Hiếu đạo trong giáo lý phật giáo hòa hảo

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 14/9/15.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    HIẾU ĐẠO TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO

    [​IMG]
    Phan Thanh Nhàn
    ***
    Hàng năm vào dịp Rằm tháng Bảy, người con Phật cử hành lễ VU LAN báo hiếu một cách trang trọng. Đó là một sinh hoạt tôn giáo bao hàm rất nhiều ý nghĩa. VU LAN đã trở thành một ngày lễ mang đầy tính cách thiêng liêng; vì vậy VU LAN không còn là ngày lễ riêng của người tu theo đạo Phật mà trở thành ngày lễ truyền thống chung cho cả dân tộc.
    Không một ai có mặt trên cõi đời nầy từ một em bé cho đến cụ gìa đầu bạc, từ hạng bình dân cho đến người cao sang quyền qúy mà không do cha mẹ sanh thành, không do cha mẹ nuôi dưỡng chăm sóc từ thuở nhỏ cho đến tuổi trưởng thành, ngoại trừ một số người bất hạnh.
    “Thuở ít tuổi ấy là thời thơ ấu, Ơn mẹ cha dạy dỗ lúc nâng niu" (Lời của Đức Huỳnh Giáo Chủ).
    Nếu như "Con nghịch phản đều mang câu đàm tiếu , Giữ sao tròn đạo nghĩa mới khôn ngoan", thì hiếu kính cha mẹ là một truyền thống tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác cho đến ngày nay. Nhiều ca dao tục ngữ phản ảnh sinh động truyền thống đó: Công cha như núi Thái Sơn,
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
    Một lòng thờ mẹ kính cha ,
    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
    Hoặc:
    Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ,
    Gian khổ cuộc đời không ai gánh nặng bằng Cha. Hay:
    Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ ,
    Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha .
    Tiên sinh họ La nói rằng: "Thiên hạ vô bất thị để phụ mẫu, dưỡng tử phương tri phụ mẫu ân, lập thân phương tri nhơn tân khổ", nghĩa là trong trời đất chẳng có ai là cha mẹ mà chẳng thiệt là cha mẹ; vì lòng của cha mẹ thì hay thương con; có ai là cha mẹ mà không thương con bao giờ? Có nuôi con mới biết công ơn cha mẹ là thế nào; có ra sức lập thân mới biết làm người cay đắng là dường nào!
    Chính nhờ cha mẹ mà ta mới có hình hài nầy và nhờ có hình hài nầy ta mới chu toàn nghĩa vụ của một người lương thiện hầu góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng một xã hội văn minh, công bằng và thịnh vượng.
    Nếu như không có tình yêu thương thật sự đối với cha mẹ thì không thể có tình yêu thương thật sự đối với người khác. Những người không có tình yêu thương thật sự thì lòng yêu thương của họ chỉ tồn tại khi các điều kiện xuất phát từ lòng tham dục; nếu trái với ý muốn thì tình thương sẽ tan biến rồi trở thành thù nghịch. Như thế xã hội đó sẽ không có sự an lạc.
    Kinh Thi nói rằng: “Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sanh ngã cù lao, dục báo thâm ân hiệu thiên võng cực", nghĩa là Cha sanh ta! Mẹ nuôi ta! Thương thay cha mẹ sanh ta khó nhọc! Ta muốn đền ơn trả thảo cho cha mẹ vì ơn nghĩa bằng trời mênh mông khôn cùng!
    Hiếu đạo hiển nhiên là đạo lý muôn đời của các dân tộc văn minh, mà dân tộc ta đã tự hào là một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến. Dân tộc Việt Nam ‘là giống Hồng Bàng’, ‘là giống Tiên bang’, là ‘cốt Rồng Tiên’, ‘là giống hiền có từ xa xưa mà giờ đây đã’ lạc mất gương hiền nơi đâu , biến thành ‘ngỗ ngang hung sùng’, ‘hung bạo lăng loàn’. Cho nên Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo mới “Gom nhành lá rụng vun trồng giống xưa" để "Dốc chờ ngày bông trổ thơm tho"; vì vậy bổn phận của chúng ta giờ đây đừng quên ‘Ơn cha nghĩa mẹ phải đền’ rồi ‘Một ngày hiệp mặt lập nền từ bi’ và “Hiếu trung lòng chớ vội quên, Sống lo trọn Đạo, thác lên Tiên Đài".
    Nước ta có nền văn minh phát triển lâu đời với văn hóa ‘Nho-Thích-Đạo’ đã ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội kể từ thời lập quốc. ‘Chữ Hiếu’ đã hình thành và tồn tại trong mỗi cá nhân như là bản tính tự nhiên từ khi chúng ta vừa mới chào đời. Chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. Trong trăm hạnh lành của con người, hạnh hiếu đứng đầu và chúng ta thừa nhận một cách chắc chắn ‘Hiếu vi công đức mẫu’. Lòng hiếu kính là mẹ của các công đức. Và Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo dạy:
    Sách có chữ thâm ân dục báo,
    Phận làm người hiếu thảo noi gương.

    Bài ''Sa Đéc"
    Và:
    Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp
    Bài "Mượn Cây Đuốc Huệ"
    Đức Huỳnh Giáo Chủ tuyên thuyết; Sách xưa có câu: Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên (muôn vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu). Hôm nay đã quy y đầu Phật tu niệm tại gia, ta hãy cố gắng vưng lời Thầy Tổ đã dạy, “lo tròn câu hiếu nghĩa” “Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi tiên”, cũng như “muốn làm xong hiếu nghĩa có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn”. Ngài cũng dạy:
    Nào là luân lý Tứ Ân,
    Phải lo đền đáp xác thân mới còn.
    Ai mà sửa đặng vuông tròn,
    Long Vân đến hội lầu son dựa kề.

    Sám Giảng Q3
    Đức Khổng Tử nói: ‘Hiếu tử chi sự thân, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm’ . Là người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở cư xử phải cực kỳ cung kính, nuôi dưỡng cha mẹ phải hết sức vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc ma chay phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải rất mực trang nghiêm. Đức Khổng Tử đã đề xuất cách báo hiếu rất minh bạch và sâu sắc. Ngài nói rằng làm con không những cung phụng cho cha mẹ những tiện nghi vật chất mà điều cần thiết là phải thể hiện tình cảm chân thành. Ngài cũng nói: ‘Lập thân phải lấy hiếu làm gốc’ và Ông Tăng Tử nói: ‘Hiếu là nết đứng đầu trăm nết. Hiếu cảm đến trời thì mưa thuận gío hòa; hiếu cảm đến đất thì muôn vật tốt tươi; hiếu cảm đến người thì phúc lợi thịnh vượng ‘.
    Hiếu đạo ở Đông Phương là một chuẩn mực đạo đức xã hội rất được coi trọng, nhưng chỉ dừng lại ở chỗ hiếu thuận với cha mẹ còn tại thế; bằng như cha mẹ đã mất hoặc bảy đời phụ mẫu thì chưa có phương pháp để báo đáp. Chính vì vậy tư tưởng cũng như phương pháp báo hiếu theo nhà Phật đã giải quyết vấn đề nan giải nầy và rất nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong khắp các tầng lớp xã hội ở Đông Phương.
    Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Giáo Chủ dạy:
    Con người có Tổ có Tông,
    Học hay chữ nghĩa sao không phượng thờ.
    Hiếu trung truyện tích sờ sờ,
    Người đời phải biết phượng thờ mẹ cha.

    Dặn Dò Bổn Đạo
    Hoặc:
    Trung với hiếu ta nên trau trỉa,
    Hiền với lương bổn đạo rèn lòng.
    Thường nguyện cầu siêu độ Tổ Tông,
    Với bá tánh vạn dân vô sự.

    Kệ Dân Q2
    Hay:
    Nhỏ to lời lẽ chớ quên,
    Rán mà nguyện vái đặng đền ơn sâu.

    Từ Gỉa Bổn Đạo Khắp Nơi

    Cũng như trong bài ‘Ngũ Nguyện’, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hành đạo mỗi ngày qua hai thời công phu bái sám, có câu nguyện: "Nam Mô nhị nguyện cầu Cửu Huyền Thất Tổ Tịnh Độ siêu sanh" "Nam Mô tam nguyện cầu Phụ mẫu tại đường tăng long phước thọ, phụ mẫu quá khứ trực vãng Tây phương".
    Đạo Phật lại càng củng cố thêm truyền thống tốt đẹp cao cả đó bằng hành động:
    Đêm đêm khấn nguyện Phật Trời,
    Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
    Ca Dao
    Hòa thượng Đạo Thanh nói: ‘Muốn tu Tiên đạo, hãy tu đạo Người trước. Đạo Người mà không tu thì đạo Tiên xa vậy’. Và Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo dạy:
    Tu đầu tóc không cần phải cạo,
    Miễn cho rồi cái đạo làm người.

    Sám Giảng Q3
    Hoặc:
    Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,
    Sách Thánh Hiền dạy Đạo làm người.

    Kệ Dân Q2
    Đạo làm người là Đạo Nhân, mà muốn hành Đạo Nhân thì phải thực hiện trọn vẹn Tứ Ân vì
    "Tứ ân đã trả chẳng còn tội căn"
    (Bài Cho Ông Cò tàu Hảo).
    Ngoài ra Đức Giáo Chủ còn dạy chúng ta Ngũ Luân là năm giềng mối thông thường trong thiên hạ về cách xử thế tức Đạo làm người; giữa vua và tôi phải có nghĩa, giữa cha con phải có thân ái, giữa sư đệ phải có thứ tự, giữa vợ chồng phải hết lòng thương yêu, có tình có nghĩa, giữa bằng hữu kết giao phải có lòng tin:
    Trẻ với già gìn hai chữ từ khiêm,
    Không còn thấy loạn luân nền cang kỷ.
    Đạo tôi chúa chặt gìn câu chung thỉ,
    Đạo thầy trò khắc với ghi xương.
    Đạo cha con chặt chẽ chữ miên trường,
    Đạo chồng vợ thuận hòa cho đến thác.
    Biết lễ nghĩa kính yêu cùng cô bác,
    Nội tông cùng ngoại tổ với cậu dì.
    Thêm kính nhường anh chị kẻ cố tri,
    Mắt chẳng thấy lũ gian phi xảo trá.
    Đạo bè bạn bất phân nhân với ngã,
    Chữ nghĩa tình sắt đá mãi bền gan.

    Không Buồn Ngũ
    Phận làm con, chúng ta phải biết thương yêu, cung kính, hiếu dưỡng cha mẹ bằng hành động, khi còn nhỏ phải ý thức công ơn sâu dầy và cố gắng chăm chỉ học hành, biết vâng lời cha mẹ và phụ giúp những việc cần thiết để cha mẹ bớt vất vả nhọc nhằn. Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo dạy: "Tập ở ăn theo nết Thánh Hiền, Lo tu tỉnh dòm Phật Tiên nối chí", cũng đừng "Phụ mẹ cha khinh dễ Phật Trời, Chẳng có kể công sanh dưỡng dục" . Nếu ai mà "ăn ở vuông tròn" , "vẹn được thảo ngay" thì kết qủa sau nầy sẽ được "Dựa kề cửa Thánh đài mây an nhàn".
    Cha mẹ dạy những điều hay lẽ phải, chúng ta chăm chỉ lắng nghe để học hỏi đạo lý làm người, cố gắng rèn luyện nhân cách để sau nầy khi lớn lên sống có ý thức và hiểu biết để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, quyến thuộc, làm điều lợi ích cho xã hội. Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy:
    Thuở ít tuổi ấy là thời thơ ấu,
    Ơn mẹ cha dạy dỗ lúc nâng niu.
    Lớn lên rồi cần giữ lấy qui điều,
    Cửa Phật Thánh dạy người trung lẫn hiếu.
    Con nghịch phản đều mang câu đàm tiếu,
    Giữ sao tròn đạo nghĩa mới khôn ngoan.
    Lòng sắt son dám sánh nỗi ngàn vàng,
    Khó mua chuộc những người đầy liêm sĩ.

    Không Buồn Ngủ
    Tình thương của cha mẹ đối với con cái lúc nào cũng bao la rộng lớn. Nhưng khi cha mẹ trách hờn cũng phải nhận lỗi, phải biết mình sai, cố gắng sửa sai, hứa với cha mẹ không còn tái phạm. Khi cha mẹ thương, chúng ta không nên ỷ lại, tối ngày chỉ biết ăn không ngồi rồi hoặc la cà tửu điếm. Cũng có những gia đình nhiều con, cha mẹ thương đứa nầy nhiều hoặc thương đứa kia ít. Ta cũng không nên vì thế mà buồn rầu, trách móc vì đó là duyên nghiệp của mỗi người mỗi khác. Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo khuyên hóa chúng ta trong đoạn kinh "Đức Phật Đối Với Chúng Sanh" như sau: "Một ông cha ở trong gia đình vẫn có lòng thương xót hết các con, dù lớn nhỏ, khôn dại gì cũng vậy. Tại sao? Vì xét ra lớn nhỏ là tại đứa sanh ra trước, đứa sanh sau; khôn dại là tại đứa chăm học cùng biếng trễ, chớ cũng đồng là con đều do huyết nhục sanh ra. Vậy bổn phận ông cha thì hết lòng lo dạy dỗ các con, lo lắng cho có gia cư, nghiệp nghệ, tài sản để cho con, ruộng đất để cho con. Vậy thì tình thương vẫn đồng, mà cái chỗ âu yếm ban thưởng nhiều khi có khác, ấy là phải tùy theo mỗi đứa. Tại sao vậy? Vì đứa nào hiếu thuận từ hòa, dễ dạy, dễ biểu, thì ông cha âu yếm hơn đứa ngỗ nghịch, bạo tàn. Với đứa khó dạy thì ông cha chỉ biết than thở mà thôi, chớ không thể âu yếm đặng . Còn đứa nào cần kiệm, lo giữ gìn tài sản của cha nó, chẳng cho hư hoại, cẩn tận từ ly, dầu lời nói hay việc làm để bảo tồn danh gía của cha nó, thì cha nó hằng ngày ban thưởng cho nó luôn, chớ không thể ban thưởng cho những đứa hoang chơi, tàn phá sự nghiệp, làm những điều điếm nhục gia môn! Những đứa ấy, ông cha có thể nén lòng mà rước lấy sự chế nhạo, trách cứ là nhiều lắm rồi, chớ làm sao mà ban thưởng đặng. Cũng mường tượng như trên! Đức Phật đối với chúng sanh và môn đồ như người cha đối với các hạng con trên đây vậy. Phật cũng yêu hết chúng sanh, dầu kẻ ngu, người trí, yêu tất cả môn đồ (dầu kẻ biếng nhác với kẻ siêng năng). Bởi tại duyên nghiệp mỗi chúng sanh chẳng đồng nhau, tu cao thắp khác nhau, nhưng mỗi chúng sanh đều có Phật tánh. Vậy lòng từ bi của Phật là vì thương xót chúng sanh, lo dạy dỗ chúng sanh, nhưng mà sự gần gũi và ban phước huệ vẫn có khác, vì phải tùy theo mỗi kẻ tín đồ. Người tín đồ nào hằng ngày nghe lời Phật dạy, rán lo học hỏi, tìm kiếm đạo mầu, qúi trọng chuyện lành thì Phật thường gần gũi hơn đứa đã dạy nhiều lần mà chẳng chịu nghe theo, và thường ban thưởng tín đồ nào qúy trọng kinh luật của Phật, chăm lòng giữ theo giới luật, cẩn thận từ lời nói việc làm, đừng để cho người ta nhạo báng Phật hay chê bai Thầy của mình. Còn những kẻ tín đồ dối tu, chẳng vâng lời dạy, chẳng giữ giới luật thì trên là Đức Phật và dưới là ông Thầy của kẻ ấy chỉ lấy lòng từ bi mà nhận sự trách cứ của kẻ ngoại đạo, chớ không thể nào mà gần gũi và ban phước huệ cho kẻ chẳng thành kính kia đặng.
    Một điều chúng ta hằng nhớ là dù thời gian có trôi qua không ngừng, không gian có dời đổi, đời sống ta có như thế nào thì tình thương của cha mẹ vẫn mãi mãi tràn đầy. Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo thường khuyên bảo chúng ta phải nhớ:
    Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp. Mượn Cây Đuốc Huệ. Hay : Mẹ cha là kẻ trọng ân Sám Giảng Q3
    Cho nên bổn làm con là phải:
    Ơn cha nghĩa mẹ phải đền.
    Xuân Hạ Tác Cuồng Thơ
    Bằng hành động tích cực và thành lòng:
    Đã chánh Đạo thêm còn sức khỏe,
    Đặng nuôi cha dưỡng mẹ cho tròn.
    Vẹn mười ơn mới đạo làm con, (1)
    Lúc sanh sống chớ nên phụ bạc.
    Kệ Dân Q2
    Hay:
    Ở ăn cho cho vẹn mười ơn, (2)
    Cảm tình hiền đức gặp cơn khải hoàn.
    Để Chơn Đất Bắc
    Đạo Phật là đạo của con người, nên lúc nào cũng đặt hiếu thảo lên hàng đầu. Đức Phật Thích Ca luôn nêu cao hạnh hiếu, tán dương công đức của cha mẹ. Ngài nói rằng: "Sở dĩ ta tu hành thành Phật là nhờ mẹ sinh , cha nuôi dưỡng . Nếu không có cha mẹ làm sao ta có thân nầy để tu hành". Lời nói của Đức Phật làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Dù ai có nghinh ngang đến đâu, khi nghe lời dạy nầy cũng sẽ thức tỉnh biết hiếu kính với cha mẹ.
    Phận làm con phải biết tôn kính, bảo dưõng cha mẹ để báo đáp công ơn. Kinh Nhẫn Nhục ghi: ‘Hiếu là cái cực điểm của sự lành, còn bất hiếu là cái cực điểm của sự ác’. Những hành động biểu lộ sự bất hiếu như: ăn nói hỗn hào với cha mẹ, xấc xược với anh em, bà con cô bác; không tuân theo lời dạy của cha mẹ, các bậc trưởng thượng trong gia tộc; theo bạn bè xấu ác, từ bỏ gia đình đi hoang gây tạo tội lỗi làm cho cha me, bà con buồn khổ; không lo học tập, xao lãng nghề nghiệp khiến cho cuộc sống bấp bênh, làm cha mẹ lo lắng; không phụng dưỡng cha mẹ về vật chất, không an ủi về mặt tinh thần, coi thường cha mẹ, coi trọng vợ con. Thầy Mạnh Tử nói rằng: ‘Tục đời kể trong các tội bất hiếu ra năm điều nầy: mình mà làm biếng trễ nãi chẳng đoái hòai việc nuôi cha mẹ là điều bất hiếu thứ nhứt; mê cờ bạc, ham rượu chè mà chẳng lo việc nuôi cha mẹ là điều bất hiếu thứ hai; tham mê tiền của, lo riêng tư cho vợ con, chẳng lo việc nuôi cha mẹ là điều bất hiếu thứ ba; buông lung theo tai mắt mình muốn chính là cái cớ cho cha mẹ vạ lây khốn khó vì mình là điều bất hiếu thứ tư; ỷ sức ỷ tài tranh đua ấu đả làm cho cha mẹ tội lây vạ gởi là điều bất hiếu thứ năm đó vậy’.
    Trong Kinh Báo Hiếu Đức Phật dạy : "Con nuôi cha mẹ dùng cam lồ đặng làm vừa miệng, tấu mọi tiếng thiên nhạc để làm vui tai, dâng áo tốt, đồ báu làm đẹp thân thể, một vai cõng mẹ, một vai cõng cha, đi khắp bốn biển. Đó là hạnh hiếu lớn nhứt không gì hơn nữa ". Đức Phật còn dạy rằng : "Đó chưa phải là đủ. Nếu cha mẹ còn tối tăm, chẳng thờ Tam Bảo, làm các nghiệp dữ; con cái phải can gián, khiến cha mẹ phát lòng tin quy y Chánh Đạo, thường hành lục độ, từ, bi, hỷ, xả, đối diện các bậc thiện tri thức thường hay cung kính, vâng nghe giáo pháp, niệm Phật tu hành, nguyện thoát luân hồi, vãng sanh lạc thổ. Nếu y theo đó mà hành hiếu, mới có thể là báu ân".
    Hành "Tứ Đại Trọng Ân", bổn phận làm con đối với cha mẹ phải vẹn tròn câu hiếu nghĩa, thiệt hành Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo dạy : " ... Lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lãng làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với nhơn đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế ta còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bệnh hoạn ốm đau, gây sự hòa hảo trong huynh để, tạo hạnh phúc cho gia đình , cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ qúa vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh, thóat đọa trầm luân".
    Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo còn dạy cách báo hiếu đúng cách với cha mẹ theo từng thời gian như lúc cha mẹ còn đang sanh tiền nên cung phụng các thứ ăn, mặc, ở cho đầy đủ. Có nhiều người không biết bổn phận đối với cha mẹ, lại còn ăn nói nghinh ngang hổn ẩu, thật là điều tội lỗi:
    Nếu ai biết chữ tu trì,
    Cha mẹ còn sống vậy thì cho ăn.
    Không làm để ở lung lăng,
    Chửi cha mắng mẹ lăng xăng thiếu gì.

    Sám Giảng Q3
    Trong gia đình có ông bà hay cha mẹ từ trần, nên vọng bàn giữa trời nguyện cầu chư Phật "Tu cầu chư Phật cứu an linh hồn". Trên bàn thờ chỉ có nước lã, bông hoa, nhang đèn. Khi cầu nguyện xong im lặng đi chôn. Còn đối với làng xóm tùy nghi đáp lễ, nếu cần đãi đằng cơm nước, Ngài dạy: "Những điều nào xét ra thấy giản tiện ít lãng phí cứ làm". Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo khuyên người đời trong việc tang ma không nên bày vẽ linh đình mà hãy làm theo lời dạy của Ngài:
    Bỏ bớt rình rang một khi,
    Nếu cha mẹ chết làm y kời nầy.
    Là lời truyền giáo của Thầy,
    Bông hoa cầu Phật hiệp vầy đi chôn.
    Còn mình muốn đãi làng thôn,
    Thi` là tùy ý đáp ngôn cho người.

    Sám Giảng Q3
    Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo khuyên người đời hiếu sự phải tự mình hành mới đúng lẽ. Đâu phải có tiền bỏ ra mướn thầy đám tụng kinh cầu siêu là có kết qủa theo ý muốn . Vì vậy muốn cho tội lỗi của ông bà cha mẹ mau tiêu rỗi, con cháu cần sớm giác ngộ tu hành "Thường nguyện cầu siêu độ Tổ Tông" và nhất là "Sớm chiều bình đẳng chớ lơi, Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai" trong việc thành tâm cầu nguyện:
    Mình làm chữ hiếu mới hay,
    Chớ mướn người ngoài cầu nguyện khó siêu.
    Muốn cho tội lỗi mòn tiêu,
    Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay.

    Sám Giảng Q3
    Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo từng khuyên tấn:
    Rán tu đắc đạo cứu Cửu Huyền,
    Thoát chốn mê đồ đến cảnh Tiên.
    Ngỏ đáp ơn dày công sáng tạo,
    Cho ta hình vóc học cơ huyền.

    Giải Thoát Cửu Huyền
    Bằng sự suy nghĩ riêng của từng người mà việc hiếu đạo thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, kết quả cũng khác nhau. Có những việc làm hiếu nghĩa giúp đời sống tâm linh cũng như vật chất của cha mẹ càng đi lên. Cũng có những hiếu nghĩa khiến đời sống vật chất cũng như tinh thần của cha mẹ càng đi xuống. Thế nên Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ dạy chúng ta có tâm hiếu kính cha mẹ mà còn dạy chúng ta cách hiếu kính như thế nào để việc hiếu kính được trọn đầy, cha mẹ được an vui.
    Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo hòa Hảo dạy, nên đối xử tốt đẹp với xóm chòm, cô bác đúng theo đạo nghĩa, lễ phép kính nhường và thương mến giúp đỡ mọi người. Bỏ thói ngang tàng hổn láo đối với bà con nội ngoại, phải lễ độ khiêm cung . Đối với làng xóm trong việc giao tiếp phải lịch sự vui vẻ, mọi việc đều được hài hòa chơn thật:
    Ở cùng cô bác làm sao cho tròn.
    Kính yêu nào phải hao mòn,
    Ở cho phải nghĩa lòng son mới vừa.
    Nghinh ngang hổn ẩu phải chừa,
    Bà con nội ngoại dạ thưa mới là.
    Xóm giềng phải ở thật thà,
    Dù không quen biết cũng là như quen.

    Sám Giảng Q3
    Bổn phận làm con biết ăn ở theo đạo nghĩa, mỗi khi gặp người mắc nạn nên tìm cách giúp đỡ, được như vậy cha mẹ sẽ vui lòng khen thưởng:
    Ở cho cha mẹ ngợi khen,
    Gặp người lâm nạn đua chen giúp giùm.

    Sám Giảng Q3
    Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo khuyên răn hàng thiếu niên lúc tuổi thanh xuân, dù dục tình đang hăng phát cũng đừng phá hoại tiết trinh của vợ con người:
    Làm trai nhỏ tuổi tình duyên đang nồng.
    Cũng đừng ghẹo gái có chồng,
    Cũng đừng phá hoại chữ đồng gái trinh.

    Sám Giảng Q3
    Phải tôn trọng nền cương thường đạo lý, từ gia đình cho đến bà con nội ngoại trong thân tộc, chẳng nên hành động loạn luân, bất chánh mà bị tiếng đời cười chê, xã hội ruồng bỏ. Lời dạy bảo chánh đáng của cha mẹ , phải vâng lời tuyệt đối:
    Xử cho vẹn chữ nghĩa tình,
    Vâng lời cha mẹ mà gìn gia cang.
    Nghiêm đường chịu lịnh cho an,
    Loạn luân cang kỷ hổ mang tiếng đời.

    Sám Giảng Q3
    Kỷ cương là giềng mối trong luật lệ, nghĩa là trật tự trong gia đình, đoàn thể, xã hội, quốc gia. Có chỗ Đức Huỳnh Giáo Chủ phiền trách:
    Có đâu như thể bây chừ,
    Loạn luân cang kỷ bất từ bất lương.

    Cảm Tác
    Anh em phải thuận hòa kính trọng lẫn nhau, tình nghĩa luôn đậm đà thương mến, không nên vì hoàn cảnh riêng tư, hay sang hèn mà thay lòng phụ nghĩa:
    Anh em đừng có đổi dời,
    Phụ phàng dưa muối xe lơi nghĩa tình.

    Sám Giảng Q3
    Về hàng nữ lưu, nói cười cần giữ đúng lúc đúng lời, chẳng nên vừa nói vừa cười. Người con gái vừa lớn lên phải chăm chú siêng năng mọi việc cho vén khéo, thứ tự, gọn gàng:
    Vô duyên chưa nói mà cười,
    Chưa đi mà chạy hỡi người vô duyên.
    Lớn lên phận gái cần chuyên,
    Làm ăn thì phải cho siêng mới là.

    Sám Giảng Q3
    Thời thanh xuân, lứa tuổi phát triển mạnh tình dục, cũng cố gắng chế ngự, không chìu theo nó làm việc hư thân. Lúc còn sống với cha mẹ, nên vâng lời dạy bảo, khi về nhà chồng biết tùy theo ý chồng, nếu chẳng may người chồng vắn số, phận làm vợ phải lo nuôi dạy con cái để xứng đáng là bậc hiền mẫu:
    Phải gìn dục vọng lòng tà,
    Đừng chìu theo nó vậy mà hư thân.
    Nghe lời cha mẹ cân phân,
    Tam tùng vẹn giữ lập thân buổi nầy.

    Sám Giảng Q3
    Cuộc tình duyên chọn bạn trăm năm sớm muộn cũng gặp , chớ nên cải lịnh cha mẹ trăng hoa bất chánh mà mang tội bất hiếu . Giữ đúng theo lễ giáo, lúc đi cũng như về đều phải trình thưa cha mẹ . Còn phải lo rèn tập bốn đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh:
    Tình duyên chẳng kíp thì chầy,
    Chớ đừng cải lịnh gío mây ngoại tình.
    Đi thưa về cũng phải trình,
    Công, dung, ngôn, hạnh, thân mình phải trau.

    Sám Giảng Q3
    Người con gái mà thực hành được bốn đức: công, dung, ngôn, hạnh, vẹn toàn thì xem như là người con có hiếu với cha mẹ:
    Bốn điều nếu đã làm xong,
    Cũng gìn chữ hiếu phục tùng song thân.

    Sám Giảng Q3
    Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã dạy bổn phận kẻ làm con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ, họ hàng và cư xử vẹn vẻ đối với xóm diềng. Ngài cũng dạy trách nhiệm của bậc làm cha mẹ về cách phân xử và dạy bảo con cháu. Mỗi khi con cháu có vi phạm lỗi lầm gì, cha mẹ cũng không nên ra tuồng giận dữ, lớn tiếng chửi rủa hoặc đánh đập mà phải dùng lời lẽ hiền hòa dạy dỗ chúng thì có gì qúy báu cho bằng. Giữa vợ chồng cũng không nên mặt giận mài hờn hoặc ấu đả lẫn nhau vì đó là duyên cớ để con mình bắt chước:
    Dạy rồi những chuyện đức ân,
    Phận làm cha mẹ xử phân lẽ nào.
    Lỗi lầm chớ có hùng hào,
    Đừng chửi đừng rủa đừng cào đừng bươi.
    Đem lời hiền đức tốt tươi,
    Đặng mà giáo hóa vàng mười chẳng hơn.
    Cũng đừng gây gổ giận hờn,
    Cho con bắt chước sạ duơn mới là.

    Sám Giảng Q3
    Trong thế gian nầy, có thể có những người không hiếu thảo với cha mẹ, nhưng không một ai là không mong muốn con cháu hiếu thảo với mình. Cách hữu hiệu nhứt để con cháu hiếu thảo với mình là chính bản thân mình phải làm gương tốt. Tấm gương hiếu thảo của mình đối với cha mẹ là bài học sống thiết thực, một hình thức thân giáo có tác dụng sâu sắc đối với con cháu của mình. Điều mà ta có thể hy vọng chúng sẽ noi gương mình để chúng chu toàn hiếu đạo.
    Ông Thái Công nói rằng: ‘Hiếu ư kỳ thân, tử diệt hiếu chi, thân ký bất hiếu, tử hà hiếu yên; hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử, ngổ nghịch hoàn sanh ngổ nghịch nhi, bất tín đãn khán thiềm đầu thủy, điểm điểm đích đích bất sai dị’. Nghĩa là mình hiếu thảo với cha mẹ, thì con mình cũng sẽ hiếu thảo với mình; mình mà không hiếu thảo với cha mẹ, thì có lẽ nào con mình hiếu thảo lại với mình ư? Mình là người thảo thuận, thì lại sanh ra con thảo thuận; mình mà ngỗ nghịch với cha mẹ, thì lại sanh ra con ngỗ nghịch lại với mình chẳng sai. Dầu không tin điều ấy, hãy xem giọt nước đầu thềm mà coi, nó cứ nhỏ giọt nhỏ giọt mãi vậy có sai đâu.
    Những lời dạy của Đức Phật, Đức Thầy là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống chúng ta, cung cách ứng xử của chúng ta trong gia cũng như ngoài xã hội. Chúng ta hãy học theo lời dạy của Đức Phật, Đức Thầy tức khắc chúng ta sẽ được an lạc và hạnh phúc. Nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ bất hạnh và đau khổ.
    Không có gì hạnh phúc, sung sướng khi còn có cha, có mẹ. Chúng ta phải biết trân qúy Cha Mẹ khi họ còn sống. Đừng để đến lúc cha mẹ qua đời mới bày biện lễ lạt cúng kiến cho thật lớn, khóc cho thật nhiều “Sống chẳng cho ăn, để chết làm văn tế ruồi " thật vô ích.
    Vì lợi lạc của mọi người, chúng ta hãy phổ biến sâu rộng lời vàng ngọc đó của Đức Phật, Đức Thầy. Chúng ta chớ nên nghĩ rằng nói pháp là phải đăng đàn thuyết pháp dẫn chứng nhiều kinh điển nói hàng giờ mới là thuyết pháp. Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy rằng: "Nói trăm ngàn lời cũng không bằng nói một lời làm cho tâm người nghe được an tịnh".
    Chúng ta học pháp để biết đâu là thiện, đâu là bất thiện, rồi đem sở học ấy ra áp dụng vào nếp sống hàng ngày của chính mình và khuyến khích người khác áp dụng gọi là hành pháp. Học pháp và hành pháp là nếp sống tu học "tri hành hợp nhứt" của người tu theo đạo Phật. Nếp sống ấy vừa phù hợp với đạo lý tu Nhơn vừa nói lên ý nghĩa đúng đắng của người hành đạo Phật biết sống vì mình và vì mọi người. Đây cũng là cách báo hiếu thiết thực của người tín đồ tu theo đạo Phật.
    Theo quan niệm của đạo Phật, tất cả chúng sanh là cha mẹ của mình, cho nên ngoài việc báo đáp thâm ân cha mẹ mìnhh hiện nay, người tu theo đạo Phật còn có nhiệm vụ báo hiếu cho cha mẹ nhiều đời của mình bằng phương thức gián tiếp như cầu nguyện cho bá tánh vạn dân giải thoát mê ly, với điều kiện mình phải tu cho đắc đạo mới cứu được tổ tông nhiều đời nhiều kiếp còn mắc trong vòng sanh tử luân hồi.
    Sống trong xã hội văn minh mọi người ai cũng có trách nhiệm truyền bá tư tưởng hiếu đạo để cho con cháu học tập và thực hành phương pháp báo hiếu đúng chánh pháp và cũng từ đó con người hiểu được gía trị đạo đức cơ bản. Truyền bá đạo hiếu sẽ tạo nên một truyền thống tốt đẹp, xã hội có điều kiện xây dựng hạnh phúc cho con người càng tiến bộvà hưng khởi lên.
    Người xưa từng nói: ‘Tâm hiếu là tâm Phật, Hạnh hiếu là hạnh Phật, và Đạo hiếu là đạo Phật’. Tâm hiếu là cái lòng mà khi nào và ở đâu cũng tưởng nhớ đến công ơn của cha mẹ. Hạnh hiếu là với lòng chí thành, chí thiết, đem cả thân khẩu ý mà tôn thờ, phụng dưỡng, quan tâm chăm sóc cha mẹ. Đạo hiếu là tự mình tu và giúp đỡ cha mẹ cùng tu.
    Chúng ta ai cũng vừa là con, vừa là cha mẹ. Dù con hay là cha mẹ thì hành động tri ân và báo ân vẫn luôn mang lại niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời mang ý nghĩa và gía trị vô cùng trọng đại. Vì niềm hạnh phúc ấy mà Phật giáo hiện hữu. Vì niềm hạnh phúc ấy mà chúng ta vĩnh viễn tôn vinh đạo hiếu, tôn vinh cha mẹ. Đó là tất cả những gì mà Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo khuyên tấn chúng ta: Phước đức qúy hơn bạc vàng,
    Những người bạc ác giàu sang ích gì.
    Chi bằng ăn ở nhu mì,
    Nghe lời Phật Thánh kính vì người trên.
    Hiếu trung lòng chớ vội quên,
    Sống lo trọn Đạo thác lên Tiên Đài.

    Khuyến Thiện Q5
    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
    Nam Mô A Di Đà Phật


    Ngày 19 tháng 8 năm 2015

    Phan Thanh Nhàn

    Chú thích (1) và (2): Đức Phật bảo A Nan: "Công ơn từ mẫu, gồm có mười điều, phàm kẻ làm con phải lo báo hiếu". Những gì gọi là mười?
    - Nhớ ơn mẹ ta, chín tháng mười ngày cưu mang nặng nhọc.
    - Nhớ ơn khi mẹ sinh nở, đau đớn vô cùng.
    - Nhớ ơn khi mẹ sinh nở, quên cả lo âu.
    - Nhớ ơn mẹ ăn miếng đắng, mẹ nhả miếng ngọt, dành dụm cho con .
    - Nhớ ơn chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo sê con.
    - Nhớ ơn ba năm bú mớm, nuôi nấng thuốc thang trong khi sài đẹn.
    - Nhớ ơn giặt dũ hong phơi, áo quần dơ dái, ô uế tanh hôi, mẹ đành cam chịu .
    - Nhớ ơn khi mẹ đi đâu, vì thương nhớ con, trong lòng cầy cậy, một chút chẳng ngơi.
    - Nhớ công ơn mẹ, vì sanh nuôi con mà mẹ cam lòng tạo bao ác nghiệp.
    - Nhớ ơn lòng mẹ thương con, trọn đời yêu dấu, không chút nào ngơi .
     

Chia sẻ trang này