THƯ KHÔNG NIÊM của Hồng Trần

Thảo luận trong 'Phản ảnh của tín đồ PGHH' bắt đầu bởi Buile, 30/11/15.

  1. Buile

    Buile Member


    THƯ KHÔNG NIÊM
    ***
    Kính gởi: Đại đức Thích Phước Tiến, Trụ trì Tu Viện Tường Vân – Việt Nam.
    Đồng kính gởi: Chư quý đồng đạo PGHH trong nước và hải ngoại.


    Kính thưa chư Quý vị,
    Trên hệ thống truyền thông Youtube có một Video Clip với chủ đề Phật Pháp Vấn Đáp kỳ 25 - Thích Phước Tiến giảng tại Hoa Kỳ (2014), được phổ biến từ ngày 24 tháng Ba năm 2015, thời lượng 1:56:25.


    Trong phần trả lời 3 câu hỏi từ thính chúng dài khoảng 8 phút (từ 1:06:00 đến 1:13:50), Đ/Đ Thích Phước Tiến có những nhận định về Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài Giáo như sau:
    1.- Về câu hỏi thứ nhất: “Đạo Hòa Hảo có liên quan gì với đạo Phật không? Và họ thuyết pháp nói về Đức Phật nhưng không thấy tôn thờ Đức Phật.”
    Đ/Đ Thích Phước Tiến trả lời: “Hòa Hảo là chuyện của Hòa Hảo, Phật Giáo là chuyện của Phật Giáo. Cao Đài và Hòa Hảo có từ giai đoạn của nửa đầu Thế kỷ 20, có nghĩa là sinh sau,gần đây chớ không mang một học thuyết truyền thống nào cả. Giáo lý chỉ vay mượn của Phật giáo, Khổng giáo, Thiên chúa giáo,…Riêng về Hòa Hảothì tập hợp các lời Phật dạy và lấy câu niệm Phật A Di Đà làm sở niệm. Bên cạnh đó, còn lấy vài ý tưởng của đạo Hiếu Nghĩa để bổ sung vào học thuyết, đặc biệt là do một người nào đó đứng ra tổ chức và tập hợp những cái gì đã có trước đó rồi gắn lên một cái tên mới mà thôi, chứ thật ra chẳng có gì mới cả.”

    Thưa Đại đức,
    Trước hết Phật Giáo Hòa Hảo là một Tôn giáo có tư cách pháp nhân, được nhà nước CHXHCNVN công nhận và đặt ngang hàng với các Tôn giáo khác. Đại đức chỉ gọi “Hòa Hảo nầy, Hòa Hảo nọ” là có tính cách miệt thị, khinh thường Tôn giáo bạn; đây là điều mà người hiểu biết tuyệt đối nên tránh, nhất là đối với một chức sắc trong Giáo hội PGVN như Đại đức.
    Như mọi ngưởi đều biết, sự nghiệp Phật Giáo không phải là tải sản riêng của PGVN hay bất cứ Tông phái nào, mà là do Đức Thế Tôn khai sáng với mục đích cao cả là để cứu vớt nhân loại. Do đó, bất kỳ tín đồ Phật giáo hay Tông phái Phật giáo nào cũng được quyền thừa hưởng và có nghĩa vụ duy trì, phát huy và truyền bá dưới mọi hình thức.
    PGHH vô cùng tự hào là Tôn giáo có cội nguồn xuất xứ tại Việt Nam cùng với nền Giáo lý Phật pháp chân truyền, khế cơ khế lý, hội đủ yếu tố minh triết, vừa truyền thống vừa hiện đại. Mặc dù PGHH chủ trương không cất Chùa cao, đúc Phật lớn hoặc không dùng âm thinh, sắc tướng...nhưng mỗi nhà người Tín đồ đều là một ngôi chùa nho nhỏ gồm có Bàn thờ Cửu Huyền, Ngôi Tam Bảo và Bàn Thông Thiên. Đặc biệt, người tín đồ luôn thực hành hai thời cúng lạy hằng ngày, vậy thì cho rằng PGHH không tôn thờ Đức Phật là điều hoàn toàn vô căn cứ.
    Riêng về “người nào đó” mà Đ/Đ Thích Phước Tiến đề cập đến (bằng thái độ bất kính, kém lễ độ) chính là Đức Huỳnh Giáo Chủ, người đã chính thức khai sáng đạo PGHH từ ngày 18/5 năm Kỷ Mão (1939) thu phục được gần 2 triệu tín đồ ngay những năm đầu và tăng dần cho đến ngày nay thì (theo ước lượng) đã gần 8 triệu.
    PGHH có Tổ Đình, có Danh xưng, có Pháp môn, Tôn chỉ, có Nghi thức thờ phượng, có Hội quán, Độc giảng đường, có BTS/PGHH từ Trung Ương đến địa phương và có số tín đồ vô cùng đông đảo khắp các tỉnh thành miền Tây nam Việt.Do đó, PGHH đã có đủ điều kiện cần thiết để trở thành một Tông phái đạo Phật và Đức Huỳnh Giáo Chủ rất chính danh để được tôn xưng là Giáo Chủ gồm cả về Đạo lý và Pháp lý.
    Tóm lại, bằng sự cố chấp, tị hiềm, tật đố và thiếu hiểu biết, Đại đức TPT đã có nhận định sai lầm về PGHH và Cao Đài Giáo gây phẫn nộ cho hàng triệu tín đồ của hai Tôn giáo nầy trong thời gian qua và có thể xảy ra những sự việc khôn lường trong những ngày sắp đến.
    2.- Câu hỏi thứ hai: “Vài em nhỏ của đạo Hòa Hảo nói pháp, chúng ta có nên tin và hiểu đó là Chánh pháp hay không?”
    Đ/Đ Thích Phước Tiến trả lời: “Mượn những đứa nhỏ để Thần thánh hóa về nhân cách của nó, là đang hại nó. Những đứa bé nầy rất là thơ ngây, đầu óc trong trắng do những người đứng phía sau chúng với mục đích là để thực hiện theo cái nguyện vọng của họ. Điều quan trọng là những đứa trẻ nầy rất lanh lợi tương đối thông minh, do học thuộc lòng rồi nói ra những điều đó chớ thực ra nó không ý thức được nó đang làm gì và không hiểu nó là ai? Trong khi nó chỉ là 1 chúng sinh bình thường. Thiên hạ thì cứ quỳ mọp, tôn xưng cho nó là Thần thánh hoặc xem như là 1 Bồ tát, Hòa thượng tái thế, La Hán...thì đây là một quan niệm bậy bạ, không đúng...”

    Thưa Đại đức,
    Người tín đồ PGHH tuy đa phần là nông dân chất phác, không học cao hiểu rộng như Đại đức nhưng chưa có ai quỳ mọp trước những cháu nhỏ nầy hoặc xưng tụng chúng là Thần thánh hay Bồ tát gì cả. Nếu có như lời tị hiềm của Đại đức thì chẳng qua là do phản ứng nhất thời của người đời (mà Đại đức gọi là thiên hạ) khi bất ngờ chứng kiến một sự kiện lạ lùng chưa từng xảy ra trong Sinh hoạt Giáo lý PGHH (ngay cả các Tôn giáo khác); đó là việc xuất hiện những đứa cháu tuổi còn trẻ mà thuyết giảng Giáo lý vô cùng thông suốt và sâu sắc. Ngay cả một số chùa thuộc hệ thống PGVN (trong đó có Tu Viện Tường Vân do Đại đức trụ trì) đã từng mời các cháu nầy đến để trao đổi Phật pháp và đã được cổ võ, khen ngợi nhiệt liệt. Đồng thời, hàng ngàn băng dĩa ghi lại những bài thuyết giảng giáo lý của các cháu nầy đã được ấn tống miễn phí khắp nơi trên thế giới. Ngay cả các vị Thượng Tọa, Đại đức đang tu hành nơi hải ngoại cũng đã tiếp tay trong việc Pháp thí nầy.
    Người tín đồ PGHH vô cùng hãnh diện vì sự hiện diện của các em cháu nầy và sẵn sàng đứng sau lưng để dìu dắt, chỉ dạy chúng giỏi dang hơn, xuất sắc hơn để mong sao Giáo lý của Đức Phật, của Tổ Thầy được lan rộng khắp nơi và cả nhân loại đều biết đến.
    Lịch sử Việt Nam còn ghi lại tên tuổi những thần đồng đã từng làm vẻ vang cho đất nước như:

    -Lê Văn Hưu 5 tuổi đã thuộc lòng một số đoạn trong các sách học, đứng nghe các thầy đồ giảng bài đã đọc lại không sai một chữ. Năm 17 tuổi, đỗ Bảng nhãn.
    -Nguyễn Trung Ngạn đỗ Cử nhân năm 12 tuổi, năm 16 tuổi đỗ Tiến sĩ.
    -Lương Thế Vinh 6 tuổi đã nổi tiếng là thần đồng. Năm 22 tuổi thi đỗ Trạng nguyên.
    -Trần Sùng Dĩnh 5 tuổi khi nghe anh đọc bài đã thuộc lòng hàng chục bài trong Kinh Thi. Năm 14 tuổi đỗ đầu thi Hương, năm 22 tuổi đỗ đầu thi Đình.
    -Nguyễn Kỳ 4 tuổi nghe sư tụng kinh đã thuộc nhiều kinh Phật. Năm 1541, thi đỗ Trạng nguyên,
    -Lê Quý Đôn lên 2 tuổi đã đọc được chữ hữu (có), chữ vô (không). Lên 5 tuổi đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi, học đâu nhớ đấy, không chữ gì phải bảo đến hai lượt. Lên 10 tuổi đã học Sử và Kinh Dịch, 14 tuổi đã học hết Tứ thư và Ngũ kinh, Bắc sử và Bách gia chư tử.
    -Nguyễn Cẩm tức Kỳ Đồng. Tam tự kinh chỉ học trong mấy hôm là thuộc hết. Mỗi ngày đọc hàng trăm trang sách, chỉ trông thoáng qua đã thuộc. Năm lên 7 tuổi đã làu thông kinh sử và các thể thơ phú...
    Vậy thì, nếu gọi các cháu nầy là Thần đồng Việt Nam thì không có gì quá đáng, rất đáng để chúng ta trân quý và giữ gìn chu đáo. Ngoài ra, người tín đồ PGHH còn tin rằng các cháu nầy là do tái sanh từ những đồng đạo tu hành kiếp trước. Trước kia, vì già yếu, bệnh hoạn họ đã cởi bỏ xác phàm, nay tái sanh (theo như tâm nguyện) để tiếp tục tu hành cho đến ngày viên mãn.
    Ngày nay, nếu cả thế giới công nhận Ngài Tenzin Gyasso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đương thời, là người tái sinh của lãnh tụ tâm linh thứ 13 của Tây Tạng là Ngài Thubten Gyatso, thì những thần đồng của PGHH được tái sinh là chuyện hoàn toàn hợp lý, có liên quan đến thuyết luân hồi của Phật giáo, chớ không phải là điều dị đoan hay mê tín.
    Đề nghị Đ/Đ Thích Phước Tiến nên thành tâm sám hối và công khai xin rút lại những lời nói bừa bãi, kém văn hóa, thiếu đạo đức của một người mang danh là Đại đức đang có nhiệm vụ rao truyền giáo lý của Đức Phật.
    3.- Câu hỏi thứ ba: “Có một bà trước khi mất có nói là đi dự Hội Long Hoa, vậy thì có được vãng sanh không?”
    Đ/Đ Thích Phước Tiến trả lời: “Tất cả những từ ngữ để gọi Hội Long Hoa là do những người khác dùng mê hoặc chúng ta, nó mang cái nghĩa đi đe dọa thiên hạ để khủng bố tâm lý. Ở đây, Long Hoa có nghĩa là Đức Phật Di Lặc tương lai (họ Từ) sẽ hạ sanh dưới cội cây Long Hoa, nhưng mà chúng ta chết đi tái lại 1 ngàn lần trên cuộc đời nầy cũng chưa tới cái Hội đó vì còn xa xôi lắm. Cho nên những người nói Hội Long Hoa nơi nầy, nơi kia, năm này, năm kia... là nói tầm bậy, là những cái cách phịa, bày đặt mê tín, lợi dụng từ ngữ để tung hỏa mù vào quần chúng mà thôi. Nên nhớ và ý thức điều nầy, đừng để bị lừa đảo.”

    Thưa Đại đức,
    Nói về Hội Long Hoa thì đạo Cao Đài và PGHH đề cập rất nhiều trong Giáo lý. Khi giảng dạy về sự kiện tương lai nầy, cả hai vị Giáo chủ đều nhằm khuyến tấn chúng sanh gấp rút tu hành để vượt qua hiểm họa trong thời Hạ nguơn mạt pháp và đặc biệt là để có mặt trong ngày Hội Long Hoa, sống cảnh thái bình an lạc trong thời Thượng nguơn Thánh đức. Tuyệt đối là không phải dùng từ ngữ Hội Long Hoa để “đe dọa, khủng bố tâm lý” thiên hạ mà Đ/Đ lại nặng lời cho là “nói tầm bậy, bày đặt mê tín, nói phịa, tung hỏa mù, lừa đảo” quần chúng?!
    Tôn giáo nào cũng cần có niềm tin. Niềm tin tôn giáo thì không thể chứng minh được, vậy thì biết tin ai, trong khi kinh điển Phật Giáo thì một phần lớn bị thất truyền, tam sao thất bổn do thời Đức Phật chưa có văn tự, chỉ ghi chép lại theo lời truyền miệng từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Do đó, “đọc kinh cần tầm lý”, y theo văn tự mà “chấp sự” thì chỉ là mê muội, không đúng với tinh thần học Phật. Còn về niềm tin thì có niềm tin nào an toàn hơn tin vào sự giảng dạy của Thầy, Tổ mình ?

    Ai cũng biết, Đức Huỳnh Giáo Chủ và Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là bậc siêu phàm là Giáo Chủ của hai nền đạo nội sinh, phát xuất từ lòng dân tộc, hiện đang có hàng chục triệu tín đồ đang hành đạo tại khắp miền Đông và miền Tây Nam Việt Nam.
    Thế mà Đ/Đ Thích Phước Tiến lại hỗn láo, phạm thượng cho rằng “nói tầm bậy” thì rõ ràng đã xúc phạm nặng nề đến Giáo Chủ và Giáo lý của hai Tôn giáo bạn. Quả thật, đây là một trong năm trọng tội (nhà Phật gọi là Ngũ nghịch) mà Thích Phước Tiến phạm phải, đó là tội phá hoại hòa hợp Tăng, đáng bị đọa vào Địa ngục vô gián.
    Người Phật tử khi đã biết lý Nhân quả và tội phước báo ứng thì đừng nên gây ra cho kẻ khác bất cứ một tội nhỏ nào, huống chi tội ngũ nghịch thì lại cần phải tìm cách lánh xa.
    Đề nghị Đ/Đ Thích Phước Tiến nên phát nguyện sám hối trước Tam Bảo, hứa chừa bỏ những hành vi, ý nghĩ xấu ác thô bỉ kia và phải cảnh giác ác nghiệp trong mỗi ý niệm, trong hành vi, tư tưởng ...

    Đồng thời, bằng phương tiện truyền thông toàn cầu, Đ/Đ nên chính thức lên tiếng xin lỗi cộng đồng hai Tôn giáo Cao Đài và PGHH về những phát ngôn khiếm nhã, xúc phạm nặng nề đến Giáo chủ và tín ngưỡng của hàng triệu tín đồ thuộc hai Tôn giáo nầy.
    Kính mong Đại đức hồi tâm, tỉnh trí sớm dẹp bỏ những tà kiến sai lầm và bớt đi khẩu nghiệp hầu đem lại an vui tự tại cho tất cả chúng sanh và nhất là để người tín đồ PGHH, tín hữu Cao Đài Giáo có cái nhìn dung tha đầy thiện cảm với Đại đức. Mong lắm thay!

    Trân trọng kính chào Đại đức.


    Ngày 29 tháng 11 năm 2015.
    Hồng Trần

    kính bút
     

Chia sẻ trang này