"THỬ THÁCH" Cư sĩ HUỲNH THỊ TIỀN Kể từ ngày Đức Thầy tôn kính xa vắng đến nay đã hơn 70 năm. Thời gian lặng lẽ trôi qua, âm thầm đem lại một thử thách rất lớn cho người tín đồ PGHH. Nhưng cũng chính sự xa cách đó lại là một phương tiện thúc đẩy người tu lần tiến đến con đường chân thiện mỹ. Đức Thầy cho biết: “Ngọc nhờ lau ngọc mới rạng ngời Kim mài giũa kim kia mới bén” Viên Ngọc được ngời sáng là do lau chùi nhiều lần; mũi Kim sắc, nhọn cũng được mài giũa lắm phen. Lau chùi và mài giũa là những gian nan thử thách của viên Ngọc và mũi Kim. Vậy tìm hiểu đối với người tu nói riêng và nói chung cho đạo PGHH của chúng ta, thử thách đó là gì? Thử thách: Là những điều trái ý nghịch lòng xảy đến cho chúng ta. Ví dụ như: bệnh hoạn, tai nạn, nghèo đói, bị áp bức, bị đánh đập, bị giết hại, bị chưởi mắng, nhục mạ, bài bác...bên cạnh đó còn có những thử thách mang tính rù quến, cám dỗ tâm trí như: nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan, xe cộ, ruộng vườn...Tóm lại là những của cải vật chất của thời đại văn minh hiện nay. Đó là nói riêng cho từng cá nhân, còn nói chung cho đoàn thể thì tín đồ PGHH hôm nay phải đối diện với hoàn cảnh: lòng người bất an, Thầy trò xa cách. Bởi vì từ khi Đức Thầy xa vắng, làm cho trong đạo chúng ta như con xa cha, gà lạc mẹ bơ vơ không ai dìu dắt chỉ bảo: “Con lạc cha con hỡi u ơ Thầy xa tớ ngẩn ngơ thương mến” Sự thương nhớ và trông đợi của tín đồ vẫn ray rứt không nguôi, nhưng hình bóng của Đức Tôn sư vẫn bặt vô âm tín. Thế thái nhân tình sao quá trớ trêu, cay nghiệt. Buổi đoàn tụ giữa Thầy và trò chưa được bao lâu thì phải chấp nhận vấn nạn: “Giữa chừng đờn nỡ đứt dây Chưa vui buổi hiệp bỗng thầy lại xa” Quan trọng hơn nữa, trên bước đường tu của chúng ta bị rơi vào thảm trạng: “Thầy lạc tớ không ai chỉ bảo Như vịt con dìu dắt nhờ gà” Tín đồ đã tỉnh ngộ quy y cùng Phật pháp nhưng chưa hiểu rành nẻo bước đường đi, mà nay lại vắng bóng Đức tôn sư. Đồng thời, biển khổ mênh mông, vô minh dầy đặt, rừng mê chập chùng, xưa nay đã quen rồi lối mòn của dòng sanh tử... giờ thì phải nương vào giáo lý, lần dò qua kinh pháp mà Đức Thầy đã để lại ,để thoát mê khai ngộ thì chẳng khác nào Vịt con phải nhờ mẹ Gà dìu dắt và đến khi nào mới bỏ được dòng nước để lên bờ cùng với mẹ Gà. Bên cạnh đó khối tín đồ PGHH thực thi theo lời Thầy dạy - Học Phật Tu Nhân, hòa quang đồng trần đem lợi ích cho nhân sinh, cũng chính vì lẽ ấy họ phải sống chung chạ với trường phái vô thần, hung tàn bạo ngược...thì làm sao tránh khỏi lời tiếng thị phi, châm biếm, bài bác...của ngoại đạo, tà môn. Không nỗi đau nào bằng nỗi đau người mình đang thương kính bỗng lại chia lìa, cách biệt. Không nỗi khổ nào bằng nỗi khổ Đức Giáo Chủ - vị lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lại vắng bóng khi nền đạo còn non trẻ và tín đồ còn thơ dại, bỡ ngỡ trên nẻo bước đường đi. Những điều đó tuy quá chua cay, đau xót cho tín đồ nói riêng và nói chung cho đạo PGHH, nhưng đối với các Ngài và lẽ huyền vi lại là một cuộc thử thách, một trường thi đối với người tu cũng như đối với người sĩ tử trên ngưỡng cửa công hầu, khanh tướng vào thời thượng ngươn thánh đức. Đức Thầy đã từng khuyên nhắc: “Hỡi ơi! trời đất mấy muôn trùng Muốn dụng kinh quyền đạt hiếu trung Ngặc nỗi thân phàm vương vấn nạn Trường thi chưa mở trống chưa thùng Trống chưa thùng sĩ tử vẫn chờ trông Trông ngóng mau mau thấy mặt rồng Bảng hổ danh đề tên chí sĩ Đem tài thao lược giúp non sông” Một học sinh cấp sách đến trường, muốn được lên lớp phải trải qua thi cử. Là người tu, muốn tâm tánh được thăng hoa, trí huệ được khai mở thì phải vượt qua những gian nan thử thách. Lớp càng cao đề thi càng khó, đạo càng cao thử thách càng nhiều. Trần Huyền Trang một nhân vật trong Tây Du Ký, Ngài từ Đông Thổ Đại Đường sang Tây Thiên Trúc để thỉnh kinh đâu chỉ là một việc dễ làm, mà Ngài phải vượt qua 81 nạn tai cùng nguy hiểm. Và Thái Tử Sĩ Đạt Ta chứng đắc quả vị Như Lai cũng đâu phải vấn đề dễ thực hiện, Ngài phải trải qua sáu năm khổ hạnh rừng già, đối diện với nhiền gian nan, nguy hiểm, đói khát, thậm chí với cả sự chết chóc. Như lúc Ngài phải té xỉu vì đói khát, thú dữ vây quanh trong khi thiền định dưới cội bô đề và đương đầu với tà sư ngoại đạo khi ra truyền giáo... Bởi thế, muốn có kết quả trên đường tu, hành giả phải chấp nhận và vượt qua tất cả mọi gian nan thử thách. Ông Thanh Sĩ cho biết: “Muốn tươi sắc ngọc sắc ngà Đừng buồn những lúc người ta giũa mài Càng nhiều thử thách đắng cay Càng làm sáng tỏ tương lai tu hành” Trước tình cảnh thầy xa tớ cách, chẳng ai mà không nao lòng, xót dạ, ngỡ ngàng và lo lắng không biết đường tu của mình rồi sẽ ra sao, vì không có ai để nương tựa, chỉ dẫn; nhưng cũng chính nhờ hoàn cảnh đó mà tất cả tín đồ PGHH có được cơ hội để trải nghiệm lòng mình về lòng hiếu - trung đối Thầy Tổ và sự thành tâm cầu đạo giữa chốn văn minh vật chất đầy xa hoa cám dỗ. Đồng thời cũng nhờ những gian nan thử thách đó mà cuộc đời hành đạo của chúng ta có thể bước được những bước thật dài trên con đường trở về “ Bảo Sở ”. “Là Phật tử vàng thau muốn rõ Đừng than van lửa đỏ hồng trần Nếu không bị thử nhiều lần Thì đâu chứng chắc là chân vàng ròng” Hay là: “Tình đạo Phật dù đe với búa Cũng không làm trầy trụa chút nao Càng nhiều đụng chạm gian lao Càng làm tánh đạo dồi dào tốt tươi” (Thanh Sĩ) Và Đức Thầy cũng cho biết: “ Nấu lọc rành mới biết vàng thau Ai thật tánh ai người giả đạo” Tóm lại; những ai đang khoát trên mình chiếc áo nhà tu, đang là tín đồ PGHH thì đừng ngại ngùng và than van khi gặp khó khăn thử thách, vì đó là nấc thang giúp cho hành giả càng tiến lên những bậc cao hơn, và đó cũng là chất liệu để nung nấu cho khối tinh thần của chúng ta về tính kiên trinh, bền bỉ. nhẫn nại trên bước đường hành đạo, để rồi một ngày kia sẽ được diện kiến Đức Tôn sư trong ngày Long Hoa đại hội, đúng như lời Đức Thầy đã từng khuyến tấn môn đồ: “ Tín nữ thiện nam gìn mối đạo, Dầu cho lăn lóc rán kiên trinh. Kiên trinh mà chịu lúc nàn tai, Dẫu có gian nan dạ chớ nài. Vàng đá bao phen cơn nước lửa, Chì thau lắm chuyện lúc non hài. Bền gan chờ đợi ngày sum hiệp, Gắng chí trông mong bữa tiệc khai, Thiên địa tuần hườn gom một mối, Phàm trần vẹn kiếp kiến Bồng Lai.”. Cư sĩ HUỲNH THỊ TIỀN