BÁC HỌC ĐA VĂN, của Cư sĩ Phan Thanh Nhàn

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 5/7/17.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    BÁC HỌC ĐA VĂN
    Cư sĩ Phan Thanh Nhàn

    --oOo--

    Báchọc: Người thông thái, học rộng, uyên thâm, hiểu biết sâu sắc về một hay nhiều lãnh vực.

    Đa văn: Nghe nhiều, biết rộng.


    Trong quá khứ, chúng ta ai là người tu theo đạo Phật đều biết, A Nan là một đệ tử của Đức Phật rất giỏi. Kinh văn đã mô tả Ngài là một người có năng lực phi thường, lời nói của Đức Phật nói ra bao nhiêu Ngài nhớ bấy nhiêu, không bỏ sót lời nào, và theo văn học Đại thừa thì Ngài chứng quả A La Hán rất muộn dù Ngài là người có những điều kiện tốt lành nhất so với những vị khác; Ngài cận kề bên Đức Thế Tôn nhiều hơn ai hết và lại là người cực kỳ thông minh.

    Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, ngài Ca Diếp vân tập đại chúng để kiết tập kinh điển, người đầu tiên mà ngài Ca Diếp chọn để trùng tuyên lại tam tạng Thánh điển của Phật không phải là Ngài A Nan mà là Tôn giả Kiều phạm Ba Đề.

    Cũng trong cuộc vân tập năm trăm Thánh tăng tại hang Tất Bát La, kiết tập tam tạng lần đầu, ngài Ca Diếp đã không cho A Nan vào. Tuy chỉ có bốn trăm chín mươi chín người, còn thiếu một người nhưng ngài Ca Diếp nói Thánh giáo của Đức Phật, người muốn trùng tuyên đọc phải là người dứt sạch lậu hoặc, không còn phiền não, không còn những hoặc nghiệp của tâm thức dù là những hoặc nghiệp vi tế. Thầy A Nan là người còn lậu hoặc, chưa chứng được quả A La Hán nên không được phép vào đây, ông phải ra ngoài.

    Ngoài ra ngài Ca Diếp nói: “Ông có bảy lỗi đối với Đức Phật, ông có biết không?” Và với bảy tội ngài Ca Diếp lần lược đem ra hạch hỏi. A Nan đành phải phủ phục lạy xuống sám hối.

    Lúc bấy giờ bốn trăm chín mươi chín Thánh tăng tập trung trong hang Tất Bát La không có một vị nào thân cận bên Đức Phật lâu nhất và có trí nhớ tuyệt vời như ngài A Nan để trùng tuyên Thánh điển nên các Ngài đành tọa thiền chờ thầy A Nan.

    Ngài A Nan qua một đêm thiền quán những nỗi niềm bất an, phiền muộn, những lậu hoặc, ưu não trong kiếp hiện tại được dịp tuôn trào và Ngài tiếp tục tọa thiền cho đến gần sáng. Khi quá mệt mỏi, Ngài nghiêng nghiêng đầu định đặt lên gối thì ngộ đạo.

    Niềm đau lớn nhứt cho A Nan lúc chưa chứng quả A La Hán là, mặc dù cực kỳ thông minh, có trí nhớ tuyệt vời, những lời của Đức Thế Tôn nói ông ghi nhớ không thiếu một chữ vậy mà trong kỳ trùng tụng lời Phật dạy lại bị đuổi ra ngoài, cho nên bác học đa văn là điều kiện tốt nhưng chưa hẳn là tốt nhất.

    Mười hai thế kỷ sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Huệ Năng là người ở đất Lĩnh Nam, huyện Tân Châu, dốt lại nghèo túng, cha mất sớm, chỉ còn mẹ, làm nghề bán củi ngoài chợ để mưu sinh. Một hôm giao củi đến nhà khách xong, khi ra cửa, thấy một vị tụng kinh, nghe lời kinh, tâm liền tỏ ngộ, Huệ Năng hỏi: “Ông tụng kinh gì vậy?” Khách đáp: “Kinh Kim Cang”, Huệ Năng hỏi tiếp: “Ông từ đâu đến đây tụng kinh nầy?” Khách đáp: “Tôi đến từ Kỳ Châu huyện Huỳnh Mai, chùa Đông Thiền, do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đại sư chủ trì, nơi đó hóa độ môn nhơn hơn ngàn người. Tôi thường đến lễ bái và thỉnh được kinh nầy. Nhẫn Đại sư thường khuyên tăng, tục, cứ tụng kinh Kim Cang, sẽ thấy được tánh, thành Phật”.

    Huệ Năng nghĩ mình có tiền duyên, được nghe lời kinh, vừa có 10 lạng bạc của vị khách tụng kinh cho, đồng thời nghe được lời khuyên nên về lo liệu cơm áo nuôi dưỡng mẹ già, rồi đến huyện Huỳnh Mai tham lễ Ngũ Tổ.

    Huệ Năng lên đường đến huyện Huỳnh Mai vào lễ bái Ngũ Tổ. Tổ hỏi: “Ông người xứ nào đến đây, muốn cầu việc gì?” Huệ Năng bạch: “Đệ tử là dân Lĩnh Nam, huyện Tân Châu, từ xa đến đây lễ Hòa thượng, chỉ cầu làm Phật” Tổ bảo: “Ông người Lĩnh Nam, là Nam rợ, sao có thể thành Phật được?” Huệ Năng nói: “Người tuy chia Nam Bắc, Phật tánh không có Bắc Nam, thân Nam rợ nầy đối với Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh thì có gì khác biệt”. Ngũ Tổ muốn đối đáp thêm, nhưng thấy có nhiều người vây quanh, nên sai Huệ Năng ra sau nhà làm việc. Huệ Năng thưa: “Bạch Hòa thượng, đệ tử tâm thường sanh trí huệ, không lìa tánh mình, đó là ruộng phước; vậy, chẳng hay Hòa thượng còn dạy đệ tử làm việc chi?” Tổ quở: “Người Nam rợ nầy căn tánh thông minh, nhưng thôi, đừng nói nữa, hãy đi mau mau ra nhà sau”. Công việc của Huệ Năng sau hậu viện chỉ bửa củi và đạp chày giã gạo. Công việc đó ròng rã hơn 8 tháng. Một hôm Tổ bắt chợt đến, thân mật an ủi: “Tôi nghĩ chỗ nhận thức của ông dùng được, nhưng vì sợ có kẻ ác hại, nên chẳng tiện đàm luận, ông có hiểu không?” Huệ Năng bạch: “Đệ tử cũng biết ý Thầy, nên không dám đến trước giảng đường, sợ đồ chúng chú ý”.

    Một ngày kia Ngũ Tổ bỗng nhiên cho gọi các môn nhơn tề tựu. Ngài nói: “Tôi cho các ông biết, người đời sanh tử là việc lớn, nhưng các ông tối ngày chỉ lo cúng dường, chỉ lo cầu ruộng phước mà chẳng lo cầu thoát ly biển sanh tử khổ đau. Các ông tự tính mê mờ, cửa phước nào cầu được. Các ông mau mau về phòng tự khán. Người có trí huệ ắt nắm giữ được bản tính của trí Bát Nhã. Mỗi người hãy làm một bài kệ trình tôi. Tôi xem kệ nếu ai ngộ được Đại ý (ý nghĩa lớn lao, ý cốt tủy của Phật pháp), tôi sẽ giao truyền y pháp Tổ thứ 6. Mau lên, mau lên”.

    Thượng tọa Thần Tú suy nghĩ: “Mọi người không trình tâm kệ chỉ vì mình là giáo thọ sư của họ. Nếu mình không trình tâm kệ thì Ngũ Tổ làm sao biết trong tâm mình sâu cạn ra sao? Ta trình tâm kệ lên Tổ. Cầu pháp là việc tốt, nhưng cầu ngôi Tổ thì không, như thế thì chẳng khác nào bọn phàm nhân mang tâm tranh giành Thánh vị. Nhưng nếu không trình tâm kệ thì rốt cuộc cũng không cầu được Phật pháp”. Thượng Tọa Thần Tú suy nghĩ mãi và sau cùng đến canh ba quyết tâm đi đến hành lang phía sau để viết bài tâm kệ cầu Pháp và nghĩ rằng: “Tổ sẽ xem bài kệ này. Nhưng nếu ý tứ chẳng đạt, thì đó cũng chỉ là tâm mình mờ tối túc nghiệp còn nặng chẳng được đắc Pháp. Thánh ý khó dò nhưng tâm mình dù sao cũng được yên ổn”.

    Thần Tú viết bài kệ lên bức tường ở giữa hành lang không một ai biết:
    Thân thị Bồ Đề thọ,
    Tâm như minh kính đài.
    Thời thời cần phất thức,
    Mạc sử hữu trần ai.
    (Cội Bồ Đề là thân,
    Tâm như đài gương sáng.
    Lao chùi đừng xao lãng,
    Chớ để bám bụi trần)

    Sáng hôm sau Ngũ Tổ có việc đi ra ngoài chợt thấy bài kệ, Ngài cho gọi tất cả môn nhơn đến, thắp hương trước bài kệ. Tổ nói: “Các ông nên đọc bài kệ nầy. Người ngộ được bài kệ, có thể kiến tánh được. Theo đó mà tu hành ắt không bị đọa lạc”.

    Sau đó Ngũ Tổ gọi Thần Tú vào phòng hỏi: “Ông làm bài kệ đó phải không?”

    Thần Tú nói: “Xin thỉnh tội, quả thực bài kệ nầy do Thần Tú làm. Con không dám cầu ngôi Tổ, chỉ xin Hòa thượng từ bi xem đệ tử có chút trí tuệ nào để thấu hội Đại ý Phật pháp hay không?” Ngũ Tổ nói: “Ông làm bài kệ nầy cho thấy kiến giải chỉ mới đến cửa, chưa vào được trong. Kẻ phàm phu theo lời kệ nầy tu hành ắt chẳng đọa lạc. Nhưng lấy kiến nầy mong cầu Vô Thượng Bồ Đề (chỉ giác ngộ ngôi vị đạo quả tối thượng) thì chưa thể được. Muốn vào trong cửa phải thấy được bản tính mình. Ông hãy về phòng suy tư thêm một đôi ngày nữa, làm bài kệ khác trình tôi. Nếu ông qua được cửa, thấy được bản tánh, thì tôi sẽ trao truyền y Pháp”. Thần Tú về phòng nhưng mấy hôm sau vẫn không làm được kệ.

    Có một chú bé đi qua phòng giã gạo tụng đọc bài kệ ấy. Huệ Năng nghe biết ngay người viết chưa kiến tánh để hiểu Đại ý Phật pháp.

    Khi nghe chú bé kể lại bài kệ nầy do thượng tọa Thần Tú viết. Tổ dạy môn nhơn tụng đọc, cứ như thế tu hành sẽ được giải thoát.

    Chú bé dẫn Huệ Năng đến lễ bài kệ nhưng không biết chữ, nên nhờ một người đọc hộ. Vừa nghe xong, Huệ Năng đã hiểu được Đại ý. Sau đó Huệ Năng làm một bài kệ, rồi nhờ một người biết viết, viết dùm lên bức tường phía tây để trình tự bản thân mình. Không biết bản tâm học Pháp vô ích. Biết tâm kiến tánh mới ngộ được Đại ý Phật pháp. Bài kệ của Huệ Năng như sau:
    Bồ Đề bản vô thụ,
    Minh kính diệt vô đài.
    Phật tính thường thanh tịnh,
    Hà xứ hữu trần ai?

    (Bồ Đề vốn không cội,
    Gương sáng chẳng phải đài.
    Chơn như không một vật,
    Chỗ đâu bám bụi trần?)


    Mọi người trong viện thấy Huệ Năng làm bài kệ đều kinh ngạc. Sau đó Huệ Năng trở về phòng giã gạo. Ngũ Tổ chợt đi đến hành lang, xem bài kệ biết ngay Huệ Năng thấy được Đại ý, nhưng không muốn cho mọi người biết nên nói: “Bài kệ cũng chưa được”.

    Cho đến canh ba nửa đêm, Ngũ Tổ gọi Huệ Năng vào phòng, giảng kinh Kim Cang cho nghe. Huệ Năng vừa nghe đã ngộ, đêm đó đắc Pháp không ai hay biết, lại được truyền thụ Pháp đốn ngộ và y, làm Tổ thứ 6. Ngũ Tổ nói: “Huệ Năng! Từ xưa nay trong việc truyền Pháp, sinh mạng đã như sợi dây tơ. Nếu người ở lại đây ắt có kẻ hại. Người nên đi ngay”. Huệ Năng được truyền y, Pháp, nửa đêm đi ngay về hướng Nam.
    Trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ có nhắc đến cuộc hành hóa đạo mầu của Đức Lục Tổ khi đến thọ giáo với Đức Ngũ Tổ, Ngài đã rõ tâm mình có đủ Phật tánh. Thời gian ở đây chẳng được lên giảng đường tham học kinh văn, song Ngài vẫn chuyên hành pháp kiến tánh. Vậy mà khi nghe Ngũ Tổ thuyết kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Không nên trụ vào chỗ nào mà sanh tâm) thì Ngài hoát nhiên đại ngộ:
    “Nào ngờ tánh mình vốn sẵn trong sạch,
    Nào ngờ tánh mình vốn không sanh diệt,
    Nào ngờ tánh mình vốn sẵn đầy đủ,
    Nào ngờ tánh mình vốn không lay động,
    Nào ngờ tánh mình vốn sanh muôn pháp”

    Và Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ thuyết:
    Đức Lục Tổ ít ai dám sánh,
    Người dốt mà nói pháp quá rành.
    Lựa làm chi cao chữ học hành,
    Biết tỏ ngộ ấy là gặp Đạo

    (Giác Mê Tâm Kệ)

    Huệ Năng vốn ít học, không phải là người xuất thân từ Tùng lâm học thuật, cũng không phải là người sinh ra từ rừng kinh biển chữ nên ngôn ngữ của Ngài giản dị vô cùng. Ngài đã mở ra một con đường cho người học Phật có thể đột nhập vào tâm rất dễ. Tinh thần trong kinh Kim Cang qua ngôn ngữ là: “Không trụ vào sắc sinh tâm, không trụ vào thinh, hương, vị, xúc để sinh tâm, mà phải trụ vào chỗ vô trụ để sinh tâm. Đó là con đường để hàng phục vọng tâm, an trụ chơn tâm”.

    Khi Huệ Năng nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Ngài ngộ. Nhưng với Huệ Năng, khi giúp cho người học đạo nắm được bản tâm bằng một ngôn ngữ rất bình dân giản lược bằng lời: “Ông hãy buông hết tất cả những vọng niệm lăng xăng, an tâm tại ngay nơi đây và giờ phút nầy. Hãy nhìn lại xem lúc tâm thức an bình, tĩnh lặng không có ý niệm về thiện, về ác; lúc đó cái gì là bản lai diện mục của ông”. Bằng câu nói nầy, Lục Tổ Huệ Năng đã trao cho Huệ Minh, tức khắc Huệ Minh nhận được bản lai tâm, tức tâm thể chân thật của chính ông ta.

    Sở dĩ Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ nhắc chuyện trên, ý để dạy môn đồ, việc tu chẳng đợi phải học giỏi hay thông suốt kinh văn, nếu ai biết xoay về bản tâm của mình, lọc hết các vọng niệm tà quấy, tức tỏ ngộ chơn tánh:
    Lòng ngộ rồi chẳng đợi nhiều kinh,
    Thì cũng thấy bổn lai diện mục.

    (Sa Đéc)

    Ngoài ra Ngài cũng hằng khuyên tín đồ tu theo Đức Lục Tổ Huệ Năng, tức là tu đúng theo chánh pháp vô vi của Đức Thích Ca, vì Đức Lục Tổ đã chứng thọ chân truyền, chớ không nên theo Thần Tú:
    "Khùng nói cho già trẻ làm tin,
    Theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú".

    (Kệ Dân)

    Bởi phái nầy thường bày ra âm thanh sắc tướng, làm sai lạc chân lý của đạo Phật, cúng kiếng chè xôi, tụng tán cầu siêu, làm đám …Thế mà trong giới tu hành chẳng lo cải sửa. Cho nên từ ấy đến nay ít có nhà tu chứng đắc:
    "Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mõ,
    Từ xưa nay có mấy ai thành."

    (Kệ Dân)

    Trở ngại của bác học đa văn:

    Trở ngại của bác học, đa văn, ái đạo, là nếu chúng ta càng phát triển tính chất học rộng, nghe nhiều yêu mến đạo lớn bao nhiêu, sẽ sinh trưởng thêm những kiêu ngạo cuồng tín lớn bấy nhiêu.

    Trong Kinh, Phật đã kể lại chuyện một người xuất gia lúc Phật còn tại thế. Người xuất gia nầy ỷ mình học rộng, thường nghe Phật giảng kinh thyết pháp, nghe nhiều nên sinh tâm kiêu ngạo cũng giống như người hiện nay thường nói “điều nầy đáng được hãnh diện”. Lúc Phật còn tại thế, vị nầy tu học rất tốt, trì giới thanh tịnh, nghe kinh rất nhiều, cho nên rất kiêu ngạo. Kiêu ngạo là phiền não, vị nầy không sanh trí huệ mà sanh phiền não, không đem lại sự lợi lạc cho bản thân.

    Một hôm du sĩ Dighanaka tìm đến Đức Thế Tôn và hỏi về giáo pháp của Ngài, vì có người nhận thức giáo pháp của Ngài như một chủ thuyết. Việc nầy được Thế Tôn giảng giải. Nầy du sĩ Dighanaka, câu hỏi của bạn hay lắm. Giáo pháp của tôi không phải là một chủ thuyết do trí năng tạo dựng, nhưng sau nầy và ngay cả bây giờ nữa, đã có thể có những người nhận giáo pháp ấy như một chủ thuyết. Tôi cần phải nói rõ: giáo pháp của tôi là một phương tiện để đi vào thực tại chớ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như ngón tay chỉ lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả. Giáo pháp của tôi là để thực tập chớ không phải để cất giữ mà thờ phụng và ca ngợi. Chiếc bè là để giúp ta qua sông chớ không phải để ta vác lên trên vai mà tự hào. Nầy bạn, giáo pháp của tôi dạy cũng giống như một chiếc bè.

    Phải xử dụng nó để sang bờ bên kia, bờ giải thoát.

    Chữ nghĩa ở đây được ví như là ngón tay, nhưng chúng ta chỉ nương vào lý kinh để nhận ra mặt trăng. Nguyên tắc chúng ta học kinh là nương vào lời kinh để nhận ra cái gì là của chính mình, nhận ra trong chiều sâu của thân tâm nầy cái gì là Phật của chính mình quay lại để tu. Thay vì nương vào diệu chỉ từ lý kinh để nhận ra mặt trăng lòng của chính mình thì chúng ta vụng về bằng vào kinh để giải thích dòng dài bằng lời nói không thể diễn tả được thực tại; điều nầy làm cho người học chạy ra ngoài. Tự thân bản văn của lý kinh chỉ là ngón tay mà chúng ta chỉ nương vào ngón tay để giải thích dòng dài rồi chúng ta làm công việc lấy ngón tay chỉ ngón tay. Thay vì nương ngón tay để thấy trăng, ta lại thấy ngón tay chỉ ngón tay, đây là sự hiểu lầm. Nội dung trong mỗi quyển kinh, mỗi đời có năm mười vị thầy giải thích, chú giải…qua nhiều tầng nghĩa khác nhau tùy theo tâm thức của các bậc thầy thiên tài chữ nghĩa ấy. Người học Phật như chúng ta, cứ học, rồi cuối cùng không hiểu ý kinh nằm ở chỗ nào. Cho nên đi vào lãnh vực chữ nghĩa cho nhiều chỉ làm chúng ta đi lạc vào trong rừng mịt mù của ngón tay mà không thấy mặt trăng, nên gọi “nhận lầm ngón tay là mặt trăng”. Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ khuyên người đọc kinh sấm nên tìm hiểu nghĩa thấu đáo để tránh lầm lẫn, “Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo”:
    "Ngâm nga hiểu nghĩa đáng kim ngà,
    Huyền bí nhiều lời chỉ thiệt xa.
    Bổn đạo rán tìm cho cặn kẽ,
    Lòng hiền Phật độ khỏi tinh ma".

    (Tối Mùng Một)

    Hay:
    "Hào quang chư Phật rọi mười phương,
    Đạo pháp xem qua chớ gọi thường.
    Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu,
    Cố công gìn giữ tính thuần lương".

    (Khuyến Thiện)

    Chúng ta thường mắc phải sai lầm là khi chúng ta học càng nhiều, chúng ta càng đi lạc vào rừng chữ nghĩa, ngôn ngữ, khái niệm, tư duy. Chúng ta nên hiểu rằng, đạo lý chân thật là đạo lý đơn giản nhất, chớ không phải là rườm rà khó hiểu. Chúng ta đừng kỳ vọng quá nhiều vào sự học rộng nghe nhiều là tốt, đôi khi là điều trở ngại, chính nó làm cho chúng ta dễ lầm lẫn mục đích với phương tiện. Điều nầy tự thân mỗi chúng ta tư duy để hiểu thêm.

    Chúng ta học đạo lý không phải để chạy ra ngoài mà hãy quay lại vùng đất tâm của mình để nhận ra cái gì là tự thể Niết Bàn của chính mình, cái gì là không sinh, không diệt nơi thân tâm của ngũ uẩn nầy. Nếu chúng ta nắm được các khái niệm nầy, dù chúng ta có học ngàn kinh vạn sách, mọi học thuyết, mọi ông thầy, chúng ta cũng không thể lầm lẫn ngón tay là mặt trăng được. Chúng ta xác định được ngón tay là ngón tay, mặt trăng là mặt trăng. Trong cuộc sống, chúng ta chưa bao giờ bằng lòng với cuộc đời của mình. Chúng ta lúc nào cũng nghĩ cần phải nắm giữ một cái gì để tâm thức có niềm vui. Đó là những gì chúng ta đã từng làm trong quá khứ cũng như trong hiện tại.

    Trong sự tu học cũng thế, chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải nắm giữ một cái gì như có kiến thức Phật học, phải thành công điều gì. Nhưng chúng ta biết rằng tất cả những điều nầy chỉ bồi đắp thêm cho lớp bản ngã, mà trong khi điều chính yếu của sự tu tập là quay trở về tự thể vô ngã của chúng ta, chớ đâu phải bồi đắp thêm cái bản ngã. Trong kinh Kim Cang, Đức Phật đã dạy người tu hành phải “vô ngã tướng” mới mong đắc quả và Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ cũng dạy: “Vô ngã tướng mới là thiệt tướng”.

    Khi đến với Đạo, chúng ta phải gột sạch lớp mây mù chấp ngã, nhưng ngược lại chúng ta lại chồng thêm lớp chấp ngã vào. Gỉa như chúng ta chỉ là một người bình thường không có danh vị gì trong cuộc sống, bản ngã hình như không có dịp bộc lộ hoặc có khi chúng ta cảm tưởng như không có. Nhưng nếu là người có địa vị lớn trong xã hội, rồi bỗng nhiên một hôm bị xúc phạm, thì sự tổn thương càng bị chồng chất bởi quyền thế, danh phận, tiền bạc, tự hào, kiêu ngạo… từ đó nỗi đau đớn thêm lên và có thể họ không ngần ngại hủy diệt đối phương khi đụng đến danh dự của họ.

    Còn như ở đạo tràng, một thầy tu bình thường, khi bị xúc phạm sẽ ít bị tổn thương. Nhưng nếu một vị chức sắc lớn, có chức quyền, có tài, có đức, có được mọi người kính trọng, nếu bị xúc phạm bằng những lời lẽ nặng nề thì tổn thương lớn vô cùng.

    Câu chuyện về một vị mục sư lên bục giảng, do vì già nên trí nhớ không còn minh mẫn, nói là Chúa Ki Tô đã ban phép lành, Chúa có một ngàn ổ bánh mì ban cho một người vẫn còn một ổ trên tay. Đúng ra nguyên văn trong Thánh Kinh nói Chúa chỉ cầm một ổ bánh mì trên tay mà đã chia cho một ngàn người ai cũng có, và trên tay Chúa vẫn còn một ổ. Phép lạ Chúa thật là tuyệt vời. Nhưng vì già lẫn lộn nên vị mục sư đã nói sai. Thường thường ít ai để ý đến lời giảng, nhưng có một anh nông dân ngồi trong góc rất ngạc nhiên vì phép mầu gì kỳ cục vậy. Có một ngàn ổ bánh mì chia cho một người mà còn dư anh ta làm cũng được đâu phải cần đến Chúa có phép lạ. Thế là anh ta đứng lên cải lại mục sư. Vì đãng trí, vị mục sư không nhớ mình đã nói như thế, nên lòng bực tức căm giận vì gã đàn ông kia dám báng bổ phép mầu của Chúa.

    Ngày hôm sau ông vẫn giảng lại bài kinh cũ, và lần nầy vì đã có chủ định nên ông giảng đúng như trong Thánh Kinh. Giảng xong, vị mục sư nhướng mắt châm biếm hỏi người hôm qua đã cãi ông: “Anh có làm được phép mầu nầy giống như Chúa đã làm không?” “Được chứ, tôi vẫn làm được”, anh chàng nhà quê trả lời. “Tại sao, anh có phép mầu như Chúa à?” Mục sư già hỏi. Anh đáp: “Tại sao không? Bánh mì hôm qua còn dư chín trăm chín mươi chín ổ, cộng với một ổ hôm nay tôi đem cho tiếp.” Đây là câu chuyện vui gợi cho chúng ta hiểu một điều là nếu như vị mục sư kia không có bản ngã, không sợ ai thì đâu cần có ý định ngày mai sẽ cho anh chàng nhà quê kia một bài học. Ông cũng không cần tỏ ý đắc thắng và kiêu ngạo cải lại với người kia làm gì. Ngay lúc đó ông chỉ cần nhẹ nhàng xin lỗi vì sự lầm lẫn, vô ý của mình thì đâu có gì để giận dữ, bực tức.

    Ông cũng không cần tỏ ý đắc thắng và kiêu ngạo thách thức cãi lại với người kia làm gì.

    Lớp mây mù bản ngã có năng lực che mờ tâm thức làm cho lòng ta bất an và sợ hãi. Những nỗi sợ phát sinh do vì chúng ta sợ không được người ta kính trọng, sợ không được người ta tâng bốc… và có rất nhiều chuyện sợ phát sinh từ bản ngã. Nếu chúng ta gột bỏ được lòng tự hào về bản ngã, tức khắc chúng ta sống rất khiêm tốn và cũng rất hiên ngang trong cuộc đời; không kiêu ngạo, không mặc cảm, cũng không biết sợ ai.

    Trong xã hội, những người mới thành công hoặc đang hãnh tiến trên con đường công danh, chúng ta thấy cách hành xử của họ khác, cách họ đi đứng cũng khác với người có cuộc sống bình thường.

    Chuyện kể về anh thợ may, chuyên may quần áo của các quan; ngày kia có vị quan cần may một bộ quan phục đến. Người thợ may hỏi ông làm quan được bao lâu. Ông quan cho biết chỉ vừa mới nhậm chức. Bác thợ may trả lời sẽ may cho ông áo kiểu khác. Ông quan ngạc nhiên không hiểu cớ gì mà tên may áo hỏi đến chuyện ông nhậm chức hồi nào, liền hỏi và được thưa rằng: “Vì Ngài là quan mới nhậm chức, tôi phải may áo vạt trước dài, vạt sau ngắn. Nếu làm quan ít lâu tôi sẽ may vạt trước, vạt sau bằng nhau. Và Ngài đã làm quan từ rất lâu, tôi sẽ may vạt trước ngắn, vạt sau dài.”

    “Vì sao?” Quan hỏi. Anh thợ may đáp: “Vì khi mới làm quan, lúc nào Ngài cũng ưỡn ngực, mặt luôn ngó lên nên phải may vạt trước dài. Làm quan lâu đã thấm mùi khó khăn, đọa đầy trong chốn quan trường, sự kiêu ngạo, hống hách vơi bớt nên vạt trước, vạt sau bằng nhau. Còn như Ngài ở chốn quan trường đã lâu, đã mỏi mệt vì khúm núm , luồn cúi, sợ sệt thiên hạ nên tôi phải may vạt trước ngắn vì lúc bấy giờ lưng Ngài khòm quá rồi.” Tất cả những điều nầy cho chúng ta thấy lớp mây mù bản ngã khó gột tẩy. Đây là niềm tự hào vô hình, nó bám chặt vào cuộc đời chúng ta khó tháo bỏ. Sự kiêu ngạo thầm lặng của những người trí thức, đa văn, học thuật là những gì trở thành bản chất, trở thành tính cách của họ.

    Sự đóng góp của bác học đa văn:

    Học rộng, nghe nhiều, yêu mến Đạo trao cho chúng ta một định hướng sống và thành đạt. Khi đi vào một pháp môn học tập, chúng ta hãy hứa với lòng mình đi đến kỳ cùng. Yếu tố tích cực nầy giúp chúng ta hướng đầu tiên vào Đạo để học hỏi, phát triển tư duy.

    Nếu trên con đường tu chúng ta không trở thành một người học rộng, nghe nhiều, không yêu mến truyền thống tu của mình, chúng ta sẽ thất bại. Và trong tương lai, chúng ta muốn độ sinh, chúng ta không có đủ kiến thức để truyền đạt. Cũng như khả năng ngôn ngữ của mình hạn chế thì không thể trình bày vấn đề tu hành của mình cho người khác cảm thông, không thể thiết lập được nhịp cầu từ trái tim mình đến trái tim người nghe hay người đọc. Đó là sự thất bại.

    Ngôn ngữ là phương tiện ngàn đời trên mặt hành tinh nầy để cho chúng ta truyền đạt. Giáo pháp của Đức Phật được làm bằng ngôn ngữ, các bậc thầy dạy đạo cũng dạy bằng ngôn ngữ, chúng ta truyền đạt tri thức của mình cũng bằng ngôn ngữ. Học rộng, nghe nhiều, yêu mến Đạo và nhiệt tình thực tập trao cho chúng ta phương tiện truyền đạt để đạo Phật tồn tại và để giúp người, làm cho người hạnh phúc. Hướng tích cực của sự học hỏi Phật pháp có năng lực gieo vào tâm thức ta mỗi ngày những hạt giống hiền thiện tạo thành dòng nước mát ngọt. Bản chất của dòng nước nầy nuôi dưỡng chúng ta từ đời nầy qua đời khác; rồi lần lược nhiều đời đi ngang qua để có thể phát triển tiềm năng thành Phật nơi chính tự thân tâm nầy.

    Khả năng tu học của chúng ta không phải một sớm một chiều tự nhiên thành công, mà là quá trình rất dài như những giọt nước chảy vào từng giờ, từng ngày một, đọng lại thành hồ. Cho nên trong cuộc sống ngắn ngủi nầy khó qua khỏi trăm năm, mỗi ngày chúng ta phải làm cho tuệ giác mình ngày càng phát triển, tâm yêu thương càng ngày càng rộng, để đến khi hình hài nầy thọ mạng chấm dứt, lần sau biểu hiện lại tốt đẹp hơn, như ngài Phù Dung đã nói:
    Nhật nguyệt dị mại,
    Nhược phất vãn lai,
    Sanh giả bất tu,
    Tử tương hề cụ.


    Nghĩa là ngày tháng qua rất nhanh, đi qua rồi không trở lại. Đang sống đây, đang hít thở đây, hình hài nầy đang tồn tại đây mà không tu, không học, không có những tư lương bỏ vào hằng ngày thì ta sẽ đem gì qua cuộc sống bên kia.
    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
    Nam Mô A Di Đà Phật
    Ngày 01 tháng 7 năm 2017
    Cư sĩ PHAN THANH NHÀN
     

Chia sẻ trang này