TÂM PHÁP Phan Thanh Nhàn Tâm pháp là những sự vật không có hình sắc, thuộc về ý thức do cái tâm liệu định và từ nơi tâm mà phát khởi ra. Nghĩa rộng của tâm pháp là những pháp thuộc về tâm ý. Sở trường của cácThiền sư là môn Tâm pháp; các vị đem giáo lý mật ẩn trong tâm mình mà truyền ngay cho đệ tử, chớ chẳng truyền giáo pháp chép trong kinh điển, cũng chẳng giảng luận dài dòng. Ngày xưa Đức Phật Thích Ca truyền tâm pháp cho Sơ Tổ Ca Diếp còn gọi là "niêm hoa vi tiếu". Sự việc Đức Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu như sau: Học gỉa cũng là nhà chính trị học Vương An Thạch (1021-1086) hỏi Thiền sư Tuệ Tuyền: "Thiền Tông nói Đức Phật Thích Ca đưa cành hoa lên có xuất xứ từ kinh điển nào" ? Sư Tuệ Tuyền đáp: "Trong kinh cũng không thấy chép việc nầy". Vương An Thạch nói: Tôi vào Hàn Uyển, ngẫu nhiên thấy có bộ Đại Phạm Thiên Vấn Phật Quyết Nghi Kinh gồm ba quyển, nhân đó mà đọc thấy kinh ghi chép tường tận việc Phạm Vương đến núi Linh Thứu dâng Phật một cành hoa ba-la vàng rồi xả thân làm sàng tọa, thỉnh Phật thuyết pháp. Đức Thế Tôn đăng tòa, đưa cành hoa lên cho đại chúng xem. Nhân thiên trăm vạn không ai hiểu gì, chỉ một vị Đầu đà nước da vàng ánh rạng rỡ mĩm cười. Thế Tôn nói:"Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, nay Ta trao cho Ma Ha Ca Diếp" (Đức Phật truyền cho ngài Ca Diếp cái kho chứa con mắt Chánh pháp, cái tâm vi diệu Niết bàn, cái vô tướng của tướng chân thật). Đức Phật đưa cành hoa lên (niêm hoa) và ngài Ca Diếp hiểu ý mĩm cười (vi tiếu). Đó là pháp môn lấy tâm truyền tâm. Ngài Ca Diếp đãnh ận tâm ấn của Đức Phật. Tâm ấn thường được diễn dịch là dấu ấn cuả tâm, nhưng nên được hiểu là tâm nầy (của người thọ nhận) ấn khớp với tâm kia (của người trao truyền tức chư Phật,Tổ...) kho chứa con mắt Chánh pháp là tòan bộ nội dung của Phật giáo chân thật, tuyệt đối. Đó cũng là cái tâm vi diệu Niết bàn mà thật tướng là vô tướng (theo Văn Hóa Phật Giáo) Một điều chúng ta chớ quên, Pháp còn có nghĩa là vật báu, là giáo pháp do chư Phật thuyết. Pháp Phật có thể giúp chúng sanh tỉnh ngộ thóat khỏi khổ não, luân hồi. Đức Phật Thích Ca Thế Tôn đã dạy: "Khi ta tịch rồi, ta để cái Pháp lại, hãy coi nó như TA. Tôn kính ta thế nào thì sùng thượng cái Pháp cũng thế ấy". Vì vậy người thế gian gọi là Pháp bảo. Kinh Pháp Cú, là quyển kinh sáng sủa, giản dị, phản ảnh trung thực nhất của những lời Đức Phật dạy; vào đầu kinh Đức Phật nhấn mạnh vào vai trò chính yếu của Tâm: "Tâm dẫn đầu tất cả. Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả...". Trong Kinh Lăng Gìa cũng có câu: "Phật nói Tâm là chủ, cửa Không là cửa pháp". Vậy Tâm là gì? Tâm chính là mình. Tạm gọi là "cái ta" và từ đó phát sinh ra thân, khẩu, ý. Tâm tạo ra tất cả, tạo ra cái nhân cũng như cái quả. Do cái tâm con người tạo ra "Nghiệp", nên phải chịu trách nhiệm những gì mình đã làm. Kinh Pháp Cú câu 165 ghi: "Chỉ có tự mình gây nên điều xấu, tự mình làm nhơ uế mình. Tự mình hủy bỏ điều xấu, tự mình làm mình thanh tịnh. Thanh tịnh hay nhơ uế đêu tùy thuộc mình. Không ai làm ai thanh tịnh". Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên, Ngài thuyết giảng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) cũng nhắm vào tâm . Vi` nếu không có tâm thì làm gì có khổ; vật vô tri vô giác đâu có khổ. Tham, sân, si là các tập nhơn sanh ra qủa khổ cũng từ tâm. Thật vậy, nếu không có khổ thì đâu cân tới diệt, mà cũng không cần có Đạo. Dù tăng sĩ hay cư sĩ cũng phải tự mình làm chủ đựơc cái tâm của mình. Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy: Đường đạo lý chớ nên chán nản, Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm. Phật Tây Phương thiệt qúa xa xăm, Phải tìm kiếm ở trong não trí. ( Sấm Giảng Q2 ) Giữ thân, khẩu, ý cho thanh tịnh, an nhiên, tĩnh lặng để có thể định được cái tâm của mình bằng cách tôn trọng giới luật, Đức Phật dạy: "Nầy các Tỳ kheo, sau khi ta nhập diệt, nên tôn trọng, cung kính giới luật, như chỗ tối tăm được thấy ánh sáng, như người nghèo được cuả báu. Nên biết rằng giới luật là thầy của các ông, cũng như ta đây còn trụ thế, không hề khác biệt". Mục Chánh Niệm giúp ta định được cái tâm, chú tâm tới hiện tại là con đường đưa tới giải thoát vòng sanh tử luân hồi. Trì giới, định tâm, không phải dễ dàng đạt được trong một sớm một chiều. Cái kết qủa sau cùng bằng sự cố gắng không ngừng và mục Chánh Tinh Tấn giúp ta phát triển được những tâm ý tích cực như từ, bi, hỉ, xả, luôn luôn giữ được sự sáng suốt và làm chủ được cái tâm của mình, giữ được đức tin mạnh mẽ. Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên dạy: "Người bỏ hết các sự buồn rầu, các điều tà vạy, dẹp lục căn, lục trần và rán làm cho tinh thần được thêm sáng suốt, rèn luyện các đức tánh cho thiện mỹ": yên tịnh, hỉ lạc, nghiêm trang quyết gắng công phu, một lòng bước tới Niết Bàn đặng có tế độ chúng sanh thóat khỏi luân hồi qủa báo. Mục đích cao cả của đạo Phật là đạt được giác ngộ bằng trí tuệ Bát nhã, tức là làm hiển lộ được cái Chân tâm, Phật tánh sẵn có nơi mình, đợi chờ một ngày kia vươn lên trong mỗi người. Một thông điệp mang đầy hy vọng và tinh thần bình đẳng mà Đức Thế Tôn Thích Ca trao lại cho nhơn loại: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". Như vậy những ai đi tìm Phật ở ngoài mình cũng chỉ như người đi tìm "lông rùa, xừng thỏ" mà thôi! Khi nào nhận diện được cái chân tánh của mình, vì "bản tánh của mình đầy đủ tất cả, xưa nay vốn thanh tịnh”, nhưng vì vô minh "Màn vô minh che mờ căn trí, Nên thường hay nhận ngụy làm chơn", bị vẩn đục bởi tham, sân, si, bị vọng niệm làm ô nhiễm, như mặt trời bị áng mây che khuất. Một khi giác ngộ rồi, hội được chơn lý, mở mang chơn trí thì tin rằng "Tâm tức là Phật ". Nhận định đúng đắng được như vậy, người tu theo đạo Phật luôn luôn phải trở về với cái tâm sâu thẩm của mình, đối diện với chính mình, tin tưởng vào sức mạnh của chính mình, vào khả năng tự lực của mình. Thấu hiểu được tâm tưởng của thế nhân, nên Đức Phật có lời dặn bảo các đệ tử trước khi nhập Niết Bàn: "Các con hãy là hải đảo cho chính mình. Đừng đi tìm một nơi trú ẩn bên ngoài nào. Hãy lấy Chánh pháp làm hải đảo, lấy chơn lý làm nơi trú ẩn. Đừng lấy nơi trú ẩn nào khác" (Kinh Đại Niết Bàn). Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng khuyên dạy: Phật tại tâm chớ có đâu xa, Mà tìm kiếm ở trên Non Núi. ( Sấm Giảng Q2 ) Trên bước đường tu hành, Ngài cũng chỉ bảo nhơn loại chúng sanh rằng không có tong phái nầy cao hơn tông phái kia mà do cách hành đạo của mình có đi đúng theo Chánh pháp hay không: Nếu ai mà biết chữ tu trì, Tâm bình tịnh được thì phát huệ. Hay: Tu với tỉnh biết làm chẳng khó, Nếu lặng Tâm tỏ ngộ Đạo mầu. (Sấm Giảng Q4) Các tông phái là những phương tiện thiện xảo cho tâm tính và căn cơ của mỗi người có thích hợp hay không mà thôi. Cái Tâm là cái hòa đồng tất cả, là nơi gặp gở những ai trong cõi đời nầy muốn đi tìm sự giác ngộ, tìm Chơn lý. Nếu nhìn đạo Phật "thâm thâm, diệu diệu", có phần nào phức tạp, rườm rà khó hiểu thì hãy lấy câu "Phật tại tâm" đem ra soi sáng thì mọi điều sẽ trở nên sáng sủa và giản dị như Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: Không làm điều ác, Thành tựu những việc lành. Giữ tâm ý thanh tịnh, Ấy lời chư Phật dạy. Và Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy: Làm hết các việc từ thiện, Tránh các điều độc ác, Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô A Di Đà Phât. Ngày 12 tháng 7 năm 2014 PHAN THANH NHÀN