TÍN – NGUYỆN – HẠNH, - Cư sĩ Nguyễn Văn Lía

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 24/8/17.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    TÍN – NGUYỆN – HẠNH
    Cư sĩ Nguyễn Văn Lía
    Con người khi đứng ra gánh vát và thực hành việc chi, cũng phải đặt đức tín vào sự việc đó. Tin là mình làm sẽ đi đến kết quả tốt đẹp: chí nguyện quyết vun bồi cho lòng tin càng dũng mãnh thêm lên và thêm vào đó việc làm kiên trì, thực hành rốt ráo mới thành tựu như ý định. Đối với nhà tu cũng thế, có tín, có nguyện và có hành mới đạt được mục phiêu. Vì chính đó là ba món tư lương- tức là tiền của, là lương thực- để nuôi dưỡng huệ mạng của ta đi đến mục đích.

    Như thế Tín, Nguyện, Hạnh là gì?

    Tín là lòng tin. Người tu có tin mình tu đây sẽ đi đến chỗ thành công viên mãn; tin một ngày nào đó công đức mình sẽ tràn đầy, tin luật nhân quả do Phật thuyết ra và Đức Thầy chỉ dạy tận tường, hể gieo nhân lành sẽ hưởng quả phúc, gieo nhân dữ kết quả khổ chớ không hề sai chạy. Tin tâm mình có Phật, một ngày kia nếu ta diệt hết vọng tâm vô minh phiền não sẽ chứng thành Phật quả. Tin vào pháp môn Tịnh độ của Phật dạy, nếu thực hành theo sẽ được vãng sanh về cảnh Cực Lạc, khi lâm chung sẽ được chư Phật tiếp độ về cõi ấy.

    Nhà cách mạng lão thành cụ Phan Bội Châu có lần đã nói lên ý chí, sự tín tâm, thành ý thì dầu là đá cứng cũng vở tan khi người buông tên với lòng thiết tha cương quyết, với niềm tin tưởng mãnh liệt. Ông đã hạ bút:
    “Mũi tên dùng hết tâm thành
    Bắn vào phiến đá tan tành như chơi”.

    Kinh Phật đã minh xác lòng tin nầy rất thiết thực:
    “Tín vi đạo nguyện công đức mẫu
    Tín năng trưởng dưởng chư thiện căn
    Tín năng siêu xuất chúng ma lộ
    Tín năng thành tựu Phật bồ đề”.

    Phỏng dịch:
    “Tin làm đạo hạnh tràn đầy,
    Tin nuôi căn thiện quả dầy vị cao,
    Tin rời khỏi ngỏ đạo ma,
    Tin đưa sanh chúng Phật đà được lên.
    (NVL)

    Nhưng lòng tin cũng phải được chánh đáng vào mục đích mà chúng ta đang thực hành. Có thế mới mong được kết quả tốt đẹp. Ông Thanh Sĩ, hàng trưởng bối của chúng ta, đã có lời khuyến khích chúng ta qua mấy dòng thi sau đây:
    Người tu cần phải vững lòng tin
    Trì niệm Phật tâm chiếu tánh minh
    Niệm Phật đến khi không tạp niệm
    Chiếu tâm đến lúc hết vô minh
    Khói mê tan cả trời tâm sáng
    Sóng nghiệp lặng yên giữ tánh bình
    Khuyên hãy tự minh và tự ngộ
    Chớ đem ý chấp ngoại kỳ thinh

    ` Thứ đến là nguyện, tức là lòng mong mõi, cương quyết thiệt thi. Từ ngàn xưa Đức Trần Hưng Đạo phá tan được quân Mông Cổ cũng nhờ chí nguyện quyết đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Nơi Hội Nghị Diên Hồng lòng cương quyết nguyện chiến đấu của các bô lão bừng sôi, chốn Bạch Đằng những sĩ tốt nguyện đánh đuổi kẻ thù. Nhờ thế, mới đem lại sự vinh quang cho đất nước một thuở.

    Xa xưa hơn nữa, Đức Phật nhờ chí nguyện quyết tìm đạo, Ngài đã nguyện dưới gốc cây Bồ đề rằng: “Nếu chẳng thành đạo chánh đẳng,chánh giác ta quyết không rời khỏi nơi đây”. Và sau khi đắc đạo rồi, lòng quyết cứu độ chúng sanh mà Ngài đã thốt. “Hữu nhứt chúng sanh bất thành Phật quả ngã thệ bất thành Phật”. (Nếu có chúng sanh nào tu hành mà không thành Phật, ta thệ không thành Phật).
    Với Đức Thầy cũng thế, vì lòng Từ Bi Bác ái mà Ngài đã nguyện:
    “Bể trầm luân khô cạn sáu đường,
    Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”.

    Còn chúng ta cũng cố gắng, vì bởi:
    “Chớ bỏ lời thề nơi Phật cảnh,
    Chớ quên tiếng nguyện chốn non xanh.”

    mà cố gắng tu tiến. Và sớm chiều lễ bái, ta đều có hứa nguyện trước bàn thờ cửu huyền, ngôi tam bảo và bàn thông thiên với ba bài nguyện, cho nên chúng ta gắng gỗ, ắt thành đạt.

    Sau khi đã có đức tin vào sở năng của mình rồi, đã nguyện thi thiết việc làm, mà không hành cũng khó đi đến thành công. Bởi:
    “Nói ăn mà chẳng ăn vào,
    Nói cho đến chết bụng nào có no”. (T S)
    Vì vậy phải:
    Tâm nguyện hành người nên kết cấu,
    Tất thành hình không mộng ảo đâu.
    Hãy thực hành và hãy nhiệt cầu,

    Tâm cầu mạnh quả thâu mau chóng”. (T S)

    Thế nên, người tu điểm cốt yếu là hành mới đạt mục đích. Ta thấy trong Sám Cơ Đức Thầy đã thống trách người tu sở dĩ không đắc quả là do không thật hành. Ngài phán:
    “Cả ngàn năm nhân tâm xao xuyến,
    Sao tu hoài chẳng có thấy ai thành.
    Bởi chữ tu liền với chữ hành,
    Hành bất chánh người đời mới nói”
    .

    Tóm lại, tín nguyện hạnh chẳng khác nào chiếc đỉnh có ba chân, nếu thiếu một ắt đỉnh kia phải nghiêng đổ, người tu nếu thiếu một ắt khó thành công. Bởi thế Đức Thầy khuyên chúng ta:
    “Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành,
    Được cứu cánh về nơi an dưỡng,
    Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,
    Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi .”

    Có nhứt tâm để tín, nguyện, hạnh thì chắc chắn về nơi cõi Tây phương an dưỡng không còn luân hồi thống khổ, như lời Đức Thầy phán dạy vừa qua.


     

Chia sẻ trang này