NIỀM XÚC CẢM (Nhân kỹ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt) 25/2/ nhuần năm Đình Hợi - 25/2/ năm Nhâm Thìn Kính Chư đồng đạo, Đã vừa đúng 65 mùa Xuân buồn thảm trôi qua, biết bao lớp người trồi sụp thăng trầm, bể hóa cồn dâu đã mấy lần thay đổi, nhưng những vết tích lịch sử đau lòng vùng chiến khu Đồng Tháp năm nào vẫn không thể xóa nhòa trong nỗi nhớ thương da diết của hàng triệu tín đồ PGHH. Cứ mỗi lần đến tiết Xuân phân là mỗi lần tái hiện ánh hào quang rực rỡ của Đấng Cứu thế nhân từ và gợi lên trong chúng ta hình ảnh cao cả nhà trí sĩ, trí chí của phong trào giải phóng dân tộc. Đặc biệt nhất là phong thái điềm tĩnh, ung dung của nhà Ủy Viên Đặc Biệt/Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ, sẵn sàng chấp nhận chuyến đi phó hội đầy gian nguy mạo hiểm có dấu hiệu nguy cơ rất lớn, được tổ chức đơn sơ ngoại lệ trong đầm lầy hoang vu heo hút chỉ còn nghe được tiếng gió, tiếng chim. Bằng sự chuẩn bị vỏn vẹn chỉ một chiếc ghe tam bảng đơn sơ nhỏ nhắn với đôi máy chèo bì bỏm nặng nề đưa nhà Ủy Viên Đặc Biệt cùng 4 phòng vệ trung thành tròng trành trên dòng nước Ba Răng trong buổi hoàng hôn ảm đạm, con thuyền định mệnh quyết xé màn đêm, vượt dòng nước lạnh, tranh thủ đến nơi đúng hẹn, một địa điểm đã chọn sẵn trên bờ kênh vắng lặng đầy ám khí nặng nề, và ở đấy mọi tai họa đã sẵn dành cho Năm thầy trò Ngài Ủy Viên Đặc Biệt. Đến nơi gần chín giờ đêm…Vừa ngồi vào bàn họp…một biến cố bất ngờ ập đến…bên ngoài 3 phòng vệ đã ngã quỵ, Đức Huỳnh Giáo Chủ vừa kịp thổi tắt ngọn đèn, sau cơn hỗn loạn. Từ đó, sự cố diễn biến thế nào không còn ai biết nữa! Chỉ còn một manh mối, có một phòng vệ sống sót chạy về trong đêm đưa bút tích của Đức Huỳnh Giáo Chủ gởi hai tướng lãnh PGHH là ông Trần Văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ. Đọc xong là thư khẩn của Đức Thầy đêm 16/4/1947, mọi người nhận ra sự kiện kinh hoàng trên, không ngoài vụ mưu sát bắt nguồn từ định kiến hẹp hòi, gây thảm họa nồi da kéo dài và lớn nhất lịch sử chống ngoại xâm. Tiếc thay sau vụ án Đốc Vàng Hạ kéo theo tiền đồ dân tộc và vận hội thống nhất kháng chiến suy sụp nghiêm trọng không thể vãng hồi, sự tranh thủ giành độc lập bị phân hóa và thắng lợi hãy còn xa, quân xâm lăng có thêm cơ hội giày đạp quê hương xứ sở và máu sẽ còn tiếp tục rơi đổ khắp miền Châu thổ một cách uổng oan! Cũng từ đấy, tín đồ PGHH thiếu vắng sự đùm bọc dắt dìu của đấng Giáo Chủ kính yêu. Non sông đành chia tay một trang hào kiệt trẻ trung, đởm lược. Nhà chí sĩ ái quốc không còn cơ hội “Đem sức ra nâng lá Quốc kỳ”, trong cơn sơn hà nguy biến, tạm cởi chiến bào, gác kiếm tùng nhung, ngầm ngùi bước vào cơ qui ẩn để lại vô vàn tiếc thương cho hàng triệu con tim và lịch sử nước nhà ghi thêm một trang bi sử đầy hối tiếc! Thưa quí đồng đạo! Hôm nay kỹ niệm ngày Đức Thầy vắng mặt lần thứ 65 trước hoàn cảnh lịch sử trớ trêu, hiện tình Tôn Giáo còn nhiều trắc trở, lòng người ngờ vực chưa nguôi, lại vướng phải cái “Gút” lịch sử đau thương khó mở. Nhưng với tinh thần ưu Sư ái Đạo, bằng tất lòng ngưỡng vọng chân thành toàn thể chúng ta thành khẩn nguyện cầu Ngọc thể Đức Chơn sư luôn được mạnh lành để sớm trở về hoàn thành sứ mạng thiêng liêng mà Đức Ngọc Đế đã “ban tứ sắc phong”. Cũng trong tinh thần long trọng hôm nay chúng ta kính dâng lên Đức Thầy kính yêu một niềm tin tuyệt đối vững bền, một lời nguyện sắc son kiên trinh “Giữ đạo Chờ Thầy” và quyết cống hiến: “Xác thân này dâng Thầy tùy ý; Hồn nguyện theo với Phật trọn tình”. Kính mong ơn trên Đức Thầy cùng chư vị Phật Thần từ bi chứng giám. Thưa đồng đạo! Chúng ta khát khao long trọng kỹ niệm ngày 25/2 lần này cũng như bao nhiêu lần trước, không nhằm khiêu gợi quá khứ đau thương, hoặc hằng sâu vết thù dĩ vãng hay cực đoan thách thức điều gì. Cái mà chúng ta trân trọng thiết tha chính là làm bổn phận Tôn Vinh Thánh danh Đức Giáo Chủ kính yêu và thể hiện tinh thần sắc son trung hậu cho trọn Đạo làm trò. Đã trải bấy thời gian, trong chúng ta còn ai chẳng hiểu: Đức Thầy chúng ta là Phật, là Tiên, là Thánh, là Thần và là triết Gia thời đại. Đức độ của Ngài là hiện thân của “Ngũ Chi Hiệp Nhứt” trong nền “Tam Giáo Qui Nguyên” đã được thọ ký sắc phong lâm phàm thừa lệnh. Thế thì đối với những chướng duyên, ngoại phạm trong cỏi vô thường ngũ trược này làm sao tổn hại được thánh thể và trí tuệ của đấng siêu phàm ví như vừng mây nhứt thời khuất che nhật nguyệt., Ngài đã từng khẳng định: “Thế gian hiếm kẻ thánh tài Ra đời phải chịu dài ngày gian nan” Hoặc trong bài “Sa đéc” có câu: “Cơn dông tố mịt mù bụi cát Chẳng nao lòng của đấng từ bi Vì Thiên đình chưa mở hội thi Nên lão phải phiêu lưu độ chúng” Nói về oan khúc lịch sử, thì dân tộc nào lại chẳng xảy ra, đó là công lệ dân gian thường tình, do hỗn loạn can qua, do nhân tình thế thái, do ngoại thù chi phối…và có cả do mệnh Trời thử thách. Chỉ đáng thương hại cho kẻ cuồng ngông gây nên thảm kịch. Lịch sử “đỏ” hay “đen” rồi cũng đi qua, chỉ để lại cho ta bài học: đúng sai, thiện ác, chánh tà. Quan trọng nhất là hiện tại chúng ta cần phải biết rút kinh nghiệm từ bài học lịch sử, và cách hóa giải của lớp hậu duệ truyền thừa, có nhìn nhận quá khứ theo tinh thần:“oan gia nên giải không nên kết” cho xứng danh giản bối thông minh cầu tiến có trách nhiệm với tiền nhân buổi trước, mà tìm cách khép dần cánh cửa quá khứ hay không? Hiện tình, thế giới không cho phép chúng ta nấn ná dần dà kéo dài bất ổn, trước cơn khủng hoảng toàn cầu và đất nước cũng đứng trước nhiều thử thách cam go. Nếu một kế sách hóa giải muộn màng sẽ không có kết quả như mong muốn, sự bất ổn tín ngưỡng kéo dài là mối lo lớn cho nhà hoạch định quốc gia, nhà quản lý Tôn Giáo cần xóa ngay định kiến ngờ vực cả nghĩ, hoặc những toan tính phòng ngừa không cần thiết, nhất là đừng can thiệp sâu quá mức cho phép. Đừng để tình hình nhạy cảm đi đến bế tắt, chân lý không phải luôn luôn đứng về một phía. Một giải pháp ôn hòa thích ứng cần xuấn hiện đột phá để thoát khỏi tình trạng phực tạp và căng thẳng như hiện nay, sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình đất nước hội nhập toàn diện và bình ổn tôn giáo lâu dài. Thưa quí đồng đạo! Nương theo tinh thần kỷ niệm 25/2 năm nay, tuy hoàn cảnh tổ chức còn nằm trong gang tất của thảm hoạ chực chờ. Nhưng chúng ta vẫn lạc quan tin rằng đất nước không thể “…đi ngược trào lưu mới, kinh tế không bước thối thời kỳ”. Tinh thần PGHH và tinh thần dân tộc luôn tồn tại là một thực thể thống nhất. Giáo lý PGHH sẽ rạng ngời khắp năm châu bốn bể, công bằng và nhân đạo sẽ tràn ngập non sông và ngày huy hoàng chào đón Đức Huỳnh Giáo Chủ trở gót không xa, khổ khó càng gắt gay nghiệt ngã thì phần thưởng càng cao quí vinh quang. Để dứt phần xúc cảm, xin kính chúc chư đồng môn hiện hữu luôn vui khỏe, bình tỉnh sáng suốt, vững vàng đức tin kiên trinh, dũng mãnh, sẵn sàng nêu cao tinh thần giữ Đạo chờ Thầy dâng trào như sóng bủa, kiên nhẫn chờ đợi ngày trùng phùng Sư đệ nâng chén Quỳnh tương. Trân trọng kính chào. Kính, Tân Bình ngày 19/2 Nhâm Thìn Nguyễn Châu Lang