, chớ đâu có chi sai lầm. Thưa Ðại đức?
    Ðại đức đỏ mặt, nhìn tôi và nói:
    - Chưa phải bấy nhiêu đâu, mà còn sai lầm nhiều nữa kìa!
    Tôi tự nghĩ mình đang ẩn trốn quân dịch, và một kẻ vô danh, lại độc thân đương đầu với vị Ðại đức và có số đông đệ tử ủng hộ thầy họ. Nhưng đứng trước trường hợp đặc biệt này, ta phải bình tĩnh đương đầu với họ.
    Miễn ta giữ sao cho đừng thiếu nhã nhặn với họ cũng đủ. Nên tôi nói thêm:
    - Thưa Ðại đức có điều chi sai lầm nữa, xin Ðại đức cho biết?
    Ðại đức nói:
    - Ðã là nhà tu Phật lại tham gia chánh trị, thế có phải sai lầm chăng?
    Tôi nói:
    - Thưa Ðại đức, xét cho kỹ thì không thể nói Ðức Huỳnh Giáo Chủ làm chánh trị được! Bởi lẽ, mục đích của con người làm chánh trị là có ý đồ vương bá, củng cố Ngai vàng. Còn ở đây, Ðức Giáo Chủ chúng tôi chỉ làm bổn phận một tín đồ nhà Phật đó thôi. Bởi nhân sinh quan của Ðạo Phật, có Tứ Ân mà trong đó có ân Quốc Vương (nay đổi lại là ân đất nước), nên người tín đồ nhà Phật, lúc đất nước bị xâm lăng giày xéo, họ có bổn phận cùng đồng bào mình đánh giặc, bảo vệ nền độc lập quốc gia. Khi đất nước thanh bình, họ trở về cương vị tu hành. Ðức Huỳnh Giáo Chủ cho biết:
    “Tăng Sĩ quyết chùa am bế cửa,
    Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha,
    Ðền xong nợ nước thù nhà,
    Thiền môn trở gót Phật Ðà Nam Mô “.
    (Tặng Thi Sĩ Việt Châu)

    Như vậy, Ðức Huỳnh Giáo Chủ chúng tôi chỉ tùy phương tiện làm bổn phận một công dân, một tín đồ phật giáo, chớ không thể nói Ngài làm chánh trị được!
    Và Ðức Huỳnh Giáo Chủ chúng tôi có đóng góp trong công cuộc bảo vệ nền độc lập quốc gia, đó cũng là phương tiện của chư Bồ Tát tế độ chúng sinh. Chúng không nói chi ở xứ xa xôi như nước Nhựt, mà nói ngay ở nước Việt Nam ta, các triều đại: Ðinh, Lê, Lý, Trần quý đại sư: Ðỗ Thuận, Vạn Hạnh và Khuông Việt, là bậc có huệ đức lớn trong toà nhà Phật giáo, cũng tham gia chánh trị giúp nước…. Ðây là câu chuyện không lạ gì trong trang sử Phật, người Phật tử ai lại chẳng biết vấn đề nầy?
    Tôi nói đến đây, đại đức và số người có mặt không ai ý kiến chi cả. Chỉ có một Phật tử với dáng người sang trọng nói:
    - Ðã là hành động chống xâm lăng, dĩ nhiên phải phạm sát. Trong ngũ đại giới của Phật, có giới sát sanh đứng đầu mà Ðức Phật đã cấm, ta lại phạm, như vậy có phải lầm lỗi chăng?
    Tất cả người có mặt ở đây đều tán đồng lời nói của Phật tử kia đúng!
    Tôi bình tĩnh nói:
    -Mọi sự việc trên đời và giáo điều nhà Phật chúng ta không thể chỉ hiểu biết một mặt và hiểu biết đơn giản như vậy được! Phạm giới sát có khi tội, và có khi vô tội. Quý vị nên biết: Xưa nay
    - Luật Pháp luôn luôn cấm sát hại mạng người, vì nó là một trọng tội, không thể tha thứ được, dù phạm nhân ấy đứng trên địa vị nào. Giả sử:
    1- Ðịa phương kia có bọn bất lương nổi lên cướp của giết người, một sĩ quan đem quân đến tiêu diệt bọn ấy để vãn hồi an ninh trật tự, cứu giúp đồng bào.
    2- Trường hợp có nhiều người cùng đi trong một chiếc thuyền, giữa đường gặp quân cướp toan giết người lấy của... Trong đó có một tráng sĩ nghĩa hiệp đánh chết quân cướp biển để cứu mạng sống cho mọi người trong thuyền.
    Thử hỏi: Có "biện lý" nào kết án sĩ quan và tráng sĩ ấy trước "Tòa sơ thẩm" về tội vi phạm sát nhân không? Nhất định không? Nếu kết án thì hành chánh đảo huyền, và nạn độc tài, quân phiệt vẫn còn dung dưỡng, biết bao giờ người dân mới được hạnh phúc tự do - Như vậy công cuộc chống xâm lăng bảo vệ đất nước mà Giáo Chủ chúng tôi đã tham dự, nó thuộc về phương diện tự vệ. Ðối với Tòa án quốc gia và đòn cân Công lý của Phật giáo vẫn không tội tình chi cả. Và nếu có tội thì các Ðại Sư xa xưa đã bị luật nhà Phật sa thải ra khỏi lãnh vực Tăng già rồi, đâu còn lưu lại thành tích chói chang trong trang sử Phật!
    Ðến đây tôi yên lặng chờ coi đối phương có phản kháng chi không? Thì có một Phật tử cao niên kỷ nói:
    - Chú còn nhỏ tuổi, lại ngang nhiên cãi lý với vị đại đức cao niên, chú tự xử coi mình có lỗi hay không?
    - Thưa, nếu nói về chế độ phong kiến độc tôn, thì tôi có lỗi. Vì chế độ ấy hể bề trên ra lệnh sao, kẻ dưới phải cúi đầu làm theo, dù phải trái, hay sống chết cũng không được cãi. Còn đối với chánh thể dân chủ hiện nay, tôi không có lỗi. Bởi mọi công dân đều sinh sống tự do bình đẳng như nhau, không ai có thể áp bức một ai. Và việc phải trái vẫn có quyền kiến nghị. Hơn nữa, Ðức Thích Ca Mâu Ni cũng đưa ra chủ trương cách mạng tư tưởng như câu: "Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh và "Phật cũng đồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh". Hôm nay nếu bề trên độc tài cưỡng bức kẻ dưới, là điều không thích hợp với giáo thuyết bình đẳng của nhà Phật. Như vậy, vấn đề cãi lý với đại đức ở đây, nó vẫn theo chiều hướng tiến bộ của dân tộc và chủ trương bình đẳng do Ðức Phật đề ra. Theo công lý: không có chi lỗi phải cả!
    Vấn đề tranh luận đến đây không ai có ý kiến thêm nữa, nên tạm kết thúc trong bầu không khí chẳng vui!

    Nhận xét:
    Hai câu chuyện kể trên để cho chúng ta thấy người có tánh kiêu căng tự thị, bao giờ họ cũng cho mình hay giỏi hơn người, miệt khinh kẻ khác. Và thấy ai có tài đức hơn mình, họ ngấm ngầm tìm cách dìm xuống để cho cái danh man trá của họ nổi bật lên hơn. Lắm khi họ còn hành động bất trung, đoạn nghĩa, nhẫn tâm mưu hại bạn bè. Hạng người nầy nếu ai có cặp mắt tinh đời sẽ thấy thiếu gì trên vũ đài chánh trị, và trong cửa từ bi. Chính đây là nguyên nhân làm cho những bậc tài đức phải buồn chán, ẩn mình nơi núi thẳm non cao mà sự thật đã chứng minh trong lịch sử. Ðồng thời cũng để cho những kẻ háo thắng, tự thị học được một bài học đắt giá về tánh kiêu căng của họ.

    VIII. PHẦN GIẢI NGHI

    Tức là cởi mở thêm một ít điều còn thắc mắc về nội dung của tác phẩm nầy.

    1. Người tu chỉ giữ tâm bình tịnh trí tuệ phát khai, thông hiểu tất cả, cần chi phải học tập Thi văn kinh điển cho mất công.

    Nhà đạo khi tâm mình đã bình tịnh, trí huệ phát khai, thông hiểu tất cả. Ðiều này rất chơn lý, trong giới Phật tử dù ai cũng phải công nhận. Nhưng con người tâm đã được bình tịnh, trí huệ phát khai, đã trở lại với "chơn tâm" thấy được "Bản lai diện mục" và "kiến tánh" thành Phật. Ðó là đã đạt đến chỗ tối đại của Thiền Tông chớ không phải chúng ta tu lôi thôi, lang thang rồi chờ đạt đến chỗ tối đại ấy được đâu!
    Nhà tu ai cũng biết: tâm bình tịnh thì trí huệ phát sinh. Chỗ chính yếu ấy mọi người đều mong muốn. Nhưng trên thực tế, thử hỏi có mấy người tâm bình tịnh ? Nếu người nào xét thấy tâm mình bình tịnh như trường hợp Tổ Huệ Năng, thì thôi; không cần phải trau luyện thi văn kinh điển chi cả. Cũng như mình đã dứt hẳn bịnh hoạn rồi, cần chi phải lo điều trị thuốc thang ! Song nếu xét thấy tâm mình còn xao xuyến, chưa bình tịnh, ta phải siêng năng làm điều nhân đức, lo xem kinh đọc giảng, giữ gìn giới luật, trau sửa thân tâm. Tu học từ chỗ dễ đến chỗ khó, từ chỗ thấp đến cao cho thích hợp với căn cơ trình độ của mình mới có thể tiến đến cứu cánh viên mãn được.
    Còn chỗ dừng ngay tức khắc vọng tâm để được bình tịnh; trụ ngay cái tâm ở chỗ vô trụ hầu kiến tánh thành Phật. Ta hãy nhường cho những bậc Tổ, những bậc Thánh Ðức... Với chúng ta là hạng hạ căn sống trong thời mạt Pháp, đừng bắt chước ôm cây chờ thỏ, không toại nguyện đâu.Chúng ta nên biết rằng: những bậc Thánh đức trước kia,không phải ngẫu nhiên các Ngài đắc đạo mà phải do công phu tu học dài hạn. Cũng đừng quá nóng nảy vì phép cọ cây dụng lửa chỉ cần ở chỗ siêng, bền mới được kết quả, chớ cọ vài lần rồi chán bỏ, xách gói đi lang thang và "ngồi núi nầy trông núi khác". Trạng thái người chưa tỏ ngộ mối manh của Ðạo, và chưa làm chủ được tâm mình là như thế đó.
    Tóm lại, dòng nước Ma Ha không thể gội rửa tâm phàm tục trong một sớm một chiều mà trong sạch hết. Và chúng ta không còn lạ gì với những bậc khí huyết đã bình, đã giác ngộ. Chúng ta cũng đừng vội vàng mong, nói, làm những gì quá khả năng mình như ông Ðạo Phước Sơn mà tôi đã ghi trong một chương mục trước.

    2. Tại sao có số người kinh sử lảu thông và thi văn hay giỏi lại còn tánh tham lam, sân nộ và hành động kém trí v.v...?

    Mọi việc trên đời luôn luôn có: bình thường và bất thường. Ðây chúng ta chỉ nói về việc bình thường thôi, còn việc bất thường không thể bàn nói được.
    Giả sử khi đau bệnh, ta phải đến lương y điều trị được lành mạnh; đó là trường hợp bình thường. Trái lại, là trường hợp bất thường. Nhưng chúng ta vẫn phải làm theo cái bình thường, chớ không thể thấy cái bất thường rồi bát bỏ cái bình thường đặng !
    Số người kinh sử lảu thông, thi văn hay giỏi lại còn tánh tham lam, sân nộ và hành động kém trí… Phần tử bất thường ấy bởi họ có công rèn luyện nhớ giỏi, chớ trong tim não chưa tỏ ngộ đạo, nên chưa quyết tâm tu sửa theo chơn lý.
    Vả lại, trong tài liệu hướng thiện của Phật giáo, người tu sĩ cũng biết ý nghĩa tam huệ, là: Văn, Tư, Tu:
    a) Văn Huệ:
    Nhờ học, đọc, nghe nhiều, nhớ giỏi nên lảu thông kinh sử.
    b) Tư Huệ: Nhờ yên tĩnh tinh thần, Tư duy giáo lý nhà Phật mà phát sinh trí huệ.
    c) Tu Huệ: Trau huyện đức lành, dứt sạch phiền não mà tâm sáng suốt. Và hội đủ điều kiện tiến xa trên đường giải thoát.

    Tam Huệ nói trên có thể giúp cho nhà tu rõ được chơn lý của vũ trụ, và nguồn gốc sinh tửø của chúng sanh.
    Người có tài lại tự mãn, không biết tu thân xử kỷ. Ðó là nguyên nhân làm cho lợi danh, tình ái dẫn dắt vào đường tối tăm tội lỗi.
    Với câu:
    "Nhiều người kinh sử lảu thông
    Mà không sửa tánh bởi lòng còn mê".
    (Viếng làng Phú An)

    Là như thế!

    3. Tu sĩ còn nhỏ tuổi, trau luyện thi văn sẽ bị rơi rớt phải không?

    Những cái gì trên đời người ta gọi là chơn lý, nó không hoàn toàn tuyệt đối. Cho nên, ở đời không có chi là hoàn hảo cả, hễ có bề mặt tức có bề trái, có lợi phải có hại luôn. Nhưng tuỳ ta chọn lựa. Những cái nào đúng phải, có lợi ta làm… Ví như điện lực, và vị thuốc mạnh, nếu ta sử dụng đúng, thì lợi, không đúng thì hại. Song chẳng lẽ nhà kỹ sư thấy chỗ tai hại nhỏ (chạm điện), mà bỏ đi chỗ lợi lớn, dang dở việc phát minh khoa học, tiến bộ quốc gia? Và vị lương y không lẽ vì tai hại nhỏ (khắc thuốc), bỏ đi chỗ lợi lớn là cứu chữa mạng sống cho muôn vạn đồng bào.
    Ðối với vấn đề thi văn cũng vậy. Biết rằng, thi văn có một mãnh lực truyền cảm lợi, hại, nhưng ta sử dụng sai có tai hại, sử dụng đúng có phước lợi vô cùng. Nhìn lại những tấm gương lợi, hại như đã đề cập ở phần trước, chúng ta có thể lấy đó làm tài liệu luận chứng hầu chọn cho mình một lối đi không hối hận, vì có phước lợi hơn.
    Vả lại, những bậc có huệ đức lớn xưa kia lo sợ vấn đề tai hại nhỏ bãi bỏ việc phát triển thi văn kinh điển trong trường sở chánh quy Phật giáo, thì trong vòm trời Phật giáo đâu còn có những ngôi sao sáng để hưng truyền chánh pháp cho đến ngày nay. Và nếu quí vị có huệ đức lớn hiện nay, không quan tâm đến vấn đề nầy, thì trong tương lai số tu sĩ dôn dốt sẽ đông nghẹt trong cửa thiền, biến cửa thiền làm nơi mê tín tà giáo. Và số người bất tài ngồi chễm chệ trên cổ chiếu văn hóa học sử của Phật giáo ở ngày mai!
    Và nếu như thế, thì còn mong gì làm tròn bổn phận một tu sĩ đối với tiền đồ Phật giáo?

    Tóm lại, người tu hành được tiến thẳng trên đường giải thoát, hay trôi giạt vào bể khổ là do căn duyên, nghị lực tâm chí của mỗi người, chớ không phải do giỏi thi văn. Có những vị dốt nát, kém thi văn họ cũng buông trôi thuyền giác và cũng có những vị giỏi thi văn kinh điển nhưng vẫn còn tồn tại trong cửa từ bi.
    Là tu sĩ, chúng ta nên soi theo gương hạnh những bậc đạo pháp uyên thâm, thi văn siêu xuất và tích cực tiến xa trên bước lộ trình hướng thượng. Ðừng tiêu cực ngồi nhìn nhau trong lối bước lạc hậu để khỏi phải đau lòng hối tiếc những gì quý báu của đời ta, đối với thời gian không lưu giữ lại được!.

    4. Những người không biết Thi văn tu không đắc đạo hay sao?

    Căn cứ theo kinh Phật nói: Mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, chúng sanh nào cũng có thể tu đắc đạo cả.
    Ở đây tôi xin xác nhận lại, là phần khái yếu quyển "Tu sĩ và Thi văn" như tôi đã nói, nó chỉ nằm trong phạm vi phương tiện trên vấn đề truyền giáo, chớ không phải phần chính yếu căn bản giảng luận về việc tu hành được đắc đạo hay không? Muốn đắc đạo, người tu phải am hiểu những yếu pháp trong giáo lý Phật và Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy. Yếu phép ấy gồm có: Thiền Tông và Tịnh độ.

    Về thiền tông: Người tu thiền, không cần đến việc học văn tự, kinh pháp, chỉ chú trọng vào sự yên tĩnh vắng lặng tư duy vào một công thức đã định. Hay nói cách khác, người tu thiền chỉ giữ tâm cho được định, gạt bỏ tất cả mọi tư tưởng, nhờ đó mà Phật tánh hiển bày và lần đến chỗ giác ngộ. Nhưng Pháp Thiền tông không thích hợp bằng pháp môn Tịnh độ, đối với căn cơ trình độ đa số chúng sinh trong thời hạ nguơn mạt pháp nầy.
    Còn Tông chỉ người tu theo pháp môn Tịnh độ là, trì niệm sáu chữ Di Ðà cho đến khi nhứt tâm bất loạn hầu nhờ tha lực Phật tiếp độ về cõi Tây Phương. Ðó là yếu pháp Thiền tông và Tịnh độ mà người tín đồ P.G.H.H, chắc ai cũng hiểu ít nhiều về hai pháp môn nầy.
    Nhưng, những bậc đã đạt đến chỗ "Tâm bình" và niệm Phật được "Nhứt tâm bất loạn" - tôi xin lập lại - đó không phải là một việc ngẫu nhiên, thông thường mà đạt được chỗ tối cao, tối đại ấy đâu! Các Ngài đã phải trải qua sự cố gắng nhứt tâm, tín, nguyện, phụng hành lâu ngày, suốt kiếp. Chớ không phải dễ dàng như số người ngộ nhận. Thế nên người dốt nát, không biết thi văn tu cũng vẫn được đắc đạo. Nhưng với điều kiện phải tu học từ từ cho đến nấc thang chót là "Trí huệ thông minh giai đắc đạo quả".
    Hơn nữa, mỗi khi đọc kinh, giảng ai ai cũng thấy những động từ như: Tu sửa và tu học… Song, chúng ta thử khảo xét lại coi: tu sửa, sửa những gì? và tu học, học những gì? Có phải chăng là tu sửa đức hạnh ta cho được chân, thiện mỹ… và học thi văn, kinh pháp, nhà Phật cho trí huệ ta phát sinh hầøu tỏ ngộ lẽ đạo nhiệm mầu, thoát ly tứ khổ, và không bị Ma Vương lừa bịp vào nẻo vạy tà.
    Lại nữa, mỗi lần chúng ta dở ra bức dư đồ Phật giáo, kiểm tra kỹ địa bàn quan trọng để tiến đến mục tiêu giải thoát tâm linh, thì trước tiên, chúng ta thấy những gì ở đầu trang kinh Phật? Có phải câu:
    "Ngã kim kiến văn đắc thọ trì"
    Và những chữ:
    "Thi văn Giáo lý" mà hai chữ Thi văn đứng đầu giáo lý P.G.H.H hay không?
    Như vậy việc học tập Thi văn kinh điển rất cần thiết cho hàng tu sĩ. Nó không còn xa lạ gì đối với những người ăn nằm trong cửa Phật.Và đây vẫn được kết luận qua biện chứng pháp tối hậu trước sự duyệt y của Toà án khoa họcgiáo lý nhà Phật đã tự lâu rồi.

    [NGUYỄN VĂN ÐON
    Mùa Xuân Năm Quí Sữu (1973)

     

Chia sẻ trang này