Trao đổi đạo lý với một đồng đạo trẻ, qua hai câu Thánh ngôn của Đức Huỳnh Giáo Chủ. * “Việc cổ tích cần chi phải thạo Chuyện qua rồi nhắc lai làm gì?” Châu Lang Và những đoạn khác trong Thi Văn Giáo Lý, Đức Thầy có viết rất nhiều chuyện cổ tích để giáo hóa chúng sanh.Vậy có gì mâu thuẩn trong lời giảng dạy ấy không? * Cũng trong Thi Văn Giáo Lý, Đức Thầy viết nhiều về Sử Trung Hoa, mà ít nói về sử Việt Nam. Điểm khác biệt này có ý nghĩa thế nào? Thắc mắc của đồng đạo rất hay. Người học đạo chân thành thường có nhiều thắc mắc sâu sắc như cháu vậy. Hiện nay,tuy rằng sức khỏe của chú chưa được khả quan lắm, còn đang tĩnh dưỡng. Nhưng vì sự cầu tiến chính đáng của cháu rất đáng được hồi đáp, nên chú cố gắng trả lời cháu. Tóm lược về ý nghĩa những câu giảng trên theo cách hiểu sơ thiển của chú như sau: 1/. Về câu hỏi thứ I: “Việc cổ tích cần chi phải thạo Chuyện qua rồi kể lai làm gì?” Đây là lời cảnh tĩnh của Đức Thầy, nhằm nhắc nhở những nhà Nho, nhà trí thức và những người chuyên ghiền đọc truyện trích xưa, mà không có ý thức trau sửa tâm tánh để tự giác bản thân và làm lợi ích chung cho xã hội. Hai câu giảng trên nằm trong mạch văn gồm 8 câu sau: “Đức Lục Tổ ít ai dám sánh Người dốt mà nói pháp quá rành Lựa làm chi cao chữ học hành Biết tỏ ngộ ấy là gặp đạo Việc cổ tích cần chi phải thạo Chuyện qua rồi kể lại làm gì Nếu ai mà biết chữ tu trì Tâm bình tịnh được thì phát huệ” Đại ý đoạn Giảng trên, Đức Thầy ca ngợi Đức Lục Tổ, tuy không biết chữ. Nhưng Ngài đã đạt đạo thông suốt hiểu rành chánh pháp, so với sư Thần Tú và nhiều vị học thức đồng môn khác, đã thông thạo lưu loát văn tự sử kinh, mà không có vị nào tỏ ngộ chơn tâm “Kiến Tánh thành Phật” như Đức Lục Tổ cả. Cách ca ngợi và so sánh như trên, Đức Thầy có mỹ ý nhắc nhở mọi người về phần trọng tâm của sự tu hành, chủ yếu là biết vận dụng chơn tâm trau sửa để tỏ ngộ chân lý, chứ không cần phải học chữ nghĩa nhiều mà không biết dụng tâm cầu đạo. Chỉ biết nhồi nhéc nhiều kiến thức qua điển tích sử kinh để khoe khoan khoác lác với mọi người bằng sự hiểu biết để tô vẻ bên ngoài. Về điều này Đức Thầy cũng có phê phán rất thực tế trong sự tu hào nhoáng bề ngoài. “Nhiều người đạo lý lão thông Mà không sửa tánh bởi lòng còn mê” Tóm lại : Đức Thầy viết đoạn giảng trên nhằm cảnh tỉnh những người chỉ chú trọng việc đọc nhiều sách kinh mà không chịu tu tâm sửa tánh để tìm kiếm chân tánh của mình. Ở một đoạn khác thắc mắc của cháu cho rằng: Tại sao Đức Thầy phê phán “Việc cổ tích cần chi phải thạo” mà trong Giảng Kinh Ngài đã lược nhắc rất nhiều điển tích xa xưa. Điều này có gì mâu thuẫn không? Đồng đạo trẻ thân mến! Đức Thầy đã là đấng siêu phàm, trí huệ rộng lớn như biển cả. không có gì mâu thuẩn hay nhầm lẫn cả. Chỉ có phàm nhân của chúng ta không sao hiểu nghĩa cơ mầu thôi. Đối với Phật Giáo, trong giáo pháp luôn luôn có hai mặt lý sự viên dung, người học đạo cần phải tìm hiểu song song hai mặt cho trung dung hài hòa, không nên «Chấp sự hoặc chấp lý, chấp tướng hay chấp tâm» Vì giáo pháp là phương tiện giáo hóa bất định. Tùy căn cơ trình độ và hoàn cảnh từng thời kỳ, từng sự việc, mà các đấng Siêu phàm có dụng ý giáo hóa cho thích hợp, có khi mới nghe qua có vẻ mâu thuẩn trái ngược, nhưng khi xét kỹ điều ấy rất logic hài hòa theo từng đối tượng chẳng hạn: đối với hạng người cố chấp việc cầu cúng mà không coi trọng việc trau sửa thì Đức Thầy dạy câu: “Tu không cần lạy cần quì Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau” Còn đối với hạng chay lười việc công phu bái sám thì Ngài dạy: “Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu Thì sẽ được tòa chương dựa kế” Đối với hạng cố chấp giờ giấc cúng lạy làm trễ nãi việc đồng án. Ngài khuyên: “Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc” Đối với hạng có cúng lạy, nhưng thiếu tin tấn thường chểnh mãng bê trễ giờ giấc công phu. Ngài nhắc: “Tưởng nhớ Phật chớ nên sái buổi” Còn nhiều lắm những cách dạy của Đức Thầy trong sấm kinh gần như là những ý mâu thuẩn ngược lại nhau. Nhưng kì thực đó là cách để cho tín đồ bớt đi tánh cố chấp. thiên lệch một bên, mà tùy theo trình độ căn cơ và hoàn cảnh để thọ nhận và sửa đổi, miễn- sao cho phù hợp với từng trường hợp là tốt nhứt. Vì chúng sanh căn tánh không đồng nhau, đôi khi còn sai khác trái ngược nhau nữa. Nên giáo pháp của Phật, Thánh, Tiên… cũng do đó mà có những lời giáo huấn khác biệt xem như mâu thuẩn, nhưng lại là rất thích nghi cùng tột cho mọi căn tánh chúng sanh các giới. Đối với pháp môn Tịnh Độ là pháp cầu tha lực: Đức Thầy cũng luận giải có khi lý, có khi sự nghe như có gì mâu thuẩn như: “Ao sen báu Tây Phương đua nở Chờ chúng sanh niệm Phật chí tâm” Hay: Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp, Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho. Ngược lại: “Phật Tây Phương thật quá xa xăm, Hãy tìm kiếm ở trong não trí. Hoặc: “Phật tại tâm chớ có đâu xa Mà tìm kiếm ở trên non núi” Tóm lại: Trong Sấm kinh giáo lý Đức Thầy luôn luôn giáo huấn có cả lý lẫn sự có tâm lẫn tướng. Cốt yếu muốn giáo hóa chúng sanh tin tấn: học Đạo, hành Đạo và đắc Đạo viên mãn. Nhưng muốn đạt đến cứu cánh, thì quan trọng ở chỗ là phải phá bỏ lòng cố chấp văn tự, cũng như không nên chấp sự, chấp lý, chấp có chấp không, chấp tâm chấp tướng, một cách thiên lệch thái quá. Mà cần nhất là hiểu theo lý sự viên dung. Nghĩa là trong sự có lý, trong lý có sự, cũng như trong tâm có tướng, trong tướng có tâm: “Sắc không không sắc chớ lìa xa” Hoặc: “Hãy tìm kiếm cái không mới có” Có khi cần giáo huấn sự thì Ngài luận về sự, chúng ta phải hiểu sự cho tinh tường.Có lúc cần giảng dạy về lý thì Ngài luận về lý, chúng ta cũng cần hiểu rõ lý cao sâu. Đừng vì cố chấp một bên mà hiểu sai giáo pháp hoặc có vẻ nghi ngờ mà có tội.Vì tất cả giáo pháp của Ngài đều đúng chân lý và hướng tới mục đích giải thoát, bằng cách dùng mọi phương tiện biến quyền, khế cơ và khế lý cùng là thích ứng từng thời kỳ. Câu hỏi thứ 2: Đồng đạo thắc mắc: Sao Đức Thầy nhắc nhiều về Sử Tàu, mà ít nhắc về Sử Việt Nam? Từ trước đến nay, các học giả, các sử gia đã từng nghiên cứu về lịch sử của thế giới nhân loại từ ngàn năm về trước, hẳn đều có chung một nhìn nhận rằng: Trung Hoa đã có một nền văn minh tối cổ nhất. Lịch sử Trung Quốc cũng phong phú diễn ra nhiều sự kiện nhất; Phật, Thánh, Tiên và Chư Sư, Chư Tổ, cũng xuất hiện nhiều nhất ở Trung Quốc. Do vậy Sử Trung Hoa đã mang tính Quốc tế từ ngàn xưa. Thời Ngũ Đại của Trung Quốc gồm có: Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ, Võ. Đây là 5 triều đại do bậc Thánh làm vua, tạo ra 5 thời kỳ bình trị và hưng thịnh nhất nhân loại. Cũng từ đó sản sinh ra không biết bao nhiêu Phật Thánh Tiên Thần và Anh Hùng Hào Kiệt, thi Hào, văn nhân lưu danh hậu thế. Truyện Nhị Thập Tứ Hiếu cũng được đúc kết từ 5 thời đại vàng son ấy của lịch sử Trung Hoa. Tạo thành những tấm gương chói lọi cho nhân loại soi chung, nếu quốc gia nào có quan tâm nghiên cứu đến sử Trung Hoa.Tuy nhiên, bên cạnh 5 triều đại huy hoàng ấy, cũng xuất hiện không ít những triều đại bạo chúa, tàn ác vô lương như: Trụ, Kiệt, U Lệ, Tề, Tần...gây nhiểu nhương cho nước nhà và các lân bang. Cũng trong các triều đại bạo ngược ấy sản sinh ra lắm nhân vật phản trắc ngông cuồng, cũng lưu tiếng xấu trong sử sách muôn đời. Do hai mặt tốt xấu cực độ phản diện nhau thường xảy ra trên đất nước rộng lớn, ảnh hưởng không nhỏ với các nước láng giềng, đã khiến cho nguồn sử Trung Hoa sớm trở thành một quốc gia có nhiều sự kiện lịch sử xấu tốt, đan xen nhau đã trở thành điển tích xuất hiện trong thơ ca trải dài từ xa xưa cho đến tận hôm nay. Gần như không có bậc danh nhân thi Hào văn nhân nào sáng tác nên những tuyệt phẩm, mà không có đề cập đến điển tích Trung Hoa. Một dòng sử phong phú đến mức không có chuyện xấu tốt nào của nhân loại mà không được bộc lộ ở dòng sử Trung Hoa. Do vậy, để tùy duyên theo thông lệ dân gian,trong Sấm giảng Thi Văn, Đức Thầy cũng phương tiện đề cập đến nhiều tấm gương tốt xấu ấy, trong cổ tich Trung Hoa một cách sơ lược, để giáo huấn tín đồ. Theo tôi hiểu, dẫn chứng như vậy, Đức Thầy có mấy lý do: - Lẽ thứ nhất: nhằm thuyết phục tất cả giới tri thức lão thông Kinh Sử trong Tam Giáo, về sự thông đạt tường lãm Nho, Văn, Điển tich của Ngài. “Nào ai biết tâm ta đời bác lãm” - Lẽ thứ hai: Đức Thầy chỉ “Nhắc sơ tích người xưa trong sử” nhằm khuyên khích tín đồ nhận xét suy gẫm theo gương tốt xấu của người xưa mà ứng dụng cư xử cho thích hợp với bổn phận trong hiện tại. Cách làm này của Đức Thầy khác xa những hạng người chuyên thông thạo chuyện cổ tích để khoe khoang lòe đời của loại hủ Nho hay trí thức háo danh chuyên nói khoát, chứ không chịu rèn luyện thân tâm cho tròn nhân nghĩa. Điểm khác biệt của Đức Thầy là Ngài không thể hiện sự “Thạo điển tích” mà chỉ “ Nhắc sơ tích người xưa trong sử” một cách khái lược những gương tốt xấu cần thiết để tín đồ hiểu sơ điển cố, mà sửa đổi tâm ý để lánh dữ làm lành. Còn câu: “Chuyện qua rồi nhắc lại làm gì ?” Là Ngài đặt sự quan trọng ở bổn phận hiện tại của hành giả cần phải trau sửa cho tròn bổn phận. Chứ không đặt nặng những chuyện đã qua của sự tích vì đây là chuyện chỉ cần biết chứ không cần phải thành thạo chuyên sâu, để rồi dễ bị ảo tưởng rằng mình là người thông thạo hiểu biết hơn người, mà không lưu tâm tu sửa những thói hư tật xấu hay làm theo gương tốt và tránh gương xấu của người xưa trong sử. Tóm lại chuyện cổ tích là rất cần hiểu biết qua sơ lược, nhưng không quá rèn luyện cho đến thành thạo để chuyên kể cho người khác nghe theo cách khoe khoang, mà quên đi hiện tại chính mình cần phải sửa trau cho tròn bổn phận. Vả lại sự tu là cần ở chỗ thành ý tu tâm và tìm kiếm chân tánh của mình, chứ không cần nhiều vào sự thông thạo chuyện cổ tích cho nhiều. Do vậy, Đức Thầy chỉ nhắc sơ tích chứ không đi sâu một điển tích nào cả. Đặc biệt là trong sự trích dẫn điển tích ngoài việc “kể sơ tích” từng cá nhân điển hình tốt xấu trong sử sách ra, thì Ngài không hề ca ngợi đất nước Trung Hoa. Bởi đất nước nào cũng đều như nhau, đều có những triều đại tốt xấu và con người thiện ác như nhau, chỉ khác ở chỗ lịch sử Trung Quốc có nền văn hóa tối cổ và thường diễn biến nhiều giai thoại lịch sử đầy kịch tính và phong phú tình tiết hơn hẳn sử nước Việt Nam và sử các nước khác. Đấy là lý do mà các thi hào văn sĩ cũng như Đức Thầy thường đề cập chuyện cổ tích nước Tàu nhiều trong các tuyệt phẩm của mình. Khiến không ít đồng đạo cũng như Đang Nguyên lấy làm thắc mắc về vấn đề: “Tại sao Đức Thầy kể sử Trung Quốc nhiều hơn kể sử Việt Nam”. Điều này nếu xét về khách quan thì không phải ngạc nhiên.Đó là thông lệ tự nhiên. - Thứ nhất: như đã trình bày trên theo thông lệ sáng tác văn thơ của hầu hết thi hào văn sĩ đều có lồng vào điển tích Trung Hoa. Mà điển tích Trung Quốc thì phong phú chuyện tốt xấu và phức tạp hơn về sự đối kháng chánh tà thiện ác rất rõ nét, đã đi vào sử sách rất lâu xưa và rất được nhân loại quan tâm nghiên cứu. Điều này so với sử Việt Nam thì không thể so sánh cả hai mặt tốt và xấu cho cân xứng giữa hai quốc gia hay nhiều quốc gia. Giống như sử của Việt Nam vẫn có tính phong phú hơn sử: Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện...là những dòng sử mang tính quốc gia hay khu vực chứ không có ảnh hưởng quốc tế như Trung Hoa. Tuy nhiên, trong việc dẫn giải sơ tích xen lẫn giữa sử Trung Hoa và sử Việt Nam. Đức Thầy đã thể hiện rất rõ tính trung thực và tính dân tộc cao độ như sau: Khi kể sử Tàu, Ngài viết về cá nhân những nhân vật lịch sử có xấu có tốt rất nhiều, nhưng không hề ca ngợi truyền thống lịch sử Trung Hoa. Chỉ nêu lên như một điển hình của nhân loại không phân biệt quốc gia chủng tộc. Còn đối với nhân vật lịch sử của Việt Nam Đức Thầy vẫn có đề cập tuy ít về nhân vật sự kiện, nhưng Ngài chỉ nêu gương tốt chứ không nêu gương xấu của Việt Nam. Tùy trường hợp mà dẫn chứng sát sự kiện lịch sử, chẳng hạn như khuyên phụ nữ tinh thần yêu nước Ngài viết: “ Giở sử xanh Nam Việt mà coi, Gương Trưng Triệu còn roi muôn thuở” - Khi kêu gọi đoàn tráng sĩ. Đức Thầy nhắc lại sự tích Nguyễn Trãi: “Tiếng roi lại Bình Ngô sát đát” “Sử xanh còn ngào ngạt hương thơm” - Khi kêu gọi các cụ Đồ Nho Đức Thầy nhắc đến truyền thống dân tộc: “Bao nhiêu tiết tháo của Thời xưa vẫn còn in sâu vào tâm não, bao nhiêu thành tích vẻ vang hùng tráng của thời xưa đã chép ra mà nét chữ vẫn chưa mờ, còn lưu lại nơi trí não các cụ những kỷ niệm liệt oanh rực rỡ”. - Khi kêu gọi các nhà sư, Đức Thầy nhắc gương hy sinh của Đại sư Khuông Việt: “Trên lịch sử Việt Nam ngày xưa nhà Đại Đức “Khuông Việt” dẫu khoác áo “cà sa”, rời miền tục lụy, thế mà khi quốc gia hữu sự cũng ra tay gánh vác non sông” - Trong bài Gọi Đoàn. Đức Thầy viết có đoạn: “Hỡi anh em trong nhà Nam Việt Nhớ nước ta hùng liệt thuở xưa Ngàn năm Bắc địch giày bừa Mà còn đứng dậy tống đưa quân thù Hồn chiến sĩ ngàn thu rạng tỏ Gương anh hùng chói đỏ như châu Non sông thanh bạch một bầu Ngọn cờ độc lập bay hầu khắp nơi Lịch sử cũng rạng ngời mấy đoạn Lắm anh hùng hảo hán xuất thân Sanh vi tướng tử vi Thần Câu châm ngôn ấy truyền lần đến nay. Tóm lại: cách dùng điển tích của Đức Thầy đối với sử Trung Hoa và Sử Việt Nam. Đều có dụng ý thiết thực và chánh đáng. Thể hiện đúng chức năng của một Giáo Chủ Minh Triết, dùng kiến thức bác lãm của Nhà liễu Đạo trong sứ mạng lập đạo cứu đời. Đồng thời cũng tiêu biểu tinh thần yêu nước của một nhà ái quốc chân chánh, khi lâm phàm ở Đất nước Việt Nam. Với tư cách của một Giáo Chủ Minh Triết: Ngài nhắc sử Trung Hoa với tính cách khách quan có tính đại đồng. Chỉ nêu nhân vật và sự kiện tốt xấu rất trung thực vô tư, nhằm nêu gương tốt xấu cho tín đồ học hỏi gương tốt xấu để tùy căn cơ mà xa lánh gương xấu, bắt chước gương tốt không phân biệt các gương ấy ở quốc gia nào. Đó là lẽ tự nhiên đối với các nền văn hóa của nhân loại. Mà bậc siêu phàm như Ngài có dư thừa trí huệ tường lãm và trích dẫn giáo hóa nhân sanh. Đối với tư cách một nhà ái quốc lâm phàm ở đất nước Việt Nam. Ngài vẫn dẫn chứng lịch sử Việt Nam vào những trường hợp cụ thể “Nhắc sơ tính người xưa trong sử”. Như đã trình bày trên, điểm khác biệt của Ngài trong việc trích dẫn là: Ngài chỉ nhắc điển tích cá nhân những nhân vật lịch sử Trung Hoa nhưng tuyệt nhiên Ngài không ca ngợi truyền thống lịch sử Trung Hoa. Không bao giờ Ngài khuyên tín đồ noi theo lịch sử Trung Hoa. Vì Trung Hoa có nhiều triều đại xâm lấn Việt Nam. Ngược lại Ngài ít nhắc nhân vật lịch sử Việt Nam hơn Trung Hoa. Vì thực tế sử Việt Nam vẫn không có nhiều nhân vật Thiện ác nổi bật như Trung Hoa. Ví dụ: 5 thời đại Ngũ Đế của Trung Hoa như: Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ, Võ. Thì Việt Nam không thể so sánh nỗi, mặc dù Việt Nam vẫn có 4 thời đại cực thịnh như: Đinh, Lê, Lý, Trần...về nhân vật lịch sử cũng vậy, như: Khổng Minh, Quan Vũ, Khương Thượng, Bá Nha, Tử Kỳ, Trần Đoàn, Nhạc Phi, Lục Vân Tiên... Đó là những gương tốt, còn gương xấu cực điểm của Tàu, Việt Nam cũng không có những nhân vật cực ác theo kiểu Ba Tàu như: Tào Tháo, Tần Cối, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Điêu Thuyền, Lữ Bố... hay các triều đại cực bạo như:Trụ, Kiệt, ULệ, Tề, Tần.... Tóm lại Việt Nam cũng chưa từng có một nhân vật hay một triều đại nào tương tự sự bạo ác như thế. Qua Thi Văn Giáo Lý của Đức Thầy, chúng ta đã nhìn thấy được tổng thể tinh thần dân tộc cao độ và sự tinh tế của Ngài đối với dòng sử Việt Nam. Lúc nào Ngài cũng ca ngợi truyền thống hào hùng của dân tộc và cũng không đề cập những vết hèn xấu của bất kỳ nhân vật xấu nào của Việt Nam lại cũng không phê phán tiền nhân trong lịch sử. Mặc dù điều ấy vẫn có xảy ra như Trung Quốc vậy. Ngài chỉ phê phán người đời nay không biết gìn giữ truyền thống tốt đẹp của nguồn gốc “ Con Hồng Cháu Lạc” như “cành vàng lá ngọc” xưa kia: “Giống Hồng Lạc kim chi ngọc diệp, Nay đổi dời nhiều sự thấp hèn.” Vì vậy sứ mang lâm phàm lần này của Ngài là vãn hồi giá trị cao quí của giòng giống Tiên Rồng trên đất nước Việt Nam rực rỡ vinh quang, chuyển sang thời kỳThượng Ngươn Thánh Đức. Trên đây là những ý kiến tóm lược sơ thiển của người viết,trong khi sức khỏe chưa được khả quan sau cơn bạo bịnh, nên khó tránh những khiếm khuyết chủ quan. Rất mong Dat Nguyên cũng như quí độc giả có xem qua, xin vui lòng lượng thứ, mà chỉ giáo thêm cho những lẽ chánh đáng, xin chân thành cảm tạ. Đồng Tháp, 04-11-2016 Châu Lang