CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ---o0o--- Đồng Tháp, ngày 17/7/2013 ĐƠN KIẾN NGHỊ (V/v Đề nghị Quốc hội xem xét, giám sát về việc khiếu nại, khởi kiện kéo dài không được giải quyết đối với vụ vi phạm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của tăng sinh Thích Thiện Huệ, khóa IV thuộc Học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh) Kính gởi : - Ủy BanThườngVụ Quốc Hội nước CHXHCNVN. Đồng kính gởi: - Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc T/Ư tại Hà Nội. - Ban Tôn Giáo Chính Phủ tại Hà Nội. - Hội Đồng Trị Sự T/Ư Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội. Tôi tên: Nguyễn Châu Lang, sinh năm 1956. Địa chỉ: 489 ấp Tân An, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Điện thoại dđ: 0939600138 Là tín đồ đạo Phật Giáo Hòa Hảo (Cử tri công dân) Thưa Uỷ BanThườngVụ Quốc Hội, Chúng tôi xin tổng hợp ý kiến của những tín đồ PGHH có cùng tâm huyết trình bày uẩn khúc vụ việc sau: Khởi đầu là việc phát hiện tập luận văn tốt nghiệp của tăng sinh Thích Thiện Huệ, khóa IV( 1997- 2001) thuộc Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM,có nội dung xúc phạm Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, xuyên tạc giáo lý và miệt thị tín đồ PGHH, đã được giáo sư hướng dẫn Minh Chi và phó Học viện hòa thượng Thích Giác Toàn phê duyệt “ Luận văn đạt yêu cầu” . Để tìm hiểu vụ việc sai phạm trên, ngày 7/12/2012 BTS /T. Ư/PGHH cử đoàn đến Học viện PGVN tại TP.HCM yêu cầu xác định thực hư về bản sao luận văn trên và có trao văn bản số 3771/BDN/BTS/PGHH, đề nghị Học viện trả lời. Về phía tín đồ PGHH các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, phối hợp 40 người vào ngày 9/12/2012 cùng đến Học viện PGVN tại TP.HCM tìm hiểu, trao đổi vấn đề trên và yêu cầu Học viện làm rõ…Sau đó có nhiều tín đồ PGHH lần lượt gởi đơn Khiếu nại, Tố cáo, thư Phản đối, Kháng thư…. đến Học viện, Ban Tôn Giáo Chính Phủ và nhiều cơ quan khác. - Đến ngày 10/12/2012 Học viện PGVN tại TP.HCM gởi công văn số 521/CV/HĐĐH trả lời công văn 3771/BDN/BTS TƯ/PGHH ngày 3/12/2012, với nội dung giải thích 5 điểm nhận lỗi rất chung chung né tránh và đưa ra hướng giải quyết mơ hồ, thiếu thành ý khắc phục thỏa đáng. - Ngày 27/12/2012 nhiều tín đồ PGHH không đồng ý, có viết Kháng phúc đáp, tiếp tục khiếu nại, yêu cầu Học viện tái phúc đáp trách nhiệm hơn, cụ thể hơn, nhưng không được Học viện PGVN tại TP.HCM trả lời. - Ngày 10/4/2013 sau hơn 4 tháng, không thấy Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM tái phúc đáp bổ sung bằng việc thực hiện những cam kết trước đó về việc kiểm điểm buộc Thích Thiện Huệ xin lỗi cộng đồng và khắc phục hậu quả (Đã ghi tại điểm 5 phúc đáp 521/CV/HĐĐH). Quá bức xúc chúng tôi có gởi thêm Khẩn Nghị Thư đề nghị Ban Tôn Giáo Chính Phủ giải quyết. (vẫn không được cơ quan trên trả lời). - Ngày 21/5/2013 sau hơn 5 tháng, chúng tôi viết đơn Khởi kiện gởi Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh An Giang và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao TP. HCM. Đến nay Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao TP.HCM chưa hồi báo. Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh An Giang trả lại hồ sơ kèm theo Phiếu thông báo và chỉ dẫn:… “Nếu ông không đồng ý thì khiếu nại đến Hội Đồng Trị Sự PGVN hoặc Ban Tôn Giáo Chính Phủ xem xét giải quyết”. Tính đến thời điểm này (1/12/2012 – 19/7/2013) đã hơn bảy tháng, chưa có cơ quan lớn nhỏ nào đứng ra giải quyết thỏa đáng vụ việc Thích Thiện Huệ. Thưa Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Qua trình bày khái lược trên, có lẽ Quốc Hội đã hình dung được sự thiếu quan tâm trầm trọng của các cơ quan quản lý Tôn Giáo và hội đồng Trị Sự PGVN cũng như Học viện PGVN tại TP.HCM đối với vụ vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của tăng sinh ThíchThiện Huệ, dẫn đến ùn tắc đơn thư Khiếu nại của tín đồ PGHH ngày càng quá tải. Nay chúng tôi viết đơn kiến nghị này đề nghị UBTV Quốc Hội giám sát, nhắc nhở các cơ quan chức năng kịp thời cải thiện tinh thần trách nhiệm của “Kẻ cầm cân nẩy mực” sớm giải quyết những đơn thư khiếu nại của tín đồ PGHH theo qui định luật khiếu nại tố cáo của công dân để chúng tôi không phải bị từ chối bằng cách im lặng hay cách nầy cách khác. Với tư cách cử tri công dân có tín ngưỡng, chúng tôi chẳng dám “Múa rìu trước cửa Lỗ Ban”vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước, là trung tâm sản sinh hiến pháp và các đạo luật căn bản quan trọng, định hướng điều hành kế hoạch phát triển quốc kế dân sinh cho từng thời kỳ đất nước. Chúng tôi không có ý tranh luận về nền pháp chế hiến định đã khá trưởng thành. Chỉ mong dựa vào những cam kết pháp lý bảo hộ triệt để quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo mà UBTV Quốc hội các khóa đã ban hành trong Hiến pháp 92, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự nước CHXHCNVN, hầu trình bày những nỗi oan khúc đau lòng mà đoàn thể PGHH chúng tôi phải gánh chịu một cách vô lý qua vụ vi phạm của tăng sinh ThíchThiện Huệ vừa nêu, đã gây căm phẫn khôn lường của hằng triệu tín đồ PGHH. Sự việc đã khá rõ ràng có đủ nhân chứng, vật chứng cụ thể mà cách giải quyết của các cơ quan cứ trì trệ đẩy đưa “Thầy đổ bóng, bóng đổ thầy” đến khó hiểu! Nay đã hơn 7 tháng mà tình trạng xử lý vẫn cứ “Thả nổi” chẳng biết trôi giạt về đâu. Xét trên bình diện luật pháp đơn thuần, đạo Phật Giáo Hòa Hảo tuy chưa được hưởng pháp nhân đầy đủ và sự ưu đãi đặc biệt như đạo Phật Giáo Việt Nam, nhưng với những quyền căn bản hiến định, PGHH vẫn được bình quyền hoạt động như các tôn giáo khác, có quyền được tôn trọng và bất khả xâm phạm, hiển nhiên phải được Luật pháp bảo hộ một cách chắc chắn. Không lý gì nay có kẻ “Vô pháp vô thiên” lại ngang nhiên xúc phạm, cố ý lợi dụng tính pháp lý của cơ quan giáo dục Phật giáo VN, viết luận văn tốt nghiệp phỉ báng nặng nề đạo PGHH, mà không được luật pháp xử lý nghiêm minh. Tôi không tin và nhất định không tin luật pháp Quốc gia lại không đủ mạnh để xử lý một tiểu tăng ngang ngạnh, xuyên tạc khuynh đảo cộng đồng tôn giáo khác trắng trợn đến như thế, xin thưa Quốc hội! Trừ phi gã ấy có “lịnh bài miễn tử” Trường hợp ngoại lệ, nếu trong quá khứ, vào thời kỳ loạn lạc phi chính phủ xa xưa (1939 – 1947) có thể xảy ra vụ vi phạm tương tự rồi nhận chìm do thời cuộc nhiễu nhương, dư luận mập mờ, thị phi khó đoán. Nhưng nay vụ vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của ThíchThiện Huệ quá rõ, lại bùng nổ ngay khi nền pháp chế hiến định nước nhà đã quá trưởng thành, đang hoàn thiện một cách qui mô đến thượng tầng, đủ sức hội nhập bình đẳng với hệ thống luật pháp Quốc tế. Về phía hạ tầng việc thực hiện chủ trương dân chủ hóa cơ sở đang được khuyến khích. Quốc hội đã và đang dành một thời gian khá dài trưng cầu sự góp ý dân chủ của tất cả cộng đồng dân tộc và tôn giáo trong tiến trình hoàn chỉnh Hiến pháp 92 theo ý chí toàn dân. Chứng tỏ nền pháp trị có tính phổ quát. Còn gì trớ trêu hơn, ngay lúc này mà Học viện lại để xảy ra việc kiện tụng, khiếu nại kéo dài lê thê song song với cuộc vận động toàn dân góp ý Hiến pháp hơn 7 tháng qua của khối tín đồ PGHH vùng đồng bằng sông nước. Thật đáng tiếc! Thưa Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Một thói quen tốt gần như phổ cập trong nét văn hóa truyền thống Dân tộc ta là : “Có lỗi, biết thành khẩn nhận lỗi” là một đạo lý ứng xử rất bình dân giãn dị. Đôi khi nó trở thành nét văn hóa độc đáo đáng kính, khi nhà lãnh đạo (vua chúa) biết ân cần xin lỗi thứ dân vì những sơ suất khách quan trong việc điều hành đất nước. Các bậc thánh quân thời thượng cổ, mỗi khi nghe thấy người dân phạm hình luật, các ngài đều tự trách: “Do quả nhân thiếu quan tâm giáo hóa”. Đó là cái dũng của “Bậc phụ mẫu chi dân” thời xưa. Ngày nay, nhân loại đã văn minh cực điểm, luật pháp có qui củ rõ ràng và phổ cập, nhà lãnh đạo quốc gia không cần phải tự trách như thế. Chỉ nên có quan tâm giám sát kịp thời, và phán đoán công tâm, giải tỏa oan tình một cách phân minh là cái phước lớn cho dân rồi. Hình ảnh ngài Tổng Bí Thư đứng trước màn hình rơi lệ tự trách và xin lỗi đồng bào vì không hoàn thành việc chống tham nhũng đã để lại một ấn tượng khả kính, xem như một hành động lịch sử đột phá đáng nhớ. Vẫn biết việc xử lý luật pháp không phải mọi thứ đều dễ dàng, có khó, có dễ… người dân không dám cả trách nhà lãnh đạo. Chỉ ngại một điều: “việc dễ hóa khó” “việc khó hóa dễ” là điều đáng ngạc nhiên, nghi vấn đó thôi! Chẳng hạn vụ vi phạm của tăng sinh Thích Thiện Huệ, thật quá cụ thể ai ai cũng biết là hậu quả nghiêm trọng nếu để kéo dài. Vụ việc rất dễ xử lý ngay từ đầu, nếu Học viện PGVN tại TP.HCM có chút thành ý khắc phục, sớm biết tự hối theo tinh thần tam quy ngũ giới là xong,vì cục diện không hề chằng chịt, vướng víu với tổ chức nào, chỉ gói gọn trong “sân trường đại học” PGVN tại TP.HCM, cũng không phải mất thì giờ thu thập thêm chứng cứ… Tất cả lỗi lầm đều hiện rõ trong tập luận văn tốt nghiệp hiển hiện trên màn hình như “Đài nguyệt kiếng” chỉ cần “Download xuống” mà luận tội chắc như “Nêm” đối tượng có vùng vẫy cỡ nào cũng không thể biện minh. Đã dễ xử lý như vậy mà vụ việc cứ để lăn trôi, vô trách nhiệm, phải chăng là việc “dễ lại hóa khó”. Vậy nguyên nhân khó hiểu này do sự trắc trở khách quan từ đâu, hay bởi chủ quan từ tổ chức nào đã khiến trở nên đáng tiếc như vậy? Những mong UBTV Quốc hội quan tâm soi xét bằng nhãn quan của nhà Lập pháp công tâm. Nếu phải đổ thừa cho “Cái gút lịch sử khó mở” do cách nhìn chệch choạc thiển kiến của một số ít cán bộ thời kháng Pháp, bằng định kiến ngờ vực, dẫn đến phán đoán sai lệch về quá trình hoạt động của đạo PGHH trong dòng sử Dân tộc những năm 1939 – 1947, tạo nên sự phân ly trong khối tình Dân tộc, nảy sinh những dư luận sai trái lịch sử, tạo tiền đề thiếu khách quan, gây ngộ nhận cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, tăng lữ… sau này, thì việc xử lý nghiêm Thích Thiện Huệ và Học viện là một đòi hỏi cấp thiết cần sớm thực hiện để tránh khơi lại ký ức thảm họa nồi da. Cổ kim ai chẳng rõ, thời chiến loạn, rất hiếm có sử gia chân chính vô tư, đủ bản lĩnh trung thực khách quan, thủ đắc kiến thức bao quát, thoát ly định kiến chính trị thiên hữu hoặc thiên tả để ghi nhận đúng đắn từng sự kiện lịch sử đa chiều trong tình thế phức tạp lúc bấy giờ. Mặt khác, sự ra đời của nền đạo PGHH rất thâm huyền cao diệu, như một huyền thoại hiếm thấy từ một vị Giáo Chủ trẻ tài ba và đức độ phi phàm, tạo nên sự thành tựu đột phá qui mô về số lượng tín đồ qui ngưỡng ngày càng đông, lại nhanh chóng hòa nhập vào phong trào kháng Pháp như một sức mạnh thần kỳ giúp sức cho dân tộc lúc hiểm nghèo khuẩn bách, khiến nhiều người phải chóa mắt. Một hiện tượng như “phép lạ” cùng tồn tại song hành với lịch sử nhằm thực thi lợi ích cho dân tộc và Đạo pháp mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã hoàn tất bước đầu ngoạn mục như thế, nếu chỉ bằng cách nhìn phàm phu làm sao dư luận chẳng bị chi phối bởi một trong hai lựa chọn: một là thán phục kính tin – hai là ngờ vực đố kỵ… Hành trạng của thánh nhân bao giờ cũng tiềm ẩn sự kỳ bí mà thường nhân không dễ khám phá. Nếu chỉ nhận định bằng lý tính khoa học phôi thai hay suy diễn biện chứng với chính kiến bình thường, không tài nào kiến giải nỗi cơ mầu và thánh ý từ bi của một đấng giác ngộ yêu nước yêu dân. Vì thế Đức Huỳnh Giáo Chủ và PGHH luôn là nạn nhân bị ngờ vực, kỳ thị suốt cục diện lịch sử nhiễu nhương ngoại thù, nội nghịch rất oan ương hơn nữa thế kỷ trước . Ngày nay 2013, sau 38 năm thống nhất, PGHH có đủ sức thuyết phục công luận về tính trong sáng của một tông phái Phật giáo bản địa. Trải qua tuy không ít khó khăn, nhưng PGHH trước sau, vẫn tự tồn một cách kiên nhẫn như một thực thể lịch sử sống động ngày nào, không thêm, không bớt hoặc dấu che sự thật về mình, vẫn sừng sững một nền Giáo lý chân truyền cao vợi như một kho tàng chân lý, khêu gợi sự khám phá của tri thức nhân loại, đủ khả năng loại trừ sự đồng hóa bởi tà sư ngoại thuyết, vẫn đều đặn phát triển khối lượng tín đồ hiền lương chơn chất trong mọi hoàn cảnh thuận, nghịch tự nhiên, luôn tỷ lệ thuận theo tiến độ gia tăng dân số quốc gia, vẫn sùng ngưỡng tuyệt đối vị Giáo Chủ tối cao của mình như tôn kính Đức Phật. Thực tế hiển nhiên đó chính quyền đã từng thấy rõ, nên cũng đã sáng suốt kịp thời công nhận pháp nhân cho PGHH hồi 1999. Tiếc thay, sự thừa nhận tất nhiên này lại không đồng thời với việc từng bước thanh minh lịch sử đối với đạo PGHH cho hợp lẽ công bằng và thích ứng với vị trí pháp nhân đang có của một Đạo Giáo dân tộc chính thống, hầu hóa giải tận gốc những mâu thuẫn trớ trêu từ ý thức cá nhân lầm lẫn trong quá khứ di hại, để hướng dư luận phục hồi nhận thức đúng đắn trở lại, tạo hòa khí cho Dân tộc, Tôn giáo cùng đoàn kết xây dựng Đất nước ngày càng văn minh cường thịnh và nhân đạo công bằng. Trách nhiệm này các sử gia còn quá hửng hờ chưa thể hiện đầy đủ công tâm trong công tác chấn chỉnh lịch sử thời hậu chiến theo tinh thần hòa giải dân tộc. Qui luật thẩm định tất yếu này không có quốc gia tiên tiến nào dám xem thường sau khi tiếp nhận nền độc lập trọn vẹn! Sự chậm chạp ấy đã khiến hiện nay vẫn còn rãi rác đó đây không ít những trang hồi ký,những ấn phẩm lạc lỏng, chủ quan thiếu chính chắn gây “ngộ độc” công luận đang tràn lan trên các cổng thông tin mạng. Ảnh hưởng nặng nề nhất là vụ vi hiến và phạm Thánh của tăng sinh Thích Thiện Huệ, y chẳng hiểu “ất giáp bính đinh” gì cả, cứ “mắt nhắm mắt mở”bị động theo những hồi ức lệch lạc của kẻ xấu, những tư liệu sai trái sự thật, rồi gắn ghép xằng xiên, nhận định bừa bãi, thái độ kiêu căng, tự đánh mất nết hạnh kẻ tu hành, gây cố chấp tư thù vô cớ, khiến hằng triệu tín đồ PGHH phải căm phẫn đồng loạt kêu ca, làm tổn thương không ít cho uy tín cho PGVN và các cơ quan chủ quản. Thưa Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Đối với vụ vi phạm của Thích Thiện Huệ cần được xử lý công bằng, chúng tôi sau thời gian dài kiện cáo bất thành do nhiều nguyên nhân khó hiểu, nay bất đắc dĩ đành phải “ngồi lỳ” trước cổng các nhà lập pháp để cầu cứu Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội giám sát, thúc đẩy giải quyết kịp thời nỗi bức xúc của cộng đồng PGHH chúng tôi .Vì chính quí vị đã từng ban hành các đạo luật Quốc gia, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Chúng tôi không dám xem thường sự cam kết pháp lý trong việc bảo hộ tôn giáo. Nay tôn giáo PGHH chúng tôi đang bị đe dọa bởi sự xâm hại uy tín của tăng sinh Thích Thiện Huệ và Học viện PGVN tại TP.HCM gây chấn động lớn, thật sự rất nguy hiểm! Không ai đủ lớn hơn Quốc Hội trong quyền lực tối cao cả nước này! Do đó chúng tôi xin thỉnh giáo ý kiến chung của UBTV Quốc Hội những câu hỏi sau đây của cử tri tín đồ PGHH và nếu có thể được nhờ Quốc Hội chuyển những thắc mắc này đến Bộ Trưởng Tư Pháp trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”. 1/. Luận văn tốt nghiệp đề tài: “Thực chất của Đạo Hòa Hảo” của tăng sinh Thích Thiện Huệ viết đúng hay sai (có đính kèm)? Nếu đã đúng, xin giải thích và chứng minh cụ thể. Nếu sai như chúng tôi đã trình bày trong đơn Khởi kiện (đính kèm) thì được xử lý bằng hình thức nào cho đúng pháp luật và cơ quan nào chịu trách nhiệm phán quyết sau cùng? 2/. Thời gian 7 tháng qua những đơn khiếu nại của chúng tôi có gì không đúng pháp luật? Với tư cách tín đồ PGHH chúng tôi có được hưởng quyền khiếu nại tố cáo của công dân không, khi tôn giáo chúng tôi bị xâm hại hay chỉ có BTS/TƯ/PGHH mới có đủ tư cách độc quyền đó? 3/. Vì sao Ban Tôn Giáo chính phủ, Hội đồng trị sự/TƯ/PGVN, Học viện PGVN tại TP.HCM… đã nhiều lần nhận đơn khiếu nại của chúng tôi mà không trả lời. Có phải chúng tôi đã sai hay họ đã phân biệt đối xử, cho rằng cá nhân không đáng quan tâm. Để khắc phục yếu kém này những lần khiếu nại sau chúng tôi sẽ xin thật nhiều chữ ký để thể hiện tính cộng đồng có được? 4/. Riêng về đơn Khởi kiện của chúng tôi gởi Viện Kiểm Sát nhân dân tối cao tại TP.HCM chưa được hồi báo bởi lý do gì? Vì sao Viện Kiểm Sát nhân dân An Giang trả lại hồ sơ và chỉ dẫn cho chúng tôi Khiếu nại đến Ban Tôn Giáo chính phủ, và Hội đồng BTS /PGVN (Hai nơi mà chúng tôi đã từng 3 lần gởi đơn không được trả lời, liệu lần này có được trả lời?) . 5/. Nếu như cuối cùng vụ vi phạm của TT Huệ không cơ quan nào giải quyết thỏa đáng. Chúng tôi phải làm gì bước tiếp theo? Thời hạn chót dành cho vụ xử lý đối với TT Huệ chúng tôi phải kiên nhẫn chờ bao lâu nữa, xin Quốc Hội giới hạn khoảng thời gian tương đối bằng con số được? 6/. Chúng tôi có thể khiếu nại trực tiếp với trường Univer Sity of Pune Ấn Độ (nơi Thích Thiện Huệ đang du học) và đến các cơ quan Tôn Giáo thế giới… được không, hay cùng nhau đến Học viện PGVN tại TP.HCM trực tiếp yêu cầu họ giải quyết, hoặc khiếu nại đến Thủ tướng, Chủ tịch Nước, Tổng bí thư? Vấn đề có khó khăn đến ngần ấy không, chỉ yêu cầu hành vi xin lỗi của kẻ xuất gia phạm tội trọng nghịch mà phải mất hơn 7 tháng đầy tốn kém, khổ ải vô biên, có quá bất công vô lý không, xin thưa Quốc Hội? Xin Quốc hội đừng quay lưng với những cử tri tín đồ PGHH đã và đang tôn trọng luật pháp do Quốc hội lập ra. Đừng để chúng tôi thất vọng! Thưa Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Dù thế nào chúng tôi cũng vẫn kiên nhẫn tin vào luật pháp nước nhà, rất trông đợi vai trò giám sát và thúc đẩy của Quốc hội đối với các cơ quan Hành pháp, Tư pháp có liên quan sớm giải quyết dứt điểm vụ vi phạm của tăng sinh Thích Thiện Huệ, trả lại sự công bằng cho đoàn thể chúng tôi vốn là một Tôn giáo đã được Nhà nước bảo hộ “Có công chứng”. Đừng để vụ việc đáng tiếc này trở thành mối hiềm khích lớn lao, ngày càng lan rộng trong cộng đồng các Tôn giáo, trở ngại cho kế sách an dân và di hại cho nhiều thế hệ tương lai. Rất mong UBTV Quốc Hội tận tình giúp đỡ chúng tôi. Xin Quốc hội và bộ trưởng Tư pháp vui lòng trả lời nội dung trên bằng văn bản, chúng tôi chân thành cảm ơn. Trân trọng kính chào đoàn kết. Người gửi Nguyễn Châu Lang Nơi nhận (Để biết và giúp đỡ): - Ban Dân Nguyện Quốc Hội. - Bộ trưởng Bộ Tư Pháp. - Nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. - UBMTTQ VN các tỉnh TP phía Nam. - BTS/TƯ/PGHH và BĐD/PGHH các tỉnh, TP. - Học viện PGVN tại TP.HCM .