TƯ TƯỞNG Cư sĩ Nguyễn Văn Nhựt Những nhà Bác Học, Kỹ Sư, Tiến Sĩ, Bác Sĩ hay các nhà thi sĩ, văn sĩ… nói chung hễ là con người điều đương nhiên ai cũng có Tư Tưởng. Nhưng cái Tư Tưởng của mỗi người có khác nhau là bởi mỗi người đứng ở mỗi lãnh vực chẳng đồng. Nếu là Bác Sĩ việc đương nhiên tư tưởng của Bác Sĩ là lo tìm phương cách hoặc tìm những loại thuốc hay để cứu chữa bệnh nhân, còn Kỹ Sư thì tư tưởng lại lo chế tạo cơ giới, thiết bị để đáp ứng cho ngành nghề của mình, các thi sĩ, văn sĩ cái tư tưởng luôn đeo đuổi một mảng đề tài nào đó và thả hồn theo mây theo gió để tạo nên những tác phẩm cống hiến cho đời. Vậy đối với người tu thì phần Tư Tưởng ra sao? Khi còn là một người đời sống buông lung, nuông chiều theo dục vọng ham muốn, bao tư tưởng xằng xiên tà khúc, nhỏ nhen, thấp thỏi... “… CÁI TƯ TƯỞNG ĐÃ RÙ QUẾN TÂM TRÍ MÃI MÃI QUAY CUỒNG VÀO NHỮNG SỰ ẤY, KHÔNG THẾ NÀO THOÁT LY RA ĐƯỢC”. Nhưng khi đã bước vào con đường siêu thượng của Phật pháp để tu hành, hẵn nhiên những tư tưởng tà vạy ấy phải bỏ ngay khi bước vào ngưỡng cửa của đạo. Là một vị cổ Phật lâm phàm, quán thông kim cổ, thấu triệt tâm trạng của loài người thế nên khi ra đời mở Đạo Đức Gíao Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã ân cần khuyên dạy tín đồ của mình cần phải đánh đổ những Tư Tưởng xấu xa, xằng xiên, Ngài viết: “ SỰ ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI HÀNH ĐẠO LÀ CỐT SỬA NHỮNG TƯ TƯỞNG, TÌM CÁCH ĐÁNH ĐỔ NHỮNG TƯ TƯỞNG XẤU XA, ĐEM THAY VÀO NHỮNG TƯ TƯỞNG ÔN HÒA ĐẠO ĐỨC.” Nhưng xét nghĩ, những gì có hình thể rờ đụng được thì với việc thay đổi rất dễ,còn Tư Tưởng là một thứ chẳng hình thể, chẳng một ai rờ đụng hay có thể nói là vô hình. Vậy với việc thay đổi chẳng phải là một việc đơn giản, hơn thế nữa cái tư tưởng ấy nó đã ăn nằm trong mỗi chúng ta từ vô lũy kiếp, cũng giống như nước nhuộm đã thấm sâu vào vải, thế nên đến hiện giờ ta vẫn còn luân hồi sanh tử thì việc thay đổi nó không thể giản đơn. Đức Phật đã dạy:“ Hằng ngày Tư Tưởng con ở đâu thì thân con sẽ ở đó”. Thật rất chân lý vô cùng, Tư Tưởng nó sai khiến con người như một ông chủ nhà khiến sai kẻ đầy tớ, bảo đi đâu đi đó, bảo làm một việc gì thì một dạ làm theo không dám cãi. Phải chi những sự sai khiến ấy làm những việc lành, ích người, lợi mình, còn đằng nầy phần nhiều là sai quấy khiến càng làm những việc xằng xiên, phiền toái.Vậy hành giả là người tu hành nếu không trừ tuyệt những Tư Tưởng vạy tà xấu ác ắt khó mong đi tới mục đích, phải bán đồ nhi phế giữa chừng bởi tâm hồn chưa phóng xả những tư tưởng mê lầm sẽ bị những cái xấu ác mê lầm kia đầu độc làm hư hoại mầm móng đạo đức. Những vị Thánh tăng, hoạt Phật ngày xưa được thành đạo quả, rạng danh muôn thưở bởi do các Ngài đã diệt trừ hết những tư tưởng xằng xiên, mê lầm hay những thứ bất hảo trong tâm. Chẳng hạn như ông Lưu Trường Sanh một nhà đạo hạnh cao thâm, mạo hiểm đi vào nhà điếm, mượn nơi lã lơi của hạng buôn hương bán phấn để rèn đúc, soi rọi những thứ tư tưởng háo sắc, háo dâm của mình. Nhờ sự cương quyết, quả cảm nên Ngài đã thay đổi những thứ tư tưởng mê tối, tà vạy của mình và đã thành công sáng chói lưu danh hậu thế. Nếu ta quyết lòng cải sửa ắt hẳn dầu cho việc mài sắt thành kim cũng có thể, “ Có công mài sắt có ngày nên kim” hay có câu : “có chí thì nên”. Vậy, dẫu rằng cái Tư Tưởng tà vạy kia nó ăn nằm, cứng chắt như keo sơn trong chúng ta, ta cũng có thể thay đổi thành công. Như đã nói ở trên, Bác Sĩ, Kỹ Sư, Thi Sĩ, Văn Sĩ… mỗi một người có một cách gìn giữ hay thành công trong tư tưởng riêng của mình. Còn đối với nhà tu để thay đổi tư tưởng thì Đức Huỳnh Gíao Chủ PGHH vị CƯ SĨ CANH ĐIỀN, đã thành công và kinh nghiệm trong sự thành công ấy nên đã truyền thừa cho tín đồ của mình, Ngài bảo: “ Chánh tư duy mục ấy thanh cao Phải tưởng nhớ những điều đáng nhớ Trên cùng dưới dầu thầy hay tớ Cũng tưởng điều trung chánh mới mầu Việc vui say mèo mã đâu đâu Hãy dẹp gác nhớ câu lục tự.” Ngài đã dạy ta một phương pháp thay đổi tuyệt vời, đối trị tư tưởng và phương tiện cải hóa xảo diệu. Thế nên hành giả hãy đảo ngược nó. Thay vì nghĩ xằng tưởng quấy, ta hãy tập nghĩ thanh tưởng chánh và bổ sung thêm yếu tố nữa là vừa tưởng vừa niệm câu lục tự như đã được Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dẫn. Ông Thanh Sĩ một môn đồ của Ngài bảo rằng: “ Nếu tư tưởng khởi lên ý quấy Muốn lường ai hoặc cướp của ai Tức thì định ý trừ ngay Chớ nên để lộ ra ngoài hành vi.” Sau khi ta đánh đổi tư tưởng thành công, ta sẽ tự tại vô ngại, tâm tư trống trải rỗng không khi đã thay vào những tư tưởng nhân hòa, từ ái, đạo đức thanh cao. Cuộc cách mạng Tư Tưởng thành công quân thù tham, sân, si, ái, ố… đã tháo chạy, ta hãy tức tốc nắm lấy căn cứ làm chủ quyền hành tạo dựng nên một chủ nghĩa mới thanh cao, tốt đẹp.Đến đó sẽ thư thái an nhiên nơi tâm hồn, không một thứ xấu xa tà vạy khuấy rối mất trật tự dù chỉ ở “sát na”, hành giả sẽ thuần một tư tưởng thanh cao, cuộc hành trình đạo đức tạm xem đi đến mục đích, tâm hồn sãng khoái, thú vị vô cùng và bước tiến “TRÍ HUỆ THÔNG MINH, GIAI ĐẮC ĐẠO QUẢ.” Sẽ thành công tuyệt hảo.