Tai hại của sự nóng giận qua giáo lý pghh

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Buile, 13/7/17.

  1. Buile

    Buile Member


    TAI HẠI CỦA SỰ NÓNG GIẬN QUA GIÁO LÝ PGHH
    Phạm Xuân Huyên

    -oOo-

    Khi đã giác ngộ tu hành ai cũng muốn được giải thoát luân hồi sanh tử, nên quyết chí tu cầu công phu hành đạo bào mòn những khó khăn hầu cởi bỏ đi chướng nghiệp để bước đến cảnh giới như ý. Nhưng cuộc đời không như mình mong muốn, những nghịch cảnh chướng duyên làm ta chùng bước, có khi phải trả giá bằng những sai lầm “ba năm đốn củi, thiêu trong một giờ” đó là hậu quả của cơn nóng giận hay còn gọi là sân nộ một trong tam độc chướng (tham, sân , si) là nguồn cội của tội lỗi mà Đức Thầy cho biết:
    “Tánh sân nộ thường làm bạo ngược,
    Nên loài người ở cõi thế gian.
    Giận hờn nhau thù oán dẫy tràn,

    Mới có cuộc tranh tài đấu lực”.

    “Sự nóng giận” không thể kiềm chế được trước tình huống phản cảm, bức xúc trào dâng đánh mất bản thân dẫn đến hành động ngông cuồng vô ý thức. Tư tưởng sai lầm và hành vi tội lỗi sẽ bộc phát trong nhất thời hoặc được nung nấu trong một thời gian dài loài người sẽ trở nên dữ dằn bạo tợn. Xã hội người ta chú trọng rất nhiều về tình yêu thương, đi ngược cách đối nhân xử thế của loài người, tánh nóng sẽ làm con người cuồng trí mất tự chủ, mã hóa tâm hồn trong sáng, “giận mất khôn” dẫn đến thảm trạng không thể lường trước. Cơn giận dữ bất cần nghĩ đến nhân quả báo ứng, gây tổn thương chính bản thân và những người xung quanh.

    Mọi việc đến với ta trong đời đều do duyên. Duyên cũng có lúc thuận và nghịch cũng như trời đất không ngoài định lý âm dương. Cơn nóng giận nhen nhúm cách tốt nhất ta nên im lặng và niệm Phật. Im lặng để cho mọi việc qua đi chứ không phải chờ đợi lời xin lỗi từ nhau. Là người con Phật học theo hạnh Phật, phát huy những đức tánh tốt đẹp nở nào để lòng mình chất chứa điều sai quấy, gây nên nghiệp tội. Mọi sinh hoạt hằng ngày hãy để cho nó đến và đi một cách tự nhiên có khổ có vui. Cuộc đời là thế, lúc thuận cảnh ta sống mê say theo đuổi những cuộc vui bất tận, vun đấp cho ta bao kỷ niệm ngọt ngào, còn khi nghịch duyên đưa đến bao nhiêu nỗi lo lắng, hục hẫng, tức giận và lúc không tự chủ đó ta sẽ gây ra điều khờ dại, thiếu suy nghĩ thiêu hủy và đánh mất tất cả những gì ta từng yêu quí nhất.

    Tranh cải với bạn bè chỉ vì sự hơn thưa nhất thời ta đã thắng rồi đó, bạn bè đi hết. Nổi giận với anh em ta cũng hơn rồi đó nhưng tình anh em rạn nứt, cha mẹ sẽ không vui. Người dữ dằn bạo tợn xã hội xa lánh… Xưa bà Thanh Đề một tín nữ hết lòng cung kính Phật Pháp, trong cơn giận dữ với vị Sa Di, không kiềm chế được sự nóng giận bà có suy nghĩ và hành động sai lầm, phạm vào đại trọng tội là hủy báng chánh pháp. Khi chết đọa vào địa ngục A Tỳ phải chịu muôn trùng đau khổ. Để tránh hệ lụy “Một đóm lửa sân thiêu hủy cả rừng công đức” người tu phải biết tự khắc phục sửa đổi các thói hư tật xấu nhất là tánh nóng giận, để ngày ngày hoàn thiện bản thân. Để tránh tại hại trong cơn nóng giận. Đức Tôn Sư đã ân cần dạy bảo:

    “Ta thường nên tập tánh khoan dung.
    Thiệt hành đi đừng có ngại ngùng,
    Tha thứ kẻ lỗi lầm ngu xuẩn.
    Và nhẫn nhịn đừng ham tranh luận,
    Khỏi mất lòng tất cả mọi người.
    Tánh thuần lương vẽ mặt vui tươi,
    Vậy mới đáng tín đồ Phật Giáo.
    Nay ta đã qui y cầu đạo,
    Gây gỗ là trái thuyết từ bi”.

    Muốn trừ được tánh nóng giận phải tự tập rèn ba đức tánh “ khoan dung, nhẫn nhịn và từ bi”. Trên bước đường xuôi ngược không thể tránh khỏi sự va vấp trong đời sống của ta với người xung quanh. Không ai hoàn hảo và ta cũng không khác, nhưng con người thường hay thiên vị cho bản thân nhiều lắm, dễ dàng dung tha và bào chữa cho ta những lỡ lầm, để khắc phục và sửa sai bằng hình thức nhẹ nhàng êm dịu, mau qua. Còn đối với người có “lỡ lầm” hay không, hay phải trả giá bằng “lỗi lầm” !? Hãy nghĩ đến người cũng như mình nghĩ đến mình vậy “…hãy mở lượng khoan hồng dung tha kẻ lầm lỗi. Hãy nhẫn nhịn và chẳng nên cãi cọ tranh luận hơn thua làm cho nảy sanh ra những điều hiềm khích”. (Luận về Tam nghiệp -Đức Thầy).

    Tánh nóng giận là điều cản trở rất lớn đối với hành giả chuẩn bị hành trang về xứ Phật. Nếu không khắc phục được nó ta sẽ luôn đứng trước ngã ba nguy hiểm, giữa thiện và ác.
    Vậy, con người muốn được an vui ở cõi đời, cách tốt nhất phải nương nhờ theo chánh pháp cho cõi lòng thanh tịnh. Như vài vấn đề mà chúng ta đã đề cập tai hại của sự nóng giận ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tu tập. Biết rõ căn cơ và trình độ chúng sanh trong thời buổi hiện tại, Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy một cách thực tế, cư xử đúng đắn “khoan dung, nhẫn nhịn, từ bi” cho đời sống con người được thanh cao, gia đình tốt đẹp, xã hội bình yên. Nên chi Ngài hằng thôi thúc dạy khuyên:

    “Chớ nóng nảy sân si hư việc,
    Phải đợi thời vua kiệt hồi qui”.

    Và:
    “Tu là tu Phật tu Tiên,
    Tu cho rõ biết chữ hiền ra sao”.

    Cư sĩ Phạm Xuân Huyên
     

Chia sẻ trang này