NHÂN KỶ NIỆM 77 NĂM KHAI ĐẠO - NGƯỜI TÍN ĐỒ PGHH SUY NGHĨ GÌ VỀ TÍNH TƯƠNG THÍCH GIỮA DANH VÀ THỰC TRONG NỘI HÀM DANH XƯNG “PGHH” Cho đến nay, sau 77 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo nội sinh Phật giáo Hòa Hảo, mỗi khi nhắc đến tên gọi của Đạo giáo này thì hầu như không ai là không biết ngay ở danh xưng Phật Giáo Hòa Hảo vừa mang tính đặc thù của nền tảng giáo pháp và cũng chỉ ra được căn gốc phát sinh ra nền giáo pháp tuyệt vời ấy. Nói rõ hơn là ngay từ danh xưng, Phật Giáo Hòa Hảo như là một bản căn cước hội đủ các yếu tố pháp lý thể hiện được tính tương thích giữa danh và thực… Theo Địa chí Tỉnh Angiang, nếu tính theo địa giới hành chính năm 1836, ba Tổng: An Lương, An Thành và An Lạc thì làng Hòa Hảo, làng Phú An, làng Phú Lâm thuộc Tổng An Lạc. Đến năm 1876 địa bàn Phú Tân ngày nay thuộc hạt Châu Đốc; từ năm 1899 bao gồm 5 xã của quận Châu Thành và 4 xã của quận Tân Châu. Năm 1956, tỉnh Angiang được thành lập thì Phú Tân ngày nay gồm 9 xã thuộc quận Châu Phú và Tân Châu tỉnh Angiang: * Châu Phú có 5 xã của Tổng An Lương: Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Hòa Lạc, Hưng Nhơn và Tổng Châu Phú( Châu Giang) * Tân Châu 4 xã của Tổng An Lạc: Hòa Hảo, Phú An, Phú Lâm và Tổng An Thành (Long Sơn) Do thay đổi tên và địa giới tỉnh, từ giữa năm 1951, địa bàn Phú Tân thuộc quận Tân Châu tỉnh Long Châu Sa. Tháng 10 năm 1954 thuộc tỉnh Châu Đốc và từ giữa năm 1957 thuộc tỉnh Angiang. Cuối năm 1967 “Vùng O” của tỉnh ra đời là tiền thân của Huyện Phú Tân sau này, địa bàn gồm một số xã của liên huyện Tân Châu - An Phú - Châu Phú… Tháng 12 năm 1968, Tỉnh Ủy quyết định thành lập huyện Phú Tân gồm 8 xã của 2 huyện; Tân Châu 4 xã (Long Sơn, Phú Lâm, Phú An, Hòa Hảo) và Châu Phú 4 xã (Hòa Lạc, Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Hưng Nhơn) thuộc tỉnh Angiang. Tháng 2 năm 1976 căn cứ Nghị Quyết của Bộ Chánh Trị và Nghị Định của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, Huyện Phú Tân thuộc tỉnh Angiang gồm 9 xã: Long Sơn, Phú Lâm, Phú An, Hòa Hảo, Hiệp Xương, Hưng Nhơn, Hòa Lạc, Châu Giang, Bình Thạnh Đông và Thị Trấn Mỹ Lương… Ngày 23 tháng 8 năm 1980, đổi tên xã Hòa Hảo thành xã Tân Hòa, xã Châu Giang thành xã Phú Hiệp, xã Hưng Nhơn thành xã Phú Hưng và Thị Trấn Mỹ Lương thành xã Phú Mỹ theo quyết định 125/CP của Hội Đồng Chính Phủ, nhà nước Cộng sản Việt Nam. Theo nhận định của Pascal Buordeaux thì: “Hòa Hảo cho đến đầu thế kỷ XX, là một ngôi làng yên tỉnh thuộc tổng An Lạc, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, cái tên hiền lành của nó gợi nên “sự hài hòa hết mực”. Vị trí địa lý cũng như những điều kiện thủy văn và thổ nhưỡng của địa phương (vùng đất cao, ít phèn, ít lụt lội) cắt nghĩa sự tụ cư lâu đời và thịnh vượng của nó so với khu vực. Ngôi làng không chỉ được bao quanh bởi hai nhánh sông Mê Kông mà còn bởi một dòng hợp lưu tự nhiên của chúng là con sông Vàm Nao. Chiếm cứ tận cùng của một doi đất, ngôi làng hướng mặt về phía đất liền của doi đất này, hoàn toàn mở ra về phía Đồng Tháp Mười, Hậu Giang và Huyện Chợ Mới (tỉnh Long Xuyên) ở phía đối diện với nó” Cũng với những nghiên cứu của các nhà Sưu tầm; Làng Hòa Hảo chẳng những hiện diện từ năm 1836 mà còn ngay những năm xa xưa 1491-1585 Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đoán định trước vùng đất này với sứ mạng lịch sử là chuyển hóa và xây dựng một nền tảng đạo đức trong một giai đoạn suy đồi bệ rạc của hầu hết các giá trị đạo đức và văn hóa: Bắc hữu kim thành tráng Nam tạc ngọc bích thành Hòa thôn đa khuyển phệ (1) Mục giả dục nhân canh… Phương Bắc thành vàng mạnh Phía Nam tợ ngọc thành Làng Hòa nhiều chó sủa Có người đi khuyến nông… Như một định mệnh, làng Hòa Hảo chẳng những nổi tiếng ở Việt Nam mà ngày nay đã vươn vai đến tận bốn biển năm châu! Nhưng đau đớn thay, nếu bây giờ có một ai đó đi khắp huyện Phú Tân cũng chẳng biết làng Hòa Hảo tọa lạc phương nào! Bởi vì nó đã bị xóa sổ ngay từ năm 1980 do Quyết Định số 125/CP của Hội Đồng Chính Phủ, nhà nước Cộng sản Việt Nam… Bất cứ một điều gì xảy ra, cũng đều có nguyên nhân của nó; việc ngôi làng Hòa Hảo không còn thực tướng trên địa bàn hành chánh của tỉnh Angiang, cũng có những căn cớ tế nhị của nó. Cho dù anh, dù chị có vô tư và khách quan đến cở nào, mà một khi đã đặt vấn đề còn mất của làng Hòa Hảo để xét nét, ắt không thể nào không có nhiều nghi vấn về nguyên nhân mất còn của ngôi làng hiền hòa này, khi mà ngay bản thân của nó đã cưu mang một nền Đạo mới từ những năm 1939: Phật Giáo Hòa Hảo... Lại càng khắc nghiệt hơn nữa, trong giai đoạn cả dân tộc Việt Nam không phân biệt đảng phái chính trị, tôn giáo, tất cả đều vùng lên giành lại chủ quyền độc lập, tự quyết của Tổ quốc thiêng liêng, thì chẳng may nhiều thảm cảnh đau thương, làm hao tổn rất nhiều máu xương đáng tiếc, đã xảy ra giữa tiền thân của chế độ đương quyền (Việt Minh) và Phật Giáo Hòa Hảo. Sau 1975, mặc dù có nhiều nguồn tin không chính thức, đến nay vẫn chưa được kiểm chứng; là Đảng Cộng Sản Việt Nam có kế hoạch xóa sổ Phật Giáo Hòa Hảo, nên trước hết là xóa bỏ tên làng, hầu cắt đứt ảnh hưởng vùng miền của Đạo giáo này; không hiểu là cộng đồng Phật Giáo Hòa Hảo có tin hay không, nhưng họ, những người nông dân hiền lành chân chất vẫn hàng ngày thể hiện sự đóng góp tích cực của mình, trong việc vực dậy nền kinh tế lúng túng, của thời kỳ mới tập tành xây dựng chính quyền non trẻ…những việc đúng sai hoặc là oan khuất sẽ được lịch sử ghi nhận một cách công minh mà từ ngàn xưa cho đến nay chưa ai có thể bẻ cong được ngòi bút của lịch sử mãi mãi được, có chăng là chỉ trong một nhất thời “thắng thế” nào đó mà thôi! Sau 24 năm gồng mình chịu đựng và không ngừng thể hiện những phẩm chất tốt đẹp từ một nguồn giáo pháp vị nhân sinh. Năm 1999, nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã cho Phật Giáo Hòa Hảo có tư cách pháp nhân hoạt động bình đẳng cùng các tổ chức Tôn giáo khác, qua việc hình thành một ban Đại Diện Toàn Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, do nhà nước chỉ đạo, đặt văn phòng làm việc tại An Hòa Tự (Chùa Thầy), để rồi sau đó nâng lên thành Ban Trị Sự Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo sau 5 năm hoạt động. Kể từ đó cho đến nay, tổ chức Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo không ngừng phát triển. Song song với sự phát triển ấy, Phật Giáo Hòa Hảo đã hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng vào các công tác Từ thiện Xã hội thiết thực nhất và luôn được Nhà nước Trung Ương ca ngợi và khen thưởng! Trong các ngày lễ lớn của Đạo, hàng triệu con người từ khắp mọi vùng đất nước đổ xô về Hòa Hảo để hành hương, tham quan và học tập. Trong các dịp Đại lễ nầy bất kỳ là ai, nếu được hỏi là anh chị đi về đâu thì mọi người sẽ vui vẻ trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: VỀ HÒA HẢO! Bẽ bàng thay, làng Hòa Hảo còn đâu nữa mà về! Gạt bỏ qua một bên những thương đau của quá khứ, bởi con người không ai có thể sống còn an lạc mà chỉ bám chặt vào quá khứ được, cho dù quá khứ ấy là những thương tổn hoặc vinh quang! Ngày nay, sau 41 năm nhà đương quyền đã đặt nền móng thể chế chính trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta, một phần nhỏ trong đại gia đình dân tộc, những người Cộng Sản hôm nay, cũng như những người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hiện thời có nên ôm giữ lấy những mắc mướu, những ân oán của thời cha ông mà tiếp tục nghi ngờ lẫn nhau, tiếp tục làm tổn thương cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chúng ta cũng không thể không biết rằng, đất nước chúng ta hiện đang có mối nguy của ngoại xâm và nội loạn! Ngoại xâm là các thế lực thù địch đủ mọi thành phần, nhất là từ người “láng giềng” anh em, đang có các hành động bành trướng vào chủ quyền biển đảo của chúng ta, cho đến tham vọng chiếm hữu toàn cầu của các nước mạnh về kinh tế, quân sự… Nội loạn là các hành vi tham nhũng đang diễn tiến ngày càng tinh vi và phức tạp của lợi ích phe nhóm; xã hội cũng đang suy xụp về đạo đức, tội phạm ngày càng trẻ hóa với hành vi tàn độc hơn… Nội hàm đại đoàn kết dân tộc phải được hiểu và thực hiện ngay bằng các động thái tích cực, chứ không phải chỉ là những hô hào ngoài cửa miệng của các khẩu hiệu tuyên truyền; chúng ta phải làm thế nào đó cho mọi người dân thấy được rằng đất nước của mình là một nơi đáng sống và hãnh diện sống! chứ không thể nào đứng trên quê hương mà lại trở thành người xa lạ. Nếu quá khứ đã có những vết thương đau thì mọi người chúng ta phải biết hàn gắn lại, phải biết làm lành nó đi; chứ không thể nào khoét thêm hoặc tạo ra các vết thương đau đớn khác! Chúng ta là dân tộc Việt Nam, là con cháu của các Vua Hùng, càng tạo ra thương đau bao nhiêu là chúng ta càng tạo ra thương tổn cho chính mình, cho Tổ quốc mình. Đại đoàn kết dân tộc là thêm bạn bớt thù, nếu cứ giữ mãi các thái độ nghi kỵ thù hằn hoặc gây thêm những đổ vỡ mới, thì coi chừng mình đang thêm thù bớt bạn! Việc nhà nước đương quyền, cho Phật Giáo Hòa Hảo cùng hoạt động bình đẳng với các tôn giáo khác, là một minh chứng vật thể hùng hồn nhất cho nền tảng giáo pháp nội sinh, hoàn toàn phù hợp với thời đại… nhưng nếu nhà nước đương quyền ngay cùng lúc, cho phục hồi luôn địa danh làng Hòa Hảo thì lại càng sáng suốt hơn, thể hiện được sự vỗ về, sâu đậm đối với đồng bào ruột thịt của mình. Vả lại, danh xưng Phật Giáo Hòa Hảo như đã nói là một tập hợp từ mang tính lịch sử bao gồm tính chất và địa dư…chính vì vậy mà tập hợp Phật Giáo Hòa Hảo bất khả phân ly cho dù sự chia cắt ấy nhằm vào địa dư hay tính chất! Thiết nghĩ, một ngày nào đó cộng đồng Phật Giáo Hòa Hảo được tổ chức đón nhận trở lại ĐỊA DANH LÀNG HÒA HẢO trên mảnh đất hiền hòa, chắc hẳn đó là một ngày thấm đẩm tình đoàn kết keo sơn giữa chính quyền và người dân có tín ngưỡng tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo. Mọi việc vẫn còn ở phía trước, nhưng lòng hoài vọng của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn càng lúc càng lớn mạnh, bằng chính vào sự cống hiến không biết mệt mỏi của mình… Việc còn lại là của những người cầm quyền hôm nay! Mong mỏi thay! Angiang, ngày 21 tháng 6 năm 2016 Cư sĩ Nguyễn Chánh Kỹ