TÂM TỪ BI Đạo Phật lấy từ bi làm gốc, nhẫn nhục làm hạnh. Do đó, khi nói đến đạo Phật, người đời đều nghĩ đến hai pháp “Từ bi” và “Nhẫn nhục”. Lại nữa, khi nói đến từ bi là chúng ta thường liên tưởng đến Bồ-tát Quán Thế Âm, vì Ngài là đại biểu cho lòng đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn. Vì từ bi là căn bản của đạo Phật, do đó, tất cả các pháp, tất cả các hạnh tu của đạo Phật đều quy hướng về “phát khởi tâm từ bi”. Trong Thập Địa kinh luận, Bồ-tát Thiên Thân nói rằng: “Từ là đồng với nhân quả hỷ lạc; Bi là đồng với nhân quả ưu khổ”. Bồ-tát không những chỉ sanh tâm hỷ lạc với chúng sanh, mà còn phải đem đến cho chúng sanh quả hỷ lạc, đó mới gọi là từ. Thấy chúng sanh ưu bi khổ não không những chỉ khởi tâm thông cảm, mà còn phải tạo cho chúng sanh những quả lành khiến cho họ bớt đi sự thống khổ, đó mới gọi là bi. Kinh Bồ-tát niệm Phật tam muội nói: “Từ tâm quán chúng sanh, như mẫu niệm nhứt tử. Vu thù bất truy ác, cánh sanh lân mẫn tâm”, nghĩa là dùng tâm từ quán sát chúng sanh như người mẹ nghĩ nhớ đến con, đối với kẻ thù không sanh khởi tâm ác, ngược lại phải sanh tâm thương xót họ. Trong Đại Trí Độ luận, Bồ-tát Long Thọ nói: “Đại từ là vui với tất cả chúng sanh, đại bi là làm cho chúng sanh thoát khổ. Đại từ là đến với chúng sanh bằng tâm hỷ lạc, Đại bi là cùng với chúng sanh chia sớt những nỗi thống khổ. Thí dụ như có người giam những người con mình trong ngục. Lúc nó sắp bị tử hình, lòng từ của người cha vì xót thương con nên dùng vô số phương tiện, cố làm cho các con được thoát khổ, lòng đại bi ấy chính là khiến cho con lìa khổ; vì con mà cung cấp cho chúng các thứ yêu thích, ấy là lòng đại từ”. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Bồ-tát đối với chúng sanh đem từ bi lớn, xả ly chấp trước, lợi ích quần sanh, thành tựu vô lượng vô biên công đức”. Nghĩa là Bồ-tát có lòng đại từ bi, nên đối với hết thảy chúng sanh đều bình đẳng, không phân biệt kẻ oán người thân, và đến với họ bằng tấm lòng thương yêu chân thành và thông cảm. Kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn lại nói hạnh từ bi của Bồ-tát đối với chúng sanh như sau: “Phát rộng lòng đại bi, thương xót hữu tình, nói lời từ ái, trao pháp nhãn, đóng đường ác, mở cửa lành. Chẳng bỏ chúng sanh giữ gìn không nghỉ, như thể thân mình, cứu vớt phò trợ, khiến độ chúng sanh đến bờ giác ngộ.” Vì muốn chúng sanh được cái lợi chân thật vĩnh viễn thoát ra khỏi bờ mê, Bồ-tát không ngừng đem Phật pháp giáo hoá chúng sanh, khiến cho chúng sanh được giác ngộ rốt ráo thành Phật. Luận ngữ có câu: “bậc quân tử phải lo trước nỗi lo âu của thiên hạ, vui sau niềm vui của muôn dân”. Nghĩa là bậc hiền nhân đến với mọi người bằng tấm lòng “quên mình để cứu người” và “vô tư phụng sự”. Pháp Từ bi của đạo Phật được phân ra làm ba thể loại như sau: 1)- Vì muốn cho tất cả chúng sanh thoát khổ được vui mà khởi tâm từ bi, gọi là “chúng sanh duyên từ bi”, hoặc “hữu tình từ bi”. 2)- Vì chúng sanh có vô tận phiền não, nên đem Phật pháp giáo hoá chúng sanh, gọi là “pháp duyên từ bi”. 3)- Vì quán tất cả pháp đều không tịch, sanh ra tâm phiền não, mà khởi tâm từ bi cứu khổ chúng sanh, gọi là “vô duyên từ bi”. Bởi từ bi được phân ra thành ba thể loại: chúng sanh duyên từ bi, pháp duyên từ bi và vô duyên từ bi, nên Phật vì chúng sanh mà nói ba pháp: Vô thường, Vô ngã và Tính không, để dẫn dắt chúng sanh tiến lên dần dần thâm nhập vào Như Lai tánh. Pháp từ bi có tiểu, trung và đại: 1./- Tiểu từ bi: chỉ khởi tâm vui cùng với cái vui của chúng sanh và muốn cho họ thoát khổ, như tâm từ, tâm bi trong Tứ vô lượng tâm của bậc Tiểu thừa. Tứ vô lượng tâm là “bốn trạng thái tâm thức vô lượng”, còn được gọi là Tứ phạm trú, “bốn cách an trú trong cõi Trời Phạm Thiên”. Tứ vô lượng tâm là: (1) Từ vô lượng, (2) Bi vô lượng, (3) Hỷ vô lượng và (4) Xả vô lượng. Bốn tâm nầy là phương pháp đối trị bốn phiền não là sân hận, ganh tị, buồn bực và tham muốn: nếu có tâm từ thì sẽ không bao giờ sân hận, nếu có tâm bi sẽ không bao giờ ganh tỵ, nếu có tâm hỷ thì sẽ không giờ buồn bực, và nếu có tâm xả thì sẽ không bao giờ tham. Người thực hành được Tứ vô lượng tâm, khi lâm chung sẽ được tái sinh tại cõi Thiên. Đức Phật Thích Ca Mâu-ni dạy: “Có bốn vô lượng: Hỡi các tỳ kheo, một người tràn đầy tâm từ (bi, hỷ, xả) sẽ phóng tâm đó đi một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, rồi phía trên, phía dưới, xung quanh mình. Người đó phóng tâm đi khắp thế giới, chiếu rọi khắp nơi với tâm từ (bi, hỷ, xả), tâm thức vô lượng của người đó sẽ vắng bóng sân hận và phiền não.” 2./- Ðại từ bi: không những chỉ khởi tâm vui cùng với cái vui của chúng sanh và muốn cho họ thoát khổ, mà còn có khả năng làm cho họ thoát khổ được vui, như tâm đại từ bi của Phật. 3./- Trung từ bi: Đại từ bi và Tiểu từ bi cũng chỉ là pháp tương đối; cho nên có Tiểu, có Đại, thì phải có Trung. Thí dụ: lòng từ bi của Bồ-tát so sánh với lòng từ bi của Thanh Văn và phàm phu chúng ta là Đại; nhưng nếu đem so sánh với lòng từ bi của đức Phật thì chỉ là Tiểu. Vì vậy, chữ “Đại từ bi” của bậc Bồ-tát vẫn là giả danh; nói cho đúng lý chân thật chỉ là Trung từ bi. Từ mức độ, phân loại và đẳng cấp của từ bi như trên, ta thấy “vô duyên từ bi” là từ bi ở mức độ cao nhất mà chỉ tìm thấy ở nơi Phật; vì vô duyên từ bi là “vô duyên đại từ và đồng thể đại bi”. Nguyên nhân của sự khác biệt nơi tâm từ bi? Tiểu Thừa Thanh Văn chưa phá được hết tất cả những phân biệt và chấp trước vi tế, nên chưa thể phát khởi được “vô duyên từ bi”. Bồ-tát chưa phá được hết tất cả những phân biệt vi tế, nên vẫn chưa thể phát khởi được “vô duyên từ bi”. Chỉ có Phật, đã phá hết tất cả mọi phân biệt và chấp trước một cách rốt ráo, nên mới phát khởi được tâm này. Tâm “vô duyên đại từ” của Phật hoàn toàn không có sự phân biệt của các đối tượng quan hệ như: cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, người oán kẻ thân, người xấu kẻ tốt, người hiền kẻ dữ v.v… Nói cách khác, Phật đối với chúng sanh với tâm hỷ lạc và phúc thiện, mà trong đó không có điều kiện, không có nguyên nhân, vô tư vô tưởng (vô ý thức) v.v… Phật ban cho chúng sanh sự hỷ lạc phúc thiện mà tâm không khởi một chút phân biệt, tuyệt đối thanh tịnh bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Vậy, đặc điểm của “đồng thể đại bi” là dùng tâm tuyệt đối bình đẳng, không phân biệt, tâm quảng đại vô tận, tâm như hư không; cho nên tâm nầy cũng được gọi là “vô tận đại bi”; có nghĩa là không còn có tâm nào rộng lớn hơn tâm này. Nói đến đây chúng ta cũng nên biết các vị Đại Bồ-tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng v.v… đều là các cổ Phật thị hiện với thân Bồ-tát, do đó tâm từ bi của các Ngài đều là “vô duyên đại từ, đồng thể/vô tận đại bi”. Phật dạy chúng ta phải phát khởi tâm từ bi trong phạm vi lớn nhất, không có hạn lượng, từ cả hai mặt không gian và thời gian, bao trùm hết thảy thập phương pháp giới, và đối tượng để cứu độ là vô lượng vô biên vô số các loài chúng sanh không phân biệt chủng loại. Dựa trên tư tưởng căn bản của tâm từ bi trong Phật giáo, “kiêng sát sanh” là việc cấm đầu tiên và “phóng sanh” việc nên làm đầu tiên. Không sát sanh là ngăn ngừa đoạn dứt sự sát hại, làm thương tổn đến sanh mạng của các loài hữu tình. Phóng sanh các loại động vật có tri giác, có tình cảm, có cảm thọ khổ vui, là thực hành hạnh từ bi cứu khổ và ban vui cho chúng sanh. Trong tất cả các pháp môn tu của Phật giáo, lòng từ bi hỷ xả là một nghĩa cử cao đẹp, với trí tuệ hiểu biết rằng ta và các loài chúng sanh cùng nhau chia sẽ sự sống trên quả đất này, do đó ta không nên vì lợi ích cá nhân của mình hoặc của chủng loại mình mà sát hại các loài chúng sanh khác. Ngược lại, ta phải hết lòng bảo vệ lợi ích mọi loài, hết lòng cứu tế chúng sanh khi họ gặp hoạn nạn. Nếu mọi người, từ trong mỗi gia đình, làng xóm, thành phố, quốc gia cho đến toàn thế giới đều mở rộng tâm từ bi, thương yêu, hằng thuận và hỗ trợ lẫn nhau, đoàn kết cùng nhau phấn đấu khắc phục khó khăn, cùng nhau tạo ra tài sản, cùng nhau làm phong phú cho cuộc sống nhân sanh; thì thiên hạ sẽ được thái bình, tai dịch chẳng khởi, nước thịnh dân an, binh đao chẳng động, mọi người đều trọng sùng nhân đức, không có trộm cướp, không có oan uổng, người người đều sống trong hỷ lạc và đắc ý. Nếu được như vậy, thì Tịnh Độ có thể được thiết lập ngay trong thế gian này. Trong pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật A Di Đà nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, điều kiện tối yếu cần thiết để được vãng sanh là Phát vô thượng Bồ Đề tâm và nhất hướng chuyên niệm hồng danh A Di Đà Phật. Phát vô thượng Bồ Đề tâm cũng có nghĩa là phát tâm “vô duyên từ bi” hay “vô duyên đại từ và đồng thể đại bi”. Niệm “Nam Mô Đại Từ, Đại Bi A Di Đà” hay rút ngắn nó lại thành “Nam Mô A Di Đà Phật” hay “A Di Đà Phật” đều là niệm cái tâm Đại Từ Đại Bi của chính mình, niệm niệm không gián đoạn cho đến khi tâm của mình đồng hoá với tâm của Phật A Di Đà, thì mọi vọng tưởng, phân biệt và chấp trước sẽ được phá trừ, và tâm “Đại từ đại bi” của ta sẽ tự nhiên được khởi tác dụng. Do đó, ta thấy Tịnh Đô Di Đà chẳng phải là ở ngoài tâm mà có thể tìm thấy… HH