Quá trình Thành hình "ĐỘC GIẢNG ĐƯỜNG" của Bạch Diệp

Thảo luận trong 'Lưu-Trữ' bắt đầu bởi Hhuynh, 31/12/11.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator

    [​IMG]
    Các Độc Giảng Đường với rêu phong và cỏ rác bao phủ kể từ sau tháng 4/1975. Chánh quyền CSVN đã tịch thu toàn bộ: Một số đã bị đập phá, một số hư sập theo dòng thời gian dài không tu sửa. Số còn lại không cho phép đồng đạo PGHH tới lui!! Còn chăng chlà kỷ niệm đau buồn!!!

    LỊCH SỬ ĐỘC GIẢNG ĐƯỜNG

    Người ta không bao giờ quên được năm Kỷ Mão (1939), năm Đức Giáo Chủ PGHH. hóa hiện ra đời hoằng dương chánh pháp . Với đại nguyện Qui nguyên Phật Pháp cùng gây cuộc hòa bình cho vạn quốc chư bang. Ngài tuỳ phong hóa dân sanh phù hạp mà viết rất nhiều Sấm Giảng, Thi Văn Giáo Lý.



    Thời kỳ truyền pháp


    Lời vàng nét ngọc của Đức Giáo Chủ được nhóm tín đồ khá giả thời bấy giờ phát tâm ấn tống . Nhờ đó phần lớn đồng bào miệt đồng quê rẩy bái được hân hạnh đêm đêm quần tụ dước ánh đèn mà ngâm nga xướng đọc . Một người đọc, năm bảy người nghe . Lời Sấm Giảng bình dân nhưng rất uyên bác, có khả năng tạo duyên lành, đánh thức tâm hồn con người giữa đêm sâu mưa nguồn chớp biển và chiêu phục được những ai đang lặn ngụp trong biển lợi sông danh . Người ta bắt đầu tìm về với chánh đạo vô vi .
    Những buổi trưa hè êm ả trên chiếc võng cót két đưa con, các bà mẹ Việt Nam cũng thường ru nho nhỏ bằng lời Sấm Giảng của Đức Thầy. Bởi ru như vậy, vừa tránh được các câu hát huê tình nhảm nhí, vừa nghiền ngẫm được nghĩa lý của mối đạo diệu mầu, mà cũng gieo được tư tưởng yên lành vào tâm hồn của đứa bé thơ ngây.
    Từ đó, ngay dước ách cai trị khắc nghiệt của Thực-dân Pháp, một phong trào Tu Nhân Học Phật được hình thành . Nhiều nam nữ thanh niên trước kia thuộc thành phần sa đọa (cờ bạc, hút xách, du đảng, điềm đàng, …) giờ lại trang nghiêm hướng thượng, quần vải, áo đà…Người người bảo với nhau:

    ‘Dọn bề trong mới gọi đẹp xinh
    Chớ mang lối bề ngoài chẳng tốt’


    Nhờ phương tiện truyền bá giáo lý bằng cách đưa ra Sấm Giảng cho người đời truyền đọc như trên, phối hợp với tài trị bệnh, thuyết pháp có một không hai của Đức Giáo Chủ, nên chỉ trong thời gian kỷ lục mà nền đại đạo Phật Giáo Hòa Hảo (tức Bửu Sơn Kỳ Hương) đã được mở rộng khắp mọi từng lớp dân chúng. Các nhà khảo cứu PGHH. gọi đây là thời kỳ truyền pháp (1).
    Kể đến ngày 25 tháng hai nhuần năm Đinh Hợi (1947), vì một lầm lỗi to tác của chủ nghĩa duy vật vô đạo đã làm cho Đức Giáo Chủ vắng mặt tạm thời!!! Từ đó, phong trào đọc Giảng cơ hồồ như lắng dịu .


    Thời kỳ định pháp


    Một lẽ vì tín đồ PGHH lúc bấy giờ phải lo tự vệ để bảo tồn khu vực, một lẽ vì các cơ quan Trị sự quá bận lo phát triển công việc tự túc cho đoàn thể nên bỏ lơi việc nói Pháp nhắc Kinh, lẽ khác nữa, chính vì sự bất đắc dĩ phải có riêng quân lực, nó đã làm chi phối khá nhiều về tiềm năng đọc giảng, truyền giáo của anh chị em đồng đạo .
    Trong lúc sanh tiền cố Đức Ông, thân sinh Đức Giáo Chủ, Người nhận thấy việc đình đốn ngưng trệ kia là mối lo ngại sâu xa của Đạo, nó sẽ làm mòn phai chánh pháp của Đức Giáo Chủ, nên Cố Đức Ông đã không ngớt nhắc nhớ câu:


    “Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành
    Làm cho đời hiểu rõ thinh danh,
    Công Đức Phật từ bi vô lương” .


    Và thiết thực hơn hết, Đức Ông đã chẳng quản nhọc nhằn về tuổi tác, Người chuyên trợ và khuyến khích cho số anh chị em đồng đạo có nhiệt tâm ở vùng Thánh địa, với ước mong làm sống lại phong trào đọc Giảng đã nhóm khởi từ trước .
    Đoàn đọc Giảng đầu tiên ra đời tại Thánh-địa, dưới sự bảo trợ của cố Đức Ông. Các phiên đọc Giảng từ đấy được tổ chức trong lúc rảnh việc về đêm, do một số nam nữ đồng đạo bỏ công đi đến từng nhà, vừa thăm viếng nhau, vừa nhân đó nhắc nhở nhau băng công tác đọc Giảng .
    Tuy nhiên, phải nhìn nhận trong thời kỳ định pháp này, vì có sự phân hóa các khu vực trong Đạo, nên phong trào đọc Giảng không mấy thịnh hành.

    Thời kỳ bảo pháp

    Năm 1954 Ngô Đình Diệm vừa chấp chánh quyền là đã bắt đầu thi hành chánh sách độc tài khắc nghiệt . Sau khi triệt hạ các tướng lãnh Phật Giáo Hòa Hảo, Ngô Đình Diệm liền mở chiến dịch tiêu diệt các cơ cấu tổ chức Đạo, âm mưu gây ly tán, nghi ngờ, khuynh đảo; làm hoang mang tất cả mọi lớp người !!!
    Trong lúc Đức Giáo Chủ còn vắng mặt và Cố Đức Ông bị mật vụ theo dõi không rời gang tất, các cơ cấu tổ chức Đạo lại bị tan rã, họa ‘Diệt Tôn’ của chánh phủ độc tài, ngụy trá dưới trăm ngàn khía cạnh đang vồ dập bủa vây, thật ra Đạo lúc ấy không khác nào ngọn đèn treo trước gió. Người đạo tâm ai lại không khỏi phập phòng lo ngại một ngày kia ngọn đèn tín ngưỡng ấy sẽ tắt mất.
    Nhưng thêm một lần nữa sự việc hiển nhiên không ai có thể phủ nhận, đó là Tiềm lực tự tồn của khối Phật Giáo Hòa Hảo. Nó quả là một diệu pháp thường hằng, trưởng sinh mà không thoái diệt. Nó luôn luôn tàng ẩn trong tinh thần tự vệ, trong tâm đạo ngàn đời của những con người thờ trần Dà và nhớ ơn Cửu Huyền Thất Tổ.
    Lịch sử từng chứng minh qua các giai đoạn thăng trầm kỳ diệu: Đạo bình thường thì chìm lặng trong bao la, mà mỗi khi có một bạo lực nào muốn tiêu diệt Đạo, thì Đạo lại tức khắc kết lại thành một sinh lực dẻo dai để tự vệ và tự tồn. Đó là thời kỳ được mệnh danh là Bảo pháp.
    Thọat tiên, một phong trào đối kháng bất bạo động được dấy lên. Xét ra nó rất hợp tình, hợp lý, ứng dùng với tinh thần từ, bi, hỉ, xả mà Đức Giáo Chủ hằng khuyên dạy tín đồ. Thế là người tín đồ bắt đầu rầm rộ đọc Giảng và truyền trãi cái quan niệm bất biến: “chỉ có thể đàn áp được PGHH trên phương diện hình thức, vật chất, chớ không làm sao tiêu hoại được tinh thần chánh tín vô vi của người PGHH.
    Y như một bồn xăng bén nhạy, gặp tia ý thức lóe ra liền bắt cháy tràn lan, không ai còn cách nào dập tắt kịp.. Thật vậy, anh chị em đồng đạo chúng ta lúc đó: - trong sự mặc nhận của Đức Ông đã phát động mãnh liệt "phong trào đọc giảng chống chế độ phong kiến độc tài" !. Một người đọc cho cả trăm người nghe. Số người đọc không phải ít mà số thính giả đi tìm nghe cũng không biết làm sao kể cho xiết.. Trước cảnh đó chúng ta không lấy chi làm lạ bởi đã có câu:

    ‘Đồng thanh tương ứng,
    Đồng khí tương cầu’ .


    Tâm trạng chung của những người cùng hoàn cảnh:

    “Thầy lạc tớ không ai chỉ bảo
    Như vịt con dìu dắt nhờ gà”.


    Hễ có người khơi đúng mạch lòng, gải đúng chỗ ngứa thì có khác nào bệnh đã gặp thuốc, kim khí gặp đá nam châm, họ liền nương tựa vào nhau để tìm lấy sự an ủi tinh thần. Nhận thấy có số người tìm nghe Giảng ngày một thêm đông, vượt ngoài sức có thể đọc suông bằng miệng nên anh chị em trong Ban Đọc Giảng (lúc ấy chưa gọi là Độc Giảng Viên) mới nảy ra ý kiến mua máy phóng thanh để đọc. Cảm động nhứt là "máy phóng thanh nội hóa" do các tín hữu nghèo tiền mà giàu đạo đức đã sáng chế "Máy" làm bằng thiếc loa hàn chì, hình giống như loa phóng thanh, nhưng dài trên một thước.
    Tìm được kỹ thuật để một người đọc có thể làm thỏa mãn được cả ngàn người đón nghe, phong trào đọc Giảng đương nhiên đã trở thành phong trào văn hóa cần thiết cho đời sống nông thôn. Từ đó, trong những ngày rằm nguơn, hội hè, đình đám, trong các ngày giỗ chạp.v..v… .Người tín đồ PGHH đều không quên tổ chức đọc Giảng lộ thiên, hay đọc tại thính đường, nhà khách. Đoàn người đọc Giảng lúc bấy giờ cũng đương nhiên được xem như đoàn Giảng-sư đi truyền giáo công khai.
    Các phiên đọc Giảng tổ chức lộ thiên hay tại các tư gia, làm bận rộn đến nhiều người liên hệ, gây cho đình chùa có vẻ phiền phức, thế nên anh chị em tín hữu mới nghĩ cách phải có một cơ sở đặc biệt, có địa điểm hẳn hòi, xây cất vén khéo: Vừa làm nơi trang trọng sùng kính Đức Tôn Sư, vừa làm nơi đọc Giảng hội cho các ban, được bắt loa phóng thanh lên cao, truyền giọng đọc đi xa hơn, vừa kín đáo tránh được những tiếng động từ bên ngoài rút vào máy vi âm, làm giảm mất vẻ tôn nghiêm trang nhã.
    Nói đến "phòng đọc giảng" (ngày nay là Độc Giảng Đường) phải nói đến công đức nhẫn nại và hy sinh của anh chị em đồng đạo trung kiên. Bởi ai cũng biết trong các năm nhà Ngô còn đương quyền, muốn xây cất một cơ sở Đạo giáo không phải là chuyển dễ. Thế nên, chúng ta đã thấy có nhiều ông cụ tóc bạc càm râu, nhiều bà cụ món trầu chống gậy đã cùng với các nam nữ thanh niên ngày ngày "nhẫn nhục" ra vào nơi công đường, tìm cách để xin phép mua máy phóng thanh và tạo cơ sở đọc giảng cho kỳ được.


    “Rán nhẫn trăm phân dù khó nhẫn
    Dạ thưa quan chức phận làm dân”

    Vừa "nhẫn nhục" lo xong phép tắc, lại đến lượt bí mật lo chung đậu số bạc giao cho một ông đồng đạo "có ưng chịu" để họ để họ đứng ra lãnh phần xây cất cơ sở. Song song với các việc trên, còn một số tín hữu khác cũng không chịu kém phần hy sinh: -kẻ chở cát, người cưa cây, gánh đá, lo làm công quả cho đến khi cơ sở đọc Giảng được hoàn thành.
    Nói là "phòng đọc Giảng" cho có vẻ khiêm nhường, để tránh sự chú ý theo dõi của mật vụ Ngô triều, chớ sự thật đó là một cơ quan bảo pháp nhằm việc truyền bá đạo đức, chống chánh sách diệt tôn.
    "Phòng đọc Giảng" được phổ thông trong đoàn thể PGHH. Trước tiện từ Thánh-địa đến các xã kế cận, rồi như vết dầu, lan đến các tỉnh xa. Tiếng đọc Giảng trên các máy phóng thanh vang vang tận nơi hẻo lánh xa xôi và cả thị thành, như cố ý nhắn gởi đồng bào thanh niên trong những ngày khó khăn dài dẵng:


    Có khó mới khôn, khôn rảnh khó
    Gìn tâm thiện niệm bớ râu mày’

    hoặc thảng như :
    “Đường xa mới rõ tài con ngựa ký
    Lúc nguy nàn tường tận kẻ vô lương”


    hay là :

    “Ngày lụn tháng qua năm sẽ đến
    Trẻ già sẽ thấy cái hay hay” . . .

    Vì tin chắc sớm muộn gì mình cũng sẽ thấy được cái hay hay, nên người tín đồ càng vững mạnh đức tin, mượn lời kệ Giảng nói nhắn với bốn phương đồng đạo:

    “Đạo Phật diệu diệu thâm thâm
    Dù mà tận thế ngàn năm vẫn còn”


    Những lời lẽ nhiệm sâu được máy phóng thanh truyền đi, làm cho số đồng đạo đang đói mùi đạo đức, khao khát thèm nghe, trái lại số người "có tịch" bị "lời chơn chánh dường như nói xỏ, nói móc", đâm ra có thành kiến. Ở một vài nơi, họ bắt đầu gây cớ để tịch thu các dụng cụ phóng thanh, đóng cửa các cơ sở Đọc Giảng Đường và sắp tiến tới việc khủng bố các đồng đạo đi đọc Giản!!!
    Nhưng việc phải đến đã đến!!!

    Thời kỳ phổ pháp

    Cuộc cách mạng tháng 11 năm 1963 đã làm cho bạo quyền họ Ngô sụp đổ (1). Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo bắt đầu phục hoạt công khai. Các Đọc Giảng Đường nương đà phấn khởi mọc lên rất mạnh.
    Trẻ già "đã được" thấy cái hay hay !
    Con số chính thức mà ta biết được kể trên 300 Độc Giảng Đường vừa lớn nhỏ vừa hiện hữu với 275 bộ máy phóng thanh ngoại hóa.
    Để bổ túc những gì còn sơ suất bởi quá cấp bách trong tổ chức cũ, một đại hội các Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Toàn Quốc đã được triệu tập tại Thánh-địa Hòa-Hảo ngày 27 tháng 12 năm 1964 dưới quyền chủ tọa của Giáo Sư Nguyễn Văn Hầu, Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương . Sau khi đã để hết tâm tư nghiên cứu và trao đổi ý kiến, rút tỉa kinh nghiệm, đại hội đã chấp nhận việc hệ thống hóa các ngôi Độc Giảng Đường lẻ tẻ và cho ấn hành một tập sách nhan đề "Thành phần tổ chức và thể lệ đọc Giảng tại các Độc Giảng Đường".
    Căn cứ theo tập sách cương yếu ấy, chúng ta sẽ tìm thấy đầy đủ tài liệu về:
    - Thành phần, quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Quản Trị Độc Giảng Đường
    - Thể lệ về việc đọc Kệ Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ và cách thức xướng ngôn, giới thiệu .

    Cũng trong phiên hội vừa kể, các đại biểu toàn quốc đã quyết định:

    1.- Dùng danh từ Độc Giảng Đường để gọi thống nhứt các phòng đọc Giảng .
    2.- Dùng danh từ Độc Giảng Viên để gọi thống nhứt các đồng đạo có chân trong Ban Đọc

    Giảng.

    Độc Giảng Đường là một danh từ mới, đặc biệt của Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo do các nhân sĩ vùng châu thổ sông Cửu Long đặt ra để tôn tặng các cơ quan đọc Giảng bảo pháp. Danh từ này từ lâu ta đã nghe truyền khẩu nhưng chưa có sự nhứt trí, giờ thì đã được Đại Hội toàn quốc chánh thức phổ dụng.
    Thời ký bảo vệ chánh pháp chống họa diệt tôn kể như đã vinh diệu bước đi trên tro tàn mảnh vụn của một chế độ độc tài phi lý. Tuy nhiên, việc tổ chức các Ban Quản Trị, Ban Đọc Giảng, cũng như việc khuyến khích anh chị em đồng đạo dựng lên các ngôi Độc Giảng Đường vẫn được Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tiếp nối không ngừng .
    Bởi, sau giai đoạn bảo pháp, Giáo Hội chúng ta đang tiến tới thời kỳ phổ pháp! Có đem được cái vô thượng thậm thâm vi điệu pháp của Đức Giáo Chủ truyền phổ khắp chốn khắp nơi, dân tộc Việt Nam mới có thể tiến nhanh trên đường Văn Minh Đạo Học, và phương Nam mới sớm chuyển thành cõi Trung Ương hầu làm nơi tiếp nhận cái toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ trong cuộc gặp gỡ lớn, ở kỳ đại hội Long Hoa sắp tới .


    “Nước Việt Nam nhằm cõi Trung Ương
    Sau sẽ thấy Phật Tiên tại thế”.


    Trên đây là lịch sử của Độc Giảng Đường và Độc Giảng Viên. Do cơ duyên ứng hợp mà nó đã và đang tạo thành một hiện thân mới, một sinh lực mới trong nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo ngày nay.

    Bạch Diệp
     

    Các file đính kèm:

Chia sẻ trang này