BA NGÀY XUÂN TRONG VÙNG PHẬT GIÁO HÒA HẢO -oOo- Cứ mỗi độ xuân về trên đất nước, theo tục lệ, mọi người Việt Nam từ trai gái đến trẻ già đều lo trang hoàng nhà cửa, đi mua sắm tết, nào quần là áo lụa, rượu thịt ê hề. Khi tiếng pháo chuột đì đẹt ngoài sân thì trong nhà cũng đã rực rỡ tranh gà trên vách và ngoài đường phố lại diễn ra cảnh: Chí cha chí chát khua giày dép, Đen thủi, đen thui cũng lượt là. Gia đình nào cũng có ít ra vài cân thịt mở một mớ dưa hành, đôi câu đối đỏ và nếu trong Nam năm bảy đòn bánh tét nhân mỡ to tướng thì ngoài Bắc cũng sẵn sàng vài chục chiếc bánh chưng xanh. Nhất là các đệ tử Lưu Linh, dầu thiệt thọ hay mới nhập môn cũng đều phải chạy lo đôi ba hũ rượu để đến ngày xuân trước cúng ông bà, sau đánh chén chơi cho vui bè vui bạn. Cảnh xuân mới xem qua dường như là hoàn toàn xinh tươi, vui đẹp nhưng nếu ta chú ý một chút thì ta sẽ thấy trong bầu trời xuân vẫn còn nhiều điều kém mỹ thuật, những vật mây buồn. Một số người thưởng xuân bằng những thú vui không lành mạnh, trong sạch. Họ uống rượu như hũ chìm, họ cờ bạc thâu đêm suốt sáng, họ đắm mình trong cuộc truy hoan, để rốt cuộc rồi tạo thêm cho xuân những cảnh gây gổ oán hờn, say sưa, ấu đả hay qua ba ngày xuân họ thấy tinh thần uể oải khí lực suy mòn. Nhưng nếu ai qua vùng PGHH vào dịp đầu xuân, nhất là nơi Thánh Địa Hòa Hảo và các vùng ảnh hưởng lớn của Đao, thì lại thấy quang cảnh ở đây có khác hơn nhiều . Họ sẽ được thưởng thức một mùa xuân đầy ý vị, rực rỡ muôn màu, nhưng không kém phần trang nghiêm và thiêng liêng huyền bí. Khắp mọi nhà, trước sân, nơi bàn thông thiên, đều có một vườn hoa xinh xắn, lớn nhỏ tùy theo diện tích của chiếc sân mà chủ nhân chịu khó vun trồng, nào là mồng gà, vạn thọ, thược dược, mẫu đơn, hường, cúc đủ loại… Trong nhà, trước khi trang hoàng, treo đèn kết hoa, người tín đồ PGHH không quên sửa sang nơi bàn Phật và bàn thờ Cửu Huyền. Các chân hương, những bộ lư đồng, đều được lau chùi sáng chói . Những chiếc lục bình dù lớn nhỏ đều có cắm những cành hoa tươi thắm và được luôn luôn chăm sóc, ẩn trong làn khói hương trầm mờ tỏa thơm ngát làm tăng thêm vẽ trang nghiêm, huyền bí lạ lùng. Đứng trước bàn thờ trong một gia đình đầy tâm đạo, nhiều khi ta có cảm giác như đang đứng trước bàn Phật trong một kiểng chùa nào! Đặc biệt nhất là những thức ăn . Thay vì mua sắm rượu thịt, heo gà, người tín đồ P.G.H.H. lại chuẩn bị các món như đậu hủ, tương chao, rau, cải và các thứ hoa thơm quả ngọt, chuối, quít, cam dừa … vì tuân theo lời dạy của Đức Huỳnh Giáo Chủ, phải lấy đức hiến sinh mà dung ta cho loài cầm thú, các tín đồ đều ăn chay trong ba ngày 29-30 và mồng một. Từ các thứ bánh đến các thức ăn để cúng ông bà đều không dùng thịt, mỡ, cá, tôm, mà chỉ dùng dầu, mè, rau, đậu. Người tín đồ PGHH lại không uống rượu chỉ dùng nước ngọt giải khát, đặc biệt nhất là trà. Vì thế ta có thể nói vùng PGHH. là vùng có một mùa xuân đầy ý nghĩa: "Tưng bừng muôn cây cỏ Rộn rực khắp mọi nhà Mừng vui bao thú vật Chào đón chúa xuân ra." Chiều 29 nếu tháng thiếu, hoặc 30 tết mọi người đều ngưng tất cả công việc làm ăn để lo chuẩn bị đón giao thừa . Tối đến nhà nhà thức tới khuya và chuyện trò vui vẻ . Trên bàn thờ và bàn Phật đèn nếu sáng choang, hương trầm nghi ngút . Mỗi bàn Thông-thiên đều có sắp bày hương hoa rực rờ và một chiếc đèn lồng ánh sáng dịu dàng đủ soi tỏ những nụ hoa muôn màu vừa chớm nở hé nhụy hứng sương. Một đôi nơi, thoang thoảng mùi hoa huệ hoặc dạ lý hương, vừa bước chân vào sân là chúng ta có cảm tưởng như đã lạc vào một động, phủ nào. Tiến vào nhà, chúng ta thấy giữa đám trẻ con chạy nhảy tung tăng, các thanh niên, thiếu nữ ngồi quây quần trên bộ ván quanh bàn cờ tướng hay cờ quan - (Người PGHH. không được phép đánh bạc) vừa đổ hột vừa cười đùa. Nơi bàn giữa, các cụ già ngồi quanh ấm trà thơm, dĩa bánh ngọt vừa trầm ngâm nghĩ ngợi, vừa thưởng thức hương vị ngọt ngào hay kể chuyện tâm tình làm ăn, mưa nắng thật là êm đềm, hạnh phúc. Đến giao thừa, giữa những tiếng pháo đì-đùng, mọi người lũ lượt kéo nhau từ nhà nầy sang nhà khác, họ chỉ uống với nhau một chung trà quạu, ăn một miếng mứt gừng, chúc nhau vài câu mộc mạc nhưng tình thân lại càng đậm đà thấm thiết hơn lên. Trong những ngày đầu năm, bầu không khí trong vùng PGHH. thật là êm đẹp, dịu hiền. Người ta không nghe tiếng giãy giụa của một con gà, đừng nói chi đến tiếng bò rống, heo la, chó tru, hãi hùng như các vùng khác. Các cô thôn nữ tâm hồn trong trắng, chất phác nhu mì, với những bộ quần áo khiêm tốn màu sắc không lòe loẹt trong ba ngày xuân lại càng thêm đẹp đẻ dịu dàng . Những bàn tay nhỏ nhắn, mịn màng chỉ dùng để hái những đóa hoa thơm, hay gọt những trái cây lành chớ không còn cầm đến con dao để cắt cổ gà, đập đầu cá hay mân mê một miếng thịt đầy máu đỏ gớm ghiết, đượm nhiều từ điễn xấu hay tư tưởng oán hờn của con vật khi bị giết rải ra. Nếu còn có một đệ tử Lưu Linh nào lạc lõng trong vùng thì cũng ngại ngùng lén lút chứ không bao giờ dám to tiếng, cạn bầu. Đi từ đầu xóm đến cuối thôn, ta chẳng hề nghe một tiếng gây gổ lè nhè của kẻ sau sưa mà trái lại suốt ngày đêm ta chỉ nghe văng vẳng bên tai giọng bổng trầm của những xướng ngôn viên trong ban phổ thông giáo lý PGHH ngâm nga những lời vàng ngọc, ý nghĩa thâm sâu khuyên đời làm lành tránh dữ, làm cho lòng ta dầu trần tục đến đâu cũng cùng thấy nhẹ nhỏm lâng lâng hồn ta trở nên yên tĩnh và ta có cảm giác như say mê mùi đạo lý làm dạ muốn tu hành! Ngoài những điểm trên, trong ba ngày xuân người tín đồ PGHH còn xây dựng không biết bao nhiêu là tư tưởng lành, vì hầu hết các thanh niên nam, nữ, các bô lão đều rũ nhau đi lễ bái ở các chùa chiền và nếu không đi được thì họ cũng đèn hương quỳ trước bàn thờ cửu huyền hay trang Phật mà nguyện cầu cho đồng bào hạnh phúc, thế giới bình an. Tóm lại, nhờ có ba ngày xuân chay lạt, người tín đồ PGHH. mới thưởng thức được hết cái vui, cái đẹp của những ngày xuân, xuân trong lòng người, xuân trong cây cỏ, xuân trong muôn vật . Mà càng hưởng được những ngày xuân đầy thi vị, người tín đồ PGHH lại càng cảm phục và tưởng nhớ đến đức Huỳnh Giáo Chủ, vị Tôn Sư mà họ vẫn trọn đời thờ kính và cầu mong cho ngày Thầy sớm trở về. Trúc Lâm