NÓI CHUYỆN VỚI ĐẠI ĐỨC THÍCH PHƯỚC TIẾN, NHÂN PHÁP THOẠI VẤN ĐÁP KỲ 25. --oOo-- Kính bạch Đại Đức, Trên tinh thần tu học của một Cư sĩ Áo Trắng, chúng tôi xin mượn chính lời mở đầu của Đại Đức để thưa chuyện cùng Đại Đức ; “Tôi đang nghỉ trưa, ban dẫn thỉnh gỏ cửa, tôi giật mình, tôi không biết tôi đi đâu (hà…hà…) cho nên từ dưới lên đây, tôi có cảm giác đi lảo đảo, không biết đi đâu (hà…hà…). Cho nên tôi sợ làm việc buổi trưa như thế này lắm, nó cứ lở lở không ra gì hết trơn, thành ra mình thấy tinh thần không tỉnh táo (hà …hà…). Các vị thấy tôi như say rượu…(hà …hà..)… Chúng tôi không biết những lời nói ấy là trạng thái thật sự của Đại Đức, hay chỉ là những lời mở đầu để “Mua vui cũng được một vài trống canh”! Vì sao? Vì với một não trạng ‘lên đồng’ như thế thì làm sao dám ngồi trước Thế Tôn để mà hoá chúng, bằng như đó là lời nói giỡn thì đó lại là lời nói giỡn vô duyên cớ, bởi một bậc cao tăng như Đại Đức chưa từng phạm giới cấm thì làm sao biết “như say rượu” được! Thôi thì đó là chuyện của các thầy. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là chuyện tế nhị như chính lời nói của Đại Đức. Thiệt là đáng tiếc, một vấn đề được nhận định là tế nhị, nhưng lúc xử sự thì lại chẳng tế nhị chút nào ! Không thể với trình độ cao học tại Ấn Độ và đang là Phó Tổng Thư Ký viện Nghiên cứu Phật học, Uỷ viên Ban Hoằng pháp TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà Đại Đức lại không nhìn ra sự thiếu sót từ câu hỏi ngây thơ của một người Phật tử : “Đạo Hoà Hảo có liên quan gì với Đạo Phật không,và họ thuyết pháp có nói về Đức Phật nhưng không tôn thờ Đức Phật?(!) Nếu tế nhị, Đại Đức phải cho người Phật tử ấy thấy được cái nhìn phiến diện của họ về sự không tôn thờ Đức Phật. PGHH không chủ trương tạo thêm nhiều hình,tượng trừ những gì đã có. Như vậy hoàn toàn không có nghĩa là PGHH không tôn thờ Đức Phật! Trong ngôi thờ của người cư sĩ tại gia PGHH, ngoài ngôi thờ Cửu Huyền Thất Tổ, ngôi thờ Thông Thiên vẫn còn một ngôi thờ trang nghiêm hơn hết chính là ngôi thờ Tam Bảo, được biểu tượng là một tấm Trần Dà, khởi đầu từ một tấm vải màu đỏ, theo truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng vì lúc bấy giờ “ có nhiều kẻ thờ trần điều tự xưng cùng tông phái với chúng ta,làm sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong Đạo đổi lại màu dà…”Màu dà là sự kết hợp của các màu chính sắc, nên có thể tượng trưng cho sự hoà hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Cũng như vậy, lá cờ Phật giáo do Đại tá Henri Steel Olcott người Mỹ đề xuất vào năm 1886, lấy cảm xúc từ ánh hào quang của Đức Phật gồm 6 màu cơ bản, nếu tách ra 5 màu thì dể: xanh, vàng, cam, trắng, đỏ…nhưng còn màu thứ 6 thì không biết làm sao tìm ra màu này; bởi nó chính là sự phối hợp của 5 màu trước. Cuối cùng Đại tá Olcott đề nghị xếp 5 màu ngang lại và may dính liền với nhau để biểu tượng cho màu thứ 6 trong hào quang Đức Phật. Vậy là ẩn tàng bên trong tấm vải gồm 5 màu sắc may dính lại chẳng những NÓ vừa tượng trưng cho Phật Giáo và cũng chính là hào quang của Đức Phật, mà hễ là hào quang của Đức Phật thì có phải chăng cũng chính là biểu tượng của Thế Tôn! Nói như vậy để Đại Đức thấy được rằng tấm Trần Dà của PGHH cũng tương tự như thế, thay vì may dính 5 màu xanh vàng cam trắng đỏ lại với nhau, người khai sáng nền Đạo đã tổng hợp bốn màu xanh vàng cam đỏ(không có màu trắng) lại với nhau mà làm biểu tượng để tôn thờ và trong biểu tượng này há chẳng phải tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của Đức Phật hay sao? Đã là tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của Đức Phật, thì làm sao không thể mang hình ảnh thiêng liêng của chư Phật ! Phải không Đại Đức? Hơn nữa, trong tất cả nghi thức cúng bái cùng giáo pháp của PGHH cũng đều là những lời Tôn kính Đức Phật. Cụ thể như nhiều câu khấn nguyện: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, hay Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô Thập Phương Phật, Nam mô Thập Phương Pháp, Nam Mô Thập Phương Tăng… một nền giáo pháp luôn có sự qui ngưỡng như vậy thì đựa vào đâu mà cho rằng PGHH không tôn thờ Đức Phật? Chẳng lẽ đi đâu, ngồi đâu phải mang vác tượng cốt Phật theo thì mới được gọi là tôn thờ Đức Phật? Nếu quả là như vậy thì đây là một giáo pháp không có trong Phật Pháp! Nói như vậy, cho dù Đại Đức có tin hay không thì tuỳ, duy chỉ mắt thấy ,tai nghe hiện tiền là chúng tôi chưa từng thấy một bậc giác chúng nào của PGHH dám đưa ngón tay chỉ thẳng vào Đức Phật để giải thích một vấn đề nào đó như cách của Đại Đức! Nếu cần chúng tôi chỉ dám xoè bàn tay của mình, hoặc vòng hai tay lại để hướng về Đức Phật…nếu thế thì ai là người tôn kính Đức Phật. Thưa Đại Đức! Là một bậc giác chúng, ngoài những tri thức về Phật giáo ra thì chẳng lẽ Đại Đức không cần đến các tri thức khác hay sao? Chẳng hạn như tri thức về các Tôn giáo, tri thức về tính hợp pháp của họ! Bởi ở cõi thế gian này không phải chỉ có mỗi một Đạo Phật, không phải các Tôn giáo cùng truyền bá giáo lý của mình trong một xã hội nào đó mà lại không được luật pháp thế gian chấp nhận. Gọi Đạo Phật Giáo Hoà Hảo là Đạo Hoà Hảo đó là quyền riêng tư của cá nhân Đại Đức nhưng trước một hội chúng mà Đại Đức gọi tên Đạo Hoà Hảo ở cái thời mới khai mở, ở cái thời mà nền Đạo chưa có được tính Pháp lý thì rõ ràng là không ổn chút nào; trước hết người ta có thể hiểu là mình không hiểu gì về pháp lý, không hiểu gì về tính bình đẳng giữa các Tôn giáo và thậm chí người ta còn cho là mình tự cao và khinh bạc họ! Như một chúng sanh hay một tổ chức nào đó khi mới hình thành thì mọi người có gọi là gì cũng được, nhưng khi đã được cấp một tấm giấy khai sanh, đã được hệ thống pháp luật đương thời công nhận cho phép hoạt động có tư cách pháp nhân thì mọi người bất kể là ai cũng phải xưng gọi chúng sanh ấy, tổ chức ấy phải đúng như danh xưng hợp pháp mới là người lịch sự…tương tự như vậy; nếu còn ở ngoài xã hội thì ai cũng có thể gọi theo thế danh là anh Tròn, ông Tròn…nhưng một khi anh Tròn hay ông Tròn ấy đã huỷ hình thụ khí tiết, xuất gia hoàn đại đạo…với một vị Hoà thượng, thì nếu có một ai gọi là Đại Đức Tròn thì phải chăng đó là một điều phỉ báng! Phải gọi chính xác là Đại Đức Thích Phước Tiến thế mới là lịch sự, có phải thế không, thưa Đại Đức. Đại Đức cho rằng: “Hoà Hảo có từ giai đoạn mà gọi là của thế kỷ 20, tức là những cái sinh sau, gần đây chứ không mang cái ý nghĩa là một học thuyết truyền thống nào đó…”. Trả lời như vậy là Đại Đức không chịu nghiên cứu về hệ phả truyền thừa của giòng tín ngưỡng Tôn giáo nội sinh rồi! Không phải PGHH chỉ lấy một vài ý tưởng của đạo Hiếu Nghĩa, mà theo hệ thống truyền thừa gần gủi nhất là từ Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An, Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư Ngô Lợi (Tứ Ân Hiếu Nghĩa), Ông Sư Vãi Bán Khoai và PGHH của Đức Huỳnh Giáo Chủ…có mâu thuẩn không khi chính Đại Đức sau đó đã nói: “Phật giáo trở thành tín ngưỡng dân gian từ rất lâu cho nên ai cũng có quyền chọn một gốc độ nào đó trong Phật giáo để nằm trong học thuyết của mình…”. Vậy, những gốc độ trong học thuyết PGHH không phải xuất phát từ Phật giáo hay sao? Có phải chúng ta nên nhìn khách quan hơn chăng, khi Đại Đức vô ý cho rằng Phật giáo trở thành tín ngưỡng dân gian! Phật giáo không phải là trở thành tín ngưỡng dân gian mà những lời dạy của Đức Phật là những LẼ PHẢI trong hầu hết các sinh hoạt đời thường của chúng sanh, vì giáo pháp Phật giáo là một nền tảng giáo pháp cao sâu, hoà bình bất bạo động, đã đi vào lòng người một cách tự nhiên, dễ dung hợp với các nền văn hoá địa phương. Từ Luy Lâu, vẫn còn đó những câu ca dao: “Dù ai đi đâu về đâu Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về Dù ai buôn bán trăm nghề Nhớ ngày mùng tám thì về hội Dâu” Như thế là Phật giáo Luy Lâu đã gắn liền với tín ngưỡng dân gian, được dân gian hoá và phong tục hoá. Nó thể hiện tâm lý dân gian, thế giới quan và lòng mong ước…Phật giáo không phải đã trở thành, mà là đã dung hợp và khoát lên tín ngưỡng dân gian một chiếc áo mới mang nét đặc thù của học thuyết Phật giáo, để Phật giáo vẫn luôn còn mãi cái tinh thần từ bi hỷ xã của Thế Tôn! Phật Giáo Hoà Hảo lúc nào cũng thể hiện học thuyết truyền thống của Phật giáo, chẳng những ngay lúc khai mở và cả bây giờ và sau này nữa. Bởi vì, theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho chúng ta thấy được rằng: “ Phật Giáo Hoà Hảo tiếp nối Bửu Sơn Kỳ Hương càng cho thấy một ý tưởng canh tân Phật giáo rõ ràng. Đức Thầy chủ trương không xây chùa, không đúc tượng trừ những gì đã có…Không cúng đồ ăn thức uống,. không đốt vàng mã, không nên khóc lóc và tiêu tiền lãng phí vào việc ma chay… trong cưới hỏi không nên thách giá và đòi lễ vật…Ngài đã nói: Niềm tin xuất phát từ con tim chứ không phải là những nghi lễ hào nháng tốn kém bên ngoài. Khởi đi từ Bửu Sơn Kỳ Hương,vào năm 1849 Ông Đoàn Minh Huyên tuyên khai mối đạo với chủ trương “Học Phật Tu Nhân, Tứ Ân Hiếu Ngĩa”. Tư tưởng này truyền thừa và phát triển ở Phật Giáo Hoà Hảo, được thành lập năm 1939, do ông Huỳnh Phú Sổ khai sáng. Vào khoảng thời gian từ 1920-1926, Đạo Cao Đài, cả phần Vô Vi và Phổ Độ lần lượt xuất hiện, làm thành một tôn giáo lớn ở miền Đông Nam Bộ. Như vậy, vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một số tôn giáo có giáo chủ,giáo luật và đông đảo tín đồ tham gia. Tư tưởng xuyên suốt của các tổ chức này đều phản ánh tâm lý dân tộc với những bản sắc vùng miền rõ rệt. Đời sống tôn giáo của người Việt Nam Bộ có kế thừa yếu tố truyền thống dân tộc, nhưng đồng thời đã có những tìm tòi mới không câu nệ vào các cách tổ chức và thực hành tôn giáo cũ không còn thích hợp, mà cố gắng đưa tôn giáo về gắn với đời sống cá nhân tự do hơn và bình đẳng hơn”(TS.Phạm Bích Hợp) Ở nơi khác : “Qua giáo lý “học Phật, tu Nhân” của Phật giáo BSKH với đức Phật Thầy Tây An, sau đó là Phật Trùm, và Bổn sư là Sư Vãi Bán Khoai, là Phật giáo Hoà Hảo (PGHH) của Huỳnh Phú Sổ, người nông dân PGHH vùng ĐBSCL được trang bị những kiến thức thực tế, cụ thể…để bài trừ mê tín, bác bỏ hẳn những phiền toái trong nghi lễ và giản dị hoá cách thờ cúng. Sự đơn giản và phổ cập hoá các giáo điều căn bản của Phật Thích Ca là một nét đặc biệt nổi bật trong giáo lý PGHH…”(TS Trần Hồng Liên) Qua một vài tư liệu đã trích dẫn hy vọng rằng có thể giúp cho Đại Đức tỉnh táo hơn trong các kỳ Phật Pháp Vấn Đáp cho dù có diễn ra nơi đâu; hải ngoại hay trong nước. Đại Đức nên nhớ rằng PGHH xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, lúc mà Phật giáo đang suy đồi có nhiều cơ nguy mất gốc, nếu các nhà sư, Phật tử không kịp thời chấn hưng lại. Kính mời Đại Đức nghe lại lời giảng của Hoà Thượng đứng đầu học viện thuyết tại Bình Dương: “Hôm nay đến thăm trường hạ chùa Hội Khánh, tôi rất vui khi thấy Phật giáo tỉnh Bình Dương phát triển. Hồi tưởng lại lúc Phật giáo suy đồi là thời Pháp thuộc, lúc bấy giờ tôi xuất gia, tìm một trường hạ an cư không có, tìm một chùa để nghe pháp cũng không có. Vì vậy, vào thời đó,tuy xuất gia nhưng chỉ học được hai thời công phu và tụng kinh cầu an cầu siêu; còn khá hơn nữa là học ứng phú trai đàn. Cho nên ở thời Phật giáo suy đồi, khi người dân trông thấy hình bóng nhà tu thì liền nghĩ rằng trong xóm hay trong làng có người chết…”. Lịch sử đã cho thấy rằng Phật giáo BSKH và PGHH xuất hiện sau các trào lưu tư tưởng của PGVN, nói cho chính xác hơn thì khi Phật Giáo Hoà Hảo ra đời thì nền giáo pháp PGVN đang đi vào sự suy sụp do khuynh hướng của tôn giáo hình thức làm phôi pha những tinh tuý trong nền giáo pháp của Đức Phật. Chính vì vậy mà BSKH và PGHH vươn lên từ những cải cách mang tính đột phá. Kính bạch Đại Đức, Vì sợ với tinh thần không tỉnh táo, nên có thể Đại Đức không biết là mình đã nói gì, nên chúng tôi cố gắng ghi nhanh lại từng lời của Đại Đức, để khi nghe lại thì Đại Đức sẽ có suy gẫm gì : “…Hoà Hảo cũng không ngoài việc. Ngoài những tín ngưỡng truyền thống dân gian, họ tập hợp những lời Phật dạy trong đó và riêng lấy câu niệm Phật A Di Đà làm cho cái sở niệm của họ. Bên cạnh đó mang cái nghĩa từ thiện trong xã hội và lấy thêm những cái gọi là tín ngưỡng dân gian để bổ sung vào trong học thuyết của mình. Và bên cạnh đó thì có lấy vài ý tưởng của Đạo Hiếu Nghĩa để bổ sung vào trong các học thuyết. Vì vậy, đây là vấn đề gọi những tôn giáo có mặt trong giai đoạn của thế kỷ 20 trên Việt Nam, chớ không mang cái nghĩa của một giáo chủ nào trên thế giới, của những người như ĐứcPhật hay lả các vị như Khổng Tử hay thậm chí kể cả Thiên Chúa…thì ở đây họ không có được những cái điều mang tính cách lịch sử. Như vậy, mà điều đây là do một người nào đó, đứng ra tổ chức và tập hợp lại những cái gì trước đó cảm thấy có lợi ích, có ý nghĩa… họ bổ sung vào trong họ. Nó thuộc về cái dạng tổng hợp để trở nên một cái mới trong chính họ mà thôi. Thật sự nói mới mà không mới gì cả. Bởi vì cái đó qua quá trình truyền thống, qua tín ngưỡng, qua học thuyết… nó đã có trải dài hàng ngàn năm rồi, họ là những cái tập hợp nhất thời trong một cái để rồi gắn một cái tên mới mà thôi-A Di Đà Phật…” Đây là một đoạn trong nhiều đoạn mà người nghe thật sự không biết Đại Đức đang nói gì, nó lục cục, lòn hòn làm sao ấy! nó không ra hồn vía gì hết…ngoài những ý, những lời khinh bạc. Điều đáng buồn là nếu PGHH lấy câu Niệm Phật A Di Đà làm sở niệm thì Đại Đức lại kết thúc lời chê bai, phỉ báng cũng bằng câu niệm Phật. Chúng tôi cũng không hiểu là Đại Đức muốn dèm pha gì khi đem việc từ thiện của PGHH vào trong lời phê phán trên; Đại Đức nên nhớ rằng Đức Phật từng dạy “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, vậy, người tín đồ PGHH chẳng phải họ đang phụng hành bỏ ác hành thiện đó sao? Vả lại, hàng ngàn việc từ thiện của PGHH, từ xây cầu đắp lộ,cơm nước trong hầu hết các bệnh viện đến cất nhà, cấp cứu chuyển bệnh, mỗi mỗi việc chẳng những đã được cả cộng đồng dân tộc ghi nhận mà cả nhà nước cũng không tiếc lời ca ngợi! Khi thì Đại Đức cho rằng PGHH không mang cái ý nghĩa là một học thuyết truyền thống nào đó. Lúc thì nói Ai cũng có quyền chọn một gốc độ nào đó trong PG để nằm trong học thuyết của mình. Như vậy là Đại Đức phủ nhận giá trị học thuyết của PGHH cho dù học thuyết ấy là một gốc độ có trong PG? Dựa vào đâu mà Đại Đức cho PGHH không có được những điều mang tính lịch sử! Vậy trong dòng đời sống lịch sử cận đại Đại Đức không nhìn thấy bốn chữ PGHH từ quá trình chống ngoại xâm cho đến sự vận hành giáo pháp của mình vào công cuộc xây dựng đất nước hay sao? Ngay cả danh tính của người lập đạo mà Đại Đức cũng không màng nhắc tới, chỉ nói bâng quơ “một người nào đó”, đây là một điều khinh bạc! Vậy“… một người nào đó đứng ra tập hợp và tổ chức lại…” là ai vậy? Nếu Đại Đức không biết thì Đại Đức không xứng là người hoá chúng! Còn như Đại Đức cho rằng: “Thật sự nói mới mà không mới gì cả..” Có lẽ vì quá chú trọng vào những lời chê bai mà Đại Đức không nhìn thấy nhiều cái thật sự mới của PGHH; trong giáo pháp họ không đi theo hình tướng,mà chủ trương vô vi, đơn giản hoá các nghi lễ cầu cúng, dám kêu gọi chư vị sãi tăng nên xét lại mình, hạ thủ công phu tu tập trong giai đoạn suy đồi của Phật giáo, lên án các hạng tu hành dối thế, không cất chùa cao, đúc tượng Phật lớn…dù các điều trên là những phương cách cũ của gần ba nghìn năm trước do Đức Phật đề ra, nhưng dám phục hồi lại những yếu chỉ xưa cũ trong một thời sa sút của hàng tăng lữ thì không phải là mới hay sao? Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại, người ta có thể phân ra từng giai đoạn cho mỗi bước đi của Phật giáo: - Thời Hậu Lê, Phật giáo không còn được xem trọng nữa, các nhà Nho công kích Phật giáo dữ dội. Triều đình chỉ trọng đạo Nho, nên Phật giáo chỉ tồn tại trong dân chúng. - Thời Trịnh Nguyễn Phân tranh, Phật giáo miền Bắc suy tàn, nhưng ở miền Nam Chúa Nguyễn rất sùng bái đạo Phật, cho cất chùa Thiên Mụ ở Huế nam 1601. - Thời kỳ Tây Sơn, cuối thế kỷ 18, Phật giáo miền Trung trãi qua một phen sóng gió, các tu sĩ Phật giáo bị bắt lính, chùa chiền bị phá huỷ tín đồ Phật giáo rất bất mãn. - Thời nhà Nguyễn Phật giáo cũng trong tình trạng suy tàn, không được các vua lưu ý. Các nhà sư lui rút vào trong các ngôi chùa tu Thiền định. Lúc bấy giờ Đạo Thiên Chúa mượn thế lực của người Pháp phát triển mạnh, bắt đầu lấn áp Phật giáo và Nho giáo. - Đến đầu thế kỷ 20, các tu sĩ Phật giáo phát động phong trào ChấnHưng Phật Giáo: - Chỉnh đốn Thiền Môn. - Vản hồi qui giới. - Giáo dục học tăng. - Phổ thông giáo lý Phật bằng chữ Quốc ngữ… Ngày 6/5/1951 một hội nghị Phật giáo ở Huế gồm 50 đại diện, quyết nghị thống nhất các hội để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam, và xin gia nhập hội Phật giáo thế giới. Nói như vậy để Đại Đức thấy được trong cái cõi thế gian này, không nên phân định trước sau, lớn nhỏ, có truyền thống hay không có truyền thống; thuốc không phân quý tiện, lành bệnh là diệu dược. Pháp không phân cao thấp, an lạc được là diệu pháp! Có một Thiền sư đã nói: như nhau dọc mũi ngang mày là ý gì vậy? Và Đức Phật hơn một lần khẳng định rằng: Chư Phật Lưỡng Túc Tôn Tri pháp thường vô tánh Phật chủng tuỳ duyên sinh Thị cố thuyết Phật thừa… Kính bạch Đại Đức, Nếu bao dung hơn thì trên cái nhìn của Phật giáo và Phật giáo Hoà Hảo trong một phạm trù nào đó, chúng ta sẽ tìm thấy nhau ở những điểm: - Công nhận cuộc đời là đau khổ và cùng tuân thủ theo các phương pháp giúp chúng sanh thoát khỏi những đau khổ ấy. - Lấy con người làm trung tâm để khảo sát. - Lấy sự phát triển trí tuệ làm cơ sở để diệt trừ vô minh ái dục, là nguyên nhân đưa con người vào vòng sanh tử luân hồi. - Đối với hiện tượng và nhân sinh đều chấp nhận quy luật nhân duyên nghiệp báo chi phối cuộc sống. - Sự xuất phát từ một nguồn Phật Đạo, dẫn đến sự giao thoa không thể tránh khỏi khi Phật giáo và Phật giáo Hoà Hảo cùng phát triển trên mảnh đất đời sống tâm linh tín ngưỡng tôn giáo. Vậy thì chúng ta có nên nuôi dưỡng tâm phân biệt để càng lúc xô đẩy đồng loại mình ra xa, mà nếu không khéo ta sẽ đánh mất đi tuệ giác của mình khó tìm lại được! Chúng tôi cũng không hiểu tại sao các thầy; hết Thích Trí Huệ rồi đến Thích Thiện Huệ với tập luận văn sai trái, hôm nay lại là Đại Đức luôn để tâm phân biệt với PGHH chúng tôi? Tất cả những xúc phạm trên có phải chúng là sự đố kỵ, được nuôi dưỡng từ lòng tự ái cá nhân, tự ái Tôn giáo mà hình thành chăng? Chúng tôi có thể kể cho Đại Đức nghe một câu chuyện: Chuyện kể rằng có một chú bé bị mù cả hai mắt. Mỗi khi đi đâu đều phải cầm gậy dò đường. Ngày và đêm chú đều sống trong bóng tối như nhau. Một hôm chú bé đến thăm bạn, lúc ra về trời đã tối. Người bạn đốt một chiếc đèn lồng trao cho chú, chú bé cười nói: - Tối hay sáng đối với tôi đều như nhau, anh trao đèn cho tôi làm gì? - Đành rằng anh không cần đèn nhưng người khác phài nhờ cây đèn nầy mới không đâm bổ vào anh chứ. Chú bé mù cầm cây đèn ra về, đi được một quãng, chú bị người khác đụng phải, chú bé tức giận quát: - Bộ đui sao không thấy cây đèn của người ta? Người kia cười to: - Đèn của anh tắt rồi anh đui ơi. Và đây là lời bình của một vị ni sư thuộc hàng hoá chúng như Đại Đức: Giá trị của cây đèn là do ánh sáng, thiếu ánh sáng thì cây đèn chỉ là một vật vô dụng mà thôi. Một pháp môn hay nhất là chỗ nó giúp hành giả thấu rõ thực tướng của mình và muôn pháp, tiêu sạch phiền não, đem lại an lạc cho mình và người chung quanh. Nếu chúng ta cứ cho rằng mình đã dự vào hàng ngũ xuất gia, thuộc hàng danh môn chánh phái, thầy tổ là bậc chân tu lỗi lạc, bạn bè mình là hạng anh tài xuất chúng… chúng ta đã học được pháp môn tối thượng thừa, cao siêu hi hữu… và chúng ta cho thế là đủ, sanh tật khen mình chê người, phiền não mỗi ngày một tăng trưởng thì… coi chừng chúng ta sẽ giống cậu bé trên đây, cầm một cây đèn lồng thật tốt, thật đẹp..; nhưng… tắt queo cho mà coi. Angiang, ngày 20/11/2015 Cưsĩ NGUYỄN QUỐC ANH.