NÓI VỚI NHAU "GIỮA NHỮNG NGƯỜI CON PHẬT" Kính Bạch: - Quý Chư Tôn Hòa Thượng. - Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. - Học Viện Phật Giáo Việt Nam Thành Phố Hồ Chí Minh. Là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH), cũng là một Phật tử trong gia đình Phật Giáo Việt Nam, tôi vô cùng bức xúc khi đọc xong bản luận văn tốt nghiệp của Tăng sinh Thích Thiện Huệ (thế danh là Nguyễn Văn Huệ). Đây là một quả bom nổ giữa trời quang. Vì từ ngày lập Đạo năm 1939 cho đến nay, chưa bao giờ nền Đạo và vị Giáo Chủ PGHH bị xúc phạm nặng nề như vậy. Và hiển nhiên, làn sóng căm phẫn đang tràn ngập buồng tim của hàng triệu tín đồ PGHH trên mọi miền đất nước và cả năm châu Thế Giới. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Xét về mặt Pháp chính, đây là một vụ án phạm Thánh bằng văn tự nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong lịch sử Tôn giáo Việt Nam. Nếu bản chất của tín đồ PGHH không hiếu hòa, không thấm nhuần tinh thần hòa hảo của Đức Thầy là: “Đạo Pháp thường hay dung với hòa Xét người cho tột, xét thân ta Nếu người rõ phận, vui lòng thứ Ta thứ được người, người thứ ta” thì sự việc sẽ ra sao? Vì trong tài liệu ở trang 53 Huệ đã nói tại dòng 25 là “PGHH tổ chức Thánh chiến liên tục”, và trang 31, dòng 20 và 21, Huệ viết “những người tín đồ Hòa Hảo đi theo bước chân Mohamad (là Giáo Chủ Đạo Hồi) dùng thanh gươm để truyền đạo”. Huệ đã mô tả PGHH như đạo Hồi là hiếu chiến và hiếu sát! Nếu PGHH là đạo Hồi thì số phận của Huệ đã giống như nhà văn Ấn Độ Salman Rushdie – Tác giả “Những vần thơ của Quỷ Satăng” – báng bổ Mohamad (Giáo chủ đạo Hồi) và bị Giáo chủ Iran là Ruhollah Khomeini ra lệnh cho tín đồ đạo Hồi truy nã tử hình, khiến nhà văn phải trốn chui lủi suốt 10 năm, sau nhờ Salman thú tội và qua vận động của nhiều tổ chức Quốc tế nên Giáo chủ Iran đã ân xá vào tháng 9 năm 1999. Những lời xúc xiểm “đại nghịch bất đạo” của Huệ tôi xin không nhắc lại, vì ở các bài phản biện khác đã có nhiều đồng đạo phân tích và đáp trả hết rồi. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đề cập đến 4 nội dung quan trọng của bản luận văn tốt nghiệp này: 1- PGHH không phải là Phật giáo mà là tôn giáo tạp pha (Luận văn tốt nghiệp, chương 3, trang 8 từ dòng 1 đến dòng 5). 2- Huệ đã cố ý tạo ra sự hiểu lầm, mâu thuẫn, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân khi cắt khúc Sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ nói về các vị sư để tạo ra hiệu ứng chống PGHH trong toàn thể các vị tăng sĩ Phật giáo rằng giáo lý PGHH bất kính sư tăng. 3- Lăng mạ, mạt sát đạo đức, trí tuệ và phẩm giá của Đức Huỳnh Giáo Chủ. 4- Huệ xuyên tạc và cho mình quyền phán xét như quan tòa trong vấn đề PGHH trước đây có thành lập quân đội. Từ đó biến tín đồ PGHH trở thành cuồng tín, hung hăng, tàn bạo và hiếu chiến, còn Đức Huỳnh Giáo Chủ lập Đảng và Quân đội là nuôi mộng tranh bá đồ vương. Và kết luận PGHH không phải là một Tôn giáo! Một là, PGHH có phải là tôn gíao đạo Phật hay không? Trong tuyên bố của Đức Huỳnh Giáo Chủ đăng trên báo Quần Chúng ngày 14 tháng 11 năm 1946 (trích Sấm giảng thi văn toàn bộ trang 428 dòng 2), “Đối với toàn thể tín đồ Phật giáo, tôi không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca…”. Như vậy đã rõ, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tự nhận mình là đệ tử của Phật thì lý gì Đạo của Ngài không phải là đạo Phật!(Tăng sinh Huệ cho rằng PGHH không phải là Phật giáo, mà là tôn giáo tạp pha – trang 27 dòng 7 và dòng 8). Hai là, PGHH và Giáo lý có chủ trương gì bất kính với các vị Tăng sĩ tu hành chơn chánh hay không? Tôi khẳng định hoàn toàn không mà còn ngược lại. Xin hãy xem phần đối đãi với các vị Tăng sư: “…Tất cả bổn đạo nên cung kính các Tăng sư tu hành chân chính. Nếu các ông ấy có dạy điều chánh lý, phải nghe lời. Đối với những hạng tu hành mà mình biết rõ là dối thế (như mấy ông Thầy đám), hãy tìm cách khuyên can các ông trở lại con đường chân chính của đạo Phật. Nếu các ông tiếp tục làm điều tà mị, mình phải bài trừ triệt để và giảng giải cho quần chúng cùng tín đồ nhà Phật hiểu và xa lánh họ”. Đối với chùa chiền, “Những ngày Vía của các Đức Phật ngày Rằm hay ba mươi mình muốn đi chùa cũng tốt đặng lễ Phật dâng hoa, không có cấm. Nếu chùa nào nghèo, hư, rách mà mình giúp đỡ được càng tốt (có điều mình không nên mua sắm thêm hình tượng cho nhiều). Khi đến chùa phải tôn trọng sự thờ phượng trong chùa, không được hủy báng” (Trích: NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRÁNH HẲN HOẶC NÊN LÀM – Trong quyển TÔN CHỈ HÀNH ĐẠO của Đức Huỳnh Giáo Chủ, do Ban Trị Sự TƯ/ PGHH và Ban PTGL ấn hành và NXB Tôn Giáo in năm 2004, từ dòng thứ 10 trang 61 đến dòng thứ 11 trang 62). Hơn nữa, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhiều lần tự nhận mình là một tăng sĩ Phật giáo, sao lại có thể chống lại chư tăng? Chẳng hạn, trích đoạn bài thơ tặng thi sĩ Việt Châu sau đây: “Đương cơn sóng dậy đất bằng Thi nhân đứng ngó để tăng sĩ làm Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha Đền xong nợ nước thù nhà Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô…” Qua các trích dẫn nêu trên, tưởng không cần nói thêm về danh xưng PGHH và PGHH có phải là Phật giáo hay không?! Còn việc phê phán các thầy cúng giả dạng nhà sư lừa gạt bá tánh là “ác tăng” hay “cây sơn”, tôi nghĩ rằng các vị cao tăng Trưởng lão và chư tôn Hòa thượng vì sự bảo tồn chánh pháp không ai mà chẳng đồng tình. Vì Đức Huỳnh Giáo Chủ đã rất rạch ròi. Bên cạnh sự tôn trọng tuyệt đối các vị sư tăng tu hành chơn chính, Ngài cũng kiên quyết dứt khoát bài trừ những tệ nạn của một số cá nhân làm hoen ố cửa Thiền môn. Vì vậy tăng sinh Nguyễn Văn Huệ không thể qua đây mà vu giá rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ đã phê phán toàn thể tăng đồ, gây chia rẽ mất đoàn kết tôn giáo, gây chia rẽ giữa những người con Phật cùng thờ phụng và kính tín Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là đấng Từ Phụ chung. Chương cuối cùng của luận văn tốt nghiệp là chương IV với tựa đề “Những thức tỉnh phi tôn giáo luôn tồn tại và được phát huy mạnh mẽ trong đạo Hòa Hảo” (trang 50 đến trang 53, gồm 2 mục nhỏ và 6 tiểu mục), nội dung tăng sinh Huệ cho rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ lập Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội và Quân đội là nuôi tham vọng xưng vương xưng bá, và như thế PGHH không phải là Tôn giáo. Vậy sự thật ra sao? Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ TƯ và cụ Phạm Thiều đại diện cho mặt trận Việt Minh ở Nam Bộ mời Đức Huỳnh Giáo Chủ tham chánh để cùng chung lo cứu nước trước họa ngoại xâm. Sau đây là trích một bài thơ của cụ Phạm Thiều: …“Chẳng áo cà sa, chẳng chiến bào Về đây tham chánh mới là cao Non sông chờ đợi người Minh Triết Chớ để danh thơm chỉ Võ Hầu”… Sau đó Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhận lời tham gia Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ với chức danh khiêm tốn là Ủy viên đặc biệt. Khi các báo đưa tin rầm rộ thì có nhiều luồng dư luận khác nhau. Vì vậy, ngày 14 tháng 11 năm 1946, Ngài đã cho đăng bài “Vì sao tôi tham chánh?” để trả lời dư luận. Tôi xin trích đoạn chính nêu ý nghĩa cụ thể như sau: “…Hôm nay nhận rõ cuộc tranh đấu cho Tổ quốc còn dài và cần nhiều nổ lực, hưởng ứng tiếng gọi đại đoàn kết của Chính phủ TƯ, tôi quyết định tham gia hành chánh với những mục đích này: 1/ Để tỏ cho quốc dân và Chánh phủ thấy rằng chúng tôi chủ trương thống nhất lãnh thổ và độc lập quốc gia. 2/ Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc hầu mau đem đến thắng lợi cuối cùng. 3/ Để tỏ cho các Đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có tham vọng cao sang vương bá, hay vì hiềm riêng mà hờ hững bổn phận cứu quốc. Biểu lộ tấm lòng thành thật ấy, tôi chỉ nhận một nhiệm vụ cần thiết hợp với hoàn cảnh và năng lực của mình cố gắng dàn xếp về hành chánh và quân sự để tăng cường lực lượng của quốc gia. Đối với toàn thể tín đồ phật giáo tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của đức Phật Thích Ca. Tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở Thiền Lâm mà còn phải được áp dụng trên trường chính trị…”. (Trích Đức Huỳnh Giáo Chủ tuyên bố trang 427 từ dòng 26 đến trang 428 từ dòng 1 đến dòng 5 – Sấm giảng Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ). Sau đó, ngày 29 tháng 11 năm 1946, ký giả Hồn Quyên báo Nam Kỳ ở Sài Gòn vào chiến khu phỏng vấn Đức Huỳnh Giáo Chủ. Trích: “ Vấn: Như vậy xin Ông cho biết lý tưởng chính trị của Ông có liên quan với giáo lý nhà Phật không? Đáp: Theo sự nhận xét của tôi về giáo lý nhà Phật do nơi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng lấy chủ nghĩa từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nòng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng vì những câu “ nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh”. Đã có sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với Chư Phật được. Nếu trong cõi nhơn gian này còn có chúng sanh tiên tiến áp bức chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo lý chơn chánh ấy. Giáo lý đó Đức Thích Ca Mâu Ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã hội của Ấn Độ xưa không thuận tiện. Thế nên Ngài chỉ phát dương cái tinh thần đó mà thôi. Ngày nay trình độ tiến hóa của nhơn loại đã tới một mức khả quan, đồng thời với tiến bộ khoa học thì ta có thể thực hành giáo lý ấy để thực hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo. Thế nên với tâm hồn từ bi bác ái mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại”. (Trích bài Ông Hồn Quyên ở Sài Gòn vào chiến khu phỏng vấn Đức Huỳnh Giáo Chủ trang 428 đến trang 430). Như vậy, mục tiêu tham chính của Đức Huỳnh Giáo Chủ đã công khai rõ ràng quang minh chính đại – là ủng hộ Chính phủ TƯ đánh đuổi xâm lăng và mưu cầu độc lập cho dân tộc. Việc tăng sinh Huệ nói Đức Huỳnh Giáo Chủ tranh bá đồ vương là hoàn toàn sai sự thật! Có thể do thiếu thông tin và tài liệu tham khảo chăng?! Còn việc thành lập quân đội ban đầu cũng do yêu cầu khách quan của lịch sử và cũng do lệnh từ TƯ thành lập Vệ quốc đoàn từ các đoàn thể địa phương, để giữ gìn an ninh và chống giặc. Vì sau khi Nhật đảo chánh Pháp đã tạo ra một khoảng trống quyền lực, các thôn xóm thiếu bộ máy chính quyền nên trộm cướp nổi lên khắp nơi. Cộng với việc quân Đồng Minh tràn vào Đông Dương để mượn cớ giải giới quân Nhật nhưng Anh, Pháp và Tàu Tưởng đều âm mưu cướp nước ta lần nữa. Chính vì thế, không riêng PGHH thành lập quân đội mà cả Cao Đài, Thiên Chúa Giáo cũng đều có quân đội riêng. Nếu PGHH có các Tướng Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên, Lê Quang Vinh, thì Cao Đài có Tướng Trình Minh Thế, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Văn Thành, Văn Thành Cao, còn Thiên chúa giáo thì có Đức giám mục Lê Hữu Từ tổng chỉ huy lực lượng Công giáo tự vệ Bùi Chu Phát Diệm và Cha phó là linh mục Hoàng Quỳnh và linh mục Nguyễn Lạc Hóa tư lệnh chiến khu Hải Yến ở Cà Mau; Sau này khi Tổng thống Ngô Đình Diệm về chấp chính thì lực lượng Công giáo tự vệ Bùi Chu Phát Diệm là nòng cốt ủng hộ Chính phủ Cộng Hòa. Riêng hai lực lượng vũ trang Hòa Hảo và Cao Đài bị chế độ Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp. Tướng Trình Minh Thế bị ám sát tại cầu Khánh Hội, và tướng Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt) phải lên đoạn đầu đài tại tỉnh Cần Thơ. Sau đó, lực lượng quân sự Hòa Hảo đã tan rã. Đó là quá khứ đau thương của một thời Việt Nam máu lửa. Huệ nhắc lại làm gì! Tại sao Huệ là con Phật mà không mở “Tứ Vô Lượng Tâm” mà Đức Phật đã dạy để cảm thông cho những người anh em PGHH cùng trong gia đình nhà Phật với nhau rằng – hằng triệu tín đồ nông dân PGHH từ năm 1975 đến nay vẫn đang ngày đêm một nắng hai sương cần cù lao động trên những cánh đồng chói chang nắng gió, làm ra hạt gạo dẻo thơm để góp phần cho Việt Nam ta tự hào là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới! Là những tín đồ nông dân đã xóa nhiều cầu khỉ, nâng cấp đường xá nông thôn, lập nhiều bếp ăn từ thiện nơi bệnh viện, tham gia nhiều hoạt động xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình thương tình nghĩa, cứu trợ nạn nhân bão lụt Miền Tây, Miền Trung… giúp trẻ mồ côi, người già neo đơn…Đó là về mặt Xã hội, còn về tâm linh, PGHH vẫn luôn ngày đêm phổ truyền Phật pháp, kêu gọi mọi người luôn tu thân hành thiện, bỏ dữ về lành. PGHH giờ đây đang đồng hành cùng dân tộc. Lẽ nào Huệ không chấp nhận khép lại quá khứ để hướng tới tương lai hay sao?! Như vậy, trong luận văn tốt nghiệp của Tăng sinh Huệ nói rằng: “Tôn giáo không được có quân đội. Nếu có quân đội thì không được coi là Tôn giáo mà chỉ là Đảng Chính trị”.Vậy Cao Đài và Thiên Chúa giáo thì Tăng sinh Huệ gọi là gì? Không phải là tôn giáo hay sao? Điểm lại quá khứ lịch sử, vào đời Tùy - Đường, chùa Thiếu Lâm ở Trung Quốc từ sự kiện “Thập côn tăng cứu giá Đường Vương” đã được vua Đường Lý Thế Dân cho thành lập đội tăng binh và cho huấn luyện võ tăng nên chùa Thiếu Lâm trở thành võ phái lừng danh thiên hạ đến tận ngày nay. Ai dám cho rằng Thiếu Lâm Tự không phải là Phật giáo vì hằng ngày luyện tập ngạnh công để sát thương người khác!(Hiện nay trên vách chùa Thiếu Lâm-Tung Sơn Trung Quốc còn bức bích họa ghi lại câu chuyện “Thập côn tăng cứu giá Đường vương” cuối đời nhà Tùy Trung Quốc). Xem ra lịch sử Phật giáo đã từng có quân đội lâu rồi! Ở Miền Bắc nước ta, vào những năm kháng chiến, việc các nhà sư trẻ rứt áo cà sa tòng quân tập thể là bình thường, Huệ có biết không? Trên thế giới, không ai lạ gì các cuộc Thập tự chinh của Thiên Chúa giáo thời xưa khắp cả Châu Âu. Và ngày nay tại Bắc Ailen, hằng ngày quân đội của Thiên Chúa giáo và quân đội của Tin Lành thường xuyên hành quân đụng độ tàn sát lẫn nhau hàng chục năm qua. Có ai bảo đó không phải là đạo Tin Lành và đạo Kitô? Qua các dẫn chứng trên đây, thiết nghĩ Tăng sinh Huệ nên sám hối về sự nông cạn ấu trĩ của mình đã xúc phạm đến đạo đức và phẩm giá của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Còn những từ “hung hăng”, “tàn bạo”, “cuồng tín”, Tăng sinh Huệ nên dùng cho cá nhân và có địa chỉ mà không nên dùng chung cho tất cả tín đồ PGHH làm cho hàng triệu con người phải phạm tội sân si! Cuối cùng, việc Tăng sinh Huệ mạ lỵ và mạt sát Đức Huỳnh Giáo Chủ chẳng khác việc “lấy tay che Trời”, “lấy thúng úp voi”! Người xưa có câu: “Điêu trùng ti tiểu tầm đồng đại; Thục khuyển thệ nhựt bất thất quang”. Vì đạo đức, trí tuệ và phẩm giá của Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng rực như vầng dương mọc giữa ban mai, làm sao có thể u tối bởi một chút mây mờ! Nếu chúng tôi ca tụng Thầy mình chẳng qua “mẹ hát con khen” hoặc “mèo khen mèo dài đuôi”, nên xin nhường lời đánh giá cho các vị thức giả bậc thầy của tăng sinh Huệ. Xin được phép giới thiệu và trích dẫn một vài vị tiêu biểu. Trong nước có TS.Phạm Bích Hợp và GSTS. Phan Quang. Ngoài nước có GSTS. Lê Hiếu Liêm – Viện trưởng Phật học viện Trúc Lâm Yên Tử tại California Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có GSTS.Phạm Cao Dương, GSTS.Doãn Quốc Sĩ, GSTS.Lê Mạnh Thác, GSTS.Phạm Công Thiện, Triết gia Kim Định và biết bao danh nhân khác... Với tựa đề “Đức Huỳnh Giáo Chủ - một triết gia Việt Nam”, GSTS. Phạm Công Thiện viết như sau: “Huỳnh Phú Sổ là một Triết gia Việt Nam”(The New Encyclopaedia Britannica - volume 6.Micropaedia.1987 page 18): “Có lẽ không ai không biết Đức Huỳnh Phú Sổ là Đức Giáo Chủ PGHH, nhưng ít ai biết rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một Triết gia Việt Nam. Chẳng những thế, không phải chỉ là Triết gia Việt Nam như bất cứ một Triết gia nào xứng đáng được gọi là Triết gia, mà Đức Huỳnh Giáo Chủ còn là một con người minh triết, một Thánh triết trong mọi ý nghĩa cao siêu nhất của danh từ! Khi tình cờ đọc một bộ từ điển bách khoa có thẩm quyền nhất thế giới-ENCYCLOPAEDIA BRITANNICA- dỡ qua cuốn 6 trang 181, tôi thấy tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Đức Huỳnh Giáo Chủ chiếm trên nửa cột chữ in nhỏ của trang giấy tự điển. Mấy hàng chữ đầu đã đập mạnh vào mắt tôi “…Huynh Phu So is a Vietnamese philosopher…”. Hiển nhiên mấy hàng chữ tiếp tục cũng xác định thêm rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là nhà cải cách Phật giáo và là nhà sáng lập PGHH. Nhưng chính điều xác định đầu tiên của ENCYCLOPAEDIA BRITANNICA đã làm tôi chú ý đặc biệt “ Huỳnh Phú Sổ là một Triết gia Việt Nam…”. Từ lâu tôi có thói quen nghĩ rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một thiên tài Tôn giáo dân tộc, là một Đại Bồ Tát trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, là tất cả những gì đáng tôn kính trong vị thế Giáo Chủ của một tôn giáo gồm nhiều triệu tín đồ ở Việt Nam. Nhưng tôi chưa nghĩ đến khía cạnh Triết gia của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Hiển nhiên tất cả mọi Giáo Chủ tôn giáo đều là Triết gia ở bình diện nào đó. Thế nhưng tất cả các Triết gia không thể là Giáo Chủ được nếu người ta hiểu được tính thể chân chính của triết lý …một nhà tôn giáo học không hẳn bị bắt buộc là một triết gia, và nhất là một nhà tu hành tôn giáo, và nhất là một Giáo Chủ tôn giáo lại không nhất thiết cần đến một triết lý nào cả, nhất là thứ triết lý kinh viện nhà trường. Tuy nhiên, nếu triết lý được hiểu là triết lý trong tất cả mọi ý nghĩa toàn diện của triết lý thì không ai có thể chạy thoát ra ngoài cái vòng tròn khủng khiếp của triết lý, dù triết lý được hiểu theo nghĩa Philosophia (nguyên chữ Hi Lạp là Philiasophia) hay được hiểu theo nguyên nghĩa minh triết của đạo lý Đông phương. Nếu được hiểu theo nghĩa nguyên vẹn toàn diện thì Đức Huỳnh Giáo Chủ đúng là một Triết gia Việt Nam vĩ đại. Vì Ngài nắm được những quy luật vận hành của triết lý Tây phương lẫn Đông phương nên chính Ngài là người có khả năng trả lời câu hỏi có tính quyết định tính mệnh của Đông phương và toàn nhân loại…”. (GSTS.Phạm Công Thiện được xem là một thần đồng Việt Nam. Lúc 16 tuổi ông đã viết và xuất bản cuốn “Anh ngữ tính âm từ điển”. Ngoài ra ông cũng đã viết “Lịch sử văn học Thế giới”, “Lịch sử văn học Anh quốc”. Trước kia, ông là Khoa Trưởng phân khoa Nhân văn tại Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn; Giáo Sư Triết Học Tây Phương tại Đại học Toulons ở Pháp. Hiện tại, ông đang giảng dạy tại Đại học Phật giáo Los Angeles. Ông còn là bạn thân của nhiều học giả thế giới, trong đó có Henry Miller – Hoa Kỳ. Là tác giả của nhiều sách Triết học xuất bản tại Sài Gòn trước 1975 như “Hố thẳm tư tưởng”, “Ngàn mặt trời đồng bay lên một lượt”…) Riêng ở Việt Nam, cho đến nay có nhiều công trình, tác phẩm viết về Đức Huỳnh Giáo Chủ và Phật Giáo Hòa Hảo. Do giới hạn của bài này nên tôi chỉ xin nêu điển hình một vài trường hợp. Đầu tiên là GSTS. Phan Quang- nguyên Tổng Giám Đốc đài Tiếng Nói Việt Nam, nguyên Chủ Tịch Hội Nhà Báo Việt Nam. Trong tác Phẩm “Đồng Bằng Sông Cửu Long” NXB Mũi Cà Mau và Đồng Nai xuất bản năm 1994, tác giả đã dành ngót 56 trang để viết thật trung thực khách quan về PGHH trong một chương có tựa đề “Ở một vùng trái ngược”. Trong những năm mà những quan điểm trái chiều còn phổ cập, sự cởi mở bao dung chưa được như bây giờ thì những nhận định và phê phán của Tác giả Phan Quang đối với PGHH là rất khách quan và vô cùng quý giá! Tôi còn nhớ một câu rất hay và rất quan trọng, thể hiện cái tâm của người cầm bút chính luận. Tác giả viết “…Trước đây lúc còn chiến tranh, do yêu cầu chiến thắng kẻ thù, chúng ta có thể nói thế này thế khác. Nhưng ngày nay đất nước hòa bình, hãy trả lại sự khách quan lịch sử đúng vị trí của nó, như “Vì sao một thanh niên hai mươi tuổi đời lại trở thành Giáo Chủ có hàng triệu tín đồ trong thời gian ngắn?”. Một nhân vật quan trọng khác là Tiến sĩ Phạm Bích Hợp, một người con của Đồng Bằng Bắc Bộ. Trong một công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước mang tên “Người Nam Bộ và Tôn Giáo Bản Địa (Bửu Sơn Kỳ Hương – Cao Đài – Hòa Hảo)” đã được NXB Tôn Giáo in năm 2007, phát hành rộng rãi khắp nước. Tác giả đã dành hơn 90 trang sách từ trang 91 đến trang 177 để tuyên dương công đức của Đức Huỳnh Giáo Chủ và ca tụng giáo lý PGHH. Hơn thế nữa, tác giả đã dành ngót 10 trang (từ trang 117 đến trang 127) để minh thị rằng chính Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tiếp nối và làm sống dậy dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử (một quốc đạo của Việt Nam thời Lý- Trần). Xin được trích nguyên văn: “…Có thể nói rằng, trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ Lý-Trần là thời đại hòang kim của chế độ phong kiến tự chủ. Cùng với thắng lợi vĩ đại qua 3 lần đánh bại quân Nguyên, là sự ra đời của chữ Nôm, sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là về Phật giáo, trong đó Thiền tông hết sức thịnh đạt. Cũng trong giai đoạn này, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời, tiếp nối phái Thiền Thảo Đường từ thời Lý và do chính vua Trần Nhân Tông (1279-1293) làm đệ nhất Tổ. Các thiền sư phần lớn là cư sĩ, đó là dòng thiền nhập thế, đáp ứng đời sống tâm linh của những người tại gia còn đang phải gánh vác công việc của đất nước. Trong “Thiền Uyển Tập Anh” cũng có ghi: “số khá đông Thiền sư Việt Nam thời nay đã có những cống hiến vào việc nước, nhiều người còn giữ chức quan tại triều đình”. Không phải chỉ có quan mà còn có cả vua, và không chỉ một vua mà còn có nhiều vua tham thiền và am hiểu Phật học. Phật giáo lúc đó là một nền phật giáo nhập thế, quan hệ mật thiết với chính trị, phong hóa và xã hội. Ngay vị đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm là vua Trần Nhân Tông, sau khi nhường ngôi cho con để đi tu, ông đã chọn núi Yên Tử để tọa thiền, phần thì đây là đất linh, nhưng mặt khác là do vì vị trí quan trọng giáp với biên giới Trung Quốc của ngọn núi này. Ông cũng thường đi vân du giáo hóa cho nhân dân, vì muốn xây dựng một xã hội có luân lý, nề nếp theo Đạo Phật, nhưng đồng thời cũng là để góp phần vào việc củng cố triều đại và chế độ bằng những công tác hành đạo tích cực trong quần chúng. Phải chăng, chính tư tưởng của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã là chỗ dựa tinh thần cho cuộc chiến thắng quân Nguyên của người Việt vào thế kỷ 13? Nhưng rõ ràng đạo pháp chân truyền nhà Phật đã giúp các vị như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông…giác ngộ vàvận dụng tư tưởng thiền vào việc kinh bang, tế thế của đất nước, để giữ nước, dựng nước và mở mang đất nước…”. “…Chính trong tinh thần nhân bản như trên, các thiền sư phái Trúc Lâm Yên Tử đã “hòa quang đồng trần”, sống giữa lòng thế tục, khi cần thì “cởi áo cà sa khoác chiến bào” đánh giặc giành độc lập cho đất nước, chiêu tập dân sĩ khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi, sống hết lòng với cộng đồng, dân tộc, nhưng các vị cũng đã không ngừng trao dồi đạo nghiệp trong suốt cuộc đời của mình. Sau gần 600 năm, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở Miền Tây Nam Bộ đã khơi dậy dòng thiền mới ở Nam Bộ, mà đứng đầu là Ngài Đoàn Minh Huyên. Tiếp nối tư tưởng của “Cư Trần lạc đạo” nêu trên, nhưng đã được ông bình dân hóa cho phù hợp căn cơ của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Với tôn chỉ: “Học Phật Tu Nhân – làm trọn Tứ Ân”, ông truyền dạy giáo lý, đồng thời khai hoang mở đất, rồi khi Pháp xâm lược, đệ tử của ông đã tổ chức kháng chiến và hy sinh anh dũng như Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành…Trầm xuống một thời gian, tới 1939, khi Phật Giáo Hòa Hảo ra đời, thì phái Thiền này thực sự được phục sinh với một vị hết sức tiêu biểu là Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ…”. “…Thiền phái Trúc Lâm có một ngôi sao sáng là Tuệ Trung Thượng Sĩ, người thầy của Đệ nhất Tổ - Trần Nhân Tông, người đã có ảnh hưởng tới hầu hết các thiền sư đời Trần, lại có một sự tương đồng đặc biệt về tư tưởng với Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, sống cách ông hơn 700 năm..”. “…Dưới sự lãnh đạo của Ngài Đoàn Minh Huyên rồi Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, với pháp môn Thiền Tịnh đồng tu, Bửu Sơn Kỳ Hương rồi Phật Giáo Hòa Hảo đã trở thành một lực lượng đáng kể trong công cuộc khai hoang mở đất, đánh đuổi ngoại xâm và xây dựng đất nước ở Miền Tây Nam Bộ trên một thế kỷ lại đây…”. “…Dù gì, những đóng góp của Thiền phái Trúc Lâm và Thiền phái Bửu Sơn Kỳ Hương – Phật Giáo Hòa Hảo vào tư tưởng và văn hóa dân tộc là rất đáng trân trọng. Việc tìm hiểu với thái độ nghiêm túc và khoa học có thể giúp ta vận dụng các giá trị mà cha ông đã trãi nghiệm vào cuộc sống hiện nay, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục con người…”. Riêng tại Hoa Kỳ, những nhà nghiên cứu có tên tuổi như GSTS.Phạm Cao Dương, GSTS. Lê Mạnh Thát, GSTS.Doãn Quốc Sĩ, Triết gia Kim Định, Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu, GS.Trần Nguyên Bình đều có công trình nghiên cứu về Đức Huỳnh Giáo Chủ và PGHH rất khách quan, giá trị. Riêng GSTS.Lê Hiếu Liêm-Viện trưởng viện Phật học Trúc Lâm Yên Tử tại California Hoa Kỳ đã viết hẳn một cuốn sách tựa đề “Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ”. Chỉ với tựa đề, tôi nghĩ rằng không cần phải trích dẫn nội dung thêm nữa, vì toàn bộ tác phẩm là những nghiên cứu khoa học khách quan, và cuối cùng là sự tôn vinh ca ngợi đạo đức lẫn trí tuệ minh triết siêu phàm của vị đại Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ. Tăng sinh Huệ à, do bài viết quá dài, sợ làm mệt người đọc nên tôi không thể trích dẫn hết các tài liệu, sách báo trong và ngoài nước đã tôn vinh đạo đức, trí tuệ và phẩm giá của Đức Thầy chúng tôi - Vị Tôn sư mà hàng triệu tín đồ PGHH luôn tôn kính như đã tôn kính Đức Phật vậy. Vì vậy chúng tôi tuyệt đối không cho phép bất kỳ ai xúc phạm đến tình cảm tín ngưỡng thiêng liêng này. Qua sự chứng minh một số trích dẫn của các nhà trí thức thế tục, trong ấy có những vị từng là Thầy bề trên của Huệ như các quý Thầy Phạm Công Thiện, Doãn Quốc Sĩ, Lê Mạnh Thát đã dạy tại Đại Học Vạn Hạnh (tiền thân của Học Viện Phật Giáo ngày nay – từ lúc Huệ còn chưa sinh ra). Huệ có lẽ đã nhận ra sự vô minh, sân nộ, mê si và bản ngã của mình còn vướng nhiều ác nghiệp, giờ chính là lúc cần lắng nghe tiếng nói của bậc tôn túc trưởng lão đạo cao đức cả chốn Thiền môn là Thầy Đại Hòa Thượng Thích Thanh Từ và Hòa Thượng Thích Trí Quãng đương kim Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam hiện nay để biết pháp âm của hai Ngài khi nói về PGHH và Đức Huỳnh Giáo Chủ chứa chan tình đạo biết bao nhiêu. (Nếu Huệ cần, tôi cung cấp đĩa). Phần kết luận trong luận văn tốt nghiệp, Tăng sinh Huệ đã viết tại trang 57 dòng 26: “Huy động tầng lớp nông dân ít học vào hoạt động chính trị của ông nên Đạo giáo này cũng được gọi là Đạo của người ít học”. Đoạn này Tăng sinh Huệ nói đúng quá! Vì dưới sự đàn áp của thực dân đế quốc, người nông dân ta phải chịu ách “một cổ hai tròng” thì lấy gì để được ăn học! Còn kẻ có bằng cấp Tú tài, Cử nhân thì đa số đi làm Thầy Thông, Thầy Ký, Tham Biện Chánh Tòa, nên Đức Huỳnh Giáo Chủ đã cực lực lên án lũ trí thức theo Tây: “…Học hay lợi dụng tiền tài Lên quan xuống huyện ăn xài lả lê Gặp ai đói rách cười chê Miệng kia hễ mở chưởi thề vang rân…”Và Ngài đã: “Lấy cái cấp bằng ném xuống sông Thôi thôi tôi cũng mét-xì ông Tuồng đời gẫm lại “nơ quô rẻn” Xăng phú ba manh trở lại đồng”. Do 90% dân Việt Nam lúc ấy dốt nát mù chữ nên khi tuyên bố độc lập xong, Chính Phủ TƯ đã mở chiến dịch chống giặc dốt. Và Tăng sinh Huệ cũng nên nhớ rằng số bần nông dốt nát ít học chính là thành phần cơ bản của liên minh công nông để làm nên cuộc cách mạng Việt Nam lúc ấy đấy! Tăng sinh Huệ nói PGHH là Đạo của người ít học cũng không sai, vì Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ học đến bậc tiểu học thì nghỉ học do bệnh tật liên miên. Nói nghe có vẻ Tăng sinh Huệ có bằng Cử nhân nên sinh tăng thượng mạn mà khi dễ mấy triệu nông dân Hòa Hảo là đồ dốt nát chứ gì! Nào có sao đâu, vì Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nói: “…Đức Lục Tổ ít ai dám sánh Người dốt mà nói Pháp quá rành Lựa làm chi cao chữ học hành…” Nghe chuyện Pháp Bửu Đàn Kinh kể rằng: “Khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn gọi Huệ Năng vào phòng lúc canh ba đã nói rằng: Nhà ngươi là dân man di ngu dốt ở đất Lĩnh Nam, sao có thể kế thừa ngôi Tổ? Huệ Năng thưa: Phật tính vốn không có Bắc Nam, quí tiện. Ngũ Tổ nghe vậy liền truyền y bát và dạy đi ngay trong đêm, vì sợ Thần Tú hay tin sẽ đuổi theo giành y bát. Như vậy, xem ra việc ít học cũng không trở ngại cho việc thành Phật và cũng không có gì xấu hổ cả Tăng sinh Huệ à! Nhưng đó là việc của 73 năm về trước. Vì Tăng sinh Huệ còn trẻ nên không biết là đến thập niên 70, PGHH đã có trường đại học và nhiều trường trung học ở các tỉnh Miền Tây, nên tôn giáo nông dân này cũng đã đào tạo được một thế hệ trẻ có học hơn hẳn thế hệ cha anh của chúng ngày xưa! (Con em tín đồ PGHH nay cũng có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ nhiều rồi Huệ à!). Nhưng dù trong cái ngày xưa dốt nát đó, PGHH cũng có nhiều vị cao đồ là Bác sĩ, Kỹ sư chứ không phải ngu dốt hết đâu!(BS.Trần Lũy, BS.Cao Triều Lợi, BS.Đào Tuấn Kiệt, BS. Đỗ Văn Viễn, Kỹ sư Lương Trọng Tường, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tố, Kỹ sư Thành Nam, Kỹ sư Trần Anh Đề, Kỹ sư Nguyễn Công Hầu, GS.Nguyễn Văn Hầu, GS.Trần Kim Suối, GS.Trần Văn Mãi, GS.Trần Quang Diệu…).Và còn nhiều Tú Tài Pháp như Phan Bá Cầm, Huỳnh Văn Nhiệm, Quan Hữu Kim, Nguyễn Trọng Luật…Đừng khinh người quá đáng nghe Tăng Sinh Huệ! Bài viết đã khá dài, trước khi kết thúc, với tinh thần một Phật tử “Nói với nhau giữa những người con Phật”, tôi thân ái có lời khuyên Huệ nên đọc kỹ lại “Na Tiên Tỳ Kheo Kinh” để dẹp bỏ cái bản ngã vô minh của mình. Sau đó trai giới 3 ngày thành tâm đảnh lễ Đức Như Lai và các bậc tôn túc Trưởng lão để sám hối lỗi lầm vì bản thân mình sai phạm mà cả Giáo hội Tăng đoàn phải lo âu đối phó. Sau đó tự giác vào am thất tự kiểm bản thân và tự đề xuất hình thức tạ lỗi với Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH và Ban Trị Sự TƯ Giáo Hội PGHH cùng toàn thể cộng đồng PGHH trong và ngoài nước (vì vụ việc đã gây phản ứng mạnh trên mạng toàn cầu). Tôi tin rằng nếu Tăng sinh Huệ thực sự hồi tâm, thành khẩn nhận lỗi thì sẽ nhận được lòng từ bi hỷ xả của Chư Phật và sự bao dung tha thứ của mọi người, vì tất cả chúng ta đều là con Phật. Xin chúc Tăng sinh Huệ và chư vị tôn túc Trưởng lão Hòa Thượng. Thượng Tọa, Đại Đức cùng chư Phật tử thân tâm thường an lạc. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Nam Mô A Di Đà Phật Thánh Địa Hòa Hảo ngày Rằm tháng 11 âl Nhâm Thìn 2012 (nhằm ngày 23-12-2012 dl) Người tín đồ ít học của PGHH BAO LA CƯ SĨ