BỨC MÀN VÔ-MINH Chúng ta thường nghe nói đến hai tiếng "VÔ-MINH" và trong quyển Khuyến-Thiện của Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng có câu : "Màn VÔ-MINH che mờ căn trí Nên thường hay nhận ngụy làm chơn" Vậy VÔ-MINH là gì ? Hiểu theo nghĩa cao, Vô Minh là những sự kiện Vô chấp Thực.Theo nghĩa thông thường, Vô-Minh là mê muội, mờ ám, dốt nát, tối tăm . Đối với việc nào ta chưa hoc, chưa hiểu thì còn Vô-Minh. Trẻ nhỏ đối với người lớn là Vô-Minh, người lớn đối với Thần-Thánh là Vô-Minh, Thần-Thánh đối Tiên-Phật là Vô-Minh. Khi mới đầu thai trên thế gian nầy lần thứ nhất thì linh hồn chưa biết chi cả. Vô-Minh khởi từ lúc đó. Càng ngày càng học hỏi, kinh nghiệm, con người mới phá lần bức màng Vô-Minh. Xét ra ai cũng có Vô-Minh, không nhiều thì ít . Từ những kẻ lạc hậu, dã man cho đến các nhà bác học, văn minh tót chúng, không một ai dám tự hào là mình được hoàn toàn sáng suốt . Tất cả mọi người dường như đều bị một bức màng đen che phủ làm cho không còn nhìn đúng được mọi việc chung quanh. Bức màn ấy tức sự mê muội, dốt nát, người ta gọi là bức màn Vô-Minh vậy. NHỮNH HÌNH THỨC CỦA VÔ-MINH Vô Minh có nhiều hình thức khác nhau như Độc-hành Vô-Minh, Tương-ứng Vô-Minh .v…v.. Nhưng tựu trung vẫn không ngoài sự mê muội, dốt nát, nhận huyễn làm chân. Những kẻ trình độ thấp kém thì dốt những việc ở cõi hữu hình lẫn cõi vô hình. Họ rất vô minh. Những nhà thông thái, bác học thấu hiểu nhiều việc trong cõi hữu hình, thì cũng vẫn còn u tối mịt mờ đối với những gì ở cõi vô hình, như thế họ vẫn còn Vô Minh. Người Vô Minh không rõ được các luật thiên nhiên và thường làm trái với cơ trời. NƠI CÕI HỮU-HÌNH Một nông dân không biết được loại đất nào hạp với giống cây nào, không rành luật dinh dưỡng, bón phân sái cách làm cho các loại cây trồng phải cằn cỗi, khô héo, đó là Vô-Minh . Người ăn uống, nghỉ ngơi, chơi bời không có tiết độ để đến nổi phải bệnh hoạn, đau ốm cũng là Vô-Minh . Người chưa thông hiểu các khoa học vật chất do nhân loại tìm ra cũng là Vô-Minh . Người bị vật chất (lợi danh, sắc đẹp, quyền tước) lôi cuốn cũng là Vô-Minh . Nói thế không phải các nhà bác học, thông thái, tinh tường các khoa học vật chất, rành pháp luật ở cõi Đời thì không còn Vô-Minh nữa mà trái lại họ cũng vẫn còn Vô-Minh vì những hình thức Vô-Minh kể trên đều thuộc về cõi hữu hình . Mặc dầu họ đã sáng tỏ một phần nào đối với các vấn đề ở cõi nầy (hữu-hình), song họ vẫn còn mù mờ đối với những vấn đề thuộc cõi vô-hình . Như thế, đối với các cõi vô-hình, họ là những người Vô-Minh vậy. NƠI CÕI VÔ-HÌNH Thế nào là Vô-Minh nơi cõi vô-hình ? Những phát mình về khoa học vật chất đã đưa nhân loại đến một trình độ hiểu biết rất cao tuy nhiên những người đã nổi tiếng là nhà "Bác-Học" cũng không sao giải thích được cho chí lý (nếu họ không tìm học về cõi vô-hình) mục đích thật của con người sanh ra để làm gì ? Con người có linh hồn không, linh hồn con người như thế nào, khi chết rồi linh hồn con người sẽ ra sao ? Con người có luân hồi (đầu thai lại) không và khi luân hồi lại con người có còn giữ những gì đã tạo ra ở kiếp trước không ? Họ không thế giải thích một cách thỏa đáng tại sao lại có hạng thần đồng mới năm, ba tuổi mà đã nổi danh khắp thế giới . Nào là thần đồng âm nhạc, thần đồng hội họa, thần đồng thi văn, thần đồng về khoa diễn thuyết bằng nhiều thứ tiếng . v . . v . . Hạng thần đồng nầy vừa sanh ra là đã thông minh tót chúng, mà họ có học một ngày nào đâu ? ! Và tại sao con người vừa sanh ra đã có sự khác biệt về vật chất lẫn tinh thần từ trong bụng mẹ ? Người thì lành lặn, người thì đui cùi, người thì thông minh, người lại tối tăm dốt nát, người thì ở trong gia đình giàu có, người lại sa vào cảnh trạng đói nghèo ? Đặc biệt hơn nữa là có người cha mẹ mạnh khỏe, minh mẫn mà con cái sanh ra lại bệnh hoạn, ngu đần, còn kẻ quê dốt, ốm gầy lại có con thông minh, bụ bẩm ? Như thế, nếu có nói là do sự di truyền, nòi giống cũng không được . Vì không hiểu gì về cõi Vô-Minh, nên họ chỉ biết có cõi hữu-hình . Do đó mà con người cứ lo nghĩ về vật chất, ham giàu sang, sung sướng, tom góp cho của chất đầy rương, chạy chọt để có quyền cao, tước trọng . Có người không ngần ngại gì mà không thẳng tay đàn áp bóc lột, tàn sát đồng loại để lấy lợi cho mình . Họ chỉ nghĩ đến kiếp sống hiện tại mà không biết gì đến những kiếp sống tương lai để rồi cứ mặc tình gây tội lỗi chồng chất. VÔ-MINH LÀ NGUYÊN NHÂN, CỘI RỄ CỦA TỘI LỖI, ĐAU KHỔ VÀ LUÂN HỒI Từ ngàn xưa, Đức Phật đã dạy Vô-Minh là nguyên nhân, cội rễ của các tội lỗi, của sự đau khổ và luân hồi, xét ra thật không còn gí chí lý bằng . Tại sao ta gây ra tội lỗi ? Có phải chăng vì chúng ta Vô-Minh (mê muội, dốt nát) ? - Đúng như vậy ! Một đứa trẻ còn mê muội, dốt nát nên không hiểu gì là lễ nghi, phải quấy, lợi hại, nguy hiểm . Một tên trộm vì mê muội dốt nát không biết phải làm gì để sống và do đó phải đói khát, đến nỗi sanh ra mù quáng không còn nghĩ đến những hình phạt đang chờ đón, danh dự sẽ bị chà đạp và sự đau khổ của người mất của . Một kẻ chơi bời, trụy lạc vì mê muội, dốt nát, không thấy cái hậu quả tai hại của việc mình làm, không hiểu rằng những khoái lạc chỉ có trong khoảnh khắc và sau đó chỉ còn là sự chán nản, buồn phiền vì sức lực giảm suy, thân hình tiều tụy, gia đình tan nát, hạnh phúc tiêu tan . Trong hàng trí thức, bác học, nhiều người chỉ biết có cõi trần mà không chịu tìm gì thêm ở cõi khác, không tìm hiểu mục đích thật của con ngừơi sanh ra để làm gì, cứ lo làm sao để cho được tiếng tăm lừng lẫy, sống cuộc đời vật chất đầy đủ, năm thê, bảy thiếp, tiền của thật nhiều, nhà to, xe đẹp, chưng diện cho sang sung sướng hơn người . Họ không nhận được đâu là chân, đâu là giả, cái gì vĩnh cửu trường tồn, cái gì giả tạm phù du . Họ không nhớ rằng những thú vui vật chất chỉ được hưởng cao lắm là một đời và khi con người nhắm mắt lìa trần thì giàu sang cũng như nghèo hèn chỉ còn nắm lấy hai bàn tay trắng, xác thân sình thúi, tan rã, của cải, uy quyền, vợ đẹp, nhà cao không có gì đem theo được cả ! Vì thế trong Khuyến Thiện mới có câu :"Màn Vô-Minh che mờ căn trí Nên thường hay nhận ngụy làm chơn Lo huyễn thân vật chất kém hơn Chẳng tìm biết tinh thần Phật Giáo ." Cũng vì sự Vô-Minh ấy mà tên trộm cứ lấy của người, những kẻ trụy lạc cứ đâm đầu vào hố sâu tội lỗi, đứa trẻ chưởi mắng người lớn khi bị ngăn cản không cho chơi những trò chơi nguy hiểm, nhiều nhà trí thức đem sở học của mình để bóc lột, đàn áp, giết hại đồng bào, nhân loại . Và khi con người Vô-Minh mà gây ra tội lồi thì không sao tránh khỏi bị quả báo trả lại như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy :"Luật nhân quả thật là cao viễn Suốt cổ kim chẳng lọt một ai" . Đức trẻ ắt sẽ bị đòn, kẻ trộm bị tù tội, người trụy lạc thì bệnh hoạn vày vò, kẻ trí thức kia sẽ bị luân hồi để lãnh những quả không lành mà họ đã làm . Cũng có thể họ bị trừng phạt trong kiếp nầy khi họ còn sống đúng với câu:"Ngày xưa quả báo thì chầy Ngày nay quả báo một giây nhãn tiền" . Họ sẽ bị nhiều đau khổ . Sau cùng, vì Vô-Minh, cứ gây thêm tội lỗi, con người đền tội ở kiếp nầy không hết nên phải luân hồi để tiếp tục đền tội ở kiếp kế tiếp . Nếu con người không lo tu học để được giác ngộ, sáng suốt, cứ để cho bức màn Vô-Minh che lấp mãi thì đời đời, kiếp kiếp không biết bao giờ mới hết tội lỗi, đau khổ và thoát đọa luân hồi .LÀM CÁCH NÀO ĐỂ VÉN MÀN VÔ-MINH Đức Phật dạy rằng Vô-Minh (sự mê muội dốt nát) sanh ra lòng tham dục và khi lòng tham dục không được toại con người mới tìm đủ mọi cách để thỏa mãn dù cho việc làm có bất nhân, tàn ác . Họ gây ra nhiều tội lỗi và phải chịu luân hồi để trả quả, thế nên kiếp sống của họ rất khổ sở, đau đớn. Muốn dứt được sự đau đớn đó, thì cần phải thoát khỏi luân hồi, mà muốn thoát khỏi luân hồi thì cần phải trừ tham dục, muốn dứt lòng tham dục thì phải trừ khử sự Vô-Minh, mà muốn phá tan bức màn Vô-Minh, con người phải bền chí, mở rộng lòng bác ái, vị tha, sửa sang tánh hạnh, mở mang trí huệ, tư tưởng cho minh chánh và diệt cái ý ham muốn những chuyện vui vẻ thấp hèn, nhất là sự tham sống vì sự tham sống là nguồn cội của sự luân hồi . Ngày nào dứt được sự tham sống thì ngày đó hết đầu thai lại nữa và con người nhờ hành đạo bát chánh và sự thiền định mà được tỏ ngỏ trọn lành, đến chỗ thanh tịnh cực điểm gọi là Niết-Bàn. Nhờ thiền định mà ta có dịp suy gẫm điều hơn lẽ thiệt, nẻo chánh, đường tà, phân biệt đâu là chơn, đâu là giả, tâm ta lần lần trở nên yên tịnh, trí ta trở nên sáng suốt, và ta sẽ phá được bức màn Vô-Minh một cách dễ dàng. Trong phần luận về "Bác Chánh Đạo" trong mục "Chánh-Định" Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dạy: "Con người thường có những ý định làm cho mình được sang thêm lên, được giàu thêm lên, được sung sướng thêm lên ... nghĩa là những ý định hoàn toàn nhỏ nhen, thấp thỏi. Họ không hiểu rằng cuộc đời là giả tạm, nay vầy, mai khác, thân thế lạc luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo. Những cái sanh, cái bệnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người nầy rồi đến người khác ... rồi người khác nữa, nghĩa là tất cả nhân loại không thiếu sót một ai. Thế mà họ vẫn cuống cuồng tâm trí theo bả lợi danh, mùi phú quý đi theo những vặt vụn tiểu ti eo hẹp. Họ không chịu hiểu rằng ngoài kiếp phù du của trần thế, còn có cái gì không đi, không dịch, vĩnh viễn trường tồn. Nếu lấy sự Thiền-Định phá tan màn u-minh (Vô-Minh) che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn, hết khổ, hết quả báo, luân hồi. Và khi ta dùng sự Chánh-Định dẹp bỏ hết các sự phiền não buồn rầu, phá tan các làn sóng thị dục lôi kéo vào những nẻo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm một màu sáng suốt không nhiễm ô cảnh ngoại dứt tuyệt hết sự phàm trần, lần bước đi đến cõi giả thoát". Trúc Lâm