"HỌC PHẬT TU NHÂN" Trong GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Huynhle, 17/4/12.

  1. Huynhle

    Huynhle Member

    CĂN CỐT GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO:
    HỌC PHẬT TU NHÂN

    NGUYỄN HỮU

    Xin nói mau là, toàn bộ Sấm giảng thi văn giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, Ngài viết và chỉ viết là Học Phật tu nhân(*). Rất nhất quán. Không chỉ thế, khi giảng giải về pháp môn này Ngài cũng theo trình tự nhóm từ đã dùng. Và không quên căn dặn phải: Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu. Thế nhưng vẫn có không ít tác giả đã tự tiện đảo ngược lại là “Tu nhân học Phật”! Nếu chúng tôi không lầm, việcchỉnh sửa” này đã manh nha tận từ thời mới khai mở lớp Phổ thông lý tưởng Hòa Hảo vào tháng 4/1955: “Vâng theo mỹ ý của Đức Ông và nhận thấy có bổn phận nhắc nhở anh em Con Đường Trung Đạo của Đức Thầy, chúng tôi chẳng nệ tài sơ đức bạc đứng lên gióng trống phất cờ cổ xúy phong trào Tu Nhân Học Phật mà Đức Thầy đã xướng minh lý thuyết và thực sự nêu gương”(Trích diễn văn đọc trong buổi lễ Khai giảng lớp Phổ thông lý tưởng Hòa Hảo ngày 11 tháng 4 năm 1955). Từ việc “gióng trống phất cờ cổ xúy phong trào Tu Nhân Học Phật” lúc ấy dẫn dài về sau không ít người đã ngộ nhận, khai triển sâu thêm, thậm chí còn cả quyết rằng, nếu ai hiểu Học Phật tu Nhânlà xuyên tạc ý nghĩa trong giáo lý của Đức Thầy và không nghiên cứu chính chắn kinh kệ Phật Giáo Hòa Hảo. Lại giảng giải: đồng với việc tu nhân hành giả phải học Phật. Bởi tu nhân để thành nhân và học Phật để thành Phật (!).
    Theo tôi, không hẳn như thế, bởi ai cũng biết rất rõ rằng không phải ta đến trường học chữ để sau này trở thành thầy giáo; hay học ngoại ngữ đặng làm thầy thông, thầy ký …, mà mục đích cuối cùng của việc học là để hiểu biết, mở mang kiến thức hầu vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.
    Tìm hiểu sâu thêm ta sẽ thấy rất rõ vấn đề. Thật vậy, ngay sau khi khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo, song song với việc thuyết giáo, trị bịnh độ đời, Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng tác thi văn (kể cả hoạ thi chữ Hán, dịch những câu chú thường niệm từ chữ Phạn ra chữ quốc ngữ...), viết kệ giảng khuyên người đời tu niệm, gọi chung là giáo lý. Đó là giáo lý “Học Phật tu Nhân”. Ngài khẳng định: “Toàn thể trong đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, học Phật tu nhân vậy”.
    Về Học Phật, Ngài “Nối theo chí Thích Ca ngày trước nhưng không giới thiệu đa đoan “thiên kinh vạn quyển” với hàng chục vạn pháp môn, mà chỉ yêu cầu bổn đạo hãy luôn ghi vào lòng sáu chữ Di Đà (Nam mô A Di Đà Phật) tức niệm Phật, một phương phép luôn nghĩ tưởng đến Phật (“cái thiện”) thì trong tâm trí (và hành động) không thể có “cái ác” nào đột nhập vào được – tất nhiên làm hiền sẽ gặp lành. Muốn thế phải cố gắng học lấy những đức tính cao cả Từ, Bi, Hỉ, Xả của Đức Phật.“Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện cách nấy. Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy”. Và, do căn cơ thiển bạc của chúng sanh thời mạt pháp, nhất là đối với thành phần nông dân Nam Bộ đa phần đều ít học (đối tượng chính cần được cảm hoá) Ngài nhận thấy các sách kinh nhà Phật đều “Quá mắc mỏ bởi chưng Phạn ngữ, Nên người đời khó kiếm cho ra”, do thế Ngài đã “Rút trong các luật các kinh” để rồi bằng con đường trung đạo của nhà Phật, Ngài đã tóm gọn và diễn đạt một cách thật bình dị, gần gũi với sức hiểu của họ: “Quyết dạytrần nên nói lời thường, Cho sanh chúng đời nay dễ biết”. Trong tinh thần đó Ngài chỉ sơ lược về tam nghiệp, bát chánh, thập nhị nhơn duyên; sơ giải về tứ diệu đề, trình bày quan điểm về ngũ uẩn, phớt giải lục căn, lục trần, nhân quả... Học Phật, chỉ cần học như thế là đủ.
    Về Tu Nhân, đây mới là mục tiêu, là trọng yếu vì “đạo của con ngườikêu bằng đạo Nhân, đi trúng thì sống bước trật tất chết”bởi hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ đang bị ngoại bang thống trị bởi một thứ “phép nước nghiêm hình” vô cùng nghiệt ngã. Rõ là:


    Dân nay như thể không cha,
    Chẳng ai dạy dỗ thật là thảm thương.
    Vì sao?
    Chẳng qua vì Nam Việt vô vương,
    Nên tai ách xảy ra thảm thiết!


    Vì vậy “Phải đợi thời vua Việt hồi quy” (“vua Việt” chỉ minh vương – vị lãnh tụ nước Việt. Câu này trong Sấm giảng giáo lý đã bị in sai là Phải đợi thời vua Kiệt hồi quy”. Chúng ta đều đã biết vua Kiệt, vua Trụ của Trung Quốc đều là những kẻ tàn ác, rất đáng ghét. Đức Thầy từng nói: “Ghét bạo chúa là xưa Trụ, Kiệt”).
    Trước tình thế xót xa như vậy nếu cứ phó mặc để người dân bơ vơ, sống sao thì sống, không ai dốc tâm khơi gợi truyền thống ông cha, giữ gìn bản sắc văn hoá nước nhà, họ không thể không sa ngã hoặc tiêm nhiễm văn minh cặn bả của phương Tây. Do đó, trên cơ sở chọn lấy tinh hoa của Nho giáo – những gì mà tự ngàn xưa đã được nhân dân ta xem là gia phong, lề thói – Đức Huỳnh Giáo Chủ xúc tiến canh cải cho hợp thời để làm chuẩn mực luân lý giáo hoá người đời trong việc “tu Nhân”. Đây chính là điểm nhấn của giáo lý Phật Giáo Hoà Hảo, và cũng là vấn đề chung nhất, mang tính cấp thiết nhất mà bất cứ người Việt Nam đàng hoàng nào cũng cần phải thường hằng trau giồi, phát huy phẩm hạnh mới không bị mất gốc. Về mặt này, để “Tùy phong hoá nhân sanh phù hạp” Ngài đã nối chí Đức Phật Thầy Tây An (tá hiệu người “Khùng”, còn Đức Huỳnh Giáo Chủ thì tá hiệu người “Điên” – các Ngài giả Khùng, giả Điên để “qua mắt” chính quyền “Lang sa” tàn bạo lúc ấy) là người đã xướng xuất thuyết Tứ Ân dành cho hạng tại gia cư sĩ:


    Điên này nối chí theo Khùng,
    Như thể dây dùn đặng cứu bá gia.

    Dây dùn là phương tiện nối cứu bá gia từ bến mê sang bờ giác. Mỗi người cư sĩ tại gia Phật Giáo Hoà Hảo muốn làm tròn Nhân Đạo phải giữ vẹn Tứ Ân, tức phải ý thức bổn phận đáp đền, vì đó là “nợ thế” không thể không trách nhiệm:

    Nào là luân lý Tứ Ân,
    Phải lo đền đáp xác thân mới còn.
    Vì thế, “Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần” bằng cách:
    Tu đền nợ thế cho rồi,
    Thì sau mới được đứng ngồi toà sen.

    “Đứng ngồi toà sen” là đã thành Phật nhưng không phải “ông Bụt” ta thấy trong chùa (những tượng cốt bất động) vì đó chỉ là hình tượng để chiêm ngưỡng mà thôi! Phật nói ở đây là ông Phật năng động, không điềm nhiên tọa thị hưởng quả bồ đề trường thọ mà phải len lỏi xuống chốn hồng trần để cứu vớt chúng sanh, vì vậy phải “đứng ngồi” để còn lo giúp ích cho sanh chúng, đem lợi lạc cho con người.
    Vậy thì, theo quan niệm của Phật Giáo Hoà Hảo, “Học Phật” là nhằm vẹt phá màn vô minh che mờ căn trí, hầu mở mang trí tuệ cho tinh tấn để thù thắng trên đường tu tập chứ không hẳn học Phật thì sẽ/ để thành Phật (ví như các em học sinh đi học, không hẳn sau đó các em đều trở thành thầy giáo, cô giáo mà họ có thể trở thành nhà văn, nhà khoa học, hoặc công nhân , thương gia, hay làm nông nghiệp ...). Còn “Tu Nhân” là trau sửa phẩm hạnh để thành người chơn chánh.
    Rõ ràng, học Phật để tu Nhân. Tu Nhân để thành nhân. Thành nhân là đã thành Phật (“Làm gian ác là quỷ là ma, Làm chơn chánh là Tiên là Phật”). Và “Nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây phương an dưỡng mà học Đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sanh, nhưng điều đó có lẽ ngoài “chương trình giáo dục” của Đức Huỳnh Giáo Chủ đối với người cư sĩ tại gia trong điều kiện bối cảnh xã hội vô cùng bức thiết “Đời cùngcòn chẳng mấy năm…”;” Tu kíp kíp nếu không quá trễ… lúc bấy giờ. Do vậy Ngài:


    Cả kêu lớn nhỏ đệ huynh,
    Noi chí ấy sửa sang thời thế.

    “Chí ấy” là chí Đức Thích Ca (“Nối theo chí Thích Ca ngày trước”); chíĐức Thầy Tây An thuở xưa thường khuyến khích các môn nhơn đệ tử rằng: muốn làm xong hiếu nghĩa, có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn – 1) Ân Tổ tiên cha mẹ; 2) Ân Đất nước; 3) Ân Tam bảo; 4) Ân Đồng bào và nhân loại; và chí Khổng – Mạnh, chứ Ngài không xướng xuất thêm một triết thuyết nào mới khác, mà trên những cơ sở ấy Ngài chỉ ra sức “lược tả sách kinh” rồi cải tiến cho phù hợp phong hoá nước nhà, phù hợp tâm lý đối tượng giáo hoá và linh hoạt theo hoàn cảnh xã hội tại những thời điểm lịch sử khách quan nhất định, chứ không chủ trương câu nệ, cố chấp cả về hình thức lẫn nội dung.
    Ngài đã cho biết về mình:

    Ngày vâng chỉ đáo lai trần thế,
    Cõi trung ương nhằm đất nước Việt Nam.
    Chọn một chàng tuổi trẻ tục phàm,
    Mượn tay gã, tờ hoa Thần hạ bút.

    “Chàng tuổi trẻ tục phàm ấy là “phần xác” của Ngài:

    Xác ta vốn là người quê dốt,
    Nên mở mang chưa được mấy rành.

    Vì thế trong thuyết giáo tuy “Lời văn thô ý kiến chẳng cao” song cũng rán “Viết ít câu cho đời ngâm vịnh”, mong rằng “Phận tài sơ xin hãy thứ tha”. Nhưng ta hiểu, đó chỉ là đức tính khiêm nhượng của bậc đại hiền, đại trí bởi cả về thuyết viết ai cũng thừa nhận ở Ngài:


    Miệng nhích môi đầy văn tao nhã,
    Hạ bút thần thơ đã đề khai.

    Thật quả đúng như vậy, vì nếu không thế thì sao chỉ với khoảng 5 năm trực tiếp hoằng khai Đạo pháp mà Ngài đã thu hút được hàng triệu tín đồ trong đó có không ít nho gia, những nhà trí thức tân học, nhà văn, nhà thơ, và cả những nhà hoạt động chính trị?
    Nhưng Ngài nói những gì? Viết những gì? “Việc đời” rất gấp, phải ngay tức khắc tập hợp quần chúng lại giúp họ không bị lầm lạc, sa ngã, từ đó dẫn dắt họ cùng làm “việc nghĩa”: cứu đờisửa sang thời thế để sớm thoát ách đô hộ tàn bạo của thực dân. Cho nên Ngài không đề ra bất cứ một thuyết nào khác với thuyết dân tộc, vì như vậy quần chúng phải thêm mất thời gian cân nhắc, suy nghĩ, mà chỉ:


    Lấy lời xưa kết lại ít tờ,
    Cho thiên hạ rỗi nhàn xem xét.

    Lời xưa là Lời Phật thuyết Ta xin nhắc lại; “Sách Thánh đạo ghi trong Tam tự”; là “Thánh nhơn ghi sách Trung dung; “Sách có câu Minh đức tân dân”... Nói tóm:


    Ta dạy thế mượn lời Phật Thánh,
    Nên truyền ban cho chúng sanh tường.

    Tuy:
    Tu không tu cũng không mời thỉnh,
    Mặc tình ai trọng kỉnh hay chê.

    Nhưng Ngài cũng vì người đời mà phát thệ:


    Thương trần Ta cũng rán thề,
    Đặng cho bá tánh liệu bề tu thân.
    Tu hành chẳng được đức ân,
    Thì Ta chẳng phải xác thân người đời.

    Mục đích chính yếu của giáo pháp Học Phật Tu NhânLo đắp bồi văn hóa ngàn năm”, là nhắm thẳng vào việc giải thoát những gì đang ràng trói xác thân phàm tục (như ngu dốt, khổ nghèo, cùng là xích xiềng của kẻ bị trị...: “Tu cho kẻ bạo khâm nhường, Đẹp lòng cha mẹ, Cửu huyền chờ trông).
    Trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại bang thống trị, nhân dân chịu kiếp trâu cày ngựa cỡi vô cùng lầm than, nhục nhã, tổ tiên ta chờ trông con cháu điều gì nếu không phải mong muốn mọi người hãy:


    Cùng nhau đoàn kết đặng khoe sức hùng.
    Khắp Bắc Nam đùng đùng một trận.
    Ấy mới mong quốc vận phản hồi,
    Trước là dẹp lũ Tây bồi.
    Sau đưa quốc tặc qui hồi Diêm cung,
    Nếu nay chẳng vẫy vùng cương quyết.
    Thì ắt là tiêu diệt giống nòi,
    Muôn năm chịu kiếp tôi đòi.
    Thân người như thế còn coi ra gì?!

    Hơn ai hết, người tu theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo đều biết rất rõ rằng, Cái hành đạo đúng theo ý tưởng xác thực của nó là làm thế nào phát hiện được những đức tánh cao cả và thực hành trên thiệt tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh”.
    Căn cốt của giáo lý Phật Giáo Hoà Hảo là khuyên mọi người chí thú làm ăn và lo tu hành chơn chất, đồng thời phải xông xáo dấn thân và tương trợ, giúp đỡ nhau để cùng nhau tiến bộ. Chính ở tính tích cực đó mà hầu hết tín đồ đều đã tin nghe, ứng dụng vào cuộc sống thực tiễn rất nhuần nhuyễn.
    Trong gia đình, không chỉ chu toàn câu hiếu kính mà còn phải “Phận xướng tuỳ chồng vợ nhịn nhau” (bình đẳng chứ không phải “phu xướng phụ tùy” như thời xưa); để sống vui, sống chung thủy Đạo chồng vợ thuận hòa cho đến thác. Không chỉ thế, bổn phận làm cha mẹ phải thể hiện cao nhất trách nhiệm giáo dục đạo đức đồng thời với việc chăm lo cho con cái được học hành, vì Sự học không làm trở ngại cho đạo đức. Trái lại nhờ nó mình được biết rõ ràng giáo lý cao siêu của tôn giáo. Nó tránh cho mình những sự lạc lầm, bỏ các điều dị đoan mê tín. Nó làm cho mình dẹp bỏ những điều huyễn hoặc, không bàn bạc những chuyện xa vời (như tiên đoán thiên cơ chẳng hạn…). Vậy hãy tự mình học hỏi (học chữ quốc ngữ…) và hãy cho con cháu mình vào trường học tập đặng sự hiểu biết của chúng thêm rộng rãi. Vả lại, sự hiểu biết về khoa học không cản trở sự tu hành và nó giúp cho mình nghiên cứu Phật đạo một cách rành rẽ”.
    Ngoài xã hội thì đậm đà tình làng nghĩa xóm, thi nhau làm các việc từ thiện xã hội: bồi lộ, sửa cầu, cứu trợ thiên tai, hoả hoạn, cất nhà tình thương, hốt thuốc Nam, lo cơm ăn nước uống miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện... là những việc làm phước thiện chủ yếu, được thực hiện bền bỉ tại hầu khắp các vùng sâu, vùng xa và các tỉnh, thành trong khu vực. Nói chung là làm hết các việc từ thiện, tránh tất cả điều độc ác; quyết rửa tấm lòng cho trong sạch. Trong sinh hoạt đời sống, do tuyệt đại đa số tín đồ là nông dân – thời Pháp thuộc, lúc mới khai đạo – nên tất thảy đều “Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành”. Họ khắc phục mọi khổ khó, quyết chí làm ăn, cần cù lao động, trực tiếp sản xuất ra nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao góp phần làm giàu cho đất nước. Không chỉ thế họ còn tham gia thực hiện các công trình phúc lợi công cộng cho đẹp xóm, đẹp làng. Vậy đó. Người Phật Giáo Hoà Hảo bao giờ cũng “lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất”, vì họ hiểu rất rõ rằng “Người làm phải như tằm trong kén, Có muôn tơ bao bọc ấm thân”. Thế hệ Phật Giáo Hoà Hảo hôm nay tỏ ra rất linh hoạt trong việc thực hiện và vận dụng lời dạy của Đức Huỳnh Giáo Chủ đối với Tổ tiên để suy hành: “Đền ơn Tổtiên là đừng làm điều gì tồi tệ điếm nhục tông môn, nếu Tổ tiên có làm điều gì sai lầm gieo hoạ đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy sinh đời ta làm điều đạo nghĩa, rửa nhục tổ đường”.
    Rõ ràng, những tấm lòng ấy, những nghĩa cử ấy đều rất đáng nghiêng mình!
    Tóm lại, giáo lý cốt lõi của Phật Giáo Hòa Hảo là “Học Phật Tu Nhân, chứ không phải và không thể là “Tu Nhân Học Phật” như không ít người đã ngộ nhận. Hay nói một cách khác, hiểu “Tu Nhân Học Phật” là hiểu sai. Từ cái sai mấu chốt cơ bản này sẽ dẫn đến vô vàn cái sai khác, không chỉ vô bổ mà vô hình trung đã làm cho tâm trạng người tu hoang mang, lơ lững, tiến dần đến hoang tưởng, không tha thiết việc làm ăn chơn chánh, lười lao động, thậm chí lôi kéo người này người khác đi non đi núi để…tìm Phật! Họ không thể không trở thành kẻ vô tâm đối với gia đình mà còn là khối u ác tính xã hội.
    Là người tu nếu hiểu sai, ắt phải nghĩ sai, tất nhiên sẽ làm sai! Cho dù vô tình, cũng không thể không “mang tội”!
    N.H.
    ____

    (*) Những chữ in nghiêng đậm (màu đà )trong bài là của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
     

Chia sẻ trang này