Hỏi và đáp

Discussion in 'Trao-Đổi Đạo Vị' started by mynuong121, Aug 24, 2012.

  1. mynuong121

    mynuong121 New Member


    CẦN CẨN TRỌNG SỰ SUY LUẬN SAI LẦM TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO.

    [​IMG]

    “Nghe cạn lời chớ có mờ hồ
    Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo”

    Theo quan điểm trong nhà Phật, giáo pháp của Đức Phật là phương tiện để dìu dắt chúng sanh, như những liều thuốc để chữa lành con bệnh, bởi chúng sanh có nhiều thứ bệnh như: cảm phong (trung gió), cảm hàn (lạnh cúm), cảm thử (trúng nắng), cảm thấp (trúng nước), táo bón (trong người khô khan), hỏa (sốt), đây là sáu tà khí.. Ngài như là một vị y-vương, để trị lành các bệnh, bệnh đây cũng là bệnh phiền nảo, do sáu căn đắm nhiễm sáu trần, trong tâm của chúng sanh có 84,000 trần lao phiền não, Phật mới dùng 84,000 phương pháp để trị liệu. Nói tuy rất nhiều nhưng tóm lại chỉ có hai pháp thiên chấp, đối đãi tâm không được bình-đẳng.
    Chú thích sáu căn gồm: Mắt, Tai, Mủi, Lưỡi, Thân, Ý. Nhiểm từ sáu trần: Sắc (màu sắc), Thinh (âm thanh), Hương (mùi thơm hôi), Vị (miếng ăn ngon dở) Xúc (cảm xúc nóng lạnh, cứng mềm), Pháp (có không, thành bại, vui buồn, được mất.v.v..

    Sắc đối Không, Hữu đối Vô, Thương đối Ghét, Vui đối Buồn, Thành đối Bại, Có đối Không, Còn đối Mất, Trên đối Dưới. v.v..

    Nói tóm lại vì chỗ thiên chấp này mà chúng ta hiểu lầm giáo pháp của các Ngài.

    Lời của Đức Huỳnh Giáo Chủ nói rất rõ ràng mà một ít chúng ta lại hiểu lầm ra là Ngài bác bỏ sự lễ bái, chúng tôi xin trích dẫn hai câu thánh ngôn trong “Sám giảng quyển 3”, cầu mong chư quí độc giả và đồng đạo quan tâm khảo sát, hai câu Thánh ngôn dưới đây.


    “Tu không cần lạy cần quỳ
    Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau”..
    Nếu hiểu lầm rằng tu là không cần lạy mà cần nên quỳ. Điểm nầy xin lưu ý Đức Thầy viết câu nầy, không có dấu phẩy giửa hai chử “cần lạy cần quỳ”, đây là một liên từ xin lưu ý rỏ…

    Theo nghĩa trắng từ ngử của câu “Tu không cần lạy cần quỳ” là cốt ở chổ trau sửa thân tâm, không phải ở chổ lạy quỳ hay vái van, xin xỏ). “Ngồi đâu cũng sửa” là bất cứ nơi nào cũng tu được, không đợi chổ thờ phượng chùa chiền am cốc mới là chổ tu, vì có nhiều người hay chấp sự, phải có hình thức cúng lạy mới gọi là tu, nên Đức Thầy dùng hai câu này để phá chấp, chớ Ngài không bao giờ bác bỏ sự cầu nguyện và lể bái. Ngài đã thường khuyên nhắc tín đồ,

    “Thường nguyện cầu siêu độ tổ tông”
    Hay là:
    “Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu.
    Thì sẽ được tòa chương dựa kế”..
    Và Ngài đã dạy sự cúng lạy của người cư-sĩ tại gia:
    “Bốn phương điều nguyện vậy thì,
    Cúi đầu bái tạ từ-bi Phật, Trời.
    Sớm chiều bình đẳng chớ lơi,
    Thường hành như vậy nhớ lời đừng sai”..
    (Viếng làng Nhơn nghĩa)
    Trước hết xin định nghĩa chử Tu, Tu theo cái nghĩa thông thường là sửa, sửa ác ra lành, sửa hung ra hiền, sửa dại thành ngay, sửa dốt ra thông, sửa hư hèn thành đúng đắng.v.v.. ở đây Ngài chỉ luận về chữ Tu.. Thật vậy tu là sửa thân, khẩu, ý, chớ đâu phải là chổ thờ phượng lễ bái không thôi..Theo hoài bảo của Đức Thầy là:

    “Mong sanh chúng tâm thành trở lại,
    Dầu cực khổ thân này chẳng nại!
    Chẳng cần ai bái lạy khẩn cầu,
    Bỏ dị-đoan mới thấy đạo mầu.
    Bớt giả dối gặp người thượng cổ.
    (Giác mê tâm kệ)
    Điều cần yếu là:“làm hết các việc từ thiện tránh tất cả những điều độc ác, quyết rữa tấm lòng cho trong sạch..” (đường trung đạo)

    Thường con người do 3 nghiệp chướng, nên sanh ra 10 điều ác:

    1- Thân Nghiệp sanh 3 điều ác:

    - Sát sanh (sát giết sanh mạng người và loài vật)
    - Đạo tặc (trộm cướp)
    - Tà dâm (nam, nữ, thông dâm vượt ngoài vòng lễ giáo)

    2- Khẩu Nghiệp sanh 4 điều ác:

    - Lưỡng thiệt (miệng lưỡi đâm thọc làm cho thiên-hạ bất hòa)
    - Ỷ ngôn (lời ỷ thị nhiết sài kẻ dưới tay)
    - ÁC khẩu (lời chưởi rủa thô lổ tục tằn)
    - Vọng ngữ (nói dốc , nói láo, nói thêm thừa, nói không có sự thật)

    3- Ý Nghiệp sanh 3 điều ác:


    - Tham lam (lòng dục vọng ham muốn )
    - Sân nộ (tánh nóng nảy)
    - Mê si (tối tăm ngu dốt)

    Tu có nghĩa là dứt trừ 10 điều ác, để thực hành 10 điều lành..


    - Không sát sanh, - phải trai giới, phóng sanh.

    - Không trộm cướp, - phải làm hết các việc nghĩa.
    - Không tà dâm, nam, nữ, - phải giữ tấm lòng chung thủy và lễ-độ.
    - Không nói lời đâm thọc, - phải nói lên những lời sự thiệt, làm cho mọi người được hiểu
    nhau, sống hòa nhã, không gây gổ.
    - Không nói lời ỷ ngôn, - nên dùng những cam ngôn, mỹ từ, ngọt ngào, êm dịu.
    - Không nói lời ác đức, - nên nói những lời hiền lương, đức hạnh.
    - Không nói dối, - nên nói những lời chơn thật, công bình, chánh trực.
    - Không tham lam, - nên mở rộng lòng bố-thí.
    - Không sân hận, - nên mở lòng rộng lòng khoan dung, tha thứ, nhẫn nhịn.
    - Không mê si, - phải cố gắng học Phật, và trau giồi trí-huệ, để được giác ngộ.
    Nói tóm lại; Tu là thấy chổ nào trật là sửa, thấy chổ nào đúng là làm, đâu phải chỉ là chổ thờ phượng lễ bái, cúng cầu..

    “Còn sự lễ bái là điều phụ thuộc là món trợ đạo, để nhắc nhở các trò nhớ phận sự mà làm, cần nhứt là ở chổ giữ giới luật hằng ngày..” (Lời khuyên bổn đạo) trong 7 bài pháp luận của Đức Thầy.


    “Nền đạo đức ta bày quá cạn
    Mà dương gian còn gạn danh từ..”
    (Giác mê tâm kệ)
    Theo nhận xét sự thờ phượng, cúng cầu, lễ bái là nói lên tấm lòng tin-tưởng, thành kính đối với các Đấng thiêng liêng. “ Lễ Phật giả kính Phật chi Đức” lạy Phật là vì kính cái Đức của Phật. Hoặc: “Dỉ kỷ tối thượng chi đảnh, lễ Phật tối ty chi túc, kính chi trí giả” tạm dịch: dùng cái đỉnh đầu cao nhứt của mình, lạy xát dưới bàn chân của Phật, đó là ta đem hết lòng tôn kính vậy.

    “Ngày nay một xá một quỳ
    Ngày sau sẽ ngự liên-trì muôn thu..”

    (Thanh-Sĩ)
    Nếu chỉ thờ phượng cúng cầu lễ bái mà không tu, đó là người chưa hiểu gì về Đức Phật, “Bất thức Phật giả, Nhi tín Phật, Quá ư báng Phật” không hiểu Phật , mà tin Phật còn hơn người hủy báng Phật. Người mê tín, thật là tai hại cho đạo Phật, làm cho kẻ ngoại đạo nhắm vào chê bai, nhạo báng.. Thật rất uổng công trình thờ cúng lễ bái của chúng ta vậy.
    Bởi vì Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ, bác-ái vô cùng quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm-luân khổ hải, vậy tu theo Phật là làm y theo lời của Ngài đã chỉ dạy, “Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiên theo cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo dạy ta, ta phải làm theo cách nấy, Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng ta khá vâng lời” lời khuyên bổn đạo trong bảy bài pháp luận của Đức Thầy. “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” Đức Thầy dạy: Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra một tín đồ chân thành của đạo Phật được. Tại sao vậy?


    Vì đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng: “các người hảy thờ lạy ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại, Ngài dạy rằng:“ các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình” Thiệt-hành theo giáo-lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng vậy.

    Ta hảy đem đức tin trong sạch mà thờ kỉnh Phật và hãy đem lòng lành, mà hành động y theo lời phán dạy của Phật.

    Nhận xét trên, lễ bái cũng là điều quan trọng, nhưng ở đây quan trọng là nói về chữ tu. Nếu tu mà không có thờ kính lễ bái, công phu, chúng ta là kẻ biếng nhác, kém lòng tin tưởng, thiếu sự kính thành, rồi bị thối thất đạo tâm, đạo quả không thành tựu.


    “Hương đăng nghi ngút lễ vọng cầu,
    Cám lòng bá-tánh nguyện từ câu.
    Chí quyết một lời ta độ tận,
    Dắt chúng lánh xa cỏi mộng sầu..”

    (Trong bài tối mồng một)

    “Hơn năm dư quyết chí duy trì,
    Truyền sanh chúng phải kính thờ Trời, Phật.
    (trao lời cùng ông Táo)
    Còn thờ phượng cúng bái là thể hiện tấm lòng tin tưởng thành kính, siêng năng.. Nếu không tu sửa, thì không có bổ ích gì cho mình cả và thiên hạ lại cho mình là người mê tín, thật là tai hại, rất uổng công trình thờ kính lễ bái của ta vậy. Như thế đạo quả cũng không thành tựu.

    “Vào chùa lạy Phật lu-bù.
    Cầu tài hết chín cầu tu có một người..”
    hoặc là:
    “Niệm Phật tụng kinh để khẩn cầu,

    Lòng còn chất chứa những mưu sâu.
    Dầu cho lễ bái bao năm tháng.
    Đức Phật Ngài nào có chứng đâu..”
    (Thanh-Sĩ)

    hay là:
    “Bước vào chùa thấy Phật lạy dài,
    Lui khỏi cửa ra tay cấu xé..”
    (Giác mê tâm kệ)
    TƯỞNG NHỚ PHẬT CHỚ NÊN SÁI BUỔI?

    Đoạn văn Đức Thầy dạy: “Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bửa”..

    Ám chỉ như mỗi ngày: Con người có hai buổi cơm để nuôi thân sống, mà ta còn lo suốt cả đời chưa xong.. còn cầu về Tây-Phương Cực-Lạc lại còn khó vạn lần hơn hai bửa cơm, vậy mà chúng ta không tranh thủ! nên Đức Thầy khuyên chúng ta nên niệm Phật không rời giây phút nào, cũng giống như lo hai bửa cơm mà ta phải lo suốt ngày vậy..

    Trong sinh hoạt hằng ngày có 4 buổi: sớm, trưa, chiều, tối.. Đức Thầy khuyên chúng ta niệm Phật không nên bỏ xót buổi nào, nếu bỏ xót thì như là “sái” buổi vậy.

    “Muốn niệm Phật bất cần sớm tối,
    Ghi vào lòng sáu chử Di đà.
    Thì hiền lương quên mất điều ta,
    Đặng hạnh phúc nhờ lòng cố gắng..”
    (Giác mê tâm kệ)

    “Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bửa,
    Vọng Cửu-Huyền sớm tối mới mầu..”
    (Kệ dân người khùng)
    Nói tóm lại, tưởng nhớ Phật chớ nên sái buổi, nghĩa là không bỏ xót thời nào. Lúc nào cũng niệm..
    “Chử lục tự trì tâm bất viễn,
    Thì lâm nguy có kẻ cứu mình..”
    (Kệ dân người khùng)
    Nói tóm lại người tu hành theo bất cứ một tôn giáo nào, cũng phải thực hiện nghi thức thờ cúng, lễ bái, cầu nguyện, để thể hiện tinh thần tín ngưỡng và kính trọng, ngoài ra còn cầu nguyện các đấng thiêng-liêng trợ lực. Ngoài sự thờ kính, lễ bái chúng ta còn phải trau sửa thân tâm.. Vừa tu tự lực (tự tu tự chứng), vừa nhờ tha lực (nhờ sực trợ lực của Đức Phật), thì đạo quả chắc chắn sẽ được thành tựu.

    NAM-MÔ BỔN-SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.

    NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT.
    NAM-MÔ PHẬT-TỔ PHẬT–THẦY.
    HỒNG LIÊN CƯ SĨ
    CẨN BÚT
     

Share This Page